Thời trang bền vững

Mô hình kinh doanh được thúc đẩy bởi các vật liệu bền vững có thể tái sử dụng nhiều lần là cách duy nhất để giữ cho thời trang bền vững.


Thời trang là một trong những ngành công nghiệp ô nhiễm nhất, không chỉ ô nhiễm từ thuốc nhuộm, hóa chất và nước sử dụng trong quá trình sản xuất, mà còn từ lượng rác thải ra. 90% lượng áo quần mua trong 2 năm tới sẽ bị vứt đi. Trong bối cảnh nguồn lực tự nhiên đang cạn kiệt dần, các hãng thời trang có ý thức về môi trường đặt sự chú ý của họ vào 3 trọng điểm là vốn tự nhiên, nền kinh tế tuần hoàn và vật liệu mới.

Vốn tự nhiên là trữ lượng tài nguyên thiên nhiên, cả tái tạo và không tái tạo, cung cấp hệ sinh thái hàng hóa và dịch vụ nuôi dưỡng con người. Mỗi năm, vốn tự nhiên của hành tinh chúng ta cung cấp khoảng 72 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ “miễn phí”, từ những “hàng hóa” dễ thấy như thức ăn, nước, vật liệu và dược liệu, cho đến những “dịch vụ” khó thấy hơn như kiểm soát lũ lụt tự nhiên, phân giải carbon hay điều tiết khí hậu.

Tại Stella McCartney, Báo cáo Kết quả kinh doanh môi trường (EP&L) được lập riêng từ năm 2015 nhằm tính toán giá trị vốn tự nhiên cho doanh nghiệp và tác động lên vốn tự nhiên thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh. EP&L cho thấy Stella McCartney đã “làm lời” gần 7 triệu euro cho vốn tự nhiên trong năm 2016 và tác động môi trường trên mỗi kilogram nguyên liệu giảm 37% so với năm 2013. “Chúng tôi tin rằng những người làm kinh doanh phải suy nghĩ lại về việc họ nghĩ và đo lường ảnh hưởng của họ như thế nào”, Stella McCartney cho biết.

 Khác với nền kinh tế tuyến tính như một dòng chảy, nơi tài nguyên bị khai thác để tạo ra sản phẩm, được dùng rồi vứt bỏ đi, một nền kinh tế tuần hoàn giống như một cái hồ, trong đó việc tái chế hàng hóa và nguyên vật liệu tạo ra công ăn việc làm và tiết kiệm năng lượng, đồng thời làm giảm mức tiêu thụ nguồn lực và lượng rác thải.

Eileen Fisher, chẳng hạn, thiết kế những sản phẩm đắt tiền đơn giản và trang nhã sao cho chúng có thể tồn tại ở trong tủ quần áo lâu hơn. Họ vận hành nền kinh tế tuần hoàn bằng cách đưa những sản phẩm khách hàng đã mặc xong trở lại để bán hoặc phân loại làm nguyên liệu, tái chế làm hàng dệt mới hoặc thành quần áo mới. “Có thể mất hơn 5 năm, nhưng chúng tôi tưởng tượng một tương lai trong đó rác thải (quần áo) chỉ còn là quá khứ”, Eileen Fisher cho biết.

Vật liệu là đầu vào quan trọng của ngành công nghiệp thời trang. Trong lúc những vật liệu thân thiện môi trường như vải tái chế, cotton hữu cơ và tencel (một loại vải làm từ gỗ) đang được ưa chuộng, những vật liệu mới vẫn đang được sáng tạo. Cùng lúc đó, thế giới phẳng cho phép đo lường tác động môi trường của từng loại vật liệu tự nhiên để các nhà sản xuất ra quyết định. Lấy ví dụ, sợi cashmere từ dê là loại nguyên liệu thô có tác động môi trường cao nhất trên mỗi đơn vị khối lượng, gấp khoảng 100 lần tác động của len từ cừu. Vì vậy, cả hai thương hiệu thời trang kể trên đều không sử dụng cashmere nguyên thủy trong các bộ sưu tập của họ. Thay vào đó, họ sử dụng sợi cashmere tái chế, có tác động môi trường giảm 87% so với cashmere nguyên thủy.

Ở phân khúc thấp hơn, H&M đi đầu trong việc sử dụng nguyên liệu bền vững, được Textile Exchange xếp hạng là đơn vị sử dụng bông và vật liệu xenlulô nhân tạo bền vững nhất thế giới. Hãng thời trang dành cho giới trẻ này tin rằng: “Mô hình kinh doanh được thúc đẩy bởi các vật liệu bền vững có thể được tái sử dụng nhiều lần là cách duy nhất để giữ cho thời trang bền vững”. Họ tin rằng ngành công nghiệp thời trang tương lai sẽ dùng nhiều nguyên liệu khác nhau như Bionic được làm từ nhựa thu hồi từ bờ biển, hay nhung tái chế được làm từ polyester tái chế.

Là phân xưởng gia công hàng dệt may của thế giới, Việt Nam không nằm ngoài chuỗi tác động của những hãng thời trang bền vững này. Như Eileen Fisher đã tìm kiếm đơn vị gia công ở Việt Nam. Một tiêu chí quan trọng để chọn nhà máy của họ là chất lượng xử lý nước xả; nước sau xử lý trong vắt như nước máy, thậm chí có thể uống được.

 Đây là một điều có ý nghĩa trong hoàn cảnh môi trường nước tại Việt Nam bị ô nhiễm do việc xử lý nước thải không phù hợp. Nghiên cứu của Tiến sĩ Kiều Lê Thủy Chung (Đại học Bách Khoa) và Tiến sĩ Emilie Strady (Trung tâm Nghiên cứu về Nước khu vực châu Á) cùng các đồng sự đã chỉ ra một tỉ lệ lớn vi nhựa được tìm thấy trong sông Sài Gòn là những sợi vải tổng hợp nhân tạo, phản ánh hệ lụy từ ngành công nghiệp dệt may xung quanh TP.HCM. So với mật độ sợi tổng hợp nhân tạo trong các hệ thống sông khác, mật độ trong hệ thống kênh sông Sài Gòn cao hơn 100 lần so với sông Dương Tử và sông Hán Giang ở Trung Quốc và gấp 1 triệu lần những con sông ở Thụy Sĩ. “Mật độ sợi vải đo được ở hệ thống kênh rạch sông Sài Gòn có thể phản ảnh hậu quả của việc xử lý nước thải không phù hợp”, Tiến sĩ Emilie Strady nói.