Lý giải nguyên nhân giá thịt lợn tăng mạnh

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, từ cuối tháng 10/2019 đến nay, giá thịt lợn đã tăng khoảng 60-80% so với tháng 09/2019…

Ảnh: dautuvietnam.vn

Theo số liệu thống kê, giá các sản phẩm thịt lợn hiện đang ở mức rất cao. Trong đó, đặc biệt là giá thịt lợn thành phẩm ở mức 160.000-180.000 đồng/kg, tăng 15.000-20.000 đồng/kg so với tuần đầu tháng 12 năm 2019.

Dự báo trong thời điểm cận Tết Nguyên đán, giá thịt lợn có thể sẽ tiếp tục tăng nếu không có biện pháp bình ổn. Trước tình hình này, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước… đã tổ chức các đoàn làm việc về bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các mặt hàng nông sản dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, trong đó chú trọng đến nguồn cung mặt hàng thịt lợn.

Lý giải về nguyên nhân giá thịt lợn tăng mạnh, Bộ Tài Chính cho biết sở dĩ giá thịt lợn tăng một phần là do ảnh hưởng của Dịch tả lợn Châu phi lây nhiễm vào Việt Nam từ đầu năm 2019. Dịc bệnh đã lan rộng và bùng phát trên phạm vi toàn quốc từ cuối tháng 06/2019.

Số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy lớn cùng với việc không thể tái đàn ở các vùng dịch trong những tháng tiếp theo do dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam chưa được khống chế, chưa có vắc xin chống dịch đã tác động lớn đến nguồn cung thịt lợn cho thị trường trong nước (đặc biệt cho giai đoạn từ cuối tháng 9 đến nay).

Theo Tổng cục thống kê, đàn lợn cả nước tháng 11/2019 giảm mạnh 22% so với cùng thời điểm năm trước do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường gia tăng.

Phần khác, Bộ Tài chính cho rằng việc kiểm dịch thú y, kiểm soát dịch bệnh hạn chế lưu chuyển lợn thịt và thịt lợn giữa các địa phương để tránh lây lan dịch bệnh đã gây mất cân đối cung cầu cục bộ tại một số địa phương. Điều này đẩy giá thịt lợn tăng cục bộ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, nguồn cung giống cũng giảm nên việc chăn nuôi lợn đòi hỏi chi phí rất cao cho cả giống, các biện pháp phòng dịch cho chuồng trại, chi phí kiểm dịch thú y… cũng làm gia tăng chi phí sản xuất, kinh doanh thịt lợn. Nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm tăng trong khi đó một bộ phận người chăn nuôi và nhà sản xuất giữ hàng lại chưa bán chờ giá tăng cao hơn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xét về tổng lượng thịt các loại trong năm 2019, ước đạt 5,14 triệu tấn, giảm 4,1%. Tuy nhiên, thịt lợn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 70%) trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm, sản lượng thịt lợn giảm 380 nghìn tấn, tương đương từ 9-10% so với năm 2018 cũng ảnh hưởng lớn đến thị trường thực phẩm trong nước.

Bộ Tài chính cũng cho biết, Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với các cơ quan ban ngành tổ chức các đoàn làm việc về bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các mặt hàng nông sản dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, trong đó chú trọng đến nguồn cung mặt hàng thịt lợn.