Tạo động lực phát triển nông thôn mới

ThienNhien.Net – Ngày 10/11, Hội nghị toàn thể Chương trình hỗ trợ quốc tế (ISG 2010) “Động lực cho nông thôn mới phát triển” đã diễn ra tại Hà Nội.

Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát và Bà Yuriko Shoji, đại diện Tổ chức Nông lương Quốc tế (FAO) tại Việt Nam chủ trì.

Hội nghị đã thu hút đông đảo đại diện các bộ, ngành, cộng đồng các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ, các đại sứ quán, chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học, các nhà đầu tư trong và ngoài nước…

Hội nghị ISG hàng năm là một diễn đàn lớn nhằm đối thoại chính sách giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với các bên liên quan.

Thông qua Hội nghị này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mong muốn chia sẻ kinh nghiệm từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, cũng như đề xuất khung hợp tác với sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Tại Hội nghị, hàng loạt tham luận của các đại biểu với những chủ đề đa dạng, như “Định hướng đầu tư cho phát triển nông thôn mới ở Việt Nam”, “Thực tế về phát triển nông thôn trên cơ sở quyền lợi người dân”, “Một Liên Hợp Quốc và triển vọng cho Tam nông ở Việt Nam”… đều hướng đến một mục tiêu là nhằm góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng nông thôn mới Việt Nam.

Bộ trưởng Cao Đức Phát một lần nữa nhấn mạnh, Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 được Chính phủ phê duyệt vào tháng 06/2010 là chương trình phát triển nông thôn toàn diện, tổng hợp, được lồng ghép với sự tham gia của các bộ ngành Việt Nam.

Trong đó, cộng đồng cư dân nông thôn là chủ thể xây dựng nông thôn mới. Nhà nước chỉ định hướng bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn, chính sách hỗ trợ và hướng dẫn tư vấn cho người dân.

Với 70% dân số sinh sống ở nông thôn, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Chương trình đặt mục tiêu thu nhập của dân cư nông thôn tăng gấp trên 1,5 lần so với hiện nay vào năm 2015 và 2,5 lần vào năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 8% và 3% (theo chuẩn nghèo năm 2007), tương ứng vào năm 2015 và 2020.

Bên cạnh đó, chương trình cũng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng nông lâm thủy sản đến năm 2020 đạt từ 3,5-4%/năm; lao động nông nghiệp còn khoảng 30% tổng lao động xã hội; tỷ lệ nông dân qua đào tạo đạt trên 50%.

Để đạt mục tiêu đề ra, Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như tập trung quy hoạch nông thôn; bố trí lại cơ cấu kinh tế cho từng xã theo hướng kinh tế hàng hóa; chỉnh trang, phát triển hạ tầng nông thôn; đào tạo cán bộ; ưu tiên đầu tư cho những vùng đặc biệt khó khăn…

Sát cánh cùng Việt Nam trong suốt thời gian qua, với kinh nghiệm của mình, Tổ chức FAO tại Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng, phát triển nông thôn, hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra.

Bà Yuriko Shoji đại diện FAO và One UN tại Việt Nam cho biết, Liên Hợp Quốc sẽ điều phối những hỗ trợ quốc tế để giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn đề ra.

Những nhiệm vụ cơ bản Việt Nam đang tập trung triển khai thực hiện nhằm phát triển nông thôn mới:
Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội từng bước hiện đại;
Có cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp – dịch vụ;
Gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch;
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao…