Người đưa gỗ thừa lên tranh

Tận dụng những mẩu gỗ thừa, những gốc cây tưởng chừng vô dụng để làm chất liệu cho các bức tranh ghép gỗ – đó là cách làm độc đáo của ông Nguyễn Văn Viện, chủ Doanh nghiệp gỗ mỹ nghệ Sơn Đông, xã Khúc Xuyên (TP. Bắc Ninh – Bắc Ninh).

Nghệ nhân Nguyễn Văn Viện kể rằng: “Có người đến nhà tôi chơi, mê bức tranh “tứ mùa”. Người đó không biết cái lá cây nhỏ xíu như con kiến trong bức tranh được làm như thế nào. Khi tận mắt chứng kiến quy trình làm ra chiếc lá, vị khách rất ngạc nhiên. Không mặc cả, ông ta mua ngay bức tranh”.

Ông Viện cho biết: “Một khúc gỗ, sau khi làm ra thành phẩm vẫn còn lại một phần dư thừa. Thông thường, phần dôi dư này chỉ dùng làm củi đun. Nhìn những thanh dư thừa vẫn còn chắc chắn, cho vào nhóm lửa, tôi xót lắm. Tại sao không dùng nó để làm ra những sản phẩm tinh xảo?” Ông bàn bạc với mọi người trong gia đình, ai cũng cho rằng phải có khiếu thẩm mỹ và con mắt nghệ thuật mới làm được. “Điều này khỏi lo bởi vì tôi đã học Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Các anh em trong nhà cũng đều vẽ đẹp cả” – ông Viện tự tin.

Người dân thấy ông nhặt nhạnh những mẩu gỗ con về đục đẽo đều xì xào, bàn tán. Nhưng khi nhìn những tác phẩm đã hoàn thiện, ai nấy đều tấm tắc khen. Chỉ vào một gốc cây xù xì, tua tủa rễ còn dính nguyên đất, ông Viện cho hay: “Cái gốc này được mua trên Bắc Kạn. Người khác mua phần thân còn tôi chỉ mua phần rễ”. Các loại gỗ được ông ưa dùng nhất là lát, mít, đinh…

Vào thăm xưởng sản xuất tranh của ông Viện đặt ngay trong khuôn viên nhà ở. Gian ngoài cùng của tầng 1 là những bức tranh đã hoàn thành, bên trong là cả một “dây chuyền” làm tranh. Ông Viện cho hay: “Để làm một bức tranh mất khoảng 40 ngày công vì phải qua nhiều công đoạn như vẽ kĩ thuật; sấy, cắt gọt gỗ; chọn chất liệu cho các hoạ tiết; lắp ghép hoạ tiết theo khuôn mẫu; làm sạch bề mặt tranh…”.

Lướt qua phòng trưng bày, thấy đề tài trong tranh khá phong phú như: tứ mùa, vinh quy bái tổ, đền Ngọc Sơn, Công xã Paris… Có 2 loại tranh là tranh nổi và tranh chìm, giá bán đa dạng từ năm, bảy trăm ngàn đến vài triệu đồng.
“Hơn chục năm trước, khi dân mình còn phải lo ăn từng bữa thì lấy đâu ra tiền để chơi tranh. Lúc ấy, tranh của tôi chẳng có ai ngó ngàng. Nay kinh tế khấm khá hơn, nên tranh của tôi lại có cơ hội làm đẹp cho đời” – ông Viện tâm sự.