Câu chuyện phía sau siêu đô thị đang chìm dần ở Đông Nam Á

Siêu đô thị hơn 10 triệu dân này đang dần bị nước biển nhấn chìm, trong khi các kế hoạch cứu vãn tình thế vẫn chưa rõ ràng.

Ngoài con đường hẹp, không trải nhựa, bức tường ven biển bằng bê tông cao hai mét là thứ duy nhất ngăn cách nhà hàng nhỏ của Suhemi ở bắc Jakarta với biển. Gia đình cô phụ thuộc vào bức tường đó. Lớn lên ở đây, khu phố Muara Baru trong những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, Suhemi thường chơi trên bãi biển trước nhà. Nhưng đến những năm 2000, bãi biển đã biến mất và biển thường xuyên làm ngập khu vực xung quanh.

Vào năm 2002, chính phủ Indonesia đã xây dựng bức tường ven biển, để mang lại cho cư dân sự yên tâm, khi nước biển cứ dâng lên đều đặn. Nhưng chỉ 5 năm sau, vào năm 2007, bức tường không thể chống chịu được trận lụt nặng nhất trong lịch sử hiện đại của Jakarta. Khởi đầu là một cơn bão ngoài khơi biển Java, rồi sau đó những trận mưa xối xả, lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của 80 người trong thành phố và gây thiệt hại hàng trăm triệu đô la.

Một người đàn ông đi dọc bức tường ngăn nước biển ở Jakarta

Ở Muara Baru, triều cường làm sập bức tường, nước biển tràn vào nhà Suhemi.

Cô kể lại với phóng viên NatGeo: “Nước ngập đến hơn một mét. Cha tôi suýt chết khi bị dòng nước cuốn. Ông ấy sống sót nhờ bám vào khung cửa nhưng vẫn bị chấn thương”.

Ngày nay rất nhiều người Jakarta sống với mối đe dọa liên tục: một số khu vực, thậm chí còn ít được bảo vệ hơn Muara Baru và phải sống chung với lũ lụt kinh niên. Tình hình này là một trong những lý do khiến chính phủ của Tổng thống Joko Widodo tuyên bố vào năm 2019 rằng họ sẽ chuyển thủ đô ra khỏi Jakarta, thành phố lớn nhất, trên đảo Java đông đúc, đến một thành phố mới được xây dựng trên đảo Borneo, trên vùng đất hiện còn là rừng. Việc xây dựng bắt đầu vào mùa hè 2022.

Nhưng 10 triệu người như Suhemi vẫn sống ở Jakarta sẽ ra sao?

Bức tường ven biển đang được mở rộng và người ta có kế hoạch xây một hòn đảo nhân tạo khổng lồ ở vịnh Jakarta, nhưng nguồn tài chính cho những kế hoạch này vẫn chưa chắc chắn.

Trận lụt năm 2007 đã phá hủy ngôi nhà và cửa hàng ăn nhỏ của Suhemi, phương tiện kiếm sống duy nhất của gia đình cô. Mọi người đã phải bán hai chiếc xe máy để bắt đầu lại và tiếp tục phục vụ cơm, cá rán và gà cho các tàu đánh cá cập cảng gần đó.

Nhưng đất đã bị sụt lún đáng kể kể từ năm 2007. Hiện nay nước biển đã dâng lên gần đến đỉnh của bức tường ven biển. Suhemi tưởng tượng rằng nếu hôm nay tường vỡ, nước có thể làm ngập toàn bộ cửa hàng, đến tận trần nhà.

“Đường ở đây luôn lầy lội,” cô nói và chỉ ra một vết nứt trên tường. Nước bẩn màu đen đang thấm qua đó. “Chúng tôi đã làm hệ thống thoát nước để nước không làm ngập đường nhưng vẫn luôn ẩm ướt”.

Thành phố đang chìm dần

Trong hàng trăm năm qua, lũ lụt là một trong những vấn đề lớn nhất của Jakarta. Thành phố cảng lớn này nằm trên một vùng đồng bằng: 13 con sông chảy qua đó trên đường đổ ra vịnh Jakarta. Đồng bằng này từng được bao bọc bởi những cánh rừng ngập mặn dày đặc tạo nên một vùng đệm chống lại triều cường. Nhưng hầu hết diện tích rừng ngập mặn đã bị chặt phá từ lâu.

Khi người Hà Lan đô hộ Indonesia từ năm 1619, họ bắt đầu chuyển đổi diện mạo thành phố để nó giống một thị trấn điển hình của Hà Lan, với các tòa nhà và kênh đào hiện đại. Đất phù sa của đồng bằng bị nén chặt một cách tự nhiên theo thời gian, khiến bề mặt đất bị sụt lún, trừ khi nó liên tục được bổ sung bằng lượng phù sa mới từ các con sông chảy qua. Các kênh đào có xu hướng ngăn chặn việc đó.

Bosman Batubara, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Amsterdam và Viện Giáo dục nước IHE Delft nói: “Việc xây dựng các kênh đào chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn vì chúng có xu hướng giữ lại trầm tích”.

Trong những năm gần đây, chính quyền địa phương đã cải tạo các con sông, dọn sạch các khu ổ chuột, xây dựng đê bê tông và nạo vét thường xuyên, giống như những gì người Hà Lan đã làm trong thời thuộc địa. Dù vậy, các con sông vẫn làm ngập một số khu vực của thủ đô mà không thể bồi đắp đất như trong tự nhiên, vì các con đường hầu hết đã được trải nhựa.

Jakarta hiện đang chìm với một tốc độ thực sự đáng báo động, lên tới 28cm/năm ở các khu vực phía bắc. Khoảng 40% diện tích Jakarta nằm dưới mực nước biển.

Chúng ta cần biết rằng, biến đổi khí hậu đang làm mực nước biển dâng lên chưa đến 1cm/năm. Nhưng đất lún và nước biển dâng đều dẫn đến cùng một kết cục: ngập lụt thường xuyên ở một siêu đô thị có nhiều trung tâm mua sắm nhất trên thế giới, hiện đứng thứ 12 về số lượng tòa nhà chọc trời.

Hendricus Andy Simarmata, giảng viên tại Khoa Quy hoạch Đô thị, Đại học Indonesia, nói: “Jakarta là thành phố có tất cả mọi thứ. Đó là trung tâm hành chính, trung tâm kinh tế, văn hóa và giải trí. Trong những năm qua, Jakarta đã phát triển không thể kiểm soát thành một siêu đô thị không có hệ thống hỗ trợ môi trường”.

Cuối cùng thì đó là lý do thành phố đang chìm dần.

Jakarta cần nước

Năm 2007, sau trận lụt thảm khốc, chính quyền thành phố đã thông qua một quy định yêu cầu ít nhất 30% tổng diện tích của thành phố là không gian xanh, mở. Nhiều không gian xanh hơn không chỉ là vấn đề của cộng đồng dân cư. Việc này vừa giúp hấp thụ lũ lụt do mưa, vừa cấp lại nước cho các tầng chứa ngầm đã cạn kiệt của thành phố. Nhưng hiện nay khoảng xanh của thành phố chỉ chưa tới 10%.

Quang cảnh trận lụt tháng 2/2021 ở Jakarta (Reuters)

Việc khai thác nước ngầm ồ ạt là một trong những nguyên nhân chính gây ra sụt lún đất ở Jakarta, một mê cung bê tông rộng lớn không được hỗ trợ bởi mạng lưới cấp nước đáng tin cậy. Hệ thống nước máy của Jakarta chỉ phục vụ chưa đến một triệu hộ gia đình, chiếm hơn một phần tư dân số của thành phố. Phần còn lại chủ yếu dựa vào việc hút nước ngầm.

Mặc dù việc hút nước ngầm không phải là bất hợp pháp nhưng phải chịu thuế. Tuy nhiên, chính quyền thành phố không thể giám sát và đánh thuế vô số giếng khoan không được kiểm soát nằm rải rác khắp thành phố, hầu hết được giấu sau những cánh cửa đóng kín.

Chính quyền thành phố cho biết mức tiêu thụ nước ngầm đạt hơn 8 triệu m3 vào năm 2018. Người ta ước tính Jakarta có trữ lượng 852 triệu mét khối nước ngầm, tại thời điểm 2016. Tuy nhiên, vào năm 2011, các nhà nghiên cứu độc lập ước tính rằng Jakarta đã sử dụng 64% trữ lượng nước ngầm, ở mức đáng báo động. Với ít không gian mở, nước ngầm đơn giản là không được bổ sung. Mưa rơi xuống và lại chảy ra biển.

Năm ngoái, văn phòng thị trưởng thông báo lệnh cấm khai thác nước ngầm đối với chủ sở hữu các tòa nhà lớn hơn 5.000m2. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực vào tháng 8/2023. Thị trưởng Jakarta Anies Baswedan tuyên bố rằng đến năm 2030, mạng lưới nước máy sẽ cung cấp cho toàn thành phố. Điều đó đòi hỏi phải mở rộng mạng cấp nước hiện có ở quy mô rất lớn — và cho đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy điều đó đang diễn ra trên quy mô cần thiết.

Ở các khu vực ven biển như bắc Jakarta, nơi không có nước máy, người dân khoan giếng sâu tới 150 mét. Arti Astati, lãnh đạo cộng đồng ở khu phố Muara Angke, cho biết: “Nếu bạn khoan sâu dưới 50 mét, tất cả những gì bạn nhận được là nước mặn. Một giếng sâu có thể phục vụ cho 50 hộ gia đình”.

Giải pháp thay thế là mua nước trong can 40 lít. Nước này được hút từ giếng khoan nhưng ở các khu vực khác của Jakarta. Astati cho biết, một gia đình bốn người bình thường kiếm được chưa đến 7USD/ngày nhưng phải chi 1/5 số đó cho nước.

Tháng 2 năm ngoái, cư dân Muara Angke biểu tình trước văn phòng thị trưởng Jakarta, yêu cầu được sử dụng nước máy. “Chúng tôi phải đợi mưa nếu muốn tắm và giặt quần áo,” một trong những người biểu tình nói.

Kế hoạch lớn

Trong những năm gần đây, chức thị trưởng thành phố Jakarta đã trở thành một bước đệm cho chức vụ tổng thống. Vấn đề môi trường không bao giờ vắng mặt trong chiến dịch tranh cử. Các ứng cử viên luôn hứa sẽ khắc phục tình trạng giao thông kinh niên và ô nhiễm không khí nghẹt thở cũng như lũ lụt nghiêm trọng ở Jakarta.

Nhưng vấn đề của Jakarta không thể được xử lý trong nhiệm kỳ của một thị trưởng. Nhiều năm trôi qua, các thị trưởng đến và đi, và các vấn đề vẫn tồn tại.

Kể từ năm 2014, chính quyền cấp tỉnh và trung ương đã hợp tác trong một kế hoạch bảo vệ bờ biển Jakarta trước sự xâm phạm của biển. Được sửa đổi nhiều lần, dự án lớn này hiện được tổ chức thành hai giai đoạn.

Đầu tiên là việc xây dựng bức tường dài 47km dọc theo bờ biển. Khoảng 13km đã được xây dựng và việc xây dựng dự kiến ​​sẽ tăng tốc từ năm 2023. Bức tường bên ngoài ngôi nhà của Suhemi là một phần ban đầu của dự án — nhưng như kinh nghiệm của cô cho thấy, bức tường ven biển cùng lắm cũng chỉ là một giải pháp tạm thời.

Trong giai đoạn hai của dự án lớn, một “Bức tường biển khổng lồ” sẽ được xây dựng ngoài khơi vịnh Jakarta. Nó bao gồm một hòn đảo nhân tạo dài 32km có hình dạng chim thần Garuda, biểu tượng quốc gia của Indonesia. Hòn đảo rộng hơn 4.000ha sẽ ngăn chặn nước dâng do bão, nhưng nó cũng được cho là nơi có các văn phòng và căn hộ, hồ chứa nước, đường cao tốc và đường ray xe lửa, các trung tâm giải trí.

Những người chỉ trích cho rằng Bức tường biển khổng lồ sẽ cản trở dòng chảy của 13 con sông, biến vịnh Jakarta thành một vũng nước thải khổng lồ. Parid Ridwanuddin, một nhà quản lý chiến dịch biển và ven biển tại Diễn đàn Môi trường Indonesia (Walhi) nhận định, dự án lớn không giải quyết được nguyên nhân gây ra sụt lún đất, nên thành phố cuối cùng vẫn sẽ bị chìm. Ông cho rằng chính phủ nên tập trung nhiều hơn vào việc trẻ hóa các khu vực ven biển bằng cách trồng lại rừng ngập mặn và khôi phục các bờ sông chi chít nhà cửa về trạng thái tự nhiên hơn.

Ridwanuddin cho rằng: “Sự hình thành rừng ngập mặn đã giảm đáng kể trong nhiều thập kỷ”. Ông nói, chiến lược của chính phủ, bao gồm cả Bức tường biển khổng lồ, là “một giải pháp tạm thời cho một vấn đề lâu dài. Đó chỉ là một dự án tốn kém với tổng chi phí 20 tỷ – 58 tỷ USD (theo các ước tính khác nhau) mà tương lai của nó vẫn chưa rõ ràng. Chính quyền thành phố vẫn chưa tìm đủ kinh phí để hoàn thành một phần của dự án là bức tường dọc bờ biển.

Toàn cảnh Jakarta

Bức tường biển khổng lồ vẫn đang trong giai đoạn thiết kế. Hà Lan và Hàn Quốc đã hứa hẹn tài trợ tổng cộng khoảng 18 triệu USD cho các nghiên cứu thiết kế và khả thi. Nhưng nguồn tài chính cho việc xây dựng chưa biết đến từ đâu, và chính phủ cũng chưa công bố ngày bắt đầu.

Mặt khác, việc xây dựng thủ đô mới trên đảo Borneo dự kiến ​​sẽ bắt đầu trong năm nay và hoàn thành vào năm 2045.

Chính phủ Indonesia muốn nó trở thành một “thành phố toàn cầu cho tất cả mọi người”, một thành phố xanh, thông minh, hoạt động như một trung tâm cho các ngành công nghiệp, doanh nghiệp và giáo dục. Chi phí dự kiến ​​35 tỷ USD sẽ được tài trợ bởi ngân sách quốc gia, các doanh nghiệp nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân. Theo chính phủ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Trung Quốc và Hàn Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đầu tư.

Nhưng các cộng đồng bản địa địa phương không hài lòng lắm với kế hoạch này. Họ sợ rằng dự án sẽ phá hủy đất đai, rừng và sinh kế của họ. Các cuộc biểu tình đã diễn ra thường xuyên trong năm qua.

Mặt khác, ở Jakarta, một số người hoan nghênh quyết định chuyển trụ sở chính phủ đến Borneo, cho rằng điều đó sẽ giảm bớt gánh nặng đông đúc và ô nhiễm của Jakarta. Simarmata, nhà nghiên cứu quy hoạch đô thị, cho rằng “Jakarta nên trải qua một chương trình ăn kiêng nghiêm ngặt, để loại bỏ một số chức năng đô thị và dành nhiều không gian hơn cho các khu vực xanh”. Ông nói, chuyển trụ sở chính phủ sẽ là một khởi đầu tốt.

Henny Warsilah, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Xã hội và Văn hóa của Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia (BRIN), đồng ý với nhận định trên.

Ông nói: “Jakarta sẽ chỉ mất vị thế là một thủ đô. Nhưng đây sẽ là cơ hội tốt để hồi sinh thành phố. Thành phố đã có một số cơ sở hạ tầng để vươn lên như một trung tâm cho các doanh nghiệp hoặc giải trí”.

Ngược lại, Ridwanuddin coi việc chuyển thủ đô theo kế hoạch chỉ là “chuyển các cuộc khủng hoảng sinh thái đến một địa điểm khác”. Ông nói: “Jakarta đang bị chết chìm mà không có kế hoạch rõ ràng để hồi sinh nó”.