Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời về vấn đề tiêu thụ lúa cho nông dân

ThienNhien.Net – Hiện nay, một trong những vấn đề dư luận rất quan tâm là công tác dự báo sản lượng lúa ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thiếu chính xác khiến lúa hàng hóa bị ứ đọng, gây thiệt hại cho nông dân. Đáp lại một số kiến nghị, bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Cao Đức Phát đã có văn bản trả lời cụ thể về vấn đề này.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, vấn đề tiêu thụ hàng hóa cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang rất bức bách. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đang triển khai các biện pháp đẩy nhanh thu mua lúa.

Về các giải pháp trước mắt để tiêu thụ lúa cho nông dân, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, ngành Ngân hàng tiếp tục thực hiện giãn nợ đã vay cho nông dân và doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục cho vay với lãi suất đã được điều chỉnh giảm. Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình chính sách được vay ưu đãi để đầu tư sản xuất vụ Đông xuân 2008-2009.

Thiết lập bộ phận chuyên trách dự báo sản lượng lúa gạo

Trả lời câu hỏi về biện pháp khắc phục dự đoán sai về sản lượng lúa, Bộ trưởng Cao Đức Phát thẳng thắn nhìn nhận, việc dự báo sản lượng lúa hàng hóa theo mùa vụ là trách nhiệm của Bộ NNPTNT. Là ngành sản xuất sinh học, phụ thuộc trực tiếp vào thiên tai, khí hậu, sâu bệnh,… trong bối cảnh hiện nay do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, thì dự báo chính xác sản lượng trước khi gieo cấy, thậm chí vào thời điểm lúa đang đòng, quả là công việc khó.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng khẳng định, nhiệm vụ này đã được chấn chỉnh và ngay từ tháng 11/2008, Bộ NNPTNT đã giao Vụ Kế hoạch chủ trì chỉ đạo thiết lập bộ phận chuyên trách dự báo thuộc Trung tâm Tin học và Thống kê, phối hợp chặt chẽ với các Cục chuyên ngành (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản,…) và các địa phương để triển khai hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng công tác dự báo sản lượng nông nghiệp nói chung và lúa gạo nói riêng.

Quy hoạch cơ cấu giống lúa tối ưu cho từng tỉnh

Bộ NNPTNT đã họp với các tỉnh ĐBSCL bàn biện pháp triển khai vụ sản xuất lúa Đông xuân 2008-2009, thống nhất hướng dẫn nông dân sử dụng cơ cấu giống lúa thích hợp với chất lượng gạo cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Bộ cũng đã ra Chỉ thị số 3170/CT-BNN ngày 24/10/2008 về việc triển khai sản xuất lúa Đông xuân 2008-2009 tại các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam Bộ, yêu cầu các tỉnh triển khai thực hiện đúng về thời vụ gieo cấy, cơ cấu giống lúa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, phòng trừ dịch bệnh,… giảm tối đa diện tích gieo trồng giống lúa IR50404 và OM576, tăng cường sử dụng các giống lúa chịu rầy nâu, có chất lượng cao đã được ngành nông nghiệp khuyến cáo.

Song song với việc đó, biện pháp lâu dài để đẩy mạnh tiêu thụ lúa cho nông dân, Bộ NPTNT giao Viện nghiên cứu lúa ĐBSCL đẩy nhanh tiến độ dự án giống lúa chất lượng cao cho xuất khẩu, phối hợp với các Trung tâm giống và doanh nghiệp giống địa phương nhân nhanh các giống lúa để cung ứng cho nông dân sản xuất, ít nhất đến năm 2010 đạt khoảng 50% giống xác nhận (hiện nay là 35%).

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết thêm, các đơn vị quản lý thuộc Bộ đang phối hợp với các địa phương rà soát lại các giống lúa đang sử dụng, nghiên cứu quy hoạch cơ cấu giống lúa tối ưu cho từng tỉnh, nhiều nhất mỗi tỉnh chỉ nên sử dụng tối đa 3 loại giống, tạo ra những địa bàn sản xuất lúa tập trung (cùng trà, khác chủ), tạo điều kiện cho xuất khẩu.

 Chính phủ chỉ đạo các biện pháp trước mắt đẩy nhanh việc tiêu thụ lúa cho nông dân, gồm:
– Bộ Tài chính xem xét cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chậm trả thuế; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy nhanh xuất khẩu gạo để có điều kiện mua lúa cho dân.
– Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo hệ thống Tham tán Thương mại các nước và cử các đoàn đi tìm kiếm thêm các hợp đồng xuất khẩu gạo.
– Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Ngân hàng NNPTNT cho 2 Tổng Công ty lương thực miền Nam và miền Bắc vay đủ tiền mua 500-600 ngàn tấn quy gạo hàng hóa (khoảng 1 triệu tấn lúa) hiện tồn đọng trong dân vùng ĐBSCL trong thời gian từ ngày 1-12/2008 đến 28/2/2009.
– Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vay cho hai Tổng công ty trên để mua số lúa gạo này.