Có nên làm như Gia Lai

ThienNhien.Net – Cách thức người ta vẫn hay làm đối với các sản phẩm do phạm tội mà có thường là mang ra đấu giá để xung công. Nhưng ngày 13/10/2008 vừa qua tỉnh Gia Lai đã có một quyết định gây sốc cho dư luận, đó là đốt toàn bộ số gỗ trắc tịch đã tịch thu được.

Cách làm không mới nhưng lại gây sốc

Tính đến tháng 09/2008 các đơn vị Kiểm lâm của Chi cục Kiểm lâm Gia Lai đã bắt giữ và tịch thu 453,14 ster gốc rễ trắc. Toàn bộ số tang vật này hiện đang được cất giữ tại 15 đơn vị trực thuọc Chi cục. Do số gỗ này chiếm dụng diện tích lớn kho bãi nên Chi cục Kiểm lâm xin ý kiến UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo xử lý.

Ngày 13/10/2008, UBND tỉnh Gia Lai có Công văn 2989 gửi Chi cục Kiểm lâm nêu rõ: “Không đồng ý cho bán, giao Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các hạt kiểm lâm, các đơn vị trực thuộc lập biên bản xử lý tiêu hủy toàn bộ gốc rễ trắc đã xử lý tịch thu, hiện còn tồn kho để tránh lợi dụng đào tiếp”. Nhận được chỉ đạo này Chi cục Kiểm lâm Gia Lai đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đốt toàn bộ số gốc rễ gỗ trắc thu được.

Nếu nói về mặt kinh tế thì đây là sự lãng phí không đáng có, giá của mỗi ster gỗ trắc hiện nay dao động trong khoảng 7 – 10 triệu đồng, có thời điểm lên đến 20 triệu đồng/ ster. Nếu như toàn bộ số tang vật trên bị thiêu hủy thì sẽ mất đi nhiều tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.

Có nên chỉ nhìn vào khía cạnh kinh tế

Đây là một cách làm cũ nhưng không phải là không có tác dụng của Gia Lai. Nếu như chúng ta lại bán các sản phẩm này qua hình thức đấu giá thì các sản phẩm này có khi lại rơi vào tay những kẻ chủ gỗ trước đó. Hoặc bất cứ đối tượng nào thì chúng vẫn sẽ được lưu thông trên thị trường.

Khi được lưu thông trên thị trường, các sản phẩm này sinh ra lợi nhuận sẽ kích thích các hoạt động khai thác trái phép tiếp sau. Vòng luẩn quẩn đó cứ tiếp diễn cho đến khi nào những cánh rừng bị cạn kiệt. Thực tế thì những cánh rừng có gỗ trắc ở Gia Lai đã cạn kiệt nên người ta đã phai khai thác cả gốc, rễ của nó.

Không những thế, hiện nay các tang vật là gỗ thu được nếu là loại gỗ nhỏ thì có thể kéo về nơi tập kết. Nhưng nếu là gỗ lớn thì phải dùng các xe chuyên dụng, xe tự chế và thuê người để vận chuyển ra nơi tập kết. Hiện nay các loại gỗ tốt, gỗ quí thường chỉ còn lại ở các vùng sâu, vùng xa. Do vậy rất khó khăn trong việc đi lại, vận chuyển tang vật về nơi tập kết.
Không những thế quá trình lưu giữ và bảo quản các tang vật này cũng gặp nhiều khó khăn. Thậm chí tiền bán đấu giá các tang vật trong nhiều trường hợp không đủ bù chi phí vận chuyển và bảo quản.

Khi mà các đầu mối thu mua gỗ không hoạt động thì đương nhiên những người trực tiếp phá rừng cũng không còn động cơ để khai thác trái phép. Mặc dù đây chỉ là biện pháp có tác dụng gián tiếp nhưng nó có khả năng góp một phần không nhỏ vào công cuộc bảo vệ và phát triển rừng.

Nếu chỉ nhìn vào khía cạnh kinh tế thì tại sao Việt Nam chúng ta và tất cả các nước trên thế giới đều thiêu hủy các tang vật là heroin hay các loại thuốc gây nghiện khác khi thu được. Nên nhớ rằng có những vụ mà khối khối lượng thiêu hủy có trị giá hàng tỷ USD nhưng người ta vẫn phải làm vì những hệ lụy khủng khiếp mà mặt hàng này mang lại khi được lưu thông trên thị trường, tại bất cứ nơi nào chúng có mặt.

Những sự so sánh ở đây chỉ là độ tương đối, nhưng qua đó chúng ta thấy được rằng không phải lợi ích về kinh tế bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu. Bởi vậy biện pháp xử lý như của Gia Lai đối với các tang vật vi phạm như ở trên cần phải được xem xét. Nếu nó thực sự có thể có tác động tích cực trong công cuộc bảo vệ và phát triển rừng thì đó là điều chúng ta nên làm.