Giặt rác: Nghề đặc trưng của “cuộc sống ô nhiễm”

Người ta đã biết đến nhiều ngôi làng làm nghề nhặt rác, giàu lên nhờ chế biến rác thành phân, tái sản xuất thành đồ gia dụng. Như một làng Khoai ở Hưng Yên nổi tiếng gom rác nhựa để chế biến thành rất nhiều sản phẩm dùng trong sinh hoạt. Lại có một ngôi làng khác, chuyên thu gom túi nilon, giẻ rách về nhà giặt sạch. Túi nilon đem nhập cho làng Khoai (Mỹ Hào – Hưng Yên), còn giẻ rách thì xuất cho những cơ sở dùng vào việc lau chùi máy móc. Nhưng gắn liền với việc tạo ra công ăn việc làm, rác cũng khiến làng bị ô nhiễm. Đó là làng Đồng Ngư, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.

Làng là nơi tập kết của rác

Các con đường dẫn về làng Đồng Ngư ngày nào cũng có những chiếc xe chở rác các loại, từ xe đạp, xe cải tiến đến ôtô nhỏ. Rất nhiều rác từ các nơi được thu gom lại, đưa đưa về làng để giặt. Và cứ thế, những đống rác lớn hoặc chưa kịp giặt, hoặc đã giặt xong cứ chất đống ở các con đường làng, dọc bờ sông dẫn về Đồng Ngư.

Chỉ 5 năm về trước, ngôi làng này còn bình yên lắm. Người dân lặng lẽ sống cuộc đời nghèo khó bên cây rơm cây rạ, với lũy tre xanh và những con rối trong đêm giao lưu văn hoá, biểu diễn múa rối ngoài đình. Giờ đây làng đã có nghề phụ. Có nghề phụ là rất quý, người dân sẽ có công ăn việc làm, tăng thu nhập, nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường thì rất ít làng nghề nào lường trước được.

Ngay từ bờ sông, tôi đã cảm nhận được sự ô nhiễm từ việc thu gom và giặt rác của ngôi làng này. Một ngôi làng nép mình bên con sông nhỏ uốn lượn, những người dân chăm chỉ sớm trưa vẫn đang miệt mài dùng gậy gảy những mảnh nilon cho tơi để dễ bề khô ráo. Vì thế mà ở bờ sông, đường làng, ngõ xóm, những chiếc túi nilon đã được xé toạc, giặt sạch tung ra phơi, mỗi khi có gió ùa đến, chúng phấp phới bay tên, như ngàn vạn cánh tay đang cầm quạt mà vẫy. Những bao tải rác chưa kịp giặt, những đống rác đã khô chờ xe chở đi chất ra đường. Người dân ngày ngày phải sống chung với rác, bụi và hiểm họa bệnh tật.

Hỏi ra, tôi được những người già cho biết công việc này bắt đầu từ năm 2004. Khi đó làng chỉ có mấy người đi gom nhặt bao nilon, đem về giặt, phơi khô và bán. Nghề đã cho họ một khoản thu nhập kha khá. Sau, rác thải sinh hoạt và công nghiệp ngày càng nhiều, người ta rủ nhau đi gom ở khắp hang cùng ngõ hẻm những vùng quê xung quanh về. Khi làng Khoai (tên chính là làng Minh Khai, Mỹ Hào, Hưng Yên) phát đạt và giàu lên nhờ nghề chế biến nhựa từ rác thì họ có nhu cầu sử dụng bao nilon để tái chế nhiều hơn. Những ông chủ ở làng Khoai tìm đến tận Đồng Ngư ký hợp đồng mua về. Có mối quen, một vài ông chủ Đồng Ngư tự thu gom của dân chở đến làng Khoai. Vì tiện đường cho nên công việc này không tốn kém lắm. Từ năm 2006 trở đi thì làng Đồng Ngư trở thành “sân sau” đắc lực cho làng Khoai.

 
Chở rác về làng.

Đồng Ngư chưa phải là một ngôi làng lớn. Chỉ khoảng trên dưới một 100 dân, chủ yếu sống bằng nông nghiệp, mức sống của người dân không cao, giáo dục không mấy được chú ý. Thanh niên trong làng phải đi khắp nơi để kiếm công ăn việc làm. Từ khi nghề giặt và “xuất” rác của làng phát đạt, ngôi làng này mới được gọi là “mở mày mở mặt”. Các bà, các chị ngày đêm cần mẫn với công việc của mình, coi đó là một nghề để làm giàu, giúp họ sống khá hơn trong thời “bão giá” này.

Hỏi thăm đến nhà ông Nguyễn Đình Ất là người đã làm nghề này đã mấy năm, được coi là phát đạt nhất. Ông không có nhà,
chỉ vợ ông đang ngồi trên cái ghế gỗ con con, lấy tay xé toạc những bao nilon ra để có thể giặt sạch cả trong lẫn ngoài. Tôi hỏi: “Sao bác không đeo găng tay vào? Như thế có sợ mảnh vụn thuỷ tinh, gai góc đâm vào không?” Bà Ất lắc đầu: “Dùng bao tay rất khó làm, nó không linh hoạt nữa. Như thế này mới nhanh. Còn vụn thuỷ tinh và gai góc, tôi có gặp, nhưng chưa đến nỗi nghiêm trọng”.

Phía bên kia, cô con gái bà cũng đang thoăn thoắt xé bao nilon. Tay cô có đeo găng, nhưng là đôi găng đã thủng cả mười ngón. Chỉ bao được bàn, còn mười ngón kia vẫn trơ ra, ngo ngoe. Ngồi hỏi chuyện, bà Ất nói rằng, nghề này đã giúp cho gia đình bà qua cơn “khủng hoảng kinh tế”. Vừa lo cho con đi học đại học, lại cưới vợ cho cậu cả một cách ổn thoả. Bà cho biết thêm: “Ngày nay, rác thải rất nhiều, lượng túi nilon lớn. Mỗi ngày, mỗi gia đình hiện đại thải ra môi trường ít nhất là 3 túi nhỏ, có khi hơn. Cho nên nếu không gom lại, ngoài đường chẳng mấy mà ngập ngụa lên vì bao nilon bay. Tôi cho rằng sẽ chẳng bao giờ cạn nguồn nguyên liệu”.

Nhìn vào cái bể nước con con được chắt hết nước, tôi hỏi là bể gì, bà bảo bể giặt rác. Gia đình vừa giặt xong hôm qua, hôm nay phải xé đã, lát nữa sẽ giặt rồi đem phơi. Bể xây bằng gạch, rộng chừng 6 mét vuông, có van xả nước. Nước được bơm bằng máy tõm cho đầy, sau đó cho bao vào giặt. Khi nước trong bể đã đục, người ta xả van ở dưới tháo nước đi. Sau đó lại bơm, lại giặt. Công việc cứ lặp đi lặp lại như vậy, cho đến bao giờ đống rác… cạn! Tôi hỏi ở Đồng Ngư có nhiều gia đình giặt với số lượng như nhà bà không? Bà Ất nói còn nhiều gia đình như Hụê-Ân; Tuấn-Lượng; Thái-Thảo…

Tạm biệt bà Ất, tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Lượng được coi là cơ sở lớn thứ hai của làng. Khi đó những người phụ nữ đang miệt mài công vịêc. 4 người xé và 3 người giặt. Chị không muốn cho tôi chụp hình, và phải khó khăn lắm tôi mới chụp trộm được. Bởi vì với chị, đây chỉ là công việc, đâu có gì đáng phải chụp. Nhìn vào bể nước đen ngòm, những đống rác chất cao, rãnh nước chảy róc rách đổ ra ao, tôi thấy rùng mình.

 
Giặt rác là đối mặt với những hiểm họa về bệnh tật.

Môi trường trong sạch đâu còn

Hình như, ô nhiễm là cái hệ quả tất yếu ở các làng nghề. Giá ai cũng có ý thức trong việc phát triển kinh tế từ chính công việc của mình sẽ không còn có tình trạng ô nhiễm như làng Đồng Ngư, làng Khoai và rất nhiều làng nghề khác nữa. Hiện nay kinh tế Đồng Ngư ngày càng phát triển mạnh. Nhiều gia đình đã xây dựng nhà cửa khang trang, làm công trình phụ, bê tông hoá đường, ngõ… lại nuôi được con ăn học. Nhưng song song với một bộ mặt mới, tương lai no đủ thì làng cũng bị ô nhiễm cùng với nguy cơ bệnh tật đang ẩn chứa. Phần lớn những người nông dân tiếp xúc với rác đều không chú ý đến việc bảo hộ, đảm bảo an toàn cho bản thân. Họ trực tiếp dùng tay chân để làm việc. Nước bơm lên để giặt là nước giếng khoan. Và nguồn nước thải lại đổ ra cống rãnh, ao làng. Để lâu ngày tích tụ, bốc mùi hôi thối.

Xem cách tôi hỏi, chị Lượng nghi ngờ. Chị không muốn tiếp chuyện nữa, vì sợ. Nhưng khi tôi đã khẳng định tôi về nhà anh Nguyễn Thành Lai (Trưởng phường rối Đồng Ngư) thì chị và những người làm công cho nhà chị mới rôm rả nói chuyện. Họ đưa đôi bàn tay ra cho tôi xem. Những đôi bàn tay răn reo, thâm đen vì bị nước ăn. Ngày hè còn đỡ, mùa đông, nước độc ngấm qua da, cả đôi cánh tay đổ bệnh, nặng trịch, tê buốt và cứng đơ đơ. Sở dĩ phải thuê thêm người làm công vì người trong làng đôi khi giặt không xuể, họ thuê người ở làng khác giặt thuê, trả lương 40.000 đồng/ngày. Như vậy người chủ sẽ đỡ được công việc nguy hiểm và vất vả này.

Chị Lượng chỉ tay vào bể nước đang có người giặt, nói: “Trong đó chứa thập cẩm tất cả mọi thứ. Sau khi giặt thì rác đã tương đối sạch. Cho nên người đứng mãi trong cái bể này rất nguy hại đến sức khoẻ. Nhưng có khi phải đứng giặt trong đó từ sáng đến trưa rồi từ trưa đến tối vào những ngày rác về nhiều. Rất dễ mắc bệnh thấp khớp”. Người dân đang tìm mua loại ủng cao quá đầu gối để lội vào giặt, có người kiếm được, người không. Một số người chẳng cần dùng ủng, vì nó vướng. Nhiều người vì vậy mà bị nhức chân, ngâm nước muối không đỡ.

Chồng chị Lượng là anh Nguyễn Văn Tuấn gầy yếu, còm nhom, trông không khác anh chàng nghiện. Anh cầm gậy đi khai dòng chảy của nước thải dẫn xuống ao. Mùi hôi bốc lên khiến anh phải dùng tay bịt mũi. Anh cười khà khà bên những đống rác chất cao chờ xé và giặt: “Xong chỗ này cũng được kha khá. Từ đầu năm đến nay được mấy “quả” ngon rồi”. Đó là lời khẳng định chắc nịch của anh Tuấn. Giặt và bán rác sẽ khiến gia đình anh có thu nhập cao, trả lương cho người làm và xây dựng nhà cửa. Đó là một công vịêc chính đáng.

Tôi mong muốn cho ngôi làng thuần nông này có công việc phụ, giải quyết lao động dư thừa, phát triển kinh tế. Nhưng cũng mong họ có cách bảo vệ sức khoẻ cho mình và cộng đồng. Dù trong làng chỉ chục người mắc bệnh thấp khớp, mấy người bệnh phổi, ai dám khẳng định trong một ngày gần đây bệnh không đổ về hoành hành, trừng phạt sự sơ ý hoặc cố tình coi thường tính mạng, sức khoẻ của mình?!

Ra khỏi làng, tôi suýt va vào chiếc xe cải tiến mà hai cậu nhỏ đang kéo rác về. Những người phụ nữ đã kịp gom rác lại, buộc thành bó lớn để chở về nhà. Họ đang uốn éo cái lưng cho đỡ mỏi, đứng lên nhìn trời đang dần về tối và cánh đồng lúa rì rào hát ca. Bên kia, những cánh cò chấp chới tìm về tổ, tôi cảm nhận được sự xao xác của chúng. Khi mà dòng sông, rạch nước bị ô nhiễm, những bụi tre xanh không còn. Chúng sẽ phải ra đi để tìm nơi trú ngụ mới.

Thế mới biết, nơi trú ngụ của con người, loài vật quan trọng biết nhường nào. Cùng với việc xây dựng những ngôi nhà cao đẹp bằng nghề rác, thì cũng là lúc người Đồng Ngư tác động xấu đến ngôi làng trong sạch, nơi trú ngụ bình yên của mình.