Hòa Bình: Tranh nhau mua đất vườn xây mộ

Khu nghĩa trang trung tâm của TP. Hòa Bình rộng 6ha đang bị trộm xâm nhập cạy phá, rút dỡ sắt thép để bán, khiến các khổ chủ bất bình, bức xúc. Hiện, nhiều gia đình có mộ người thân ở đây đang thi nhau săn đất vườn. Bởi chôn ở đất vườn, mộ sẽ được trông coi, bảo quản tốt hơn.

“Nghĩa trang mini” như nấm

Dọc con đường từ trung tâm TP. Hòa Bình vào khu nghĩa trang ở phường Chăm Mát, cứ thi thoảng lại xuất hiện tấm biển “bán đất mộ phần”…. Tạt vào quán nước ven đường, chúng tôi mới vỡ lẽ, do khu nghĩa trang trung tâm liên tục xảy ra tình trạng phá mộ… trộm sắt thép để bán, nên nhiều thân chủ rất lo lắng khi chọn đặt mộ phần. Cuối cùng, họ nghĩ ra cách tìm đến các gia đình có nhiều đất vườn xung quanh khu nghĩa trang mua đất làm phần mộ. Có cầu thì ắt có cung. Nhiều gia đình quanh khu vực này đã biến những mảnh vườn trồng cây ăn quả của mình thành “nghĩa trang mini”. Nhiều người còn làm biển, treo ngoài đường để chào mời khách.

Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi đến trụ sở làm việc của Đội quản trang nghĩa trang TP. Hòa Bình. Đội trưởng Nguyễn Thế Cải khẳng định tình trạng trên là hoàn toàn có thật. Anh Cải giãi bày, không phải do nghĩa trang cạn đất khiến bà con phải đi mua đất nghĩa địa bên ngoài mà nguyên nhân chính là, chọn đất vườn đặt mộ phần, các thân chủ cảm thấy yên tâm hơn. Ngược lại, nhờ bán đất trao tay, chủ đất sẽ thu được một khoản tiền đáng kể, thay vì trồng cây ăn quả giá trị kinh tế không cao, mùa màng lại thất bát, giá cả không ổn định. Ban đầu, những thửa đất “mặt tiền” được nhắm trước. Giờ thì vườn nằm trong ngõ nhỏ cũng được rao bán. Thông thường, khách chỉ mua vài mét vuông, đủ xây phần mộ.

Anh Cải tiết lộ, tình trạng các tang gia không đưa người chết vào nghĩa trang đã được quy hoạch mà đưa vào các “nghĩa trang gia đình”, “nghĩa trang mini” là khá phổ biến. “Ban quản trang chỉ có trách nhiệm trông coi nghĩa trang chứ làm sao ngăn cấm được họ”, anh Cải nói.

Sau khi mộ được chôn cất ở các nghĩa trang mini, thân chủ sẽ giao cho chủ đất đảm nhận luôn việc trông coi, chăm sóc mộ phần. Nhiều chủ hộ khi “cắm đất” còn kiêm cả việc đào huyệt, trồng cỏ, tưới hoa…

Đất vườn thành đất mộ

Hiện nay, vườn có nhiều mộ phần nhất gần nghĩa trang trung tâm Hòa Bình là đất vườn của gia đình ông Lê Văn Lung, ở thôn Tân Sinh, xã Thống Nhất. Thời gian qua, ông Lung đã lén lút bán hàng ngàn mét vuông đất trồng cây ăn quả cho các gia đình ở TP. Hòa Bình chôn người chết. Gần đây, có nhiều người đến “xin” mua đất, ông còn bán cả những mét đất ở sát ngay nhà bếp, chuồng lợn, nhà vệ sinh để… xây mộ.

Thông thường, mỗi thân chủ chỉ mua chừng 40m2 – 50m2 đất xây mộ. Tuy nhiên, cũng có không ít gia đình mua mảnh đất rộng 100m2, xây phần mộ khá lớn với tường rào kiên cố. Bởi vậy, giá “đất âm phủ” ở đây cũng đang lên cơn sốt như đất đai trên thị trường.

Trong vai những khách đi tìm đất xây phần mộ, chúng tôi tìm vào nhà ông Lung. Anh con trai ông Lung tên Thuận ra thỏa thuận. Không e dè, anh Thuận ra giá đất là 200.000 – 500.000 đồng/m2 (tùy từng vị trí cao thấp, “mặt tiền” hay mặt ngõ). Chúng tôi hỏi về giấy tờ mua bán, anh Thuận bảo “không cần ra chính quyền chứng nhận, chỉ cần viết tay là đủ rồi”. Anh Thuận nói thêm, nếu cần, gia chủ cũng có thể thuê gia đình ngày rằm, mùng một thắp hương cho người quá cố.

Gia đình ông Lung chỉ là một trong nhiều trường hợp đang rao bán đất vườn làm đất nghĩa trang ở Hòa Bình. Hiện, chưa có cơ quan nào kiểm tra chính xác tổng diện tích đất vườn thành đất mộ là bao nhiêu. Còn thực tế theo ghi nhận của chúng tôi, đã có hàng chục ngàn mét vuông đất vườn đã chuyển nhượng để chôn người chết.

Chưa bàn đến việc biến đất vườn thành “nghĩa trang”, gây xáo trộn trong việc quản lý nghĩa trang và làm ô nhiễm môi trường, chỉ riêng việc tự tiện bán đất không có chứng nhận của cơ quan thẩm quyền là đã vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai. Chúng tôi đến UBND xã Thống Nhất để trao đổi về vấn đề này, nhưng ông Nguyễn Thành Bính, chủ tịch UBND xã đã từ chối trả lời.