Bảo tồn loài gấu cần thay đổi từ nhận thức

Cơ sở bảo tồn Gấu Ninh Bình là một trong các cơ sở thành công trong hoạt động cứu hộ, nuôi dưỡng chăm sóc các loài hoang dã, các loài đã từng bị nuôi nhốt trái phép. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Ngô Thị Mai Hương – Giám đốc Tổ chức Four Paws Việt (đơn vị thành lập và vận hành Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình).

Bà Ngô Thị Mai Hương – Giám đốc Tổ chức Four Paw Việt

PV: Sau 5 năm kể từ chuyến cứu hộ đầu tiên, đến nay, công tác cứu hộ và bảo tồn gấu đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa bà?

Bà Ngô Thị Mai Hương: Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình được thành lập từ năm 2016, đến tháng 11/2017, 3 cá thể gấu nuôi nhốt đầu tiên được giải cứu từ 2 hộ dân ở Ninh Bình đưa về chăm sóc tại đây. Đó chính là sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực giải cứu và chăm sóc các cá thể gấu đã từng bị lấy mật, cung cấp nơi ở an toàn trong môi trường bán hoang dã, giúp các cá thể gấu này phục hồi tập tính tự nhiên sau nhiều năm bị nuôi nhốt trong chuồng cũi chật hẹp. Cho đến nay, với 24 chuyến cứu hộ trên khắp cả nước trong 5 năm hoạt động, cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình hiện là ngôi nhà an toàn cho 49 cá thể gấu ngựa.

Các chú gấu sau khi được giải cứu sẽ vào khu vực cách ly trong 3 tuần để tránh lây nhiễm bệnh đến các cá thể khác đang sống tại cơ sở. Trong thời gian này, các cá thể gấu sẽ được khám chữa bệnh tích cực, làm quen với chế độ ăn mới và theo dõi sát sao bởi đội ngũ chăm sóc. Tại buổi cứu hộ hoặc các tuần tiếp theo, gấu sẽ được gây mê và kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng, lấy mẫu máu, siêu âm và chụp x-quang các bộ phận cùng nội tạng. Các buổi kiểm tra tiếp theo được tiến hành để nhổ răng hỏng và các thủ thuật khác nếu có. Khi các vấn đề sức khoẻ của gấu đã được xử lý, gấu sẽ được kiểm tra sức khoẻ từ 1 – 2 năm/lần.

Sau khi ở khu cách ly, các cá thể gấu được chuyển sang nhà gấu rộng 9m2, có trang bị các đồ như võng, giường, ống giấu thức ăn mục đích là để gấu thích nghi dần với môi trường rộng hơn cũi và bắt đầu phục hồi các chức năng. Sau khi ở nhà gấu từ 1 đến 2 tuần, gấu sẽ được cho ra khu bán hoang dã.

Tại khu bán hoang dã được giữ nguyên vẹn địa hình đồi núi, các cây xanh… tạo điều kiện cho gấu vận động và dần phục hồi được bản năng tự nhiên. Ngoài ra, để luyện gấu tích cực sử dụng khứu giác, thị giác cũng như sự khéo léo của cơ thể để tìm kiếm thức ăn, vào một số ngày nhất định, nhân viên chăm sóc sẽ dùng thảo mộc như quế, bạc hà hay mắm tôm để bôi lên một số khu vực cho gấu đi tìm kiếm. Bên cạnh đó, thức ăn cho gấu cũng được giấu hay để rải rác khắp nơi trong khu bán tự nhiên hay nhét vào các đồ vật như thùng phi xoay, quả Kong, ống tre,…Những việc này nhằm kích thích lại bản năng tự nhiên của loài gấu.

PV: Trong quá trình bảo tồn sẽ gặp không ít những khó khăn, bà có thể chia sẻ về vấn đề này được không? Và cơ sở bảo tồn đã làm gì để vượt qua?

Bà Ngô Thị Mai Hương: Khó khăn lớn nhất trong công tác cứu hộ, bảo tồn gấu đó chính là thay đổi nhận thức của các chủ nuôi. Thời gian đầu, đội ngũ của chúng tôi đã phải kết hợp cùng với Cơ quan kiểm lâm cùng các cái tổ chức khác vận động người dân đang nuôi nhốt gấu tự nguyện trao trả gấu cho Cơ sở bảo tồn để chúng có cơ hội được chăm sóc sức khỏe, phục hồi tập tính tự nhiên.

Đồng thời, mời các chủ nuôi đến tham quan cơ sở để giải thích chương trình bảo vệ gấu ở đây để cho họ có thể tin tưởng chuyển giao gấu về những nơi chăm sóc như thế này. Đến bây giờ, đã có rất nhiều chủ nuôi đã tự động liên hệ đến và đến các Chi cục Kiểm lâm ở các tỉnh thành đề nghị chuyển giao gấu. Sau khi tiếp nhận gấu về cơ sở bảo tồn, các nhân viên phải quan sát, tìm hiểu tính cách, hành vi của từng cá thể để đưa ra được phương án chăm sóc phù hợp và hiệu quả nhất để các bạn phục hồi lại được bản năng tự nhiên.

Các cá thể gấu trong môi trường bán hoang dã tại cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình (Ảnh: Four Paws)

Chúng tôi cũng đã đi đến các trường học ở thành phố và VQG Cúc Phương để thực hiện các chương trình giáo dục về bảo tồn thiên nhiên và phúc lợi động vật cho nhiều đối tượng từ trẻ em, thanh thiếu niên tới nhóm gia đình. Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình thường xuyên tổ chức các chương trình giáo dục, tiếp nhận các đoàn trường, khách du lịch đến tham quan. Du khách khi đến với cơ sở sẽ có dịp chứng kiến tận mắt sự phục hồi nhanh chóng của những cá thể từng bị thương tổn bởi nạn nuôi nhốt gấu lấy mật, đời sống của các các thể tại khu bán tự nhiên và công tác chăm sóc gấu tại cơ sở.

Từ đầu năm 2022 đến nay, cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình đã đón tiếp được gần 10.000 khách du lịch và các đoàn học sinh đến tham quan trải nghiệm. Từ những chuyến tham quan trải nghiệm tại cơ sở, chúng tôi hy vọng nhận thức cộng đồng sẽ dần được nâng cao và sẽ có thêm nhiều người cùng chung tay đóng góp vào công tác bảo vệ phúc lợi cho động vật và bảo tồn thiên nhiên nói chung.

PV: Hiện nay, gấu là một trong các loài động vật hoang dã đang bị đe dọa cao nhất ở Việt Nam. Theo bà, để bảo tồn các loài này thì chúng ta cần phải có những biện pháp gì?

Bà Ngô Thị Mai Hương: Việt Nam là “ngôi nhà” của hai loài gấu: Gấu ngựa và gấu chó. Cả hai loài gấu đều được bảo vệ bởi pháp luật Việt Nam và Công ước Quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Theo đó, tất cả các hành vi săn bắt, bẫy, mua bán, giết hại hay quảng cáo việc kinh doanh gấu và các sản phẩm làm từ gấu đều là bất hợp pháp.

Các chính sách pháp luật đã rất rõ ràng, điều quan trọng là cần tăng cường thực thi pháp luật về bảo vệ gấu và tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân. Để thực hiện được điều này, các địa phương cần có những cam kết và hành động quyết liệt nhằm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt.

Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động các cơ sở nuôi gấu tự nguyện giao nộp gấu cho các trung tâm cứu hộ chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật; cần đẩy mạnh tuyên truyền thông tin tới cộng đồng để thay đổi ý thức người dân, từ đó xóa bỏ nhu cầu sử dụng mật gấu, tiến tới chấm dứt hoạt động chích hút, vận chuyển, tàng trữ mật gấu.

Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm, công an cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt tại các cơ sở nuôi nhốt gấu để xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, từ đó tạo sức răn đe. Đồng thời, cần kiên quyết ngăn chặn và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ nuôi thực hiện hành vi nuôi nhốt gấu không có hồ sơ nguồn gốc hợp pháp để bảo đảm không tăng số lượng gấu nuôi nhốt, tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc nuôi nhốt gấu.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!