Mùa hè – Nhớ hương vị của Sấu

ThienNhien.Net – Ai đã từng sống nhiều năm ở Hà Nội đều có chút kỷ niệm vương vấn với quả sấu. Hàng năm, khi lũ ve sầu cất tiếng hát râm ran là lại đến mùa sấu. Lúc ấy, quả sấu được bán rất nhiều tại các chợ ở miền Bắc. Món quà đặc trưng này đã níu chân biết bao người, từ già trẻ, sang hèn… Nếu ở miền Bắc, trong mâm cơm của mỗi gia đình không thể thiếu món canh sấu thì người miền Nam lại không quên hương vị của món ô mai sấu. Sấu đã hiện diện ở khắp nơi, ghi sâu trong kí ức tuổi thơ của người Hà Nội cứ mỗi độ hè về.

Tháng 5, trên những con đường phủ đầy lớp hoa sấu, mỗi lần có cơn gió thổi qua lại rụng rào rào. Đợi cho lớp hoa tàn hết là những quả sấu non bắt đầu nhú lên rồi già dần và rụng đầy vỉa hè. Nhớ ngày xưa, bọn trẻ con vẫn thường rủ nhau mon men nhặt sấu rụng bên Bờ Hồ. Giờ thì sấu vẫn rụng nhưng trẻ con ngày nay không còn thích cái “trò chơi” này nữa rồi.

Quả sấu từ lúc còn non cho tới khi chín vàng ươm đều hấp dẫn đủ mọi lứa tuổi. Quả sấu mới nhỉnh bằng đầu ngón tay cái, hột còn rất mềm, đã được cạo sạch vỏ, cắt khoanh, ngâm trong nước đường, thứ đường cát vàng vàng, thêm gừng giã nhỏ, đựng trong lọ thủy tinh thành món sấu dầm, là món quà hấp dẫn không chỉ lũ học trò nhỏ mà còn khiến bao nữ sinh tha thướt với bộ trang phục quần trắng áo dài đang đạp xe tới trường cũng phải ứa nước miếng thèm thuồng.

Quả sấu già hơn một chút, thì được dùng để ngâm muối. Quả sấu được cạo vỏ, rửa sạch rồi ngâm muối chừng 4-5 tiếng. sau đó vớt ra ủ với đường cho đến khi ra hết nước là có thể dùng như một thứ nước giải khát. Cách ngâm này có thể để được hàng năm, lâu hơn so với ngâm dường.

Nhiều năm nay, tại các quán giải khát bình dân, bên cạnh cốc chè đen đá, cốc thạch đen, thạch trắng, chân châu, chanh muối… ta lại được thưởng thức cốc sấu đá. Một cốc nước sấu có đủ vị ngọt của đường, vị mặn của muối, vị chua và thơm của sấu.

Khác với me, tai chua v.v.., vị chua của sấu rất riêng, đậm và có mùi thơm, tạo cho những bát nước canh một vị chua mát. Bởi vậy, những quả sấu xanh còn được gọt vỏ cho vào nồi nước rau muống luộc để có bát canh chua, hoặc dầm vào bát nước mắm ớt chấm rau. Rồi bát canh chua thịt nạc, những bát canh riêu cá hoặc sườn nấu sấu bày trên mâm cơm giữa buổi trưa hè nóng nực sao mà hấp dẫn.

Nhưng quả sấu xanh “lên giá” nhất khi được các bà, các chị cạo sạch vỏ chế biến thành những quả ô mai chua chua, ngòn ngọt sau khi đã được ướp bao loại gia vị, rồi được sấy tới một độ khô vừa phải, sao cho quả ô mai vẫn mềm mà lại bảo quản được cho tới vụ sấu năm sau. Chỉ riêng món ô mai sấu cũng đã được làm thành nhiều loại như: sấu chua dòn, sấu dầm chua cay, sấu dầm chua mặn, sấu ngọt, sấu ngâm gừng v.v… và loại nào cũng rất “đắt hàng”.

Không chỉ dược coi là một loại gia vị, quả sấu cũng giàu dược tính nên trong Đông y có sử dụng làm thuốc trị liệu một số bệnh chứng đạt hiệu quả. Đông y cho rằng, quả sấu lúc xanh có vị chua hơi chát, khi quả chín có vị chua, ngọt, tính mát, có công năng kiện vị sinh tân, tiêu thực chỉ khát, chỉ ho, tiêu đờm, sử dụng trị nhiều bệnh chứng như nhiệt miệng khô khát, ngứa cổ, đau họng, nôn do thai nghén, say rượu, nổi mẩn, sưng, lở ngứa…, mỗi lần uống từ 4 – 6g cùi quả.

Do đó, những món canh từ sấu vừa ngon miệng lại có tác dụng thanh nhiệt giải khát và kích thích làm tăng tiêu hóa. Sấu dầm hay sấu ngâm đều có thể làm thuốc giải khát, có tác dụng tiêu thực.

Ngoài ra, lá sấu dùng nấu nước rửa chữa mụn loét hoại tử. Hoa sấu có tác dụng long đờm, bổ phế, chữa ho. Vỏ thân cây sấu sử dụng làm thuốc trị bỏng và tử cung xuất huyết v.v… Ở Vân Nam, Trung Quốc người ta còn sử dụng quả sấu giã ra trị ngứa lở, ăn uống không tiêu, còn vỏ rễ cây được làm thuốc trị sưng vú ở phụ nữ. Hay sấu nấu với cá diếc hoặc thịt vịt giúp trị nôn ói do nhiễm độc thai nghén.

Vài năm trở lại đây, những quả sấu xanh già, to được các bà, các chị chọn kỹ lưỡng, cạo sạch vỏ, rửa qua nước muối rồi cho vào hộp cất ở ngăn đá tủ lạnh để dùng cho cả năm. Điều đó cho thấy, sấu là một thứ gia vị rất được ưa chuộng.

Những ai đã từng nhiều năm ở Hà Nội, phải xa nơi đây, mỗi dịp hè về không khỏi nhớ nhung vị chua, vị ngọt của quả sấu chẳng khác gì thu về nhớ cốm làng Vòng và chuối chín trứng cuốc.