Thịt thực vật thị trường tỉ USD

Đại dịch COVID-19 đã đánh thức thị trường thịt thực vật khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe.

Trong nước, một số công ty đã bắt tay sản xuất sản phẩm theo xu hướng plant-based. (Ảnh: TL)

Quyết định từ bỏ công việc lương cao trong ngành thép đã hơn 20 năm, bà Hồ Thanh Nhiên theo đuổi cuộc sống mới với trường phái ẩm thực plant-based, tức ăn uống dựa chủ yếu vào thực vật. Trước đó, bà chuyển sang ăn chay trường sau một thời gian vật lộn với căn bệnh khá nặng và đứng trước ngưỡng “cửa sinh tử”. Bà Nhiên đã thành lập Công ty Bewina và tiến hành khảo sát thị trường thịt thực vật mà công ty bà nhập khẩu.

Theo bà Nhiên, thị trường thực phẩm thịt nhân tạo trên thế giới đang phát triển như vũ bão và rất nhiều doanh nghiêp thực phẩm lớn trên thế giới đang đầu tư nguồn lực để sản xuất thức ăn thay thế thịt động vật – một xu hướng nở rộ sau đại dịch COVID-19, khi người tiêu dùng ngày càng tìm đến các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, thân thiện môi trường và tốt cho sức khỏe.

Việt Nam theo “trend” thịt thực vật

Trong nước, một số công ty đã bắt tay sản xuất sản phẩm theo xu hướng plant-based. Vinamit tham gia sản xuất “xanh” từ lâu với thịt mít non Vegan. “Đại dịch COVID-19 khiến người ta quan tâm đến xu hướng tiêu dùng xanh, nông nghiệp hữu cơ hơn vì mục đích cuối cùng cũng là sức khỏe”, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit, chia sẻ.

Cũng theo ông Viên, xu hướng tiêu dùng xanh đã diễn ra ở Mỹ, châu Âu và sẽ lan đến Việt Nam. Vì thế, các doanh nghiệp cần định hướng đường đi, đón đầu cơ hội. Thực tế cho thấy một số doanh nghiệp Việt đã đẩy mạnh sang phát triển sản phẩm thịt thay thế từ thực vật. Không cạnh tranh bằng chi phí lao động giá rẻ, mà bằng các tiêu chuẩn gắn với bảo vệ môi trường.

Bên cạnh Vinamit, năm 2018 Công ty Thực phẩm Chay Cây Đề đã đầu tư 3 tỉ đồng làm sản phẩm thịt từ thực vật và đẩy mạnh ra thị trường với thương hiệu Vmeat. Hiện các sản phẩm Vmeat đang trong giai đoạn khảo sát thị trường, nên chưa có doanh thu và lợi nhuận. Nhưng ông Lê Huy, đồng sáng lập Cây Đề, rất tin tưởng vào triển vọng của Công ty nhờ lợi thế là doanh nghiệp nội địa, hiểu rõ thị hiếu tiêu dùng và giá thành rẻ hơn. Quy mô thị trường thịt thực vật Việt Nam hiện ước khoảng 1.000 tỉ đồng và Cây Đề kỳ vọng chiếm 6-7% thị trường. Theo ông Huy, 4-5 năm tới, Công ty Cây Đề đặt mục tiêu đạt doanh số 60 tỉ đồng/năm.

Việt Nam cũng bắt đầu nhen nhóm và hiện nhiều bạn trẻ, có thu nhập khá/cao ưa chuộng sử dụng thịt thực vật. (Ảnh: Getty images)

Công ty Thương mại Dịch vụ Biển Phương tham gia thị trường thịt thay thế ngay thời điểm dịch. “Đầu tư vào sản xuất thịt thực vật 2 năm, rơi ngay thời điểm dịch bệnh nhưng chúng tôi rất vui khi được thị trường đón nhận. Dù là đạm thực vật nhưng vẫn có độ ngon tương tự thịt truyền thống”, bà Lê Thị Phương Thảo, Giám đốc Công ty Biển Phương, chia sẻ.

Mỗi ký thịt có giá 1,5 triệu đồng

Ngoài nhập khẩu từ các thị trường châu Á như Đài Loan, thịt thực vật còn được nhập khẩu từ Mỹ với thương hiệu nổi tiếng Beyond Meat (được đầu tư bởi tỉ phú Bill Gates) với giá bán lẻ khoảng 1,5-1,8 triệu đồng/kg, gồm 3 dòng chính là thịt xay, xúc xích và burger. Thỉnh thoảng có các đợt khuyến mãi nhưng giá cũng hơn 1 triệu đồng/kg. Các sản phẩm nhập khẩu từ một số thị trường châu Á có giá “mềm” hơn nhưng cũng ở mức tương đương với thịt bò hoặc thịt heo loại ngon. Theo ông Lê Huy, sản phẩm của Công ty Cây Đề hiện có giá rẻ bằng 1/4 so với giá sản phẩm nhập khẩu.

Trong báo cáo xu hướng thị trường gần đây, Công ty Nghiên cứu thị trường Q&Me lưu ý: “COVID-19 đã tăng cường sự chú ý của người Việt Nam trong các lĩnh vực sức khỏe và an toàn. Các sản phẩm/dịch vụ nâng cao sức khỏe sẽ được họ chú ý, trong khi an toàn là yếu tố chính khiến họ phải trả thêm tiền”.

Ông Nguyễn Lâm Viên của Vinamit cho biết sử dụng thịt thực vật là xu thế của cả thế giới, là xu hướng tiêu dùng của tương lai. Khoảng 5-6 năm trước, Mỹ là quốc gia đầu tiên sử dụng thịt thực vật và bùng nổ xu hướng này. Hiện nay xu hướng đang lan ra ở nhiều nước thuộc khu vực châu Á. Việt Nam cũng bắt đầu nhen nhóm và hiện nhiều bạn trẻ, có thu nhập khá/cao ưa chuộng sử dụng thịt thực vật.

Cánh cửa tỉ USD

“Tại hội chợ Thaifex vừa qua, tôi khá bất ngờ khi được nếm thử xúc xích và bánh quy làm từ bột dế. Loại bánh này đang khá phổ biến ở Thái Lan. Người Thái rất giỏi trong việc nắm bắt xu hướng tiêu dùng của thế giới”, bà Vũ Thị Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), chia sẻ.

Theo bà Hạnh, thế giới đã đi khá xa trong lĩnh vực thực phẩm thay thế. Thái Lan, ngoài các sản phẩm thịt từ mít non, bánh làm từ bột dế được bày bàn phổ biến. Thậm chí, Thái Lan hiện có 23.000 trang trại nuôi dế để cung cấp cho các đơn vị sản xuất bột dế. Giá bột dế hiện khoảng 100-200USD/kg hoặc cao hơn gần 200 USD bán ra thị trường.

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường thịt chay tại Trung Quốc, bao gồm các sản phẩm từ thực vật để thay thế thịt, đã tăng 33,5% hằng năm gần 10 năm nay, đạt 9,7 tỉ USD vào năm ngoái và dự đoán có giá trị 11,9 tỉ USD vào năm 2023. (Ảnh: Quý Hòa)

Tại Singapore, từ cuối năm 2020, sản phẩm từ cell-based đã được phép bày bán tại các nhà hàng. Tháng tới, đảo quốc sư tử cho phép xây dựng nhà máy sản xuất thịt theo công nghệ cell-based, bà Hạnh chia sẻ.

Mặc dù thịt thực vật mới chỉ xuất hiện ở Trung Quốc trong vòng 2 năm trở lại đây, nhưng giờ đã trở thành mục tiêu săn đuổi của giới đầu tư. Không chỉ có các thương hiệu nước ngoài lần lượt vào thị trường Trung Quốc mà các nhãn hàng nội địa cũng tham gia cuộc đua. Ông Nguyễn Lâm Viên của Vinamit cho biết: “Tại Trung Quốc, thị trường này rất lớn và đang cạnh tranh với các đối thủ thực phẩm “đạm thay thế” đến từ Mỹ, Nhật, Singapore… Giá bán của sản phẩm thịt thực vật hiện rất cao”.

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường thịt chay tại Trung Quốc, bao gồm các sản phẩm từ thực vật để thay thế thịt, đã tăng 33,5% hằng năm gần 10 năm nay, đạt 9,7 tỉ USD vào năm ngoái và dự đoán có giá trị 11,9 tỉ USD vào năm 2023.

Cũng phải nói thêm, hiện nay không nước nào có nhiều chương trình khởi nghiệp ngành công nghiệp thịt thay thế như Trung Quốc. Các doanh nghiệp mới xuất hiện như Zhenmeat và Starfield đang chạy đua với các đối thủ lâu năm như Whole Perfect Food. Nhưng không như Impossible Foods hay Beyond Meat, các công ty Trung Quốc không làm burger mà làm các món Tàu truyền thống như bánh bao, bánh trung thu hoặc thịt viên đúng kiểu văn hóa ẩm thực Trung Quốc.

Tại Mỹ, mô hình thịt thực vật đã ra đời từ 10 năm nay và đang kinh doanh khá tốt. Theo các nghiên cứu gần đây, 30% người Mỹ không chỉ từ bỏ ăn thịt mà còn chuyển dần sang sử dụng các thực phẩm chay làm từ thực vật. Ở Mỹ, Công ty Beyond Meat sản xuất thịt thực vật đã 10 năm nay, hiện có 5 loại thịt thực vật và được định giá 6 tỉ USD.

Mới đây, Eat Just, một startup về sản phẩm trứng thực vật Just Egg, đã huy động được hơn 800 triệu USD từ các nhà đầu tư bao gồm Bill Gates, Marc Benioff và Quỹ Vulcan Capital của Paul Allen (đồng sáng lập Microsoft). Hiện Eat Just đã bán được số lượng tương đương với 250 triệu quả trứng gà thực vật được làm từ đậu xanh và đựng trong một chai nhỏ, có thể được chiên trong chảo giống như trứng gà thông thường.

Theo MarketsandMarkets, thị trường thịt thực vật toàn cầu năm 2019 vào khoảng 12,1 tỉ USD và dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép 15% mỗi năm, lên tới 27,9 tỉ USD vào năm 2025. Trong đó, thị trường ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.

Việt Nam hoàn toàn có thể hưởng lợi từ xu hướng này. Theo ông Nguyễn Lâm Viên, với triển vọng chính là vùng nguyên liệu từ trồng trọt hữu cơ rất lớn, Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng và xuất khẩu cho ngành hàng mới nổi này. Thực tế, hiện sản phẩm thịt từ mít non của Vinamit cũng hướng đến xuất khẩu là chính.