Tấn công tội phạm môi trường: Khó khăn và phức tạp

ThienNhien.Net – Phát hiện gần 600 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT), làm rõ hơn 380 đối tượng, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố 8 vụ, 13 bị can, phối hợp xử phạt vi phạm hành chính gần 1,5 tỉ đồng – Đó là những kết quả đáng ghi nhận mà Cục Cảnh sát môi trường (C36) và Phòng Cảnh sát môi trường các địa phương (PC36) đã đạt được từ đầu năm 2008.

Bức tranh vi phạm về môi trường: ngổn ngang và phức tạp. 

Quản lý, xử lý chất thải nguy hại: một số tập đoàn kinh tế lớn như tập đoàn điện lực, tập đoàn Vinashin…chưa coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường, còn lỏng lẻo trong việc quản lý chất thải độc hại.

 nhap may doc hai
Công ty cổ phần Cửu Long Vinashin nhập máy biến thế cũ từ nước ngoài có chứa dầu thải PBC độc hại (Ảnh: Cục CSMT)

Như vụ Công ty cổ phần Cửu Long Vinashin làm giả giấy tờ của các cơ quan nhà nước nhập khẩu 21 máy biến thế Hàn Quốc có niên đại sản xuất từ những năm 60, 80 của thế kỷ trước. 03 chiếc chứa dầu thải PBC (Poly Chlorinated Biphenyls) vô cùng độc hại với con người và môi trường, 18 chiếc còn lại thì cũ nát, khô hỏng, biến dạng.

Tình trạng nhập khẩu phế liệu, rác thải, thân vỏ tàu cũ từ nước ngoài vào Việt Nam tuy được hạn chế đáng kể so với năm 2007 nhưng vẫn tiếp diễn, đặc biệt là nhập khẩu qua cảng Hải Phòng, Quảng Ninh và TPHCM.

Nhiều tổ chức, cá nhân được cấp phép hành nghề, thu gom vận chuyển, xử lý chất thải nhưng lại vi phạm qui định về quản lý chất thải như: ký hợp đồng với các doanh nghiệp khác không có chắc năng xử lý chất thải; sử dụng phương tiện vận chuyển không chuyên dụng; không xử lý, phân loại chất thải sau khi thu gom mà cho chôn lấp tất cả nhằm giảm chi phí.

Vụ thu gom, vận chuyển trái phép gần 100 tấn ắc qui chì từ Nam ra Bắc, vụ cty TNHH Sông Xanh chôn lấp hơn 4600 m3 chất thải và cát nhiễm dầu là những minh chứng nhãn tiền.

Bên cạnh đó, tình trạng đổ trộm phế thải, phế liệu xây dựng xẩy ra khá phổ biến tại các đô thị, nhất là tại Hà Nội, gây bức xúc trong nhân dân. Các đối tượng thường lợi dụng buổi đêm, không có lực lượng tuần tra để đổ phế thải ở đoạn đường vắng, đổ chất thải vào hệ thống thoát nước công cộng nhằm giảm chi phí xử lý.

Quản lý, xử lý chất thải y tế: tuy có những chuyển biến tích cực, giảm đáng kể các vụ vi phạm nghiêm trọng nhưng vẫn xảy ra tình trạng tư nhân thu mua chất thải y tế nguy hại quy mô nhỏ do nhân viên bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh tuồn ra ngoài thu lợi bất chính. Như vụ Nguyễn Thị Hôm móc nối với Lê Xuân Hiền, nhân viên bệnh viện Lao và bệnh phổi TW để thu gom, mua bán chất thải y tế nguy hại bị PC36, CATP Hà Nội phát hiện. Tại các làng nghề, tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp dẫn phức tạp.

Phát triển công nghiệp: cả nước hiện có 192 khu sản xuất công nghiệp thì 70% trong số đó chưa xây dựng hệ thống xử lý chất thải (rắn và lỏng). Đây chính là nguồn gây ô nhiễm ở các dòng sông như Đồng Nai, Thị Vải, sông Nhuệ, Đáy. KCN Điện Bàn – Điện Ngọc (Quảng Nam) có tới 31/33 doanh nghiệp không có hệ thống xử lý chất thải mà xả thải trực tiếp ra sông. Tình trạng vi phạm phổ biến tại các KCN vẫn là không thực hiện đúng các yêu cầu báo cáo đánh giá tác động môi trường, xả thải chưa qua xử lý và khai thác nguồn nước ngầm trái phép.

 
C36 khám phá vụ tàng trữ hổ trái phép tại Ninh Bình, tháng 4/2008 (Ảnh: Cục CSMT)

Vi phạm pháp luật về bảo vệ động, thực vật hoang dã: có thể thấy thực trạng ngày càng gia tăng: nuôi nhốt động vật hoang dã (ĐVHD) có hoặc không có giấy phép diễn ra tràn lan, khó kiểm soát. Trong nước, việc mua bán, vận chuyển ĐVHD qua nhiều địa phương, số lượng từ vài chục đến vài nghìn kg diễn ra khá phổ biến. Trong thời gian, công an tỉnh Quảng Trị đã bắt vụ vận chuyển trên 01 tấn kỳ đà. Công ty cổ phần XNK Talu dùng thủ đoạn nhập khẩu trên 23 tấn têtê đông lạnh và 900kg vảy têtê, che phủ bằng cá đông lạnh qua cảng Hải Phòng. C36 phát hiện, thu giữ 02 con hổ nặng trên 500 kg cùng một số tang vật khác ở Ninh Bình…

Chỉ vì lợi nhuận trước mắt, một số đối tượng ở địa phương sẵn sàng bất chấp pháp luật, bất chấp những tổn hại về môi trường sinh thái, chặt phá rừng và khai thác, buôn bán gỗ bừa bãi. Để xảy ra tình trạng trên một phần cũng do sự quản lý của cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, điển hình như vụ phá rừng tại vườn Quốc gia Yok Đôn (PC36, CA tỉnh Đăk Lăk đang điều tra); vụ Phạm Văn Luật ở Hà Tây thu mua, xuất khẩu hơn 200 m3 gỗ pơmu đi Đài Loan.

Việc khai thác khoáng sản trái phép, bừa bãi gây huỷ hoại tài nguyên, ô nhiễm đất, nguồn nước, phá huỷ cảnh quan môi trường xảy ra ở nhiều địa phương; nổi lên là tình trạng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ, xuất khẩu than trái phép tại Quảng Ninh, khai thác Titan tại ven biển Miền Trung (Ninh Thuận, Bình Định, Quảng Nam…). Bên cạnh đó việc khai thác tài nguyên khoáng sản (vàng, crrom, volfram…), vật liệu xây dựng (cát, đất, đá) qui mô nhỏ lẻ xảy ra ở hầu hết các địa phương mà chưa được kiểm soát.

Công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là cúm gia cầm và cúm H5N1 ở người tại cả 3 miền; dịch lợn tai xanh (xảy ra ở 10 tỉnh, TP); trong tháng 5/2008, bệnh tay – chân – miệng có nguy cơ lan rộng, đặc biệt ở trẻ em; dịch tiêu chảy cấp và tả tại Hà Nội, Hà Tây và một số tỉnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ nhân dân, gây thiệt hại lớn cho nhân dân và ngân sách Nhà nước trong việc dập dịch và phòng chống dịch tái phát. Tại nhiều địa phương diễn ra tình trạng sử dụng phương tiện, ngư cụ cấm để đánh bắt thuỷ hải sản, làm huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản và gây ô nhiễm nguồn nước.

Bất chấp nỗ lực, kết quả còn quá khiêm tốn

Trước những diễn biến phức tạp về vi phạm pháp luật môi trường 6 tháng đầu năm 2008, Cục Cảnh sát môi trường – BCA và các Phòng Cảnh sát môi trường, Công an địa phương đã trực tiếp và chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng khác điều tra phát hiện gần 600 vụ vi phạm pháp luật về BVMT , làm rõ hơn 380 đối tượng (tổ chức và cá nhân), chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố 8 vụ, 13 bị can, phối hợp với các cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền là 1.468.756.000 đồng.

Trong đó gây ô nhiễm không khí, đất, nguồn nước: 100 vụ. Nhập khẩu công nghệ, máy móc lạc hậu, phế liệu, phế thải gây ô nhiễm: 15 vụ. Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người và động thực vật: 18 vụ. Huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản (sử dụng phương tiện, ngư cụ cấm): 33 vụ.

Vi phạm qui định về bảo vệ, khai thác tài nguyên rừng, huỷ hoại rừng: 26 vụ. Vi phạm qui định về bảo vệ ĐVHD quí hiếm: 33 vụ. Nhập khẩu thực phẩm, sinh phẩm kém chất lượng: 2 vụ, 2 đối tượng (doanh nghiệp). Vi phạm qui định về khai thác, vận chuyển, buôn bán tài nguyên khoáng sản: 2 vụ. Vi phạm qui định về thu gom, xử lý chất thải nguy hại: 7 vụ, 7 đối tượng (doanh nghiệp).

Nhìn chung, các lực lượng chức năng trong đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về môi trường đã có rất nhiều cố gắng, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát môi trường non trẻ vừa thành lập (C36 ra mắt ngày 6/3/2007, 61/64 Phòng PC36, CA địa phương lần lượt ra mắt cuối năm 2007 và đầu năm 2008).

Tuy nhiên, do các Phòng PC 36 tại các địa phương mới thành lập, quá trình triển khai hoạt động còn gặp nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có cơ sở pháp lý để tiến hành các biện pháp như kiểm tra, khám xét, bắt giữ, tịch thu tài sản và phương tiện vi phạm…nên hiệu quả đấu tranh phòng ngừa tội phạm chưa cao, chưa tương xứng với năng lực thực tế hiện có. Số vụ phát hiện, xử lý so với tình hình vi phạm chung còn quá ít.

Theo dự báo của Cục Cảnh sát môi trường, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật môi trường thời gian tới sẽ tiếp tục phức tạp, thủ đoạn sẽ ngày càng tinh vi hơn để đối phó với các cơ quan thi hành pháp luật. Một yếu tố phức tạp khác là giá cả tiêu dùng trong nước hiện đang tăng nhanh, đặc biệt là giá sắt thép, vật liệu xây dựng, phân bón…, báo hiệu một “cơn lũ” các mặt hàng trên sẽ được nhập khẩu về Việt Nam.

C36 đã chỉ đạo các PC36, công an địa phương chủ động nắm tình hình, kiểm tra việc nhập khẩu sắt thép phế liệu, phân bón đảm bảo an toàn về môi trường.

Các Phòng PC36 cũng cần tăng cường kiểm soát việc khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, nhất là các vùng đầu nguồn, tuyến sông để đề phòng sạt lở, lũ quét trong mùa mưa; kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển thực phẩm bệnh, kém chất lượng để phòng các bệnh lây lan trên người và động vật trong mùa hè; tăng cường BVMT trong các hoạt động du lịch, dịch vụ dịp hè.