Gạo Việt giữa khủng hoảng lương thực

Dù thế giới đang căng thẳng về an ninh lương thực nhưng gạo Việt vẫn chưa dễ tìm cơ hội từ đây.

Ảnh: Quý Hòa.

Ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, gần đây đưa ra lời cảnh báo cuộc xung đột ở Ukraine đã làm trầm trọng thêm các vấn đề tồn tại suốt những năm qua như biến đổi khí hậu, tác động của đại dịch COVID-19, sự phục hồi không đồng đều giữa các quốc gia…  Và chừng nào Nga và Ukraine, 2 nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 1/3 nguồn cung lúa mì toàn cầu chưa nối lại thương mại thì cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu sẽ chưa có giải pháp hiệu quả.

Thực tế, không chỉ Nga, Ukraine, nhiều quốc gia khác cũng dừng toàn bộ hoặc dừng một phần xuất khẩu các mặt hàng lương thực. Theo Fitch Solutions, có khoảng 30 quốc gia đã thực hiện các biện pháp hạn chế xuất khẩu lương thực kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra. Dù vậy, thiếu hụt lương thực chỉ chủ yếu xảy ra ở mặt hàng lúa mì, dầu thực vật, đường… Còn với gạo, Ấn Độ – quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% các giao dịch thương mại gạo toàn cầu – không có kế hoạch dừng xuất khẩu gạo.

Năm ngoái, Ấn Độ đã xuất khẩu kỷ lục 21,2 triệu tấn gạo và từ đầu năm đến nay tiếp tục xuất 9,6 triệu tấn gạo. Sản lượng gạo Ấn ở niên vụ tháng 6/2022 đang được mùa, thu hoạch khoảng 130 triệu tấn, tăng hơn 8 triệu tấn so với năm ngoái. Còn lượng gạo dự trữ đã lên tới 33 triệu tấn, mức cao nhất kể từ năm 2016, theo Tổng Công ty Lương thực Ấn Độ. Với tình hình này, Ấn Độ chưa có lý do để áp lệnh cấm xuất khẩu gạo.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Phước Thành IV, cũng xác nhận, chưa có tín hiệu nào cho thấy Ấn Độ sẽ dừng xuất khẩu gạo. Trong khi đó, khó có thể trông chờ các nước tăng cường mua gạo như một cách dự phòng thay thế, vì không dễ dàng để người dân các nước vốn đã quen dùng lúa mì, lúa mạch chuyển sang dùng lúa gạo. “Tiêu thụ gạo sẽ khó tăng đột biến”, ông Thành nhận định.

Phước Thành IV, Lộc Trời, Trung An đều cho rằng nguồn cung gạo sẽ không biến động phức tạp và giá gạo cũng sẽ khó tăng cao trong thời gian tới. Bởi Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu gạo trắng (chiếm 40% tổng lượng xuất khẩu, theo Bộ Công Thương), cạnh tranh trực tiếp với gạo của Ấn Độ nhưng lại đang bán giá cao hơn gạo Ấn. Trong tháng 5/2022, gạo 5% tấm của Việt Nam bán với giá khoảng 415 USD/tấn trong khi gạo Ấn là 338 USD/tấn.

Gạo Việt được xuất chủ yếu sang Philippines, Trung Quốc. Tuy nhiên, việc Philippines “cào bằng” mức thuế nhập khẩu gạo 35% đối với tất cả các nước khiến Việt Nam gặp khó khăn hơn khi xuất khẩu gạo, bởi trước nay Việt Nam vẫn đang được hưởng mức thuế 35%. Tại thị trường Trung Quốc, quy định xuất nhập khẩu cũng đã nghiêm ngặt hơn.

Gạo Việt cũng bị sức ép từ tình trạng thiếu container rỗng và chi phí logistics đã tăng lên gấp 3-4 lần, thậm chí gấp 5 lần nếu xuất sang châu Âu. Theo bà Nguyễn Trần Phương Nga, chuyên gia phân tích thuộc SSI Research, doanh nghiệp Việt khó có thể chuyển hết phần tăng chi phí vận chuyển sang cho bên mua vì các nước mua gạo của Việt Nam cũng đang gặp khó khăn do lạm phát.

Vì thế, ông Thành cho biết, Phước Thành IV sẽ ưu tiên thị trường trong nước hơn, còn với thị trường xuất khẩu, chiến lược là duy trì chứ không mở rộng. Đại diện Lộc Trời nói rằng vẫn mở rộng xuất khẩu nhưng chủ yếu là tăng số lượng bán ra cho các đối tác quen thuộc, làm ăn lâu dài hoặc đối tác mới nhưng ở các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu. Năm ngoái, Lộc Trời đã xuất khẩu gạo tăng gấp 4 lần, lên hơn 80.000 tấn gạo. Năm nay, Công ty đã ký kết bao tiêu 110.000 ha tại An Giang và dự kiến đạt doanh số 12.000 tỉ đồng với đối tác sẵn có.

Trong khi đó, Trung An xác định nội địa là thị trường chính và đi theo phân khúc chất lượng cao (gạo sạch, gạo hữu cơ). Năm ngoái, tiêu thụ gạo trong nước chiếm tới 81,2% tổng doanh thu của Trung An. Từ năm nay, Công ty dự tính sẽ phát triển vùng nguyên liệu ở tứ giác Long Xuyên và tiến tới xuất khẩu 1 triệu tấn gạo chất lượng cao vào các thị trường như châu Âu, Mỹ, Trung Đông, Hàn Quốc… với kim ngạch tối thiểu 800 triệu USD/năm. Trung An sẽ tiếp tục huy động vốn để đầu tư, triển khai M&A và sẽ mở room tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài vì muốn tận dụng nguồn vốn, kinh nghiệm, năng lực quản trị, mạng lưới của họ. Trung An đặt mục tiêu chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu gạo sạch của cả nước đến năm 2030.

Các kế hoạch này của Trung An cho thấy cái nhìn lạc quan về triển vọng ngành. Ông Phạm Thái Bình, CEO của Trung An, cho rằng: “Tình hình lương thực vẫn thiếu hụt trên thế giới cho đến năm 2023 nên xuất khẩu gạo vẫn tăng trưởng”. Trung An đã dự trữ tồn kho lớn như một sự chuẩn bị đón đầu.