VQG Bù Gia Mập những ngày "nóng"

ThienNhien.Net – Trong những ngày này, Vườn quốc gia Bù Gia Mập – lá phổi xanh của miền Đông Nam Bộ – luôn trong tình trạng căng thẳng dưới sức ép liên tục của nạn khai thác các loài cây gỗ quý hiếm và săn bắt trái phép động vật hoang dã. Trong 6 tháng cuối năm 2009, đặc biệt là sang quý 1 năm nay, Vườn đã mất đi hàng trăm mét khối gỗ trầm hương, cẩm lai, gõ đỏ, giáng hương…

 
Tình trạng khai thác ồ ạt đang diễn ra ở các tiểu khu 5, 6, 9 (nơi có sinh cảnh rừng rất đẹp với nhiều loài gỗ quý hiếm) phía giáp ranh với tỉnh Đắk Nông. 
“Lâm tặc” xâm nhập vào rừng với số lượng lớn, đáng chú ý là không chỉ có thanh niên mà có cả thành phần già, trẻ, gái, trái, hòng lấn át lực lượng kiểm lâm. Vào những ngày cao điểm, đội quân “ăn rừng” này lên tới hàng trăm người. Mấy chục xe máy, cưa máy ào ạt, ngang nhiên tiến vào rừng gây âm thanh náo loạn cả một vùng.

 

Tiếp xúc với chúng tôi, một cán bộ kiểm lâm cho biết những phương tiện bảo vệ rừng thông thường của kiểm lâm cũng không khiến những kẻ phá rừng chùn tay. Những đối tượng này ngày càng trở nên táo tợn và manh động, lấy số lượng đông đảo để uy hiếp đội quân bảo vệ rừng, thậm chí mang thường trực hung khí, sẵn sàng tấn công nếu bị kiểm lâm truy cản. Phụ nữ, người già và trẻ con cũng bị lợi dụng gây cản trở lực lượng kiểm lâm.

 

Có ý kiến bi quan cho rằng nếu tình trạng khai thác gỗ cứ tiếp diễn với đà này, chỉ 3-5 tháng nữa, Bù Gia Mập sẽ chẳng còn bóng dáng gỗ quý hiếm.

  

phá rừng 9

phá rừng 6

phá rừng 5

phá rừng 8

phá rừng 3

phá rừng 7

lâm tặc 2 

lâm tặc 1

 

Vườn Quốc gia Bù Gia Mập được chuyển hạng từ khu bảo tồn thiên nhiên Bù Gia Mập vào năm 2002 theo Quyết định số 170/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ, với diện tích 25.926 ha. Phía Tây Bắc có Suối Đắk Huýt là biên giới của Việt Nam và Camphuchia, Phía Đông giáp tỉnh Đắk Đông, phía Nam giáp với Nông Lâm Trường Đắk Mai.

 

Vườn Quốc gia Bù Gia Mập là khu rừng tự nhiên liền vùng liền khoảnh lớn nhất và duy nhất tại tỉnh Bình Phước, là nơi bảo tồn mẫu chuẩn hệ sinh thái và các nguồn gen quý hiếm của các loài động, thực vật rừng ẩm nhiệt đới thường xanh – rụng lá, đặc trưng cho đới chuyển tiếp giữa Tây Nguyên xuống vùng Đông Nam Bộ, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn cho các hồ chứa nước của các công trình thuỷ điện Thác Mơ, Cần Đơn, Sóc Phu Miên, hồ thủy lợi Phú Hòa … Phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, phát triển du lịch sinh thái và phát triển dân sinh kinh tế trong vùng đệm nhằm giảm áp lực vào Vườn

 

Rừng – Vườn Quốc gia Bù Gia Mập còn được mệnh danh là “Lá phổi xanh” của khu vực miền Đông Nam Bộ với nhiều sinh cảnh khác nhau, từ sinh cảnh rừng thường xanh, đến sinh cảnh rừng nửa rụng lá và các sinh cảnh rừng ven suối tạo nên một vẻ đẹp nên thơ và huyền ảo của núi rừng Bù Gia Mập. Hệ động, thực vật của Vườn có nhiều loài quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới.

 

Nhờ những giá trị và tầm quan trọng như vậy mà từ năm 2006 – đến nay Vườn Quốc gia Bù Gia Mập đã có rất nhiều tổ chức trên trong nước và quốc tế như Viện Lịch sử tự nhiên hoàng gia Canada, Trung Quốc, Viện Nhiệt Đới Việt Nga, Viện Missuri Hoà Kỳ, Hiệp hội cá và Động vật hoang dã Hoa Kỳ, Ngân hàng thế giới, quan tâm và tài trợ cho các hoạt động bảo tồn.