Vụ Vedan: Giải pháp nào cho khởi kiện môi trường?

ThienNhien.Net – Đã gần 1 năm kể từ khi vụ việc Vedan xả thải gây ô nhiễm kéo dài và nghiêm trọng đối với dòng sông Thị Vải được lực lượng chuyên trách phanh phui và công bố rộng rãi trong công luận, nhưng đến nay, ngoài hình thức xử lý hành chính các sai phạm của VEDAN, việc xác định thiệt hại do VEDAN gây ra cũng như giải quyết khiếu nại bồi thường thiệt hại cho người dân hai bên bờ sông Thị Vải vẫn rơi vào bế tắc. Hàng ngàn nông dân ở Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và tp. Hồ Chí Minh đã gửi đơn kiện VEDAN, đòi bồi thường thiệt hại song yêu cầu này vẫn chưa được toà án thụ lý, do có những bất cập về cơ sở pháp lý và quy trình khiếu kiện hiện hành. Hiện vẫn có nhiều ý kiến trái ngược nhau, về cách thức giải quyết vụ việc theo hình thức “khởi kiện đòi bồi thường” hoặc “thương lượng hòa giải”. Dù dưới hình thức nào thì việc xác định và tuân thủ nghiêm khắc trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lý của các bên liên quan phải được xem là ưu tiên có tính quyết định cho việc xử lý vi phạm môi trường trong tương lai.

Cơ sở pháp lý về khiếu kiện bồi thường thiệt hại môi trường

Bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường được pháp luật Việt Nam ghi nhận lần đầu tiên tại Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) năm 1993, theo đó “tổ chức, cá nhân gây tổn hại môi trường do hoạt động của mình phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”. Nhưng phải đến khi Luật BVMT (2005) được ban hành, vấn đề này mới được đề cập một cách rõ ràng hơn.

Có 5 điều trong luật BVMT 2005 quy định về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường (từ điều 130 đến điều 134), cụ thể: Điều 130: Thiệt hại do ô nhiễm suy thoái môi trường, Điều 131: Xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường, Điều 132: Giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường, Điều 133: Giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường, Điều 134: Bảo hiểm trách nhiệm đòi bồi thường thiệt hại về môi trường, Các điều kể trên đã thể hiện một bước tiến đáng kể trong quá trình “hiện thực hóa” nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền – một nguyên tắc được áp dụng rộng rãi trên thế giới.

Với những hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, Luật BVMT 2005 không quy định hình thức xử phạt cụ thể đối với từng hành vi mà tùy vào tính chất, mức độ và thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra mà tổ chức, cá nhân sẽ bị áp dụng trách nhiệm pháp lý tương ứng, có thể là hành chính, dân sự hay hình sự.

Việc xử phạt hành chính: Công ty Vedan đã được tiến hành. Đến nay, Vedan đã hoàn thành nộp tiền phạt vi phạm hành chính 267,5 triệu đồng (theo quy định của Nghị định 81/2006/NĐ-CP về Xử phạt hành chính trong lĩnh vực BVMT); nộp trên 93 tỷ đồng trong tổng số hơn 127 tỷ đồng tiền phí BVMT đối với nước thải công nghiệp đáng lẽ phải nộp; đồng thời Công ty Vedan đang làm thủ tục nộp nốt số tiền còn lại. Vedan cũng đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục đối với nước thải trước khi thải ra môi trường (các thông số pH, nhiệt độ, TSS, COD, lưu lượng, độ màu)1.

Về trách nhiệm dân sự: Bộ luật Dân sự năm 2005 đã quy định trách nhiệm dân sự đối với các trường hợp gây ô nhiễm môi trường tại Điều 624, theo đó: “Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp người gây ô nhiễm không có lỗi”. Do vậy, theo luật, với hành vi vi phạm pháp luật môi trường (xả nước thải không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường) Vedan phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra.

Và để khởi kiện đòi Công ty TNHH Vedan bồi thường, các nguyên đơn (những người bị hại hoặc cá nhân, tổ chức đại diện cho họ) phải tuân theo quy trình khởi kiện dân sự đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2005.

Trách nhiệm hình sự: Bộ Luật Hình sự Việt Nam quy định “cá thể hóa trách nhiệm hình sự, chỉ được áp dụng với cá nhân mà không được áp dụng đối với các pháp nhân (tổ chức)” và nếu “đã bị xử phạt hành chính trước đó” mới đủ điều kiện truy tố (trong trường hợp này là Tội gây ô nhiễm nguồn nước theo Điều 183). Với quy định trên, các cơ quan tố tụng Việt Nam không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Công ty TNHH Vedan, mặc dù doanh nghiệp này có những vi phạm kéo dài và gây thiệt hại rõ ràng.

Dựa trên cơ sở pháp lý như hiện nay, ngoài xử phạt hành chính, chỉ có việc quy trách nhiệm dân sự đối với Công ty Vedan là còn có nhiều khả năng thực hiện. Tuy nhiên, yêu cầu bên gây ô nhiễm phải thực hiện trách nhiệm này gặp phải rất nhiều khó khăn và thách thức về cả tính khả thi của pháp luật, năng lực tham gia tố tụng của người dân (bị hại), vai trò tham dự của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, chính quyền địa phương, và các tổ chức xã hội.

Những vướng mắc liên quan tới người đứng đơn khởi kiện

Trong vụ việc này, hai chủ thể có lợi ích bị xâm phạm, xâm hại nhiều nhất chính là Nhà nước Việt Nam và cộng đồng dân cư sống ven sông Thị Vải, chủ yếu là nông dân nuôi trồng thuỷ sản, đánh bắt cá và sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là hai chủ thể đóng vai trò là nguyên đơn khởi kiện vụ việc này.

Người nông dân: Trong suốt hơn 14 năm hoạt động (từ năm 1994 đến nay), trung bình mỗi tháng Công ty Vedan thải trên 105.600 m3 chất thải độc hại ra sông 2 . Chất lượng nước sông Thị Vải bị ô nhiễm, từ khu đầu nguồn Thị Vải – Long Thọ, Nhơn Trạch (Đồng Nai), cách ống xả Vedan hơn 10 km đường sông cho đến cửa sông khu vực đảo Long Sơn và xã Tân Hòa, huyện Tân Thành (Bà Rịa-Vũng Tàu), đã gây ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người nông dân, đặc biệt là hàng ngàn hộ nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản ở Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và huyện Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh).

Việc Vedan xả nước thải chưa xử lý ra môi trường làm thiệt hại đến hoạt động sản xuất của người dân, theo Khoản 6 Điều 25 Bộ Luật Tố tụng dân sự (BLTTDS), người dân có quyền khởi kiện Vedan ra tòa đòi bồi thường thiệt hại. Họ có đủ tư cách pháp lý để đứng đơn kiện Công ty Vedan. Có hai phương thức để tiến hành khởi kiện: 1) Cá nhân đơn phương tự tiến hành khởi kiện; hoặc 2) Ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác tiến hành khởi kiện.

Do những hạn chế về hiểu biết pháp luật cũng như chưa có tiền lệ về khởi kiện môi trường ở Việt Nam, những người nông dân bị hại có xu hướng, hoặc được chỉ dẫn, ủy quyền cho một tổ chức có tư cách pháp nhân đại diện cho mình đứng tên khởi kiện. Thời gian qua, Hội Nông dân đã được gợi ý lựa chọn. Đây là tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người nông dân, vì vậy ngoài việc giúp đỡ nông dân soạn thảo đơn kiện, tư vấn, thu thập chứng cứ, Hội cũng có quyền thay mặt nông dân đứng ra nhận ủy quyền tham dự phiên tòa, mặc dù về mặt nguyên tắc, người thiệt hại (người nông dân) vẫn phải trực tiếp đứng đơn khởi kiện.

Hình thức khác, theo gợi ý của TS. Nguyễn Ngọc Điện, những người bị thiệt hại có thể tập hợp lại thành “Hội nạn nhân của Vedan”. Hội này có đăng ký tư cách pháp nhân, là tổ chức phi lợi nhuận được lập ra để bảo vệ những người bị hại, thay mặt họ để kiện lên tòa án đòi bồi thường và sẽ giải tán sau khi vụ kiện kết thúc. Tương tự như “Hội nạn nhân chất độc da cam”, việc thành lập “Hội nạn nhân Vedan” có cơ hội đem lại hi vọng cho những nông dân bị thiệt hại thực thi quyền khiếu kiện của mình, và qua tòa án, buộc Công ty Vedan phải bồi thường thiệt hại.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 10.918 đơn kiện đòi Vedan bồi thường số tiền gần 1.300 tỉ đồng, trong đó Tp.HCM có 1.159 đơn đòi bồi thường 325 tỉ đồng; Bà Rịa – Vũng Tàu có 5.144 đơn đòi bồi thường 600 tỉ đồng; và Đồng Nai có 4.615 đơn, đòi bồi thường 300 tỉ đồng. Sau khi tính toán cụ thể, từng nhóm đối tượng thiệt hại, tổng số tiền mà Hội Nông dân đề nghị Vedan bồi thường là 569 tỉ đồng (chiếm 45 – 48% thiệt hại thực tế)3.

Nhà nước: Theo Điều 17, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992, đất đai, tài nguyên và môi trường thuộc sở hữu toàn dân, không phải là sở hữu tư nhân; và Nhà nước chính là chủ thể đại diện hợp pháp và duy nhất cho quyền sở hữu đó. Vì vậy, Nhà nước có quyền và có trách nhiệm bảo vệ các tài nguyên quốc gia của toàn dân; hay nói cách khác, Nhà nước có quyền và trách nhiệm khởi kiện và trừng phạt những ai làm tổn thất, gây mất mát, hay tối thiểu là giới hạn quyền của chủ sở hữu đối với đất đai, tài nguyên và môi trường. Khi tài nguyên bị xâm hại, chính Nhà nước cũng là bên bị hại. Và như vậy, Nhà nước cũng có đủ tư cách pháp lý để đứng đơn kiện Công ty Vedan.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện hành (Điều 161, 162), Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cáo đã ra Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 15/05/2006 hướng dẫn cụ thể thủ tục khởi kiện đòi bồi thường cho nhà nước: “Cơ quan Tài nguyên và Môi trường có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu tòa án buộc cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi gây ô nhiễm môi trường phải bồi thường thiệt hại, khắc phục sự cố gây ô nhiễm môi trường công cộng.” Trong trường hợp này, Bộ TN-MT hoặc Sở TN-MT các tỉnh có thể đứng đơn kiện đòi Công ty Vedan bồi thường.

Một số ý kiến khác lại cho rằng, vai trò đứng đơn kiện đòi bồi thường nên dành cho UBND sẽ hợp lý hơn. Vì về nguyên tắc, UBND là cơ quan đại diện pháp luật cho pháp nhân hành chính công quyền ở từng cấp địa phương, còn cơ quan TN&MT chỉ là cơ quan tham mưu.

Tuy vậy, thủ tục tố tụng hiện vẫn chưa rõ ràng, song theo pháp luật, dứt khoát cơ quan quản lý nhà nước các cấp có liên quan phải quan tâm làm hết trách nhiệm và quyền hạn của mình để thực hiện đầy đủ những biện pháp cần thiết, góp phần bảo vệ đúng mức quyền, lợi ích chính đáng của nhà nước và nhân dân.

Những vướng mắc liên quan đến quy trình khiếu kiện

Hạn chế về hiểu biết trong quy trình khiếu kiện: Trên thực tế, Việt Nam chưa có tiền lệ tập hợp người dân bị hại khởi kiện doanh nghiệp xâm hại môi trường, vì thế người dân chưa biết đến quy trình khiếu kiện. Đã có nhiều trường hợp, nông dân gửi đơn kiện đòi bồi thường đến cơ quan công an và đoàn kiểm tra trung ương, thậm chí gửi đến cả Công ty Vedan trong khi chỉ có tòa án mới có thẩm quyền giải quyết việc này. Cụ thể hơn, ở tỉnh Đồng Nai, các hộ dân bị thiệt hại có thể gửi đơn tới Tòa án Nhân dân huyện Long Thành, nơi có trụ sở Công ty Vedan yêu cầu tòa giải quyết. Ngoài ra, mặc dù là doanh nghiệp nước ngoài nhưng Vedan là do nhà nước Việt Nam cấp phép thành lập nên vẫn là pháp nhân Việt Nam. Và vì vậy, hành vi vi phạm của họ vẫn được giải quyết theo quy định của luật pháp Việt Nam đối với các pháp nhân trong nước.

Khó khăn trong việc chứng minh thiệt hại: Một người bình thường cũng có thể cảm nhận dễ dàng mối liên hệ nhân quả giữa hành vi gây ô nhiễm môi trường của Vedan và hậu quả thiệt hại vật chất về cây trồng, vật nuôi, cũng như sự xuống cấp về chất lượng cuộc sống mà những người nông dân ở hai bờ sông Thị Vải phải gánh chịu. Tuy nhiên, để buộc Vedan bồi thường thiệt hại thì sự cảm nhận là chưa đủ, mà cần xác lập mỗi liên hệ nhân quả ấy bằng các chứng cứ khách quan và có cơ sở khoa học. Hiện nay, thiệt hại thực tế của người dân là chưa xác định được chính xác và quá trình này vẫn đang được tiến hành. Một số chứng cứ của nông dân đưa ra là không hợp lệ như giấy phép khai thác thủy sản đã quá thời hạn, ghe thuyền bỏ thời gian dài đã mục nát, mô tả thiệt hại chưa đúng…

Để có các chứng cứ chứng minh thiệt hại sẽ cần tiến hành một loạt hoạt động kỹ thuật phức tạp mà chỉ những tổ chức chuyên môn, có đủ thiết bị và đội ngũ chuyên gia có trình độ, tay nghề, mới có thể đảm nhận. Công việc này cũng đòi hỏi chi phí lớn, chắc chắn vượt quá khả năng chi trả của những người nông dân nghèo. Đây chính là vấn đề mấu chốt chưa giải quyết được và khiến cho vụ kiện Vedan có vẻ như đang rơi vào bế tắc.

Lỗ hổng trong hệ thống giám sát môi trường đang làm lợi cho bên gây hại: Công ty Vedan cho rằng: “Muốn đánh giá việc công ty vi phạm BVMT dẫn tới trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải dựa trên việc xem xét, đánh giá mang tính khoa học, tính khách quan và tính tổng thể, đồng thời phải tuân thủ quy phạm pháp luật của Nhà nước”4. Vedan thừa nhận hành vi sai phạm, nhưng hành vi ấy có gây ra thiệt hại nặng nề như hiện nay hay không thì chưa chứng minh được. Dọc sông Thị Vải, không chỉ có một mình Công ty Vedan xả thải trực tiếp ra sông; nên việc “áp đặt” cho mỗi công ty này phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người dân trong trường hợp này là không thể. Thậm chí, mới đây, Vedan còn đưa ra báo cáo phân tích các nguyên nhân gây ô nhiễm sông Thị Vải, trong đó có nêu chi tiết 77 xí nghiệp và khu công nghiệp mỗi ngày xả thải ra sông hơn 33.000 m3 với lượng thải qua xử lý chỉ chiếm khoảng 15 – 16%.5  Rõ ràng, với những chứng cứ này, không thể quy hết trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Vedan. Điều này cũng thể hiện rõ quan điểm “không bồi thường thiệt hại” mà chỉ “hỗ trợ” cho người dân của Công ty Vedan. Rõ ràng, tình trạng bất lợi nói trên thể hiện sự yếu kém của các cơ quan quản lý môi trường địa phương và ngành dọc trong việc xác lập hệ thống theo dõi, giám sát và đánh giá liên tục mức độ vi phạm gây ô nhiễm của các doanh nghiệp tại địa bàn.

Phản ứng của cơ quan pháp luật địa phương: Theo Điều 35, Bộ luật tố tụng dân sự quy định, thẩm quyền sơ thẩm giải quyết vụ việc
dân sự của tòa án sẽ phân theo lãnh thổ. Trong trường hợp này, các đơn khiếu nại, khiếu kiện của nhân dân đòi Công ty Vedan bồi thường thiệt hại đều phải nộp tới Tòa án Nhân dân huyện Long Thành, Đồng Nai – địa bàn trụ sở Công ty Vedan Việt Nam.

Tuy nhiên, trên thực tế, Tòa án Nhân dân huyện Long Thành đã từ chối thụ lý đơn kiện Vedan. Nguyên nhân mà tòa án địa phương này đưa ra là: thứ nhất, các đơn kiện chưa rõ ràng “hầu hết đơn khởi kiện đều chỉ nêu chung chung là yêu cầu Công ty Vedan bồi thường thiệt hại mà không nêu rõ các khoản đòi bồi thường cụ thể gồm những gì và số tiền bồi thường là bao nhiêu”, thứ hai, họ muốn Hội Nông dân tự thay mặt người bị hại để thương lượng với Vedan; thứ ba, do họ chưa nhận được kết luận của Bộ TN-MT khẳng định Vedan gây thiệt hại.

Về mặt nguyên tắc, nếu người đòi bồi thường thiệt hại chưa chứng minh được đòi hỏi của mình là chính đáng, thì theo đúng các quy định trong Bộ luật Tố tụng Dân sự 2005, toà án có thể yêu cầu đương sự giao nộp, bổ sung chứng cứ. Trong trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập chứng cứ mà có yêu cầu, tòa án được phép tiến hành các biện pháp hỗ trợ chứng minh cần thiết do pháp luật quy định. Vì vậy, những lí lẽ mà Toà án Nhân dân huyện Long Thành đưa ra để từ chối thụ lý đơn kiện là bất hợp lý.

Hơn nữa, theo quy định giải quyết vụ việc theo hai cấp, khi tòa án địa phương thụ lý, xét xử vụ án và đưa ra phán quyết chưa thỏa đáng, các bên liên quan mới có quyền khiếu kiện lên tòa án cấp cao hơn. Chính vì quy định này, khi bị TAND huyện Long Thành từ chối đơn kiện, người nông dân không thể đưa đơn kiện trực tiếp lên tòa án cấp cao hơn. Rõ ràng, việc phân quyền như trên là hoàn toàn không thích hợp vì với trường hợp điển hình như Vedan, tòa án cấp thấp nhất – cấp huyện, đã bị quá tải về khả năng, làm trì trệ quá trình xử lý.

Rào cản từ thời hiệu khởi kiện: Theo quy định, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Việc gây ô nhiễm môi trường của Vedan diễn ra liên tục, trong một thời gian dài (hơn 14 năm), do vậy người dân cũng sẽ gặp khó khăn khi phải chứng minh những thiệt hại thực tế phát sinh từ hai năm trở lại đây để buộc Vedan bồi thường.

Những quan điểm và ý kiến trái chiều trong giải quyết vụ việc

Tranh luận của các cơ quan chức năng và chuyên gia pháp lý cho thấy hiện đang có hai luồng ý kiến trái chiều về quan điểm “Bồi thường thiệt hại” hoặc “hỗ trợ thiệt hại” cho nông dân.

“Bồi thường” và “hỗ trợ” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Nguyên tắc bồi thường là bồi hoàn toàn bộ thiệt hại và kịp thời. Còn hỗ trợ dựa trên cơ sở tự nguyện, thương lượng, tùy theo khả năng của người hỗ trợ. Hơn nữa, bồi thường là nghĩa vụ, dù có thể thỏa thuận, song sẽ có bản án bắt buộc thực hiện nghĩa vụ nếu không đạt được thỏa thuận.

Theo Điều 17 Hiến pháp Việt Nam, đất đai, sông hồ, nguồn nước đều là tài sản của nhà nước. Khi nhà nước giao cho tổ chức, cá nhân nào sử dụng thì quyền sử dụng ấy trở thành tài sản của tổ chức, cá nhân đó. Trong quá trình sử dụng họ được hưởng lợi, đồng thời phải gánh chịu rủi ro và được bồi thường về những tổn thất do người khác gây ra. Như vậy khi Vedan và các công ty khác cùng xả thải gây ra thiệt hại cho sông Thị Vải thì họ phải có nghĩa vụ liên đới bồi thường mọi thiệt hại (do mất việc làm, giảm nguồn lợi ích, thu nhập, thiệt hại sức khỏe, môi trường sống…) cho các pháp nhân nhà nước đang quản lý dòng sông ấy và những công dân được nhà nước giao cho sử dụng sông và đất ven bờ bị ảnh hưởng theo sông. Nói chung Vedan phải có nghĩa vụ bồi thường chứ không có trách nhiệm hỗ trợ. Mặc dù họ có tự nguyện hỗ trợ thì sự hỗ trợ cũng không thể thay thế nghĩa vụ bồi thường6.

Ngày 13/04/2009, sau nhiều tháng chờ đợi, tốn bao nhiêu công sức gõ cửa các cơ quan liên quan, bổ sung đơn từ, đến nay, cái mà những người nông dân 3 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Tp. Hồ Chí Minh nhận được từ Vedan là lời hứa sẽ hỗ trợ 25 tỷ đồng. Nếu đem con số này chia cho hơn 7.000 hộ dân có đơn yêu cầu Vedan bồi thường thì bình quân mỗi hộ có thể được nhận khoảng 2,8 triệu đồng (?), một con số được xem là quá nhỏ so với thiệt hại thực tế. Mặt khác, Vedan còn đơn phương đưa ra những tiêu chí để quy định đối tượng nhận hỗ trợ, khiến người dân bị thiệt hại thực tế còn phải trải qua nhiều trở ngại trước khi nhận được khoản hỗ trợ của Vedan.

Đáng ra là chủ thể yêu cầu bồi thường thì nay những người nông dân đã chịu quá đủ thiệt hại lại trở thành những người “chịu ơn” vì được Vedan hỗ trợ, bị Vedan phán mức hỗ trợ, và quy định đối tượng được hỗ trợ. Đứng trước vấn đề này, các cơ quan liên quan cũng có những quan điểm khác nhau.

Đại diện Bộ TNMT – “Không nên quá nặng nề ‘đền bù’ hay ‘hỗ trợ’ (?)
Trong Quyết định 131/QĐ – XPHC ngày 06/10/2008 xử phạt các hành vi gây ô nhiễm môi trường của Vedan VN, Thanh tra Bộ TNMT yêu cầu Vedan VN đền bù thiệt hại về kinh tế và môi trường đối với các tổ chức và cá nhân bị thiệt hại do vi phạm của Công ty gây ra.

Nhưng trong một bài phát biểu, Bộ trưởng TNMT Phạm Khôi Nguyên lại cho rằng: “Chúng ta không nên quá nặng nề từ “đền bù” hay “hỗ trợ”, nhưng cần có giải pháp thỏa đáng với người dân vì dân là người chịu hậu quả cuối cùng” hay “Nên đề nghị 3 tỉnh thành phố liên quan có giải pháp đi đến tiếng nói chung giữa DN và người dân…7 Ở đây, chúng ta không bàn nhiều về vấn đề hỗ trợ hay đền bù cho dân, nhưng chúng tôi kêu gọi Vedan VN phải có trách nhiệm với dân”. Rõ ràng, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, thực thi và giám sát Luật BVMT 2005, Bộ TNMT cũng bối rối, chưa thể xác định được biện pháp giải quyết vụ Vedan một cách rõ ràng và quyết liệt theo khuôn khổ pháp luật hiện hành.

Đại diện của Cục CSMT – Cơ quan thi hành pháp luật ủng hộ quan điểm bồi thường

Quan điểm của Đại tá Phan Hữu Vinh (Cục phó Cục CSMT – Bộ Công An) đã xác định rõ trách nhiệm của Vedan trong “bồi thường thiệt hại” chứ không phải “hỗ trợ”. Ông cũng nhấn mạnh việc xác định thiệt hại của nông dân từ sau khi dòng sông Thị Vải bị ô nhiễm là ưu tiên hàng đầu, vì đây sẽ là cơ sở giúp người dân và Công ty Vedan thống nhất thương thảo để tiến hành bồi thường.

Ý kiến của đại diện các UBND Tỉnh có người dân chịu thiệt hại từ công ty Vedan

Đại diện UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Trần Ngọc Thới (Phó Chủ tịch UBND) đã có ý kiến khá rõ ràng: “Không thể nói muốn đền bù là đền bù, muốn hỗ trợ là hỗ trợ. Đưa ra 25 tỷ đồng rồi khoanh ra “đầu” này 7 tỷ đồng, “đầu” kia 6 tỷ đồng là không được, không có căn cứ”8. Đây là một quan điểm rất rõ ràng, đáng biểu dương của lãnh đạo tỉnh, để từ đó “đòi được quyền lợi thực sự cho người nông dân”. Cũng theo đề xuất của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, phải có một cơ quan có chức năng để đưa ra các tiêu chí xác định đối tượng đền bù hoặc hỗ trợ.

Trong khi đó, đại diện của UBND tỉnh Đồng Nai, ông Ao Văn Thinh (Phó Chủ tịch UBND), mặc dù không có ý kiến rõ ràng về việc phân biệt khái niệm “bồi thường” hay “hỗ trợ” thiệt hại, nhưng cũng khẳng định quan điểm về hướng giải quyết: “Trước mắt nên thương lượng, nếu không xong thì nông dân phải kiện để đòi quyền lợi chính đáng”9.

Còn UBND TP Hồ Chí Minh và ban dân vận Thành ủy đã có văn bản đồng ý chủ trương giao Hội Nông dân TP phối hợp với ngành chức năng trong vấn đề hỗ trợ nông dân huyện Cần Giờ kiện Công ty Vedan xả nước thải gây ô nhiễm môi trường và đòi bồi thường thiệt hại cho nông dân11.

Các hướng giải quyết vấn đề

Đối với việc giải quyết bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường, Điều 133: Giải quyết bồi thường về thiệt hại môi trường, luật BVMT 2005 quy định có thể tiến hành giải quyết theo 3 cách: 1) Tự thoả thuận của các bên; 2) Yêu cầu trọng tài giải quyết; 3) Khởi kiện tại Toà án. Để giải quyết vụ việc này, có thể áp dụng ba cách giải quyết vấn đề lần lượt theo thứ tự từ giải quyết “tình cảm” đến giải quyết bằng “pháp lý”.

Tự thỏa thuận giữa các bên – Con đường hòa giải

Hiện nay, có rất nhiều ý kiến cho rằng, với những vướng mắc về mặt pháp lý, người dân trong vùng bị thiệt hại khó hi vọng được Vedan bồi thường thông qua con đường kiện tụng, vì vậy nếu chọn biện pháp hòa giải, khả năng thành công sẽ cao hơn.Giải pháp được đưa ra là tập hợp các chuyên gia am hiểu pháp luật làm đại diện, củng cố thêm chứng cứ về thiệt hại để hòa giải hoặc thương lượng trước tòa với Công ty Vedan.

Quá trình này hiện nay đang diễn ra. Trước đây, Vedan đã đơn phương đưa ra số tiền “hỗ trợ” là 25 tỷ đồng cho 3 tỉnh. Nhưng số tiền này không được các địa phương chấp nhận vì nó quá nhỏ so với số thiệt hại thực tế. Ngày 22/05/2009, công ty Vedan và HND 3 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và tp.Hồ Chí Minh đã họp để bàn bạc thêm. Như đã nói ở trên, HND 3 tỉnh đã đưa ra số tiền đề nghị Vedan chi trả là 569 tỷ đồng, tức khoảng 45 – 48 % thiệt hại thực tế. Tuy nhiên, đến nay, hai bên vẫn chưa đạt được đến thỏa thuận cuối cùng.

Yêu cầu trọng tài giải quyết

Đây là phương thức trung gian trong ba cách giải quyết kể trên. Tuy nhiên, ai là “bên thứ ba” có đủ chức năng, thẩm quyền và công minh để đảm nhiệm vai trò này thì luật lại không hề nhắc đến. Vụ việc này cũng chưa hề có tiền lệ trước đây, vì vậy phương án này hiện vẫn còn đang để ngỏ.

Khởi kiện – Quy trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Đây là lựa chọn cuối cùng khi các thỏa thuận không đạt được. Tuy nhiên vụ kiện hứa hẹn nhiều phức tạp, tốn công sức và thời gian vì những tính chất đặc thù của sự việc như: 1) Chưa từng có tiền lệ. 2) Số lượng bên nguyên rất đông, còn bên bị mới nêu công ty Vedan. 3) Ý nghĩa đặc biệt quan trọng của vụ kiện: ngoài việc đem lại công bằng cho người dân địa phương, việc giải quyết thành công vụ kiện này còn tạo nên một tiền lệ tích cực cho công tác cưỡng chế pháp luật, đồng thời những bài học từ vụ việc này sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý hiện hành của pháp luật Việt Nam.

Ngoài ra, vụ kiện còn phức tạp vì tính chất “cộng đồng trách nhiệm” trong hậu quả ô nhiễm sông Thị Vải, bởi tác nhân gây ô nhiễm không phải do một mình Vedan xả thải ra mà còn rất nhiều cơ sở sản xuất khác trên lưu vực sông.

Với những vướng mắc như vậy nên mặc dù xét về tính chất không quá phức tạp, vụ kiện sẽ mất nhiều thời gian cho công tác giám định và có thể phải kéo dài một, hai hay thậm chí nhiều năm. Việc cấp bách trước mắt, theo công văn mới nhất của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 27/05/2009, là yêu cầu UBND các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh làm rõ mức độ thiệt hại do công ty Vedan và các doanh nghiệp trên lưu vực sông Thị Vải gây ra để giải quyết có lý, có tình yêu cầu bồi thường thiệt hại của người dân.

Tóm lại, mặc dù “cái lý” là nông dân vùng sông Thị Vải hoàn toàn có quyền đưa Vedan ra tòa để đòi tiền bồi thường, kẻ gây ô nhiễm phải bị trừng phạt để ngăn tái phạm và làm gương, nhưng “cái tình” là ở chỗ, nông dân nhiều nơi vẫn còn làm ăn với Vedan, đưa nhau ra tòa chỉ là bất đắc dĩ, không phải là biện pháp hay nhất và duy nhất khi còn có cách cứu vãn cho cả hai nếu tiến hành thương lượng với nhau. Do vậy, dù dùng bất kỳ biện pháp gì, thương lượng, hòa giải hay khởi kiện – đều phải đạt được hai mục đích chủ yếu là người bị hại được đền bù và người xâm hại bị răn đe về mặt pháp luật, tránh biến Vedan trở thành một tiền lệ xấu trong công tác thực thi và cưỡng chế thi hành pháp luật ở Việt Nam.


Nguồn trích dẫn:

1 http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=319993&ChannelID=17
2 http://www.vietnamnet.vn/xahoi/2008/09/805746/
3 http://www.sgtt.com.vn/detail29.aspx?newsid=51864&fld=HTMG/2009/0522/51864
4 http://www.laodong.com.vn/Home/Quyen-uy-cua-Nha-nuoc/20095/138718.laodong
5 http://www.laodong.com.vn/Home/Quyen-uy-cua-Nha-nuoc/20095/138718.laodong
6 http://www.laodong.com.vn/Home/Buc-xuc-cua-dan-chua-co-hoi-ket/20095/137819.laodong
7 http://www.laodong.com.vn/Home/Buc-xuc-cua-dan-chua-co-hoi-ket/20095/137819.laodong
8 http://niengiamnongnghiep.vn/index.php?self=article&id=7318
9 http://tintuc.timnhanh.com/xa-hoi/20090519/35A933BE/Hoi-Nong-dan-xin-kinh-phi-khao-sat-thiet-hai-hau-Vedan.htm