Tấm lợp không sử dụng amiang đoạt giải nhất Sáng tạo xanh

ThienNhien.Net – Trong số ba sáng chế cùng nhận giải nhất Giải thưởng Sáng tạo xanh lần thứ nhất năm 2016 vừa diễn ra tối 11-12, dây chuyền sản xuất tấm lợp (trần, vách, sàn nhà) không sử dụng sợi amiang của tác giả Nguyễn Long Hải là một nghiên cứu mang tính ứng dụng cao.

Ba nhóm tác giả nhận giải nhất Sáng tạo xanh.

Tối 10-12, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức đêm Ga la và trao giải thưởng Sáng tạo xanh lần thứ nhất năm 2016.

Tại Gala đêm Chung kết, tám tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất đã trình bày trực tiếp với Hội đồng cố vấn để xem xét, đánh giá đối với từng tác phẩm và cho điểm để chọn và trao các giải nhất, nhì.

Ba tác phẩm, đại diện cho ba nhóm đối tượng khác nhau từ tiểu học, trung học cơ sở đến thanh niên đã đoạt giải nhất của cuộc thi. Đó là hệ thống hút và xử lý dầu tràn đến từ tỉnh Tuyên Quang; Cột đo mức nước, tốc độ nước, tự động chiếu sáng ban đêm, tích hợp bắt công trùng gây hại, cảnh báo nguy hiểm đặt tại các ngần-đập tràn đến từ Lào Cai; Nghiên cứu, thiết kế chế tạo dây chuyền sản xuất tấm lợp (trần, vách, sàn nhà) không sử dụng sợi amiang đến từ TP Hồ Chí Minh.

Tác giả tấm lợp không amiang Nguyễn Long Hải.

Tác giả trẻ Nguyễn Long Hải, đến từ Nhà máy Z751, tác giả của tấm lợp không amiang cho biết, bụi amiang rất độc hại cho sức khỏe, gây ra 50% bệnh ung thư trên thế giới. Do sợi amiang có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của con người nên Việt Nam đang khuyến cáo hạn chế sử dụng amiang và khuyến khích tìm vật liệu, công nghệ thay thế amiang trong sản xuất tấm lợp. Vì thế, từ năm 2014, anh Long đã mày mò nghiên cứu tìm ra vật liệu mới thay thế từ giấy vụn, xơ dừa, vỏ trấu và các phụ gia như bột đá, xi măng.

Dây chuyền hoạt động đơn giản, các nguyên liệu trên được cho vào máy nghiền trộn đều lên, cho vào hồ thủy phân tách nước. Sau khi tách nước sẽ chuyển qua bồn trộn phụ gia và đưa lên băng chuyền cán.

Vì là dây chuyền đầu tiên nên gặp rất nhiều khó khăn từ thiết kế, chế tạo và vận hành chạy thử. Để có được sản phẩm đạt chất lượng, được kiểm định và đưa ra thị trường, dây chuyền của anh Long và Nhà máy Z751 đã phải chạy thử trên dưới chục lần.

Đến nay, dây chuyền này có thể sản xuất 3 phút một sản phẩm, mỗi ngày cho ra đời 500 sản phẩm. Vì nguyên liệu đầu vào có sẵn trên thị trường nên sản phẩm này có giá thành rẻ hơn tấm lợp amiang.

Hai sáng chế đoạt giải nhất khác đều của các tác giả nhỏ tuổi đang ngồi trên ghế nhà trường. Đại diện nhóm tác giả đang là học sinh tiểu học của “Hệ thống hút và xử lý dầu tràn” (Tuyên Quang) chia sẻ: “Khi học trên lớp, chúng em được học rằng dầu tràn gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái và kinh tế, vì thế chúng em mong muốn hệ thống này sẽ góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài ý tưởng về hệ thống này, chúng em còn có ý tưởng về thùng phân loại rác thông minh và bể lọc nước bằng năng lượng mặt trời”.

Còn nhóm tác giả của học sinh Trường Trung học phổ thông Văn Bản (Lào Cai) cho rằng, sản phẩm cột đo mức nước, tốc độ nước, tự động chiếu sáng ban đêm, tích hợp bắt côn trùng gây hại, cảnh báo nguy hiểm đặt tại các ngần-đập tràn có giá thành rẻ và tính thực tiễn cao. Nhóm mong muốn nhân rộng sản phẩm ra các tỉnh miền núi phía bắc để góp phần giúp bạn học sinh và thầy cô an toàn hơn trong mùa mưa lũ.

Giải thưởng Sáng tạo xanh lần thứ nhất được phát động vào năm 2015, dành cho thanh thiếu niên nhi đồng từ 6-30 tuổi đang sinh sống và học tập tại Việt Nam. Giải thưởng nhằm tìm kiếm, giới thiệu và phổ biến các ý tưởng, mô hình tiêu biểu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của các em học sinh, sinh viên qua đó tạo ra những thay đổi tích cực về nhận thức và hành động của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ đối với môi trường.

Các tác phẩm tham dự gồm ý tưởng về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, mô hình kèm theo tập trung vào các nội dung như tiết kiệm năng lượng; sản phẩm thân thiện với môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học; tái chế, xử lý rác thải, nước thải, khí thải; giải pháp về mặt chính sách, giáo dục môi trường; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và bảo vệ môi trường.

Sau 10 tháng triển khai, Ban tổ chức đã nhận được gần 1.500 bài dự thi của các cá nhân, nhóm tác giả tham dự đến từ 50/63 tỉnh, thành phố. Ban tổ chức đã lựa chọn ra được 30 tác phẩm dự thi xuất sắc nhất để trao giải. Ngoài ba giải nhất, năm giải nhì, còn có 22 sáng chế khác nhận giải ba và khuyến khích.