Cu Ba phát triển giống cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Sau nhiều thập kỷ không ngừng cải tiến các giống cây trồng để thích ứng với những điều kiện khí hậu nhiệt đới khu vực Ca-ri-bê, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc gia Cu Ba (INIFAT) đã bắt đầu tiến hành trồng thử nghiệm với hy vọng các loại cây này có thể chống chịu hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Các chuyên gia ở đây cho biết việc nghiên cứu thành công một giống cây trồng như vậy đòi hỏi khá nhiều thời gian và công sức. Tùy theo từng giống cây, nhóm nghiên cứu có thể mất từ 5 – 15 năm, thậm chí còn hơn thế. Công việc nghiên cứu thông thường vẫn tập trung vào ba tiêu chí chính là khả năng tồn tại, sinh trưởng và sức đề kháng của cây trồng.

Kháng hạn là một trong những mục tiêu chính mà các nhà nghiên cứu Cu Ba hướng tới khi cải tiến các giống cây trồng (Ảnh: Jorge Luis Baños/IPS)

Theo dự báo, đến năm 2020, khu vực Mỹ Latinh và Ca-ri-bê sẽ phải hứng chịu một số ảnh hưởng nhất định, tuy không lớn, từ hiện tượng nóng lên toàn cầu. Những ảnh hưởng ấy sẽ định hình rõ nét hơn sau năm 2050. Trong bối cảnh đó, việc tìm ra các giống cây trồng có khả năng thích ứng cao với biến đổi khí hậu là hoàn toàn cần thiết. Đây cũng là cách thức giúp các quốc gia đang phát triển như Cu Ba có cơ hội đi lên trên con đường phát triển bền vững.

Thời gian qua, INIFAT đã nghiên cứu cải tiến trên 30 loại rau, quả phổ biến ở Cu Ba như cà chua, hạt tiêu, hành, tỏi, dưa chuột, dưa lưới, dưa hấu, cà rốt, đậu, cà tím, rau diếp…

Trong vòng 20 năm trở lại đây, có khoảng 40 – 45% lượng rau, quả sạch được trồng trong khu vực thành thị và vùng ngoại ô. Với nỗ lực lâu dài, Cu Ba hiện đã nắm trong tay nhiều giống cây trồng có thể kháng sâu bệnh, hạn hán và trồng được trái mùa như giống bắp cải “marien”, xà lách “arugula”, hành Ca-ri-bê 71, súp lơ nhiệt đới F8…

Các nhà khoa học Cu Ba dự kiến sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển các loại rau, quả có khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu khi cả mùa đông và mùa hè đều ấm hơn.