“Rô Bin Sơn”… trồng rừng

ThienNhien.Net – Không ngại khó ngại khổ, không sợ mệt nhọc. Một mình sống giữa đảo hoang ngót hai chục năm trời, có trong tay 6ha rừng cây bản địa với nhiều cây gỗ quý như lim, táu, sồi, gần nghìn cây trám đã cho thu hoạch và hơn 2.000 mét vuông mặt nước thả cá… Ông Lăng Văn Tuất ở đảo Kim Bảng, xã Phúc Trìu, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên từ lâu đã được nhiều người gọi là: “Rô Bin Sơn” trên hồ Núi Cốc.

 

Người tiên phong ra đảo

 

Hồ Núi Cốc là hồ nước ngọt nhân tạo, nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 16km về phía Tây, là hồ du lịch sinh thái mà chỉ nhắc đến tên đã thấy đầy chất huyền thoại về chuyện tình nàng Công và chàng Cốc.

 

Hồ Núi Cốc ra đời sau khi con đập thủy lợi ngăn dòng sông Công hình thành sau gần mười năm xây dựng (1973- 1982). Hồ có độ sâu 35m, diện tích mặt hồ rộng 25 km2, khi nước dâng trong lòng hồ có hơn 89 hòn đảo lớn nhỏ. Hồ trở thành bể nước lớn điều hòa cho tưới tiêu nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt cho bà con và giảm nhẹ lũ trên sông Công.

 

Trước khi xây dựng hồ có rất nhiều làng mạc, mấy nghìn ha rừng tự nhiên và rừng tái sinh, nằm lọt giữa 6 xã thuộc 3 huyện của tỉnh Thái Nguyên. Lòng hồ có hòn đảo lớn mang tên Kim Bảng, sở dĩ vậy bởi trước những năm 70 rất nhiều người dân quê ở huyện Kim Bảng, Hà Nam đã lên đây khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới.

 

Lúc bấy giờ cuộc sống còn đói kém, họ phát nương trồng khoai, sắn và bắt đầu dựng nhà quanh hòn đảo. Khi nước dâng họ phải chuyển đi nơi khác hết nên ngọn núi cao trước kia nay nằm gọn trong lòng hồ, thành tên đảo Kim Bảng.

 

Để ra được đảo chúng tôi phải đợi ông Tuất đến đón bằng thuyền chèo, phải mất một thời gian khá lâu mới thấy một người đàn ông có nước da đen, dáng cao dong dỏng, khoác trên mình bộ quần áo lính ngồi trên chiếc thuyền lờ đờ “cập bến”. Chúng tôi lên thuyền, chèo được hơn 1 giờ đồng hồ thì thấy mở ra trước mắt là một hòn đảo rộng mênh mông, toàn cây keo và bạch đàn đang độ thu hoạch. Ông Tuất cho biết : “Đó là đảo Kim Bảng”

 

Khi xây dựng đập, nước dâng nên người dân đã vào khai thác tận thu gỗ, thế nên tất cả các quả đồi trong lòng hồ gần như bị cạo trọc: “Năm 1992 Nhà nước có chủ trương trồng rừng 327, kết hợp trồng rừng phòng hộ nhằm tích trữ nước cho hồ Núi Cốc. Hồi bấy giờ tôi là người tiên phong ra đảo cùng gần 50 hộ dân khác để trồng rừng. Chẳng được bao lâu sau, do điều kiện khó khăn về kinh tế cũng như cơ sở vật chất nên người dân rút hết vào đất liền, ở ngoài này chỉ còn mỗi tôi và hai gia đình khác họ ra vào đảo rất ít”. Hướng ánh mắt về phía những hòn đảo lô nhô trên mặt hồ, ông Tuất nhớ lại 20 năm về trước.

 

Ông Tuất sinh năm 1957. Năm 1971, như bao thanh niên vùng quê khác ông lên đường nhập ngũ, tham gia nhiều trận đánh ác liệt, đến năm 1981 ông xuất ngũ. Năm 1983 ông tham gia công tác tại chính quyền xã Phúc Trìu, nhiều người dân nơi đây cho đến bây giờ vẫn không hiểu tại sao năm 1998 ông Tuất đang giữ chức phó chủ tịch xã lại “từ quan” lui về nơi hoang vu giữa hồ để “ở ẩn”. Họ cho rằng ông Tuất vướng mắc vào chuyện gì đó trong xã nên mới lui về đảo sống một mình.

 

Đem những thắc mắc của người dân nơi đây đến chia sẻ với ông Tuất thì chúng tôi nhận được câu trả lời: “Năm 1998 tôi bị bướu cổ ác tính (Ba zơ đô), điều trị suốt 6 năm nhưng không khỏi, thấy sức khỏe ngày càng yếu nên tôi xin không tham gia công tác ở xã nữa. Lúc tôi ốm nặng gia đình đã chuẩn bị sẵn lo hậu sự, cũng may lúc đó Bệnh viện quân y 108 mới cho ra đời mô hình triệt tiêu tế bào ung thư bằng tia phóng xạ, tôi may mắn được chữa khỏi, giờ đã phục hồi được 70% sức khỏe”.

 

Thời điểm đó ông đang mang trong người trọng bệnh, nhưng hàng ngày ông vẫn thường xuyên vận động và cùng bà con gánh cây giống vào rừng để trồng. “Ngày đầu vào trồng rừng phải đi mất 3 cây số chui rúc theo đường mòn trâu đi để gánh cây giống ra bờ hồ, sau đó mới dùng thuyền độc mộc chở vào đảo. Do đường xa, chèo thuyền luồn lách quanh các đảo nhỏ để vào nên phải mất gần 2 giờ đồng hồ mới ra được đến đảo, mỗi chuyến chỉ mang theo được khoảng 200 cây con giống. Khi mới đến, chưa có chỗ ăn chỗ nghỉ phải xây dựng lán tạm bằng cây nứa, có những hôm trời mưa ướt như chuột lột, thuyền thì bị mưa “đánh” chìm. Rét run, răng và vào nhau cầm cập những vẫn phải ngụp xuống hồ vớt thuyền lên.

Ông Tuất với vẻ mặt sợ hãi kể về những ngày đầu tiên ra đảo.

 rừng của "Robinson"
Một góc đảo Đình Bảng

 

“Rô Bin Sơn” trồng cây gây rừng

 

Ban đầu trồng rừng cho dự án 327, sau khi trồng và chăm sóc được một năm thì được nghiệm thu và được chủ đầu tư trả mỗi công trồng là 2 kg gạo. Nhận thấy công sức mình bỏ ra rất nhiều nhưng thu lại chẳng được bao nhiêu. Mà dự án trồng rừng phòng hộ trên đảo đặt ra một đặc thù, phải là rừng đa dạng sinh học, nhiều loại cây, phong phú và có giá trị kinh tế cao. Ông Tuất đã lựa chọn cây trám vì đó là loại cây gỗ lớn, có tán lá rộng, tuổi thọ cao, có giá trị phòng hộ rất lớn. Bên cạnh đó cây trám sau này mang lại rất nhiều hiệu quả kinh tế từ thu hoạch quả, nên ông đã quyết định một hướng đi riêng cho mình.

 

Hiện nay ông Lăng Văn Tuất có trong tay gần chục ha rừng với đủ mọi loại cây, kể cả cây bản địa và cây mới trồng, trong đó có gần 1.000 cây trám đã cho thu hoạch quả, đường kính gốc từ 20 – 25 cm. Ông Tuất cho biết: “Mới đầu cây trám họ cấp trồng thí điểm chỉ vài trăm cây, chủ yếu là họ cấp cây keo. Nhận thấy cây trám không chỉ có độ tre phủ cao vì có tán lá rộng, giá thành lại đắt gấp 3 lần cây keo. Nếu chăm sóc tốt thì trồng khoảng chục năm là cây trám cho thu hoạch quả, giá trám quả trên thị trường lúc cao điểm lên tới 30.000 đồng/ kg. Nên tôi đã mạnh rạn ươm thêm để trồng xen vào rừng keo và cây bản địa”. Nhưng do cây trám được ươm từ hạt cây bản địa nên số lượng cây cho quả không cao. Từ mấy trăm cây trám cho thu hoạch quả mỗi năm, đến nay cuộc sống của ông đã được cải thiện.

 

Để có được hàng chục ha rừng bạt ngàn như ngày hôm nay, ông Tuất đã trải qua bao gian truân vất vả. Cũng may thời điểm đó bên cạnh ông có người vợ trẻ tên là Giang Thi Tươi. Ông cho rằng: “Người vợ đó chính là chỉ tiêu, là rừng phòng hộ”.

 

Mặc dù không thuê ai, hai vợ chồng ông, người cầm cuốc, người xách cây theo sau trồng. Bữa cơm hàng ngày của họ chỉ trông chờ vào những con cá đánh được trong hồ. Khó khăn là vậy, động lực lớn nhất của hai vợ chồng ông là tự động viên nhau.

 

Nhiều lúc vợ không muốn bám trụ ở nơi hoang vu này nữa, ông Tuất lại động viên: “Ở đây gây rừng, phát triển kinh tế, phải thay đổi được điều kiện trước mắt rồi khắc có kết quả. Chứ bây giờ về trồng chè suốt ngày phun thuốc độc hại lắm, làm chăn nuôi thì hay dịch bệnh”. Thế rồi hai vợ chồng lại cặm cụi cuốc từng hố đất, bắt từng con cá, tất cả chỉ vì một mục đích trồng cây gây rừng.

 

Đất không phụ công cải tạo, cây không phụ công người chăm sóc. Cuối cùng, cái ngày hái quả cũng đã đến. Chưa dừng lại ở đó, ông Tuất lại có một dự định lớn cho tương lai là kết hợp trồng rừng phòng hộ, tôn tạo rừng phòng hộ thành rừng sinh thái đa dạng về sinh học, kết hợp những cây đã có và trồng thêm cây khác, đặc biệt là cây bản địa. Nhiệm vụ cấp bách trước mắt là phải có những cây sinh thái bản địa như: Rẻ, kháo, lát, trám, sấu…vì những loại cây này vừa cho quả, vừa cho bóng mát, nếu lâu năm sẽ thành cây cổ thụ.

 

Viễn cảnh trồng và chăm cây của ông Tuất quả là hấp dẫn: chỉ cần mất 3 năm trồng và chăm sóc liên tục, sau đó có thể phó mặc cây cho đất, mình chỉ cần ngồi ngắm nó lớn và tận hưởng những gì mà nó mang lại.

 

Nhưng! Cái “nhưng” mới là khó, điều quan trọng là phải bảo vệ thật nghiêm ngặt. Chính vì thế gần 20 năm nay không ngày nào là ông không có mặt trong rừng. Hiện nay trong khu vực rừng mà ông bảo vệ có gần 30 cây lim đường kính từ 20 – 30 cm, và nhiều cây có giá trị khác như táu, sồi…, phân bố ở mật độ rải rác. Ông cho biết: “Đó là những cây bản địa mà cách đây gần 20 năm tôi để lại. Vì tôi nghĩ là cây bản địa nên để nguyên bản chất của nó, khoanh nuôi nó lại. Bây giờ nó là rừng tái sinh, nay mai nó sẽ là rừng nguyên sinh”.

 

Chia tay hòn đảo của “Rô Bin Sơn” Lăng Văn Tuất, chiếc thuyền chòng chành đưa chúng tôi rời đảo, con thuyền lướt nhẹ trên mặt hồ ông đã quy hoạch rộng hơn 2.000 mét vuông và thả xuống đó 2 tấn cá để phục vụ cho các tay câu từ khắp nơi về câu. Đến thời điểm này ông Lăng Văn Tuất đã thực sự an nhàn, giờ đây nhìn về những cánh rừng xanh vời vợi ông Tuất mới thở phào nhẹ nhõm.