Lâm tặc ngày càng manh động

ThienNhien.Net – Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra tình trạng lực lượng kiểm lâm bị lâm tặc tấn công, vây đánh, thậm chí là truy sát đến cùng. Hành động “trả đũa” của lâm tặc ngày càng manh động, sặc mùi xã hội đen, khiến tính mạng của các kiểm lâm viên (KLV) đang bị đe doạ rõ rệt. Điều này làm cho cuộc chiến bảo vệ rừng đang nóng lên từng ngày.

Lâm tặc lộng hành

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, đã có hàng chục cán bộ kiểm lâm bị hành hung, nhiều người phải nhập viện, đổ máu trên những cung rừng. Không ít người suýt phải bỏ mạng vì truy bắt gỗ lậu trên những tuyến quốc lộ từ miền núi về đồng bằng. Lần giở hồ sơ các vụ kiểm lâm bị tấn công trong những ngày gần đây mới thấy hết tính chất cũng như mức độ nguy hiểm mà lực lượng bảo vệ rừng đã và đang hàng ngày phải đối mặt.

Mới đây nhất, ngày 15/04, trong khi làm nhiệm vụ, 1 KLV ở huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) đã bị lâm tặc đánh đến gãy tay. Khoảng 1 giờ sáng trên đường đi tuần tra, Đội đặc nhiệm phòng chống phá rừng huyện Sơn Hà phát hiện 2 đối tượng đang vận chuyển gỗ lậu tại địa phận xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà.

Đội đặc nhiệm ra tín hiệu dừng xe kiểm tra nhưng 2 đối tượng lập tức rú ga tẩu thoát về xã Nghĩa Lâm (huyện Tư Nghĩa). KLV Nguyễn Quốc Bảo đã dùng xe đuổi theo. Hai đối tượng vận chuyển gỗ trái phép vừa chạy, vừa vứt gỗ xuống đường nhằm cản trở sự truy đuổi của đội đặc nhiệm.

Đến thôn I, xã Nghĩa Lâm, anh Bảo đã chặn được xe của 2 đối tượng chở gỗ và lập biên bản. Trong lúc làm biên bản thì bất ngờ có 2 thanh niên khác xuất hiện dùng đá và cây đánh vào người anh Bảo, làm gãy cổ tay trái và ngón trỏ thứ 3 dập nát. Sau đó, hai đối tượng chở gỗ và 2 thanh niên đánh anh Bảo lái xe tẩu thoát. Đội đặc nhiệm tiếp ứng, đưa anh Bảo đi cấp cứu tại bệnh viện huyện Sơn Hà. 

Trước đó 2 ngày, tại huyện Hoài Ân (Bình Định), đã xảy ra một cuộc truy sát mang đầy tính xã hội đen của 25 lâm tặc đối với kiểm lâm.

Lúc 3 giờ sáng ngày 13/04, nhận được tin báo có một số đối tượng vận chuyển lâm sản trái phép từ Hoài Ân xuống thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn) tiêu thụ, Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân đã chỉ đạo tổ công tác gồm 7 người chặn các đối tượng nói trên.

 kiem lam
Hai KLV huyện Hoài Ân bị lâm tặc tấn công điều trị tại bệnh viện.

Khi tổ công tác đến khu vực giáp ranh giữa thôn Du Tự, thị trấn Tăng Bạt Hổ (Hoài Ân) và xóm Phú Nga, thôn Lại Khánh, xã Hoài Đức (Hoài Nhơn) thì bị một nhóm 25 lâm tặc chặn lại, sử dụng cây và đá đánh phủ đầu.

KLV Huỳnh Ngọc Huy, thành viên của tổ công tác, chưa hết bàng hoàng kể lại: “Bọn chúng, kẻ cầm cây, người cầm đá đánh tới tấp vào chúng tôi. Bị tấn công bất ngờ, 2 KLV Phan Văn Thành và Trần Ngọc Hưng đã bị trọng thương. Chúng tôi cử 2 người đưa Thành và Hưng vào bệnh viện huyện để cấp cứu, số còn lại vừa chống đỡ vừa gọi lực lượng đến ứng cứu. Bọn chúng một tốp tấn công chúng tôi, tốp khác đuổi đánh 2 KLV trên đường vào bệnh viện. Trong tình thế nguy cấp, tôi đã bắn 3 phát súng chỉ thiên, nhưng chúng vẫn không ngừng tấn công, đến lúc tôi bắn thêm 2 phát súng xuống đất, bọn chúng mới bỏ chạy”.

Trong hầu hết các tình huống bị phản công, do lực lượng quá mỏng, thiếu vũ khí hỗ trợ, lâm tặc lại quá hung hãn nên lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng thường không chống cự nổi.

Kiểm lâm đơn độc

Trên đây chỉ là 2 trong số hàng chục vụ việc đáng tiếc đã xảy ra với lực lượng bảo vệ rừng. Nó đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng người bảo vệ rừng yếu thế trước bọn lâm tặc côn đồ liều lĩnh, sẵn sàng dùng bạo lực khi bị ngăn cản khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.

Trong khi diện tích rừng ở nhiều địa phương trải rộng, nằm giáp ranh với nhiều huyện khác nhau kể cả trong và ngoài tỉnh nhưng lực lượng kiểm lâm lại mỏng, phương tiện đi lại, vụ khí hỗ trợ vừa cũ, vừa thiếu thốn. Lợi dụng điểm yếu này lâm tặc đã ngang nhiên chống trả khi bị kiểm lâm truy đuổi.

Ông Trần Ngọc Ty, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân, thừa nhận: “Nếu không có súng đừng nghĩ đến chuyện chạm mặt lâm tặc. Nhưng chạm mặt với chúng rồi, mới thấy súng ống cũng chỉ để tự vệ, hay để ra uy với những lâm tặc non gan. Còn với những lâm tặc liều lĩnh thì súng ống chẳng là gì với chúng”.

Bên cạnh đó, nhiều năm qua, hầu như không có sự phối hợp nào giữa kiểm lâm với các lực lượng khác (trừ khi xử lý những vụ việc nổi cộm). Biên chế của lực lượng kiểm lâm chưa đủ để thực hiện nhiệm vụ (theo quy định 1 biên chế kiểm lâm/1.000ha rừng) vì thế việc bố trí, tăng cường kiểm lâm phụ trách địa bàn rất khó khăn.

Chế tài chưa đủ răn đe?

Theo điều tra ban đầu của Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân, trong số 25 tên lâm tặc đã tấn công lực lượng kiểm lâm trong ngày 13/04, có một số lâm tặc nhiều lần vận chuyển lâm sản trái phép, chống người thi hành công vụ, cướp tang vật, đã từng bị Hạt kiểm lâm huyện xử phạt hành chính và bị kiểm điểm trước dân.

Trong số đó, tên Hồ Thanh Hạnh ở thôn Bình Sơn, xã Ân Nghĩa (Hoài Ân) mới vi phạm lâm luật và bị xử phạt hành chính nhưng chưa thi hành quyết định xử phạt đã cùng đồng bọn tiếp tục tấn công kiểm lâm; Lâm Vũ Trường Giang ở thôn Phú Hữu, xã Ân Tường Tây cũng đã từng tham gia vụ cướp lại tang vật và chống người thi hành công vụ hồi cuối năm 2008, này cũng tiếp tục đường cũ.

Sở dĩ có sự “nhờn” luật như vậy theo ông Trần Ngọc Ty, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân, là do khung hình phạt các hành vi vi phạm Luật Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiện nay còn nhẹ, nên nhiều đối tượng sau khi bị phát hiện, xử lý, đã tiếp tục vi phạm.

Được biết, theo Nghị định số 159/2007/NĐ-CP ngày 30/10/2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thì hành vi khai thác lâm sản trái phép, (…) chỉ bị phạt tiền từ 100.000 – 1.000.000 đồng.

Khung hình phạt này không thấm thía gì với lợi nhuận từ việc khai thác, buôn bán lâm sản trái phép đem lại cho lâm tặc nên hàng ngày máu của lực lượng kiểm lâm vẫn chảy theo máu rừng.