Không làm thủy điện ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt

Cục trưởng Cục Kiểm lâm Bùi Chính Nghĩa khẳng định Chính phủ không cho chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng để làm thủy điện

Phóng viên: Theo điều tra của Báo Người Lao Động, khu vực đề xuất làm 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, Đắk R’lấp 2, Đắk R’lấp 3 đều nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, là khu vực được bảo toàn nguyên vẹn của Vườn Quốc gia Cát Tiên, khu dự trữ thiên nhiên khu bảo tồn loài – sinh cảnh; là di tích quốc gia đặc biệt. Xin ông cho biết quan điểm của Đảng, Nhà nước trong quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Cát Tiên?

Ông BÙI CHÍNH NGHĨA, Cục trưởng Cục Kiểm lâm – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT): Bộ NN-PTNT nhận thức được vai trò quan trọng của việc phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, phải bảo đảm nguyên tắc hài hòa, cộng hưởng để làm sao vừa bảo vệ môi trường vừa phát triển kinh tế.

Về môi trường, với những yếu tố mà Chính phủ cam kết về mục tiêu Net Zero vào năm 2050 thì rừng tự nhiên rất quan trọng với vai trò là bể chứa carbon. Về phát triển kinh tế, phải cân nhắc rất kỹ về bảo tồn đa dạng sinh học. Ngoài vấn đề môi trường thể hiện qua chỉ tiêu về carbon rừng thì bảo tồn đa dạng sinh học là nhiệm vụ rất trọng tâm.

Ông BÙI CHÍNH NGHĨA

Việt Nam có 167 khu rừng đặc dụng và có 34 vườn quốc gia. Các vườn quốc gia, khu dự trữ, khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị về mặt bảo tồn rất lớn, ngoài đa dạng sinh học về động vật, thực vật, còn có đa dạng sinh học về hệ sinh thái rừng rất phong phú. Việt Nam có 8 hệ sinh thái rất lớn, đặc trưng. Việc giữ gìn, phát huy tốt công tác bảo tồn hệ sinh thái rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, chúng ta phải cố gắng duy trì, gìn giữ tốt diện tích hiện hữu vì diện tích không còn nhiều.

Vườn Quốc gia Cát Tiên có giá trị rất lớn với trên 70.000 ha rừng nằm ở liên tỉnh: Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai. Chung quanh đó là Khu Bảo tồn thiên nhiên Vĩnh Cửu, cùng dải bảo tồn đa dạng sinh học cao từ Lâm Đồng đổ xuống. Tính đa dạng sinh học về hệ sinh thái rừng rất lớn như rừng khộp, kiểu rừng kín lá rộng nửa rụng lá. Đặc biệt, dọc sông Đồng Nai có rất nhiều giá trị về đa dạng sinh học. Chính vì vậy, Vườn Quốc gia Cát Tiên phải thuộc sự quản lý của Bộ NN-PTNT để quản lý, bảo vệ ở cấp trung ương.

Về vị trí dự kiến xây dựng 3 dự án thủy điện này, chúng tôi khẳng định khu vực đó của Vườn Quốc gia Cát Tiên có hệ sinh thái rất lớn. Khi tiến hành các bước thực hiện dự án cần phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng các nội dung liên quan công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái rừng, hồ, nước…

ĐIỀU TRA ĐẶC BIỆT: 3 dự án thủy điện lăm le thọc vào “tim” rừng

VIDEO ĐIỀU TRA: Bất ngờ với 3 dự án thủy điện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (phần 1)

VIDEO ĐIỀU TRA: Bất ngờ với 3 dự án thủy điện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (phần 2)

ĐIỀU TRA ĐẶC BIỆT: Bất an với 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp – “Mất tích” một nội dung quan trọng

VIDEO ĐIỀU TRA: Bất ngờ với 3 dự án thủy điện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (phần 5)

ĐIỀU TRA ĐẶC BIỆT: Bất an với 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp: “Hành tung” mập mờ, hăm hở bất thường

ĐIỀU TRA ĐẶC BIỆT: Bất an với 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp: Tâm tư trĩu nặng và sự e dè khó hiểu

VIDEO ĐIỀU TRA: Bất ngờ với 3 dự án thủy điện ở Vườn Quốc gia Cát Tiên (phần 6)

Bất an với 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp: Cuộc gặp bất ngờ

Bất an với 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp: Bộ Công Thương đã trình Chính phủ

3 thủy điện trong Vườn quốc gia: Là ai cũng phải bị xử lý!

Không làm thủy điện ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt

Thêm thủy điện, sông Đồng Nai sẽ chết

Podcast | Viễn cảnh đáng lo khi thực hiện 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3

Ba dự án thủy điện Đắk R’lấp có xuất hiện trong dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII?

Bất an với 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp: Chưa thể phê duyệt kế hoạch

Tỉnh ủy Đắk Nông chỉ đạo xử lý thông tin “Bất an với 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp”

Bất an với 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp (*): Những câu trả lời khó hiểu!

3 dự án thuỷ điện Đắk R’lấp không có trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII

Có được phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, là khu vực được bảo toàn nguyên vẹn của Vườn Quốc gia Cát Tiên để làm một dự án kinh tế đơn thuần, cụ thể ở đây là 3 dự án thủy điện nhỏ hay không?

– Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15-7-2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp đã quy định rất rõ các tiêu chí xác định dự án được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác. Thủy điện là một trong những danh mục dự án được phép chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên. Tuy nhiên, không được phép chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng để làm thủy điện.

Nhiều cây lớn trên đường mòn tuần tra vào vị trí tọa độ đề xuất làm dự án thủy điện Đắk R’lấp 2 Ảnh: LÊ GIANG

Đối với rừng tự nhiên, để chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, phải cân nhắc rất nhiều yếu tố. Đặc biệt, ngày 12-1-2017, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trong đó nêu rõ: Không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác (trừ các dự án phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc các dự án đặc biệt, cấp thiết do Chính phủ quyết định). Nội dung này cũng quy định cụ thể trong Luật Lâm nghiệp năm 2017 và gần đây nhất là ngày 17-8-2023, Ban Bí thư có Kết luận số 61-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Như vậy, chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Nhà nước là rất hạn chế trong chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên để phát triển kinh tế.

Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15-5-2023 của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, 3 dự án thủy điện này được đưa vào danh mục các dự án thủy điện tiềm năng nhưng phải đánh giá kỹ về tác động môi trường, đất đai, ảnh hưởng đến rừng. Ông khuyến nghị gì với chính quyền các địa phương cũng như các bộ, ngành khi xem xét 3 dự án thủy điện này?

– Quy định về chuyển mục đích sử dụng rừng là một nội dung rất độc lập mà các dự án đều phải triển khai. Để được xem xét chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng cần phải có đủ rất nhiều nội dung, trong đó có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Dù có đưa 3 dự án này vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII hay không thì vẫn còn rất nhiều bước phải triển khai mới có thể quyết định có được chuyển mục đích sử dụng rừng hay không. Kể cả 3 dự án đó có được nằm trong quy hoạch của tỉnh nào thì cũng phải tuân thủ quy định.

Luật Lâm nghiệp trước đây chỉ quy định 1 bước về chuyển mục đích sử dụng rừng là “chuyển mục đích sử dụng rừng” và chia ra các cấp để phê duyệt, gồm Quốc hội và HĐND. Hiện nay thì phải qua 2 bước: Bước 1, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, bước 2 mới đến quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng. Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng chia làm 3 cấp: Quốc hội, Thủ tướng và HĐND, đặc biệt với rừng tự nhiên thì bắt buộc phải là Thủ tướng. Quy định rất chặt chẽ và qua rất nhiều bước để cân nhắc kỹ lưỡng, bảo đảm mục tiêu bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

Lâu nay đã có dự án kinh tế – xã hội thông thường nào được chuyển mục đích sử dụng rừng trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng rồi cho trồng rừng bù lại ở chỗ khác không, thưa ông?

– Nghị định số 83/2020/NĐ-CP quy định đối với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng thì không thực hiện một số dự án phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có các dự án thủy điện, khai thác khoáng sản. Như vậy, chưa cần đến bước xem xét báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án thì đã phải xem xét các tiêu chí rất kỹ.

Không thể cắt khúc

Cục trưởng Cục Kiểm lâm Bùi Chính Nghĩa nhấn mạnh: “Khi tiến hành các bước để thực hiện dự án trong rừng đặc dụng, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, tác động đến những diện tích rừng tự nhiên thì phải tuân thủ hoàn toàn các quy định của pháp luật, đồng thời phải nghiên cứu rất thận trọng, kỹ lưỡng báo cáo đánh giá tác động môi trường để bảo đảm hệ sinh thái rừng không bị phá vỡ, không ảnh hưởng, không tác động vào cấu trúc vốn có hiện nay, bởi rừng tự nhiên có cấu trúc hệ sinh thái bền chặt với nhau, chúng ta không thể cắt khúc hay tác động cục bộ nào đó”.

 

Cục Kiểm lâm rất cảm ơn Báo Người Lao Động đã kịp thời đưa tin về các dự án có tác động đến hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học, bảo tồn, nhằm góp tiếng nói quan trọng để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phản biện, cảnh báo trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

 

Văn Duẩn thực hiện 

Nguồn: