Rừng đầu nguồn Thượng Cửu – “sân chơi” của lâm tặc

Đường trâu kéo gỗ tạo thành những hào sâu chạy dọc ngang; trên đỉnh đồi những cây gỗ lớn bị đốn hạ nằm la liệt; lán của lâm tặc xuất hiện khắp nơi với tro bếp còn nóng… Rừng đầu nguồn Thượng Cửu (Thanh Sơn, Phú Thọ) đang thành “sân chơi” cho lâm tặc.

Đi cùng lâm tặc

“Chuyện chúng nó chặt cây, xẻ gỗ cả làng ai cũng biết thế nhưng không ai dám nói đâu vì sợ bị thù. Kiểm lâm với lãnh đạo xã “bệt” lắm rồi có mấy khi kiểm tra. Mà có lên được đó thì chúng nó cũng rút được cả tiếng rồi. Gặp bọn liều lĩnh, không khéo nó còn lăn gỗ, ném đá thậm chí dùng súng kíp bắn cho ấy chứ. Đưa các ông lên thì tớ chịu…”.

Thuyết phục một hồi không có kết quả, ông bạn người quen cũ trong xã mới đành tỷ mỉ hướng dẫn địa điểm, cách đi, giao tiếp… Nhìn mấy anh em hăm hở chuẩn bị cho chuyến đi, ông lắc đầu thở dài: “Giá cánh kiểm lâm tay nào cũng bụng nhỏ mà nhiệt tình thế này thì đâu đến nỗi…”

Theo sự chỉ dẫn của “thổ công”, 5h sáng hai anh em đã lục đục mò dậy. Khoác lên người bộ quần áo tối màu mà người đi rừng thường mặc, xỏ chân vào đôi dép nhựa xỉn màu, máy ảnh giấu kỹ dưới đáy túi nilon đựng mấy chai nước, chục trứng luộc, cơm nắm… hai anh em lầm lũi nhằm hướng ngọn núi đen thẫm, mờ xa trước mắt dấn bước.

Gần 3 km từ trung tâm xã vào xóm Mu đường tuy dốc nhưng dễ đi. Vượt qua ngọn đồi trọc nham nhở vết đốt nương, nhanh chóng tìm ra con đường mòn ngoằn nghèo chạy sâu vào rừng với những đường rãnh sâu, nhẵn bóng, lõng bõng nước.

Dọc theo đường mòn tiến sâu vào rừng, lác đác gốc những cây đại thụ bị hạ đã lâu ngày, gốc chằng chịt dây leo. Bắt đầu từ đây là địa danh Hàm Rùa – nơi mà theo lời kể của người dân hiện là địa bàn hoạt động sôi nổi nhất của lâm tặc.

Ngược theo những con dốc dựng đứng, nhiều đoạn gót chân người đi trước đập vào trán người đi sau, rồi cũng vào đến “khai trường” của lâm tặc với những gốc cây có đường kính lên tới 1,5 – 2m.

 
Cây gỗ lớn vừa bị chặt hạ, vết chặt còn rất mới.

Vết cắt còn mới nguyên, những thân cây lớn nằm ngổn ngang với răm vạc vỏ, mùn cưa đỏ thậm như máu bầm, lác đác những lán tạm lợp lá rừng, bắc ván xẻ, tro trong bếp còn giữ nguyên màu trắng, hộp diêm bên cạnh vẫn đánh lửa tốt, sàn còn sạch sẽ chứng tỏ… những người sống ở đây vắng bóng chưa lâu.

Đi được vài trăm mét lại bắt gặp một lán tạm, một “khai trường” la liệt vết tích tàn phá rừng. Đang mò mẫm lần theo dấu vết kéo gỗ, bỗng nghe tiếng búa chặt gỗ vang lên rõ mồn một.

Đã chuẩn bị tinh thần từ trước, hai anh em nhẹ nhàng men theo các gốc cây tiến về phía có tiếng động. Ngay dưới chân đồi, cách nơi đang đứng không đầy một trăm mét thấp thoáng bóng 5, 6 người lúi húi dùng dao vạc thân cây gỗ lớn.

Theo sự phân công, một người lùi lại phía sau đề phòng bất trắc, tôi tiến thẳng xuống sườn đồi lớn tiếng: “Chào anh em, có nước cho xin ngụm, từ sáng đến giờ khát khô cả cổ”.

Mấy bóng người thoáng cái đã tản mất sau những rặng cây rậm rạp. Mặc kệ, tôi cứ trượt xuống, ngồi lên khúc gỗ đang cắt dở, nhựa cây chảy đỏ như máu đọng, thản nhiên lấy thuốc lào trong túi ra rồi với tay lấy chiếc điếu nứa dựng cạnh thân cây châm lửa kéo một hơi dài, cố lên giọng cho khỏi run: “Làm gì phải cảnh giác cao thế? Anh em cả mà, không phải kiểm lâm đâu”.

Tất cả vẫn im lặng một cách đáng sợ. Sau hơi thuốc lào thứ hai, cành lá bên phải tôi khẽ lay động, một bóng người lặng lẽ xuất hiện như từ mặt đất chui lên. To cao, mặt trẻ măng khoảng 17 – 18 tuổi, tay giữ chặt chuôi dao đeo ngang thắt lưng, kẻ lạ mặt nhìn tôi gườm gườm hỏi trống không: “Đâu đến đấy?”.

Đã chuẩn bị từ nhà, tôi liến thoắng: “Anh em bên mỏ sắt đi khảo sát mẫu quặng, tìm mãi chẳng thấy, mệt và khát nước quá”. Hắn vẫn giữ nguyên vẻ mặt cảnh giác: “Mỏ trong hay mỏ ngoài, đến lâu chưa sao không biết đường”.

Tôi cố gắng làm vẻ mặt thật thà nhất có thể: “Mỏ ngoài, chỗ sếp Thả với sếp Việt. Khổ! Mới lên được hai ngày, các sếp bắt đi khảo sát, mấy tay chơi đểu đưa đến lối vào rồi tếch, càng đi càng thấy núi, có thấy mảnh quặng nào. Anh em có nước cho xin ngụm rồi làm ơn chỉ giúp đường xuống xã”.

Hắn nhìn tôi gật đầu vẻ thông cảm rồi ngoái về phía sau xổ một tràng dài tiếng Mường mà tôi hiểu lõm bõm là: Không phải chúng nó đâu, bọn mỏ lạc đường… Ngay lập tức phía sau thấp thoáng máy bóng người tiến ra.

Ba thanh niên tuổi mới lớn, quần áo lam lũ, bạc màu, dao đeo ngang lưng dè dặt lại gần tôi khẽ với tay lấy thuốc vê hút. Một đứa nhìn tôi lom lom rồi hỏi đột ngột: “Đi một mình à?”. – “Không hai người. Anh kia đang tìm mẫu quặng phía trên”. Tôi lớn tiếng gọi. Hiểu ý, anh đồng nghiệp vừa trượt xuống vừa lớn tiếng càu nhàu thóa mạ thằng chỉ đường.

Câu chuyện dè dặt giữa hai bên nhanh chóng kết thúc khi tôi cố làm như vô tình ngồi vào giữa đống gỗ mới xẻ rồi nhờ anh bạn chụp ảnh kỷ niệm. Tay có nét mặt già nhất đám dùng dao đẽo mạnh vào thân gỗ lớn giọng: “Không được chụp, ở đây kiêng đấy”.

Hắn khoát tay ra hiệu, cả bốn người nhanh nhẹn khuân hai hộp gỗ lớn vừa đẽo xong giấu vào lùm cây, chặt cành lá phủ kín. Cả bọn chạy nhanh lên dốc núi sau khi nói với lại: “Nước uống trên hốc cây trên kia, đường về xã cứ theo vệt kéo gỗ bên trái”. Thoáng cái đã không thấy bóng dáng người nào.

 
Lán của lâm tặc được dựng lên rải rác khắp rừng.

Theo chân bọn chúng, anh em tôi ngược dốc và thấy ngay một thân cây lớn, đường kính trên 1m được kê, chèn chắc chắn. Một bên thân cây đã được đẽo phẳng. Ngay bên cạnh, bếp lửa đang bốc khói, một đống dây kéo, móc thép giấu kín trong hốc cây.

Đến một ngã cả hai hướng lối đi đều nhẵn bóng, hai anh em quyết định đi thẳng. Được một đoạn, bỗng có tiếng gọi giật giọng: Nhầm đường rồi. Quay lại nhìn, thấy một lâm tặc vừa gặp lúc trước đứng chắn giữa lối đi.

Hắn thật thà: “Các anh đi nhầm rồi, quay lại rồi rẽ trái. Khoảng 45 phút nữa thì tới đường lớn”. Nói xong hắn nhanh chóng biến mất sau rặng nứa rậm. Quay lại ngã ba, tôi đánh bạo gọi lớn: “Thôi, không phải làm thế đâu. Anh em có cùng đường thì về cùng cho vui”.

Một tay hỏi giọng cảnh giác: “Đựng gì trong túi đấy?”. Anh đồng nghiệp “doạ”, giọng bông lơn: Súng đấy. Có sợ bị bắt không? Anh nhanh tay mở túi để lộ túi trứng, mấy nắm cơm cho đối phương yên tâm.

Sau một hồi trò chuyện, chúng tôi đã có bạn đồng hành về xã. Trên đường về, qua những câu hỏi, trả lời nhát gừng, tôi được biết họ đều là người xóm Mu, mới học xong PTTH, không có việc làm nên lên rừng làm gỗ kiếm thêm.

Đây chỉ là thợ nghiệp dư, còn nhiều người trong xã thường xuyên đi làm gỗ với phương tiện hiện đại, quân số lớn. Mấy lâm tặc nhỏ tuổi còn hé lộ cho chúng tôi những tên tuổi lớn trong nghề, có tay từ tết đến giờ đã bán được 5-6 bộ phản.

Thế không sợ kiểm lâm à? Thì cũng sợ…nhưng ít khi nó lên tới nơi lắm. Nó cũng sợ bị bọn Thổ bắn. Thấy nó thì mình chạy. Làm được nhiều tiền không? Đói lắm mới phải đi làm. Được bao nhiêu đâu. Nhìn những bộ quần áo rách bươm, gương mặt hốc hác, sớm già trước tuổi, tôi tin lời họ .

Đi đến con suối chắn ngang đường, nhìn đồng hồ đã gần 2 giờ chiều, anh bạn tôi đề nghị ra đến đường tìm quán nước anh em giải khát một chút rồi chia tay. Hai “bạn đồng hành” thảo luận với nhau bằng tiếng Mường một lúc rồi chỉ tay ra phía trước: Các anh cứ đi thẳng theo lối mòn một đoạn là tới. Chiều nay bọn em còn phải đốt nốt ít nương để trồng sắn. Dứt lời, cả hai bước nhanh như chạy, thoáng cái đã mất hút.

Kiểm lâm đi đâu?

 
Máu rừng đang chảy trong sự thờ ơ của kiểm lâm.

Rừng đầu nguồn Thượng Cửu đang bị tàn phá với quy mô và cường độ lớn. Đó là sự thật không thể phủ nhận. Vậy nhưng khi chúng tôi ra xã hỏi về công tác phối kết hợp bảo vệ rừng, Phó chủ tịch phụ trách xã Hà Văn Nghệ vẫn tự tin cho biết: “Công tác chăm sóc bảo vệ rừng đặc biệt là rừng đầu nguồn trên địa bàn xã được anh em đặc biệt quan tâm làm tốt. Phối hợp với lực lượng kiểm lâm địa bàn và kiểm lâm huyện, anh em thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở bà con. Trong năm 2007 và từ đầu năm đến nay chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm”.

Khi được hỏi tổng diện tích rừng đầu nguồn tự nhiên trên địa bàn xã, Phó chủ tịch Hà Văn Nghệ bối rối xin phép đi tổng hợp tài liệu. Một lúc sau anh trở lại nói cán bộ tổng hợp đi vắng nên chịu không cung cấp được.

Quá thất vọng với cách làm việc thiếu trách nhiệm của chính quyền xã, chúng tôi tìm đến trạm Kiểm lâm Tam cửu. Trưởng trạm đi công tác vắng, cán bộ trực trạm cũng tỏ ra rất ngạc nhiên trước thông tin rừng tự nhiên trên địa bàn quản lý của trạm đang bị tàn phá.

Ngược đường ra trung tâm huyện, tìm vào Hạt Kiểm lâm huyện Thanh Sơn đăng ký làm việc với hạt trưởng lúc 15h45, chúng tôi không tin vào tai mình khi cô cán bộ thông báo lại: “Hôm nay trạm trưởng đi công tác về mệt, hiện đang… đánh bóng bàn. Anh em có việc gì cần cứ thông báo lại”.

Ra sân thể thao tìm gặp trạm trưởng thông báo lại tình hình, ông thản nhiên buông một câu: “Thế à! Chúng tôi đã cho tăng cường anh em vào đó rồi. Cảm ơn nhé”!?

Trên địa bàn Thanh Sơn, duy nhất tại xã Thượng Cửu là còn rừng tự nhiên đầu nguồn với trữ lượng gỗ quý hiếm lớn, tổng diện tích lên tới 2.801,4ha. Tuy nhiên, trên thực tế con số này nhỏ hơn rất nhiều.

Ông Hoàng Minh Toàn – Giám đốc Ban Quản lý dự án 661 Thanh Sơn xác nhận: “Nhiều năm gắn bó với rừng Thượng Cửu, tôi khẳng định, rừng tự nhiên theo đúng nghĩa của nó trên địa bàn xã chỉ còn được khoảng 800 – 1.000ha tại khu vực Đồi Trò – Mỏ Hạt, Đát Sấu – Hàm Rùa. Rừng tự nhiên nơi đây đang bị tàn phá. Anh em tôi đã nhiều lần đi kiểm tra, phát hiện, phá nhiều lán của lâm tặc nhưng mà khó lắm…”.

Không biết với cách làm việc thiếu tinh thần trách nhiệm của các lực lượng chức năng bảo vệ rừng như hiện nay ở Thượng Cửu, Thanh Sơn, bao lâu nữa rừng đầu nguồn Hàm Rùa xanh tốt là thế, quý hiếm là thế sẽ trở nên trọc như… mai rùa, tương tự những mỏm đồi nham nhở vệt đốt nương mà chúng tôi mới đi qua!