Rong chơi … trên biển

ThienNhien.Net – Cù lao Chàm (Hội An, Quảng Nam)) gần đây đón thêm một lượng khách “du lịch” đặc biệt : nhóm người tham thú câu cá. Điều cấm đã được đặt ra: không bắt cá bằng công nghệ tận diệt cao như thuốc nổ, xung điện… mà khuyến cáo nhiều thành viên vượt đất liền ra đảo câu cá thủ công với thông điệp: hãy giữ gìn môi trường và bảo vệ “đảo xanh”.

Mấy năm gần đây, câu cá đã trở thành một “phong trào” của cư dân thành thị, thu hút mọi thành phần từ bình dân đến trí thức. Biển cù lao Chàm xanh thẳm, lúc bình minh lên đã thấy bóng dáng của nhóm người rong chơi câu cá của Hội An và Đà Nẵng.

Anh Phạm Minh Châu, một cán bộ của ngành Hải quan đam mê câu cá từ nhỏ. Tuần nào rãnh rỗi, anh đều không quên ra đảo câu cá. Anh kể, tuổi thơ của mình chỉ được câu cá bên ao hồ, dòng sông Thu êm đềm, chảy qua ngôi làng nhỏ của huyện Duy Xuyên. Bây giờ, sau những ngày làm việc tất bật ở Đà Nẵng, anh muốn giải toả căng thẳng tâm lý bằng cách đắm mình với … biển.

“Mỗi chuyến câu cá đều mang lại một cảm xúc riêng. Sướng nhất là lúc cá cắn câu. Và, hồi hộp nhất lúc cần câu rung bần bật”- anh Châu cho biết.

Phần lớn những người câu cá ở đảo cù lao Chàm đến từ Đà Nẵng và Hội An. Họ kết thân với nhau thông qua trang web chuyên về câu cá: “4so9.com”. Từ vài thành viên rải rác ban đầu, đến nay, đã có trên dưới 40 “hội viên” câu cá.

Bác Trần Ngọc Linh, (60 tuổi), quê ở Hội An, được anh em gọi đùa là “Hội trưởng Hội câu cá”. Trong những chuyến tổ chức câu cá, bác thường dậy lúc 4 giờ sáng đón xe ra Đà Nẵng, nơi nhóm cùng khởi hành. Các thành viên trong nhóm, ngoài đến câu cá ở khu vực Bãi Ông (cù lao Chàm), còn ngao du đến Hòn Chão, Đá Đen, Mũi Nghê, Hòn Sập thuộc bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng).

Bác Linh nhìn vào cần câu giữa “đảo xanh” khề khà cười, tuổi già như tôi có hạnh phúc nào bằng khi thả hồn vào đại dương trùng khơi, thưởng lãm thú vui khi cá đớp động, mà quên đi mọi lo toan, phiền muộn ở cuộc sống đất liền. Sáng sớm, lúc khói sương bảng lảng, được hít thở không khí trong lành. Đêm xuống, lại lắng nghe con sóng vỗ về như lời ru của mẹ ngày còn trên nôi. Những thanh âm của biển, của gió, của con thuyền đánh cá phả vào, thấy lòng người không hề cô đơn giữa biển.

Câu cá, ngoài thú vui nhàn nhã, còn là một môn thể thao luyện sức chịu đựng của con người trước sự khắt nghiệt của thiên nhiên. Cuộc chơi cũng lắm công phu, gian khổ. Anh Phạm Minh Châu nhớ lại: “Có lần đang câu cá ở đảo cù lao Chàm, thì trời đổ mưa. Tôi đắp áo mưa nằm trên ván thuyền, hai tay giơ ra giữa hai cần câu, ngư dân qua lại thấy vậy, cười bảo mấy ổng bị … trời hành!”.

Đảo cù lao Chàm nổi tiếng là nơi có nhiều loài cá sinh sống. Người đi câu thích thú, thậm chí “nghiện” còn bởi lẽ, có cá để ăn tại chỗ. Bác Linh có “bí quyết” câu cá đối không cần dùng lưỡi câu, mà chỉ bằng hộp nhựa dài 20-25cm, làm từ vỏ chai nước lọc móc vào dây cước, tráng vào dưới đáy một ít bột mì. Lũ cá đối hấu ăn nghe mùi thơm chui đầu xuống ăn, nhưng chui ra rất khó. Lúc đó, chỉ cần đẩy nhẹ cần câu là được chú cá.

Tiếng lành đồn xa, nhiều người ngày càng đến đảo du lịch câu cá. Mới đây, những thành viên của nhóm câu cá còn tổ chức cho các gia đình thi câu cá. Như đã thành “nội quy” bắt buộc, các thành viên câu cá phải giữ gìn vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi xuống biển. Nếu câu cá nhỏ, phải thả xuống nước lại. Khi phát hiện người dân dùng ghe thuyền đánh bắt cá bằng thuốc nổ, phải báo ngay cho cơ quan chức năng can thiệp.

Được biết, có lần câu cá ở đảo cù lao Chàm, bác Linh đã báo cho ngành chức năng túm gọn một tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi dùng thuốc nổ đánh cá. “Cần khuyến khích cộng đồng bảo vệ môi trường biển, thường xuyên tổ chức cuộc thi câu cá ở đảo, đó là cách quảng bá “đảo xanh” cù lao Chàm tốt nhất”- bác Linh mong muốn.