Chuyển đổi rừng keo, bạch đàn sang trồng rừng sinh thái

ThienNhien.Net – Những năm gần đây, các diện tích rừng trồng keo, bạch đàn trên địa bàn Hà Nội đã bộc lộ nhiều hạn chế như sinh trưởng kém, năng suất thấp, gây thoái hóa đất và nguy cơ cháy rừng.

Nhằm từng bước khắc phục những hạn chế này, nâng cao hiệu quả rừng trồng, UBND TP đã phê duyệt Đề án “Chuyển đổi rừng keo, bạch đàn sang trồng rừng sinh thái trên địa bàn TP giai đoạn 2014 – 2017”.

Chuyển đổi sang trồng rừng sinh thái ở xã Yên Bình, huyện Thạch Thất. (Ảnh: Lê Đức)
Chuyển đổi sang trồng rừng sinh thái ở xã Yên Bình, huyện Thạch Thất. (Ảnh: Lê Đức)

Hướng tới nhiều mục tiêu

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, ngoài các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội khác, TP Hà Nội có hệ sinh thái với thảm động thực vật phong phú, đa dạng hơn, trong đó phải kể đến rừng. Theo đề án được phê duyệt, hiện tổng diện tích rừng và đất trồng rừng sản xuất của TP là 6.508ha, chiếm 24,4% so với tổng diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp toàn TP. Diện tích này phân bố chủ yếu tại 5 huyện, thị xã là Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Sơn Tây. Trong số này, diện tích rừng keo là 3.770ha, rừng bạch đàn là 1.881,6ha, phổ biến từ 4 – 10 năm tuổi, còn lại là diện tích đất trống không có cây tái sinh. Qua đánh giá thực tế, do không thích nghi với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng và sinh thái, năng suất rừng keo, bạch đàn trên địa bàn TP khá thấp so với mặt bằng chung, sức sinh trưởng chỉ khoảng 25% so với năng suất mong đợi. Chỉ khoảng 325,9ha rừng có thể đảm bảo năng suất theo yêu cầu (từ 10m3/ha/năm trở lên).

Tiêu chí chuyển đổi rừng trồng keo, bạch đàn có năng suất tăng trưởng dưới 10m3/năm và có điều kiện lập địa, thổ nhưỡng phù hợp. Việc chuyển đổi rừng được thực hiện theo thứ tự rừng từ tuổi cao đến rừng tuổi thấp. Tổng kinh phí thực hiện Đề án là hơn 176,8 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ ngân sách Nhà nước dự kiến hỗ trợ 41,8 tỷ đồng, chiếm 23,7% tổng vốn đầu tư theo quy định tại Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 và Quyết định số 66/2011/QĐ-TTg ngày 9/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Keo, bạch đàn thường được khai thác chính ở độ tuổi 8 – 10 năm (chiếm 76,9%). Gỗ keo được sử dụng để làm nguyên liệu giấy, cốp pha trong xây dựng, ngoài ra còn được sử dụng để đóng đồ mộc nhưng không phổ biến. Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, trồng rừng keo, bạch đàn hiện nay cho thu nhập rất thấp, chỉ khoảng 3,7 triệu đồng/ha, trừ chi phí lợi nhuận chỉ còn 2,2 triệu đồng/ha. Đây là mức thu nhập khá thấp so với các ngành sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nói chung bởi giá trị canh tác nông nghiệp của TP hiện đạt 231 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, sức chống chịu với điều kiện thời tiết khắc nghiệt của cây keo, bạch đàn cũng rất hạn chế. Vào những năm có mùa đông, nhiệt độ thấp và mùa hè nhiệt độ cao kéo dài đều ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng, phát triển của rừng trồng keo, bạch đàn. Mặt khác do nhu cầu nước và dinh dưỡng của bạch đàn rất cao, nên đất trồng rừng bạch đàn có độ phì giảm nhanh và khô hạn tăng làm ảnh hưởng đến tính bền vững của rừng.

Trước những hạn chế trên, việc lựa chọn các loại cây trồng phù hợp với điều kiện lập địa, sinh thái và có hiệu quả kinh tế nhằm phát triển bền vững rừng trồng trên địa bàn TP là yêu cầu hết sức cần thiết. Bởi vậy, ngày 2/5/2013, UBND TP đã có Quyết định số 2845/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Chuyển đổi rừng keo, bạch đàn sang trồng rừng sinh thái trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2014 – 2017”. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc thực hiện Đề án có nhiều thuận lợi bởi Hà Nội có tiềm năng lớn về trồng rừng sinh thái. Rừng trên địa bàn TP có tập đoàn cây lâm nghiệp khá phong phú, đa dạng với một số loài bản địa có giá trị kinh tế, sinh thái, nhân văn và cảnh quan môi trường, phân bố chủ yếu ở Vườn Quốc gia Ba Vì và Khu di tích lịch sử Đá Chông.

Đề án được triển khai trên địa bàn 5 huyện, thị xã có đất lâm nghiệp theo quy hoạch được phê duyệt là rừng sản xuất với dân số khoảng hơn 1 triệu người. Đời sống của các hộ dân chủ yếu phụ thuộc vào rừng và kinh tế rừng. Mục đích của Đề án là phấn đấu chuyển đổi 100% diện tích (6.182ha) rừng trồng keo, bạch đàn hiệu quả thấp nhưng có điều kiện tự nhiên phù hợp sang trồng rừng sinh thái. Bên cạnh đó, trồng mới rừng sinh thái trên những diện tích đất trống, đồi trọc không có cây tái sinh. Qua đó làm tăng giá trị thu nhập bình quân từ kinh tế rừng gấp 2 – 5 lần sau một chu kỳ đầu tư, góp phần nâng cao đời sống của người sản xuất lâm nghiệp. Đồng thời, góp phần phát triển bền vững rừng sản xuất, bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển du lịch sinh thái. Ngoài ra, những diện tích rừng này còn là nguồn cung cấp gỗ nguyên liệu dồi dào cho các làng nghề trên địa bàn TP.

Để đạt được mục tiêu tạo rừng nhiều tầng, cơ cấu cây trồng rừng sinh thái trên địa bàn TP được xác định bao gồm cây thân gỗ có kết hợp với cây lâm sản ngoài gỗ. Đó là nhóm loài cây trồng lấy gỗ (đinh, lát hoa, muồng đen, re gừng), nhóm loài cây trồng ăn quả (trám đen, trám trắng, sấu, tai chua, mít) và nhóm loài cây trồng lâm sản ngoài gỗ (củ dong riềng, hoa tiên, mây nếp…). Các nhóm cây được xác định trên cơ sở phù hợp với điều kiện lập địa, thổ nhưỡng và hiệu quả kinh tế của từng địa phương.

Huy động nhiều giải pháp

Hiện nay, Bộ NN&PTNT cũng đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp để nâng cao hiệu quả từ trồng rừng. Do đó, việc chuyển đổi của TP Hà Nội cũng thể hiện đúng định hướng tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Để việc chuyển đổi rừng trồng đạt hiệu quả cao, UBND TP đã đưa ra nhóm giải pháp tăng cường quản lý Nhà nước về chất lượng giống cây lâm nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng các nguồn giống tại địa phương để đảm bảo đủ nguồn cây, con về số lượng và chất lượng theo yêu cầu của Đề án, đặc biệt ưu tiên công tác bình tuyển và công nhận nguồn giống, vườn ươm và sản xuất cây con.

Bên cạnh đó, TP khuyến khích áp dụng các kỹ thuật lâm sinh phù hợp như kết hợp trồng các cây dài ngày và cây ngắn ngày trên cùng một diện tích theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Giai đoạn đầu, xây dựng mô hình trình diễn chuyển đổi rừng keo, bạch đàn sang trồng rừng sinh thái để tạo hiện trường tham quan, học tập và trình diễn, tập huấn kỹ thuật cho các chủ rừng. Đối với những diện tích hiện tại không thích hợp trồng rừng sinh thái, TP chỉ đạo áp dụng các biện pháp canh tác trên đất dốc để chống xói mòn và trồng cây cải tạo đất ở luân kỳ đầu trước khi trồng rừng. Về cơ chế chính sách, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, tổ chức giao đất rừng ổn định, lâu dài cho các tổ chức, hộ gia đình. Song song với đó, hỗ trợ kinh phí đầu tư cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chuyển đổi rừng keo, bạch đàn sang trồng rừng sinh thái. Đáng chú ý là miễn thuế sử dụng đất rừng sản xuất chu kỳ đầu cho các chủ sử dụng đất chuyển đổi rừng trồng keo, bạch đàn và trồng mới rừng sinh thái.

Cũng theo Đề án đã được phê duyệt, ngân sách TP, huyện, thị xã chủ động bố trí để triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ theo tiến độ của Đề án. Đồng thời, sử dụng nguồn thu từ khai thác, chặt hạ keo, bạch đàn để bù đắp một phần kinh phí đầu tư khi trồng rừng thay thế. Đặc biệt, huy động bằng nhiều hình thức để người dân mạnh dạn bỏ vốn tự đầu tư chuyển đổi và vận dụng các quy định, chính sách hiện hành để khuyến khích các DN liên doanh, liên kết đầu tư chuyển đổi sang trồng rừng sinh thái.

UBND TP yêu cầu các huyện, thị xã có rừng chuyển đổi tổng hợp kế hoạch chuyển đổi, trồng mới rừng sinh thái của chủ rừng tại địa phương để xây dựng kế hoạch hàng năm. Đồng thời phối hợp chỉ đạo các cấp, ngành liên quan, các xã có rừng, các chủ rừng tham gia thực hiện các nội dung của Đề án đạt hiệu quả cao, kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách với Sở NN&PTNT để tổng hợp báo cáo UBND TP. Các xã có rừng cần lồng ghép chương trình xây dựng nông thôn mới với phát triển rừng sinh thái và huy động nguồn lực thực hiện chương trình.