Nan giải bài toán giữ rừng Tây Nguyên – Bài 3: Giải pháp bảo vệ và phát triển rừng bền vững

Thời gian gần đây, trên địa bàn Tây Nguyên liên tiếp phát hiện những vụ khai thác lâm sản, chặt phá rừng trái pháp luật trên quy mô lớn, có tổ chức, gây hậu quả nghiêm trọng. Giải pháp bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên vẫn còn là bài toán khá nan giải…

(Tiếp theo và hết)

Cần những quyết sách phù hợp với thực tiễn

Trước hết, đối với vùng Tây Nguyên, vấn đề lâu nay đặt ra là sớm giải quyết ổn định đời sống cho số dân di cư tự do (DCTD), nhất là những cụm dân DCTD sống trong rừng và gần rừng. Các tỉnh cần tập trung nguồn lực đầu tư thực hiện 29 dự án ổn định dân DCTD còn dang dở, chậm tiến độ do thiếu kinh phí. Trước hết, cần huy động nguồn lực, gồm cả nguồn hỗ trợ từ Trung ương và ngân sách địa phương, để nhanh chóng giải tỏa các điểm nóng dân DCTD phá rừng. Cụ thể, tại tỉnh Đắc Nông có 3 điểm nóng dân DCTD ở các huyện Krông Nô, Tuy Đức và Đăk Glong, với 4.774 hộ, 20.569 khẩu. Tỉnh Lâm Đồng có điểm nóng dân DCTD ở xã Liêng S’rônh, huyện Đam Rông, với 507 hộ, 2.732 khẩu. Tỉnh Đắc Lắc có các điểm nóng dân DCTD tại các huyện: Ea Súp, Cư M’gar, Krông Năng, Krông Bông và M’Đrăk… với 5.000 hộ, hơn 20 nghìn nhân khẩu đang sống ở các cụm dân cư tự phát trong rừng và gần rừng.

Tại các cuộc hội thảo bàn về những giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên gần đây, các chuyên gia, đại diện các tỉnh Tây Nguyên, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều nhấn mạnh vấn đề muốn giữ rừng, cần ổn định đời sống cho dân DCTD tại khu vực này. Đồng chí Lê Quang Dần, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắc Nông khẳng định: “Việc gia tăng dân số, nhất là tăng cơ học do tình trạng DCTD dẫn đến nhu cầu về đất ở và đất sản xuất, gây ra áp lực rất lớn lên diện tích rừng và đất rừng”. Cùng quan điểm, đồng chí Tô Xuân Đam, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng IV (Cục Kiểm lâm) cho rằng: “Tình trạng dân DCTD ở một số địa phương còn diễn biến phức tạp, chưa được kiểm soát và giải quyết dứt điểm. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa đời sống còn nhiều khó khăn, sống chủ yếu phụ thuộc vào các thu nhập từ rừng, nên tạo sức ép không nhỏ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng”.

Tuần tra bảo vệ rừng tại Ban quản lý Rừng phòng hộ núi Vọng Phu (Đắc Lắc).

Tiếp đến, cần có chính sách phù hợp cho lực lượng giữ rừng và chủ rừng, làm thế nào để người giữ rừng, trồng rừng sống được từ chính công việc của họ. Cần sớm tăng mức khoán bảo vệ rừng, vì mức bình quân 200 nghìn đồng/ha/năm như hiện nay là quá thấp. Cùng với đó, cần mở rộng dịch vụ môi trường rừng, coi đây là nguồn thu bền vững, phục vụ tái đầu tư, nâng cao đời sống của người dân trực tiếp bảo vệ rừng. Hiện nay, ngân sách đầu tư cho phát triển lâm nghiệp, đặc biệt là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng còn thấp so với các ngành, lĩnh vực khác dẫn đến hiệu quả đạt được chưa cao. Đơn cử như suất hỗ trợ đầu tư trồng rừng đặc dụng, phòng hộ hiện là 30 triệu đồng/ha; hỗ trợ đầu tư trồng rừng kinh doanh gỗ lớn là 8 triệu đồng/ha, như vậy còn quá thấp, dẫn tới khó thu hút người dân và doanh nghiệp tham gia trồng rừng. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có quy định cụ thể về công tác khuyến lâm, đặc biệt là các quy định về thực hiện mô hình nông lâm kết hợp trên đất lâm nghiệp, như “tỷ lệ % cây lâm nghiệp, cây nông nghiệp và định mức hỗ trợ thực hiện mô hình”. Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm-doanh nghiệp đang quản lý hơn 8 nghìn héc-ta rừng và đất lâm nghiệp cho rằng: “Nguồn kinh phí khoán bảo vệ rừng còn hạn chế, mức 300 nghìn đồng/ha/năm với diện tích đất có rừng là quá thấp. Bên cạnh đó, những diện tích đất rừng mà không có rừng lại không được cấp kinh phí để quản lý, bảo vệ. Đây cũng là khó khăn cho đơn vị quản lý và là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân ồ ạt lấn chiếm đất lâm nghiệp”. Cũng theo đồng chí Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm, những vi phạm pháp luật trên lĩnh vực lâm nghiệp cần xử lý nghiêm minh, cần có biện pháp mạnh để cưỡng chế, di dời các điểm dân DCTD ra khỏi rừng, nhất là những điểm dân DCTD đang tồn tại trong rừng.

Đối với 367.881ha rừng mà các tỉnh Tây Nguyên đang tạm giao cho UBND cấp xã quản lý (chiếm 14,6% tổng diện tích rừng toàn vùng), đồng chí Nguyễn Như Hoàng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp-nơi đang là điểm nóng về tình trạng rừng đã giao cho UBND xã quản lý nhưng vẫn bị tàn phá-cho rằng: “Rừng giao cho UBND xã quản lý rất dễ bị xâm hại. Bởi lực lượng bảo vệ rừng mỗi xã chỉ 5 đồng chí và đều kiêm nhiệm, dẫn đến thiếu nhân lực, kinh phí để thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng. Vì vậy, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên nên sớm có phương án giao diện tích rừng hiện các xã đang quản lý cho các chủ rừng có năng lực, có lực lượng chuyên trách để bảo vệ, khôi phục rừng hiệu quả”.

Trong những chuyến lội rừng, trực tiếp trao đổi với đơn vị quản lý rừng và lực lượng kiểm lâm, đến đâu chúng tôi cũng được phản ánh là lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng còn mỏng, thiếu nhiều so với chỉ tiêu và nhu cầu. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới rừng ở vùng Tây Nguyên đã và đang bị tàn phá đến mức khó kiểm soát. Đơn cử như tại huyện Ea Súp, tính đến thời điểm hiện tại thiếu 3 kiểm lâm viên địa bàn. Vì vậy, một kiểm lâm viên địa bàn ở huyện này phải phụ trách hai xã, trong khi địa bàn rộng, diện tích rừng lớn(!). Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắc Lắc lo ngại: “Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 13 kiểm lâm viên xin nghỉ việc, lý do là vì áp lực công việc và đời sống khó khăn. Hiện nay, toàn tỉnh Đắc Lắc đang thiếu 40 kiểm lâm viên”. Vì vậy, trong thời gian tới, các tỉnh Tây Nguyên cần tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng lực lượng kiểm lâm các cấp; tăng cường lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng cho các khu bảo tồn, vườn quốc gia và ban quản lý rừng phòng hộ.

Đề cao trách nhiệm của tập thể và cá nhân

Bảo vệ rừng là trách nhiệm của toàn dân chứ không phải chỉ riêng các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng và chính quyền địa phương. Tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật diễn ra khá phổ biến trên địa bàn Tây Nguyên trong thời gian qua dẫn đến rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng, hậu quả không ai có thể gánh chịu. Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo các địa phương cần chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra phối hợp cùng báo chí và các cơ quan chức năng điều tra một cách khách quan nhằm làm rõ đối tượng nào khai thác, tiêu thụ ở đâu; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có tiếp tay cho lâm tặc triệt phá rừng hay không.

Trước hết, các tỉnh Tây Nguyên cần thực hiện nghiêm các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ rừng, đặc biệt là Luật Lâm nghiệp năm 2017; đồng thời triển khai có hiệu quả Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030 theo Quyết định số 297/QĐ-TTg, ngày 18-3-2019 của Thủ tướng Chính phủ. Đề cao trách nhiệm của chủ rừng, các cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp được giao quản lý, bảo vệ, triển khai dự án phát triển, khôi phục rừng và các dự án nông lâm kết hợp.

Mặt khác, phải đề cập đến trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương vùng Tây Nguyên khi để xảy ra mất rừng. Tại Hội nghị tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất lâm nghiệp vùng Tây Nguyên do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) vào tháng 6-2020, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đã thống nhất quan điểm: Để bảo vệ được rừng cần xác định rõ trách nhiệm không chỉ của chủ rừng mà cả các cấp quản lý. Chủ rừng thì theo luật hiện hành, còn cấp ủy, chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm rõ ràng, như quy định tại Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; và cụ thể trong các chương trình hành động của tỉnh ủy các tỉnh trong vùng.

Kon Tum là địa phương đang làm tốt nhất công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vùng Tây Nguyên. Trong khi ở một số tỉnh, diện tích rừng, tỷ lệ độ che phủ rừng suy giảm hằng năm, thì giai đoạn 2014-2020, Kon Tum tăng 5.410ha rừng, tăng 0,62% tỷ lệ độ che phủ rừng: Năm 2014, diện tích rừng là 604.258ha, tỷ lệ độ che phủ rừng 62,4%; đến năm 2020, diện tích rừng tăng lên 609.666ha, tỷ lệ độ che phủ rừng 63,02%. Một trong những kinh nghiệm của Kon Tum, đó chính là đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức địa phương trong công tác giữ rừng. Đồng chí Võ Sỹ Chung, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum khẳng định: Cần xác định rõ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương chịu trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn mình quản lý, hoặc để cho các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Đề cập đến vấn đề đề cao trách nhiệm của chủ rừng và của cả hệ thống chính trị trong quản lý, bảo vệ rừng, đồng chí Nguyễn Văn Hoan, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho rằng: Cần tăng thẩm quyền trong xử lý vi phạm pháp luật trên lĩnh vực lâm nghiệp cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; đồng thời có chính sách ưu đãi, phụ cấp đặc thù cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, giúp lực lượng này ổn định đời sống, gắn bó với rừng, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Với những giải pháp căn cơ, toàn vùng Tây Nguyên đặt ra mục tiêu nâng diện tích rừng từ 2,51 triệu héc-ta năm 2021 lên 2,72 triệu héc-ta vào năm 2030, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 49,2%; đồng thời quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường rừng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.