Cận cảnh chuyển giao cá thể gấu bị nuôi nhốt hơn 15 năm tại Hải Dương

Một cá thể gấu ngựa vừa được chuyển giao về Cơ sở bảo tồn gấu nằm trong phân khu cây xanh sinh thái của Công viên động vật hoang dã quốc gia ở tỉnh Ninh Bình, sau 15 năm bị nuôi nhốt.

Sau hơn 15 năm sống trong “ngôi nhà sắt” tại huyện Ninh Giang (Hải Dương), một cá thể gấu ngựa vừa được chuyển giao về Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình, nằm trong phân khu cây xanh sinh thái của Công viên động vật hoang dã quốc gia ở tỉnh Ninh Bình.

Đây là cá thể gấu thứ 3 được các tổ chức bảo tồn và lực lượng chức năng các tỉnh, thành phố chuyển giao đến các trung tâm cứu hộ trong nửa đầu tháng 10/2020.

Trước đó, ngày 2/10/2020, một chủ gấu tại tỉnh Lâm Đồng đã chuyển giao 2 cá thể gấu bị nuôi nhốt đến Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Cát Tiên, sau khi người này bị phát hiện buôn bán trái phép 2 chi gấu được cắt từ cá thể gấu chết trước đó tại gia đình.

Sự việc chuyển giao gấu lần này được xem là kết quả của đợt kiểm tra, gắn chíp điện tử thế hệ mới cho gấu do các cơ quan chức năng tiến hành đầu năm 2020 nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở nuôi nhốt gấu tại Hải Dương.

Qua quá trình kiểm tra một cơ sở nuôi nhốt gấu tại khu 2, thị trấn Ninh Giang, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, cơ quan chức năng đã không phát hiện chíp của cá thể gấu duy nhất được đăng ký nuôi nhốt tại cơ sở.

Sau một thời gian làm việc với cơ quan chức năng, cuối tháng Bảy vừa qua, chủ gấu đã bày tỏ nguyện vọng chuyển giao cá thể gấu bị nuôi nhốt cho nhà nước.

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên.

Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc ENV, cho biết năm 2005 ENV ghi nhận hơn 4.300 cá thể gấu bị nuôi nhốt lấy mật nhưng cho tới thời điểm hiện tại chỉ còn chưa tới 400 cá thể gấu bị nuôi nhốt tại các cơ sở tư nhân trên cả nước.

“Sự quan tâm và giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng trong công tác quản lý bảo vệ gấu thời gian vừa qua là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nhiều chủ gấu cũng đã quyết định tự nguyện chuyển giao gấu. Lợi nhuận từ buôn bán trái phép mật gấu và các sản phẩm từ gấu cũng đang dần biến mất, thúc đẩy chủ gấu sớm từ bỏ hoạt động nuôi nhốt gấu mang nhiều rủi ro pháp lý này,” bà Hà nhấn mạnh.

Đại diện ENV đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát các cơ sở nuôi nhốt gấu, đảm bảo kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. ENV tin rằng với nỗ lực của cơ quan chức năng, tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam sẽ sớm đi đến hồi kết, tạo điều kiện cho các quần thể gấu ngoài tự nhiên được phục hồi.

Một số hình ảnh cứu hộ gấu từ Hải Dương về Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình:

Điều kiện nuôi nhốt không đảm bảo, chiếc lồng chỉ cao khoảng 1m7. (Ảnh: ENV cung cấp)
Cá thể gấu đang được các bác sỹ thú y kiểm tra sức khỏe. (Ảnh: ENV cung cấp)
Kiểm tra sức khỏe cho gấu. (Ảnh: ENV)
Gấu được khám bệnh trước khi về cơ sở bảo tồn. (Ảnh: ENV)
Chăm sóc sức khỏe cho gấu. (Ảnh: ENV)
Gấu được đưa vào lồng chuyên dụng di chuyển về cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình. (Ảnh: ENV)
Di chuyển gấu lên xe. (Ảnh: ENV)
Gấu được chăm sóc suốt hành trình di chuyển. (Ảnh: ENV)
Cá thể Gấu đã được chuyển giao về Cơ sở Bảo tồn Gấu Ninh Bình sau hơn 15 năm bị nuôi nhốt. (Ảnh: ENV cung cấp)