Chuối ngự Đại Hoàng

Đại Hoàng nổi tiếng với giống chuối ngự thơm ngon, từng được đem vào cung tiến vua Tự Đức. Nhằm bảo tồn giống chuối quý hiếm này, Viện nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật Châu á – Thái Bình Dương đã xây dựng, đề xuất dự án bảo tồn và phát triển quỹ gien cây ăn quả bản địa quý hiếm tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Chuyện xưa kể rằng: Đã từ lâu lắm, thời mà đất Nam Xang này còn ngập trong biển nước, về mùa tháng Tám, vua Trần ngự thuyền rồng cùng văn võ bá quan từ kinh thành Thăng Long về yết kiến Thái Thượng Hoàng ở cung Thiên Trường, cờ xí rợp trời đỏ cả sông Hồng xuôi về đất Tổ. Đến ngã ba tuần vương, thuyền của Vua và các đại thần dừng lại, có đôi vợ chồng ở sát bến mang nặng ơn vua, nay được thấy mặt rồng muốn tạ ơn người. Giữa biển nước mênh mông, họ chẳng còn gì ngoài cây chuối còi cọc sót lại nơi đầu hồi đang có buồng, những nải chuối nhỏ bé với những quả xinh xinh như quả cau, chín vàng như nghệ toả hương thơm ngào ngạt. Hai vợ chồng người nông dân vội hạ xuống cung kính dâng lên vua. Vua rất ngạc nhiên trước loại chuối này. Trông buồng chuối thật đẹp, quả xinh xinh màu vàng rực với hương thơm đặc biệt! Quả nhỏ, tròn căng, vàng óng như múi mít; cuống chuối thì xanh, đầu ruồi nhỏ, có 3 chiếc tua vươn dài như những râu Rồng. Ngắm đã thích mắt, ăn càng ngon miệng! Nhà vua nếm thử cứ liên hồi tấm tắc khen ngon, khen ngọt, khen thơm và trọng thưởng cho đôi vợ chồng nông dân nọ. Người cũng truyền cho các quan khai khẩn thêm vùng đất này cho suốt bốn mùa hoa thơm quả ngọt. Đại Hoàng nổi tiếng một phần nhờ chuối ngự bắt đầu từ đó.

Câu chuyện trên chẳng biết có từ khi nào, cũng như chẳng ai có thể trả lời được câu hỏi chuối ngự Đại Hoàng có tự bao giờ. Chỉ biết rằng, khi được hỏi thì các cụ cao niên ở làng đều kể cho chúng tôi nghe chuối ngự Đại Hoàng đã từng được đem vào tiến Vua Tự Đức trong cung đình Huế. Và một điều ai cũng thừa nhận là chỉ nơi đây mới có những buồng chuối ngự ngon thơm đặc biệt với vẻ ngoài rất đẹp.

Làng Đại Hoàng trước đây thuộc tổng Cao Đà, huyện Nam Xang, tỉnh Hà Nam, nay là xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân (Hà Nam). Đây chính là quê hương của nhà văn Nam Cao, người được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và là tác giả của nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng.

Kinh tế vườn của Đại Hoàng phát triển mạnh. Nghề làm vườn có thu nhập đứng thứ 2 sau nghề dệt thủ công. Hiếm có nơi nào lại có đến hai loại đặc sản quý tiến vua như Đại Hoàng. Ngoài hồng không hạt Nhân Hậu ra, Đại Hoàng còn nổi tiếng với chuối ngự. Gọi là chuối ngự vì ngày xưa chuối này được chọn để dâng vua.

Chuối ngự có hai loại. Chuối ngự trâu và chuối ngự mít (còn gọi là chuối ngự thóc). Chuối ngự mít ăn ngon hơn, ruột vàng như múi mít, vỏ lốm đốm những chấm nâu hồng khi đã chín nên thường được gọi là chuối ngự tía. Quả chuối ngự tía chỉ to hơn ngón tay cái người lớn một chút, bé bằng một nửa quả chuối ngự trâu. Chuối ngự mít cuống nhỏ, núm nhỏ, vỏ mỏng như giấy, óng như lụa, bóc ra là tới ruột ngay, không có lớp màng như các loại chuối khác, và có hương thơm đặc biệt, ai ăn cũng phải tấm tắc khen vị thanh ngọt, đậm đà.

Trồng được cây chuối ngự đã khó, rấm chín và vận chuyển chuối ngự cũng là việc rất cầu kỳ. Các loại chuối khác có thể để chín cây nhưng chuối ngự thì không, vì chuối ngự vỏ mỏng, dễ nứt. Việc rấm chuối ngự là cả một nghệ thuật rất công phu. Lò rấm chuối phải vuông, vách bằng đất hoặc xây gạch vừa đủ tầm treo chuối. Mỗi lò chỉ để khoảng mươi buồng. Nếu để lò to quá, nhiệt không tập trung chuối lâu chín. Chuối đưa vào rấm phải được bao bằng lá chuối xung quanh, đốt trấu vùi tro, không được để khói, nếu oi khói là hỏng chuối. Để qua một đêm là lấy chuối ra ngay. Để lâu chuối sẽ nẫu, ăn chua và nhũn, mất ngon. Vận chuyển chuối ngự cũng rất đặc biệt. Chuối để cả buồng, được bao bằng giấy báo hoặc chính lá của nó, và được treo trên ghi đông xe đạp hoặc một đoạn tre buộc ngang trên gác ba ga xe để tránh va đập làm thâm giập chuối.

Giống chuối quý này đã gắn bó với người dân và thích nghi với đồng đất Đại Hoàng từ bao đời nay. Nguồn gen quý được nhân dân lưu giữ trong vườn cây của từng gia đình, hiểu biết về cây chuối ngự, kinh nghiệm về trồng chuối ngự được ẩn chứa tiềm tàng trong mỗi người, được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Phải tốn rất nhiều công sức mới có được một cây chuối ngự thật ngon. Muốn có chuối ăn vào mùa xuân năm nay, thì phải chọn giống, trồng và chăm sóc cây từ mùa xuân năm trước.
Tuy nhiên, trải qua nhiều thế kỷ, diện tích trồng chuối ngự đã bị thu hẹp lại do nguồn đất đai ở đây quá ít, việc chăm sóc cây chuối ngự đòi hỏi công phu và cầu kỳ hơn nhiều so với các cây chuối khác, vì sự cạnh tranh của một số cây ăn quả như doi, táo, khế… và do đặc điểm kén đất của loại cây quý này.

Đứng trước nguy cơ “tuyệt chủng” của giống chuối quý hiếm, Viện nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật Châu á – Thái Bình Dương đã xây dựng, đề xuất dự án bảo tồn và phát triển quỹ gien cây ăn quả bản địa quý hiếm tại Lý Nhân – Hà Nam và được Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF/SGP-UNDP) phê duyệt tài trợ với tổng kinh phí là 1,1 tỷ đồng. Dự án sẽ có những hoạt động thu thập các tài liệu và điều tra, khảo sát, nghiên cứu thực trạng hệ sinh thái nông nghiệp tại địa phương, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, xây dựng vườn ươm và mô hình trình diễn tại xã Văn Lý và xã Hoà Hậu để nâng cao hiểu biết và trách nhiệm của chính quyền cũng như cộng đồng trong việc bảo tồn và phát triển nguồn gien cây bản địa, góp phần vào việc bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái nông nghiệp đặc trưng của địa phương. Dự án được khởi động từ tháng 9/2002. Đến nay, vườn ươm giống chuối quý được đặt trong khuôn viên nhà tưởng niệm nhà văn liệt sỹ Nam Cao đã lên xanh.

Trong khuôn khổ của dự án, cuộc thi bình chọn chuối ngự Đại Hoàng được thực hiện với mục đích nâng cao nhận thức của người dân Đại Hoàng về giá trị quý hiếm của cây chuối ngự, khẳng định chuối ngự là một cây ăn quả đặc sản của thôn Đại Hoàng, xã Hoà Hậu. Thông qua cuộc thi này, ban điều hành dự án sẽ kiểm tra chất lượng chuối ngự hiện nay và tuyển chọn cây đầu dòng làm vật liệu nhân giống cho sản xuất đại trà. Chuối ngự dự thi được đánh giá và cho điểm theo 10 chỉ tiêu: diện tích trồng, năng suất, thu nhập trên một đơn vị diện tích, độ đồng đều về kích cỡ, màu sắc vỏ phải vàng tươi và láng bóng, râu cuống phải đẹp và không gãy, số lượng nải trên buồng, độ đường, màu thịt quả, mùi thơm…

Theo bà Phan Thị Nguyệt Minh, phó Viện trưởng Viện nghiên cứu hợp tác KHKT Châu á – Thái Bình Dương, trưởng Ban điều hành dự án, dự án sẽ không chỉ dừng lại ở đó. Tham vọng của bà là không chỉ dừng lại ở việc tìm cách nhân giống và tìm đất cho cây chuối ngự mà còn đưa nó ra thị trường rộng lớn hơn, không chỉ trong phạm vi đất Nam Định như hiện nay. Bà đã có những dự tính để tìm đầu ra cho loại chuối này. Bà tâm sự: khi đã nhân giống cây chuối được khá nhiều rồi, tôi sẽ tổ chức tiếp thị cho loại chuối này bằng cách đưa vào bán rẻ ở các siêu thị và các khách sạn lớn, để cho khách hàng làm quen và yêu thích nó. Có thể, không còn bao lâu nữa, thương hiệu chuối ngự Đại Hoàng sẽ có được tiếng tăm đúng với giá trị của nó!

Bảo tồn giống chuối ngự  là một hoạt động của dự án ²Xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển quỹ gien cây ăn quả bản địa quý hiếm nhằm góp phần bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái nông nghiệp đặc trưng vùng chiêm trũng có tác động quy luật của nước lũ sông Hồng hàng năm tại huyện Lý Nhân – Hà Nam²  do Viện Nghiên cứu hợp tác KHKT Châu á Thái Bình Dương xây dựng, đề xuất và được Chương trình tài trợ các dự án nhỏ – Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ.