Thời trang bền vững “made in Saigon”

Hồi sinh những tấm bạt che mưa nắng, nhóm bạn trẻ yêu môi trường và thời trang đã mang đến cái nhìn tươi mới và gần gũi cho thời trang bền vững.

Hành trình của Dòng Dòng Sài Gòn là một chuỗi những trải nghiệm, khám phá đầy thử thách, thậm chí qua nhiều lần thất bại. (Ảnh: TL)

Ra đời vào tháng 3/2020, Dòng Dòng Sài Gòn là sự hội tụ đời sống thị dân từ những tấm bạt che nắng mưa nơi quán cóc, nơi chợ búa, vỉa hè đủ màu sắc đến những con hẻm ngoằn ngoèo hay những buổi chiều chạy xe tà tà xuống phố. Cái tên ấy còn mang một hàm ý khác như biểu tượng của vòng tròn bền vững: reduce – reuse -recycle.

Những chiếc túi từ bạt cũ

Xuất phát từ tình yêu thời trang và nỗi trăn trở trước lượng rác thải nhựa khổng lồ thải ra môi trường hằng ngày từ banner, backdrop sự kiện, 3 người bạn Kiều Anh, Thảo Trang và Tú Quân đã “hô biến” những tấm bạt bỏ đi thành vô số đồ dùng mới đầy tính thời trang, từ túi đựng laptop, ví tiền, túi giao hàng cho đến túi đeo chéo, ba lô… Điều thú vị là mỗi chiếc túi đều có dấu ấn thời gian lẫn dấu ấn cá nhân riêng của nó được tạo nên từ màu sắc, hoa văn hay những vết sờn. Thành ra, không sản phẩm nào giống sản phẩm nào. Nói cách khác, mỗi sản phẩm của Dòng Dòng Sài Gòn đều có tính cá nhân hóa và độc đáo rất cao.

Hành trình của Dòng Dòng Sài Gòn là một chuỗi những trải nghiệm, khám phá đầy thử thách, thậm chí qua nhiều lần thất bại. Khi thì túi may chưa bao lâu đã hỏng, khi thì thử may không vừa ý lại bỏ. Chưa kể, kỹ thuật may trên bạt cũng đòi hỏi nhiều kỹ năng nhằm đảm bảo tính bền chắc mà không làm mất đi nét đặc trưng của loại chất liệu đặc biệt này.

Kiều Anh, sáng lập Dòng Dòng Sài Gòn, cho biết chính những trải nghiệm khác nhau trên các loại bạt cũ khác nhau đã giúp chị và cộng sự không ngừng hoàn thiện kỹ thuật và dừng chân ở chất liệu chủ đạo là bạt mái hiên. Thoạt đầu, việc tìm nguồn bạt cũ với số lượng lớn không hề dễ dàng. Nhóm chấp nhận mua với giá ngang ngửa bạt mới để người bán thấy đáng công thu lại thay vì ném thẳng ra bãi rác. Hiện tại, Dòng Dòng Sài Gòn đã tối ưu quy trình thu gom bạt cũ và gầy dựng được mối liên kết với một số nhà máy sản xuất bạt (với nguồn bạt vụn lớn), các cửa hàng lắp đặt bạt trong thành phố. Việc thu gom được nhóm lên kế hoạch và tổ chức định kỳ.

Bạt cũ hoặc bạt vụn được nhóm mua từ cửa tiệm, nhà máy, sau đó tiến hành phân loại và vệ sinh. Tùy tình trạng bạt mà nhóm có quy trình vệ sinh riêng. Với phương châm hạn chế thấp nhất lượng nước thải cũng như khí carbon, nhóm ưu tiên dùng các chất tẩy rửa không gây hại cho môi trường và thợ như nước rửa lên men từ thực vật, cồn, baking soda…

Hiện tại, Dòng Dòng Sài Gòn có khoảng 75% vật liệu tái chế trên mỗi chiếc túi với kỹ thuật may tinh tế được thị trường đón nhận.

Vươn ra thế giới

Vì đội ngũ khởi nghiệp đều là những người trẻ, Dòng Dòng Sài Gòn khá nhanh nhạy trong việc nắm bắt xu hướng cũng như tối ưu trải nghiệm khách hàng qua thương mại điện tử. Các sản phẩm của nhóm vừa trẻ trung vừa riêng biệt. Nhóm có sản phẩm theo mùa, sản phẩm thêu bên cạnh những sản phẩm đậm chất Sài Gòn.

Mặc dù vậy, Dòng Dòng Sài Gòn vẫn không ngừng tìm phương thức để có thể tận dụng nguồn bạt vụn nhằm gia tăng phần trăm tái chế trong mỗi sản phẩm. Nhóm cũng chú trọng mở rộng nguồn vật liệu bằng cách thử làm túi từ bao xi măng hay bao đựng thực phẩm cho gia súc. Dòng Dòng Sài Gòn cũng không giấu tham vọng có thể dùng chai nhựa làm vải theo xu hướng chung của ngành thời trang thế giới.

Muốn vậy, Dòng Dòng Sài Gòn cần chi phí vận hành và quy mô sản xuất lớn hơn. Kiều Anh thừa nhận, theo đuổi thời trang bền vững tại Việt Nam không hề dễ dàng. Theo quan điểm của Kiều Anh, một sản phẩm thời trang bền vững cần đáp ứng được 3 yếu tố. Thứ nhất và quan trọng nhất là sản phẩm phải đáp ứng về công năng và tính thời trang. Đừng ép người dùng mua một món hàng chỉ vì nó mang ý nghĩa bảo vệ môi trường. Thứ 2 là ý nghĩa xã hội, tức tính bền vững và yếu tố bản địa. Cuối cùng chính là khả năng vận hành hợp lý, bao gồm việc cân bằng nguyên liệu, năng lực sản xuất cũng như chất lượng, giá cả đầu ra.

Thực tế cho thấy, tại Việt Nam hiện có không ít thương hiệu theo đuổi hướng phát triển bền vững, từ quần áo cho đến phụ kiện nhưng giá thành sản phẩm không hề rẻ. Đây chính là lý do các sản phẩm thời trang bền vững hiện chỉ tiệm cận lượng khách hàng ở phân khúc ngách và cao cấp tại các đô thị lớn. Do đó, Kiều Anh kỳ vọng Dòng Dòng Sài Gòn có thể góp thêm tiếng nói vào thị trường thời trang bền vững để cộng đồng này vững mạnh hơn và có những bước tiến xa hơn, để sản phẩm bền vững không chỉ đến tay người tiêu dùng trong nước hoặc dừng ở quy mô nhỏ lẻ.

Riêng Dòng Dòng Sài Gòn, sau hơn 2 năm miệt mài, nhóm đã có thể mỉm cười với những thành quả ngọt ngào khi sản phẩm “made in Saigon” đã có cơ sở phân phối tại một số quốc gia châu Âu, trong đó có Anh – thị trường thời trang bền vững số 1 thế giới. Kiều Anh không giấu tham vọng chinh phục các thị trường lớn của ngành thời trang châu Á như Hàn, Nhật với chiến lược chinh phục gói gọn quanh thông điệp: bền vững và độc đáo.