“Máu rừng” đang chảy tại khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ – Bắc Kạn

ThienNhien.Net – Nạn phá rừng tại khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ huyện Na Rì (Bắc Kạn) đã âm ỉ từ lâu nhưng chưa được dập tắt, nay lại bùng lên do giá gỗ nhóm 2 trên thị trường ngày càng tăng. Các “đầu nậu” sẵn sàng mua với giá hơn 10 triệu đồng/m3 gỗ nghiến. Chính vì vậy, khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ hiện đang bị lâm tặc “xẻ thịt” một cách trắng trợn.

Cây rừng vẫn…đổ!

Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ rộng hơn 14.700ha, nằm trên địa bàn các xã: Vũ Muộn, Cao Sơn (huyện Bạch Thông); Lương Thượng, Ân Tình, Côn Minh…(huyện Na Rì) là nơi lưu giữ được hiện trạng nguyên sơ của thiên nhiên và khá đa dạng. Khu bảo tồn này được các nhà khoa học trong nước và thế giới đánh giá cao bởi là nơi bảo tồn được những loài động, thực vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng toàn cầu như loài voọc má trắng. Ngoài ra, nơi đây còn được coi là kho gỗ quý lớn nhất của tỉnh Bắc Kạn, với hàng triệu cây đinh, nghiến, lát, thông núi đá…đã hàng trăm năm tuổi.

Nhìn vẻ ngoài, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ rất êm ả vì được tỉnh trang bị lực lượng chuyên nghiệp để quản lý, bảo vệ theo quy chế nghiêm ngặt, có 5 trạm Kiểm lâm chốt chặn ở những nơi trọng yếu nhất. Vậy mà chính nơi đây, từng ngày, từng giờ rừng đang bị “xẻ thịt” một cách trắng trợn, khiến dư luận hết sức bức xúc.

Trên một diện tích chưa đầy 500m2 tại khu vực rừng núi đá thôn Chè Cọ, xã Côn Minh, có tới 12 cây gỗ nghiến, 2 cây gỗ dâu và 1 cây gỗ chàm bị chặt. Những cây nghiến mới bị chặt còn đỏ tươi, lá còn xanh, có những gốc cây phải 2 người ôm mới xuể, nằm ngổn ngang bìa bắp. Cứ mỗi cây gỗ nghiến bị chặt là cả khoảng cây rừng to nhỏ gẫy đổ theo, hệ thực vật xung quanh hầu như biến mất hoàn toàn.

Theo như người dân thôn Chè Cọ, mỗi cây nghiến bị chặt, thường xẻ thành những cục thớt dày 20 cm, rộng 45-60 cm, bán tại chỗ được 150 nghìn đồng/cục, nếu vận chuyển ra cửa rừng được khoảng 180 nghìn đồng, còn vận chuyển ra đến đường xe ô tô có giá 220 nghìn đồng/ cục, vì lợi nhuận cao như vậy nên nhiều người dân địa phương đã liên kết với lâm tặc chặt phá rừng nghiến.

Tại sân trụ sở Hạt kiểm lâm khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ vẫn còn ngổn ngang gỗ nghiến, đường kính lên đến gần 0,5 mét! Anh Hà Xuân Minh – kiểm lâm viên Hạt kiểm lâm khu bảo tồn cho biết, số gỗ này là tang vật mà Hạt vừa thu trong các vụ phá rừng gần đây.

Cũng theo anh Minh, trước kia người dân phá rừng bằng thủ công, những năm gần đây, lâm tặc đã sử dụng loại cưa lốc chạy bằng xăng, những cây gỗ người ôm không xuể chỉ cần vài phút là bị hạ gục.

Theo thống kê của Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện 35 vụ vi phạm Luật bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó khai thác trái phép 6 vụ, còn lại là vi phạm về tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép…

Giữ rừng vẫn chỉ là.. lý thuyết

Anh Hà Xuân Minh cho biết thêm, bà con người dân tộc thiểu số sống trong vùng đệm và vùng lõi của khu bảo tồn là “thủ phạm” chủ yếu tham gia khai thác gỗ trái phép! Vì vậy, việc quản lý người và phương tiện ra vào rừng rất khó khăn. Nếu gặp kiểm lâm, người dân thường nói đi tìm trâu nhưng đến chiều quay về thì đằng sau có thể là một cây gỗ đã bị đốn ngã. Mặc dù đã có quy chế phối hợp với chính quyền của thôn và cam kết của cộng đồng dân cư sống trong khu bảo tồn nhưng tất cả chỉ là…hình thức.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm khu bảo tồn – Nông Xuân Lanh cho biết: “Hạt Kiểm lâm chỉ có 11 kiểm lâm viên, bố trí ở 5 trạm, trung bình mỗi người quản lý trên 1.000ha nên không thể bao quát hết được.Tại Côn Minh có 4.900 ha rừng thuộc khu bảo tồn, trong đó có 3 thôn thuộc vùng lõi, 3 thôn thuộc vùng đệm. Do diện tích rộng, dân sống không tập trung nên việc quản lý và bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn phức tạp”.

Theo thống kê chưa đầy đủ thì chỉ riêng xã Côn Minh hiện có 5 xưởng xẻ, đóng đồ gỗ và khoảng trên 50 máy cưa các loại. Đặc biệt có xưởng xẻ được cấp phép hoạt động ngay tại tại thôn Lủng Pảng thuộc vùng lõi khu bảo tồn. Trong một địa bàn nhỏ mà “lực lượng” xưởng xẻ và cưa máy hùng hậu như thế nên rừng bị phá cũng không có gì bất ngờ.

Lý thuyết về quản lý, bảo vệ rừng đã có và đã rõ từ nhiều năm, nhưng trên thực tế cây rừng trong khu bảo tồn Kim Hỷ vẫn ngày đêm “chảy máu” và chưa có giải pháp để quản lý có hiệu quả khi mà những đường dây “tiếp tay” cho phá rừng ở đây vẫn tồn tại như một thách thức. Các “ông trùm” gỗ lậu vẫn ẩn mình phía sau để “chỉ đạo” phá rừng theo kế hoạch, sự “làm ngơ“ của một số người có trách nhiệm và không ít người dân cửa rừng còn hám lợi trước mắt đã “cầm tay chỉ việc” giúp lâm tặc.