Mua bán khí thải – Thị trường mới hấp dẫn

Kinh doanh khí thải, nhằm giải quyết vấn đề khí hậu toàn cầu ấm dần lên do hiệu ứng nhà kính, là thị trường mới phát triển mạnh vài năm gần đây.Xung quanh hoạt động này, tồn tại những ý kiến trái chiều.

Thị trường tấp nập

Nghị định thư Kyoto quy định từ năm 2008 đến năm 2012, các nước công nghiệp đã phê chuẩn phải cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính (chủ yếu là CO2 chiếm hơn 70%) trung bình 5,2% so với mức 1990. Tuy nhiên, theo Hội đồng liên chính phủ về thay đổi khí hậu (IPCC), thì 5,2% là quá nhẹ, vì để tránh thảm họa toàn cầu do khí hậu ấm lên, mức cắt giảm phải đến 60% trên mọi lĩnh vực liên quan.

Việc kinh doanh khí thải CO2 được cho là có từ năm 1989 và càng “ăn nên làm ra” khi Nghị định thư Kyoto có hiệu lực từ tháng 2/2005. Theo quan điểm của thị trường này, tổng lượng khí CO2 trong khí quyển quan trọng hơn nguồn gốc của nó. Từ đó, tạo cơ chế lựa chọn: hoặc tự lo cắt giảm khí thải hoặc cứ gây ô nhiễm rồi trả phí cho nơi khác cắt giảm giùm.

Kinh doanh khí thải có 2 hình thức chính là mua bán hạn mức thải khí giữa các nước phát triển, nước gây ô nhiễm nhiều có thể mua mức thải khí chưa dùng hết của nước khác để được quyền thải vượt hạn mức; hoặc mua quyền thải khí qua việc đầu tư vào những dự án môi trường ở các nước đang phát triển, như trồng rừng, bảo tồn đất, bảo vệ đời sống hoang dã, tăng hiệu suất năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo được… Các doanh nghiệp gây ô nhiễm nhiều cũng có thể mua hạn mức hoặc mua quyền thải khí để được chứng nhận là “không gây ô nhiễm”.

Thị trường khí thải ngày càng chứng tỏ tiềm năng, thu hút nhiều thành phần tham gia: các hãng tư vấn và môi giới chuyên xác định mức khí thải rồi đề xuất giải pháp cắt giảm như EcoSecurities, Climate Change Capital…, các công ty chuyên chứng thực quyền thải khí như Det Norske Veritas, Societe General de Surveillance…, các tổ chức môi trường như World Resources Institute, Environmental Defense…, tổ chức tài chính đa phương như Ngân hàng Thế giới (WB)… Dù chính phủ Mỹ đã rút khỏi Nghị định thư Kyoto nhưng kinh doanh khí thải cũng đang được quan tâm nhiều ở Mỹ, nơi có CCX (Chicago Climate Exchange) là một thị trường tự nguyện.

WB là nhà trung gian lớn của thị trường kinh doanh khí thải, chuyên tài trợ cho nhiều dự án môi trường ở các nước đang phát triển. Năm 2005, quỹ Prototype Carbon Fund do WB sở hữu đã đạt 915 triệu USD, hơn gấp đôi so với 415 triệu USD năm 2004. Thị trường kinh doanh khí thải còn khá mới, nhưng theo ước tính của WB, năm 2005 đã đạt khoảng 10 tỷ USD và dự báo sẽ đạt trên 25 tỷ USD vào năm 2006.

Hệ thống ETS của EU

Sự hợp tác quốc tế đầu tiên nhằm đối phó khí thải gây hiệu ứng nhà kính là Hệ thống kinh doanh khí thải châu Âu (ETS), áp dụng từ 1/1/2005 ở 25 nước EU – khối tạo khí thải nhiều thứ nhì thế giới, chỉ sau Mỹ. Hạn mức thải CO2 – do mỗi chính phủ xác định và EU phê chuẩn – được cấp cho khoảng 12.000 nhà máy điện và công nghiệp nặng ở 25 nước EU, bao gồm cả một số công ty không thuộc châu Âu. Số nhà máy này tạo ra gần 1/2 lượng khí thải CO2 ở EU.

Thành viên ETS chỉ được thải khí CO2 trong hạn mức, muốn thải nhiều hơn phải mua. Lúc ETS bắt đầu hoạt động, phí mua quyền thải một tấn CO2 là 7 euro, đến 7/2005 lên đến 29 euro và nay ổn định ở mức 20-25 euro. Mỗi tấn khí thải vượt mức bị phạt 40 euro. Hạn mức thải khí nhằm buộc các doanh nghiệp đầu tư kỹ thuật sạch hơn và giảm khí thải, nhưng theo Ủy ban châu Âu (EC), các chính phủ đã cấp quá nhiều giấy phép thải khí, làm chúng trở thành hàng hóa mua bán.

Lợi bất cập hại

Kinh doanh khí thải được Chương trình môi trường LHQ, Hội đồng liên chính phủ về thay đổi khí hậu (IPCC), Quốc hội châu Âu, nhiều tổ chức phi chính phủ và các doanh nghiệp “xanh”… ủng hộ, xem là “giải pháp lưỡng lợi” bởi vừa bảo vệ môi trường vừa phát triển kinh tế. Nghị định thư Kyoto cũng có Cơ chế phát triển sạch (CDM) cho phép các nước phát triển đạt chứng nhận khí thải bằng cách tài trợ các dự án môi trường ở các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học và các tổ chức môi trường như Carbon Trade Watch, Oilwatch, World Rainforest Movement… tuyên bố đó không phải là cách giải quyết các vấn đề môi trường, không chú trọng các nguyên nhân làm khí hậu toàn cầu ấm lên.

Việc mua bán khí thải không hướng đến giải pháp gốc rễ chống lại khí hậu ấm lên là giảm dần đến ngưng hẳn dùng năng lượng hóa thạch. Các nước công nghiệp phải có trách nhiệm chính với thảm họa khí hậu, sử dụng tài nguyên hợp lý hơn, bảo tồn năng lượng, cắt giảm khí thải và chuyển sang dùng các năng lượng hiệu quả hơn, sạch và tái chế được. Cứ thải khí gây ô nhiễm rồi trồng cây để hấp thụ CO2 là sai lầm, càng làm con người tăng cường khai thác than đá, dầu mỏ thay vì chuyển sang các năng lượng sạch. Trồng cây sẽ hấp thụ bao nhiêu CO2 và trong bao lâu vẫn còn chưa được xác định thống nhất. Trồng cây để cải thiện khí hậu hoàn toàn khác với trồng cây để được quyền đốt thêm năng lượng hóa thạch…

Việc kinh doanh khí thải chỉ có hiệu quả khi góp phần cắt giảm được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, còn bản thân việc hình thành thị trường này không làm giảm khí thải. Ngoài ra, hiệu quả còn bị hạn chế nhiều vì không thể bao gồm toàn bộ, như Mỹ đứng đầu với 25% lượng khí thải toàn cầu, lại đã rút khỏi Nghị định thư Kyoto.

Một số nước đang phát triển xem kinh doanh khí thải là nguồn thu tiềm năng. Từ năm 2005, nhiều nước Mỹ La tinh, đi đầu là Brazil rồi Mexico, Chile, Costa Rica, Honduras, Bolivia… đã có nhiều dự án tập trung vào tái tạo và nâng cao hiệu quả năng lượng, trồng rừng, thủy điện nhỏ… để phục vụ cho thị trường khí thải.

Khi các nước giàu xem mua quyền thải khí là giải pháp thực hiện cam kết Nghị định thư Kyoto, còn các nước nghèo lại xem đó là cơ hội để nhận tài trợ các dự án môi trường, thì liệu có phải là giải pháp hiệu quả để bảo vệ Trái đất khỏi ấm lên?

Bầu khí quyển là chung của Trái đất nên ô nhiễm không khí tồn tại và đe dọa sự sống ở mọi nơi. Theo WHO, mỗi năm thế giới có 3 triệu người chết vì ô nhiễm không khí ngoài trời do khí thải từ công nghiệp và giao thông, 1,6 triệu người chết vì ô nhiễm không khí trong nhà do dùng năng lượng hóa thạch, phần lớn là ở các nước nghèo. Các nước đang phát triển tạo ra khí thải ít nhất nhưng phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất của sự thay đổi khí hậu với những hậu quả như nạn đói, mất mùa, hạn hán, bệnh tật…. nghiêm trọng nhất là ở châu Phi. Còn số liệu của WB lại cho biết, ô nhiễm không khí làm kinh tế Trung Quốc tổn phí 25 tỷ USD/năm cho y tế và giảm năng suất lao động.