Sạt lở kè ở khu vực cho bơm hút cát

ThienNhien.Net – Một số đoạn kè sông ở bờ Nam hạ lưu sông Ba bị sạt lở trong khi việc bơm hút cát cho một dự án gần đó vẫn đang tiếp diễn.

Ngày 28-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Chí Hiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên, cho biết đơn vị tư vấn đang kiểm tra, đánh giá để tìm nguyên nhân sạt lở bờ kè phía Nam hạ lưu sông Ba đoạn qua TP Tuy Hòa.

Dòng chảy có thể bị biến dạng

Theo ghi nhận, một số đoạn kè bê tông ở bờ Nam hạ lưu sông Ba (bờ kè bảo vệ cho các khu dân cư phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) xuất hiện hiện tượng vỡ nứt, sạt lở.

Theo quan sát của chúng tôi, bên dưới chân kè nước sông ăn sâu, lõm vào như những hàm ếch khiến kè có nguy cơ đổ sập khi nước lớn. Đoạn kè trên nằm trong khu vực khai thác cát của Tổng Công ty CP Thành Trung để phục vụ cho dự án khu đô thị mới Nam Tuy Hòa. Hiện vẫn có bốn tàu thực hiện việc bơm hút cát đổ lên nền khu đô thị nằm ngay cạnh bờ sông này.

Ông Lê Thế Trung (phường Phú Đông) cho hay: “Từ cuối năm 2016 đến nay, nhiều tàu liên tục bơm hút cát để san nền dự án khu đô thị mới Nam TP Tuy Hòa”.

Mới đây, khi nghe tin kè ở bờ Nam hạ lưu sông Ba bị sụt lún, TS-kỹ sư Nguyễn Thành Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, một trong những người khởi xướng chỉ đạo xây dựng bờ kè trên, đã trực tiếp đến bờ sông cùng nhiều ngư dân tìm hiểu nguyên nhân. Trao đổi với chúng tôi, ông Quang cho hay: “Việc bơm hút cát quá nhiều đã làm cho đáy sông có nhiều chỗ lõm, chỗ cồn khiến dòng chảy bị biến dạng, chia cắt. Đây có thể là nguyên nhân làm bờ kè bị sạt lở”.


Tổng Công ty CP Thành Trung đang bơm hút cát sông Ba lên nâng nền khu đô thị mới trong khi kè sông gần đó đang bị sạt lở. (Ảnh: Tấn Lộc/Pháp luật TP.HCM)

Cho bơm hút cát trước khi có ĐTM

Điều đáng chú ý là Tổng Công ty CP Thành Trung được tỉnh Phú Yên cho bơm hút cát trước rồi đánh giá tác động môi trường (ĐTM) sau.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên, chủ đầu tư dự án khu đô thị mới Nam Tuy Hòa, từ tháng 10-2016 đã cho Tổng Công ty CP Thành Trung bơm hút hơn 1 triệu m3 cát từ sông Ba để nâng nền cho hơn 35 ha của dự án khu đô thị mới này. Khu vực bơm hút cát nằm trong đoạn sông dài 1.200 m, rộng 600 m, phía trên cửa biển.

Việc này đã được Sở TN&MT tỉnh Phú Yên báo cáo UBND tỉnh Phú Yên ngày 26-10-2016. Báo cáo có đoạn nêu: “Qua theo dõi, hiện nay dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Nam TP Tuy Hòa đã khởi công xây dựng, tuy nhiên Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên chưa lập báo cáo đánh giá ĐTM”.

Thế nhưng nhiều tháng liền sau đó Tổng Công ty CP Thành Trung vẫn liên tục bơm hút cát bình thường mà không hề có ĐTM theo quy định. Mãi đến tháng 3-2017, khi đã bơm hút hơn 900.000 m3, UBND tỉnh mới phê duyệt ĐTM dự án khu đô thị mới Nam Tuy Hòa, trong đó có phần nội dung bơm hút cát sông Ba để nâng nền khu đô thị. Đến đầu tháng 4-2017, Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên mới có công văn gửi Sở TN&MT đăng ký bơm hút cát san lấp mặt bằng khu đô thị.

Trả lời Pháp Luật TP.HCM tại hội nghị giao ban báo chí quý II-2017 (ngày 7-4), ông Đỗ Trần Chương, Phó Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên, thừa nhận ban đã thiếu sót khi chưa có ĐTM nhưng vẫn cho nhà thầu bơm hút cát, nâng nền khu đô thị mới Nam TP Tuy Hòa. “Do phải triển khai dự án nhanh, sớm hình thành hạ tầng, có quỹ đất đô thị nên Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên sử dụng kế thừa ĐTM của dự án chống xói lở bờ Nam hạ lưu sông Đà Rằng đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2005, trong đó có hạng mục san nền mặt bằng. Dự án chống xói lở đã được UBND tỉnh phê duyệt ĐTM năm 2008, trong đó có việc bơm hút cát” – ông Chương nói.

Cũng tại cuộc họp báo này, ông Mai Kim Lộc, Phó Giám đốc Sở TN&MT, nói rằng chỉ kế thừa vị trí hút cát của dự án trước chứ không phải kế thừa ĐTM bởi sau 24 tháng ĐTM phải phê duyệt lại theo quy định.

Khi PV đặt câu hỏi: “Căn cứ vào quy định nào mà Sở TN&MT cho bơm hút cát trước để nâng nền dự án rồi làm ĐTM sau?”. Ông Lộc nói: “Chúng tôi căn cứ vào thông báo của UBND tỉnh cho phép vừa triển khai thực hiện vừa hoàn tất các thủ tục. Nếu chờ ĐTM thì kéo dài rất lâu, mất cơ hội thu hút đầu tư của tỉnh. Đây là chủ trương chung của tỉnh”.

Trong báo báo về thực hiện dự án trên, UBND tỉnh Phú Yên cho hay: “Nhằm triển khai kịp thời và tạo mặt bằng để phát triển khu đô thị mới Nam TP Tuy Hòa, ban quản lý khu kinh tế đã thực hiện công tác bơm hút cát san nền đồng thời với việc lập hồ sơ ĐTM dự án. Đây là thiếu sót của ban quản lý khu kinh tế. UBND tỉnh rút kinh nghiệm và chỉ đạo khắc phục sớm” – văn bản do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chí Hiến ký nêu.

Cho khai thác mỏ cát bằng cơ chế đặc thù

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài dự án trên, hiện nay Tổng Công ty CP Thành Trung còn được tỉnh Phú Yên cho khai thác mỏ cát tới diện tích 20 ha trên sông Ba đoạn qua xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa. Công ty này cũng được tỉnh cho áp dụng cơ chế đặc thù, vừa khai thác vừa hoàn tất thủ tục cấp phép khai thác.

Cụ thể, ngày 26-10-2016, Văn phòng Tỉnh ủy Phú Yên có công văn truyền đạt kết luận của Thường trực Tỉnh ủy thống nhất với đề xuất của Ban cán sự đảng UBND về việc cho áp dụng cơ chế đặc thù vừa khai thác vừa hoàn tất thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ trực tiếp cho công trình đang triển khai trên địa bàn tỉnh.

Tiếp đó, ngày 31-10-2016, ông Nguyễn Chí Hiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ký công văn cho phép Tổng Công ty CP Thành Trung khai thác mỏ cát với diện tích 20 ha tại sông Ba đoạn qua xã Hòa Thành. UBND tỉnh cũng cho phép doanh nghiệp này áp dụng cơ chế đặc thù vừa khai thác vừa hoàn tất thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án hạ tầng khu tái định cư Hòa Tâm, công trình tuyến nối quốc lộ 1 đến KCN Hòa Hiệp.

Trả lời câu hỏi của PV “Vì sao cho khai thác mỏ cát mà cũng áp dụng cơ chế đặc thù?”, ông Nguyễn Chí Hiến nói: “Một là qua rà soát theo đúng quy hoạch. Hai là tỉnh cho khai thác để sử dụng cho các công trình của tỉnh. Việc khai thác này không có chức năng thương mại, buôn bán mà chỉ lấy trong dự toán của dự án được duyệt”.