Còn nhiều khó khăn trong triển khai điểm công nghiệp Nghĩa Hương

Mặc dù đã được UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt dự án điểm tiểu thủ công nghiệp từ cuối năm 2003, nhưng cho đến nay, dự án điểm công nghiệp Nghĩa Hương (Quốc Oai, Hà Tây) vẫn trong tình trạng "giẫm chân tại chỗ". Vấn đề này đang được chính quyền và các ngành chức năng tìm cách tháo gỡ nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn.

Xã Nghĩa Hương (Quốc Oai) có 3 thôn: Văn Khê, Thế Trụ, Văn Quang. Ngoài làm nông nghiệp, cả 3 thôn đều làm nghề đan cót nan. Sản phẩm là các loại cót nứa, cót ép xuất khẩu, trần lót bê tông, thúng, rổ, rá, nong, nia, bồ… và gia công cho các làng nghề mây, tre, giang đan ở huyện Chương Mỹ.

Từ năm 1989, năng động trước nền kinh tế thị trường, một số hộ đã học hỏi mang về quê một nghề mới là chế biến gỗ. Tuy đầu tư ban đầu khá lớn vào máy móc, nguyên liệu và mặt bằng nhưng bù lại, nghề này đem lại thu nhập cao hơn rất nhiều so với nghề cót nan. Hiện nay, có khoảng 60 hộ đang tập trung vào nghề xẻ cốp pha xây dựng, chế biến nguyên liệu đồ gỗ gia dụng…

Điều đáng nói là do thiếu mặt bằng nên hầu hết các hộ làm nghề chế biến gỗ đều đang vi phạm nghiêm trọng hành lang trục giao thông Quốc Oai đi Hoà Thạch. Hai bên đường từ Nghĩa trang liệt sĩ xã Nghĩa Hương đến giáp xã Cấn Hữu với chiều dài khoảng 2km thì đã có tới 40 hộ dựng lều, lán làm nơi đặt máy cưa, nhà xưởng chế biến gỗ. Nhiều hộ còn ngang nhiên tập kết nguyên liệu gỗ tràn ra đường đi. Cách quãng lại có một ô tô tải chở gỗ nguyên liệu lù lù đứng ven đường, chưa kể các loại phương tiện của khách tấp nập vào, ra làm cản trở tầm quan sát của người tham gia giao thông. Đây là nơi tiềm ẩn mối nguy cơ xảy ra tai nạn cho khách qua đường.

Dân làng nghề bức xúc: “Đây chỉ là bất đắc dĩ chứ chúng tôi không muốn thế. Vẫn biết là vi phạm giao thông, nhưng do mặt bằng hiện nay rất chật hẹp nên chúng tôi đành phải làm vậy. Chúng tôi rất muốn được chính quyền xã tạo điều kiện cho thuê mặt bằng lớn hơn hiện nay để các hộ làm nghề yên tâm đầu tư vào sản xuất, tránh ảnh hưởng đến giao thông”.

Trao đổi với lãnh đạo xã Nghĩa Hương, ông Nguyễn Văn Lại, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đó chính là một trong những điều nan giải nhất của Nghĩa Hương hiện nay. Đối với các hộ chế biến gỗ, xã mới chỉ duy trì họ ký kết với chính quyền về đảm bảo an toàn giao thông. Trong khi chờ triển khai dự án điểm công nghiệp thì vẫn phải để các xưởng hoạt động vì vừa tạo điều kiện phát triển kinh tế, vừa giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Hiện nay, ở Nghĩa Hương đã được UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt dự án điểm công nghiệp rộng 5,4ha nằm ở khu Đống Ba Gò Sòi. Nhưng, cho đến nay, dự án vẫn nằm “im lìm” trên giấy.

Điều bất thuận đầu tiên là việc giải phóng mặt bằng. Vướng mắc nằm ở một vài hộ thuộc diện chính sách do việc đền bù chưa tương xứng, nên rất khó thuyết phục.

Một khó khăn nữa là kinh phí dành cho giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng. Để thực hiện được, cần phải chi phí từ 1,5-2 tỷ đồng… nếu không, sẽ mãi là một bài toán khó giải…

Hy vọng, một ngày gần đây nhất, với nội lực của chính mình cùng sự giúp sức của các cấp, các ngành chức năng, Nghĩa Hương sẽ tìm được giải pháp thích hợp để dự án điểm công nghiệp sớm hoàn thành.