Phú Yên nỗ lực hướng đến Công viên địa chất toàn cầu

Với sự đồng hành của các Bộ ngành, các chuyên gia và các tổ chức quốc tế, Phú Yên đang nỗ lực hoàn thiện việc xây dựng Đề án phát triển Công viên địa chất Phú Yên hướng đến Công viên địa chất toàn cầu nhằm bảo tồn tốt giá trị di sản địa chất, bảo vệ môi trường, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Một góc của Di tích quốc gia đặc biệt Gành đá đĩa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên

Phú Yên là tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ có diện tích tự nhiên trên 5.000km2, dân số gần 900 nghìn người gồm nhiều dân tộc anh em. Theo các nhà khoa học, Phú Yên có di sản địa chất, địa mạo độc đáo, phản ánh các đặc trưng của đá biến chất cổ từ khoảng 2,5 tỷ đến 542 triệu năm trước. Phú Yên còn mang bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa đặc sắc với những công trình kiến trúc, các phong tục tập quán, các làng nghề truyền thống và ẩm thực phong phú. Nhiều báo cáo khoa học còn ghi nhận được sự đa dạng về giống loài động vật, thực vật tại khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai, các hệ sinh thái cát ven biển , rạn san hô và giống loài hải sinh khác. Các địa danh nổi bật về di sản địa chất, văn hoá và đa dạng sinh học của Phú Yên đã được biết đến như: gành Đá Đĩa, núi Đá Bia, mũi Đại Lãnh, gành Ông, gành Bà, Bãi Xép, Hòn Yến,…

Với vị trí địa lý và đặc điểm văn hóa như vậy, tỉnh Phú Yên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình phát triển bền vững dựa trên danh hiệu Công viên địa chất (CVĐC), nhất là tại các địa phương như: thị xã Sông Cầu, thị xã Đông Hòa, huyện Tuy An, huyện Phú Hòa, huyện Tây Hòa, thành phố Tuy Hòa và một số đảo ven bờ biển thuộc tỉnh.

Chia sẻ tại Hội nghị “Hợp tác quốc tế phát huy giá trị di sản Công viên địa chất và du lịch bền vững tỉnh Phú Yên” vừa diễn ra tại TP.Tuy Hòa do UBND tỉnh Phú Yên phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Châu Âu (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) và Quỹ FNF (Đức) tại Việt Nam tổ chức, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã thống nhất nhận định Phú Yên đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí thành lập CVĐC quốc gia hướng tới CVĐC toàn cầu UNESCO, có tất cả các tiềm năng và cơ hội để trở thành một Công viên địa chất toàn cầu thành công trong tương lai gần.

Giáo sư Guy Martini, Tổng thư ký mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đánh giá, Công viên địa chất tiềm năng của Phú Yên có tầm quan trọng đặc biệt về di sản địa chất. Ở đây có sự đa dạng tuyệt vời của đá granit hình thành từ 250 triệu năm trước. Nổi bật là Gành đá đĩa, Hòn Yến, Bãi Môn – Mũi Điện, tháp Nhạn…Về mặt giá trị di sản, bao gồm di sản địa chất, tự nhiên, văn hóa, phi vật thể, Phú Yên có đầy đủ tiềm năng để phát triển một đề án Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Chỉ rõ hơn về đặc điểm di sản địa chất Phú Yên, Giám đốc Bảo tàng địa chất Trương Quang Qúy, cho biết khu vực dự kiến thành lập CVĐC Phú Yên có diện tích 1.575 km2 bao gồm thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, thị xã Đông Hòa, huyện Tuy An và một phần các huyện Phú Hòa và Sơn Hòa. Qua khảo sát, Phú Yên có 60 di sản địa chất, thuộc 9 kiểu (Cổ sinh; Địa mạo, cảnh quan; Cổ môi trường; Đá; Địa tầng; Khoáng sản; Kinh tế địa chất; Cấu trúc kiến tạo, lịch sử tiến hóa địa chất và Địa chất Đệ tứ, địa chất biển và Tương tác lục địa đại dương). Giá trị về di sản địa chất ở Phú Yên là cơ sở khoa học để xây dựng CVĐC Phú Yên và cao hơn nữa.

Được sự tài trợ của Quỹ FNF (Đức) tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu châu Âu và tỉnh Phú Yên vừa tổ chức Hội nghị “Hợp tác quốc tế phát huy giá trị di sản công viên địa chất và du lịch bền vững tỉnh Phú Yên”

Với định hướng phát triển bền vững, những năm qua, tỉnh Phú Yên hết sức chú trọng tìm kiếm cơ hội khai thác giá trị di sản này. Được sự quan tâm hỗ trợ của các Bộ ngành Trung ương, nhiều đoàn chuyên gia trong nước và quốc tế đã về Phú Yên để thực hiện các hoạt động nghiên cứu. Tháng 7/2019, đoàn khảo sát liên ngành của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu đã sơ bộ kết luận “Phú Yên đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí thành lập Công viên địa chất quốc gia hướng tới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, có tất cả các tiềm năng và cơ hội để trở thành một Công viên địa chất toàn cầu thành công trong tương lai gần”.

Năm 2020, Đề tài “Nghiên cứu, đánh giá giá trị di sản địa chất và các di sản khác làm cơ sở khoa học hướng tới thành lập CVĐC toàn cầu UNESCO ở tỉnh Phú Yên” của Bộ Khoa học và Công nghệ được phê duyệt, tạo điều kiện cho tỉnh có thêm căn cứ khoa học triển khai Đề án Công viên địa chất. Đồng thời, Chiến lược Ngoại giao văn hoá đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 30/11/2021 đưa nhiệm vụ xây dựng Công viên địa chất Phú Yên vào danh mục các nhiệm vụ dự kiến xây dựng mới để thực hiện đến năm 2030.

UBND tỉnh Phú Yên đã giao các cơ quan, địa phương của tỉnh phối hợp xây dựng Đề án Công viên địa chất tỉnh Phú Yên hướng tới danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, xác định mục tiêu xây dựng CVĐC Phú Yên nhằm áp dụng mô hình phát triển kinh tế – xã hội bền vững, dựa trên danh hiệu Công viên địa chất quốc gia và toàn cầu; góp phần tạo bước đột phá cho công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế, kết nối Phú Yên với các đối tác trong Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Tiến sĩ Phạm Hùng Tiến – Phó Giám đốc Quỹ FNF (Đức) tại Việt Nam

Phát triển du lịch bền vững dựa trên giá trị di sản địa chất

Tiến sĩ Phạm Hùng Tiến – Phó Giám đốc Quỹ FNF (Đức) tại Việt Nam cho rằng, để Phú Yên ngày càng trở thành điểm đến thu hút nhiều người Việt Nam từ khắp mọi miền của Tổ quốc và cả bạn bè nước ngoài, vùng quy hoạch CVĐC cần đánh thức được những tiềm năng to lớn, khắc phục được những hạn chế, rủi ro và những ảnh hưởng tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu và những mặt trái của kinh tế thị trường.

Theo Tiến sĩ Phạm Hùng Tiến, trong Đề án Công viên địa chất tỉnh Phú Yên hướng tới danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO, lãnh đạo tỉnh, các nhà khoa học và các doanh nghiệp cần quan tâm nghiên cứu vào hai hướng chính. Thứ nhất, phát triển kinh tế du lịch, phát huy cao độ vai trò của dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng biển gắn với 80 di sản địa chất, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Chúng ta cần nghiên cứu để rút ra những kinh nghiệm phù hợp và vận dụng vào thực tiễn ở Phú Yên, bởi khác với 3 CVĐC đang tồn tại ở Việt Nam thì CVĐC trong tương lai tại Phú Yên hướng ra biển, gắn với biển gồm không chỉ diện tích tự nhiên hơn 5.000 km2, 189 km chiều dài bờ biển mà còn là 20.000 km2 mặt nước biển. Đương nhiên, khai thác CVĐC phải gắn chặt với bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia và cũng chính là một giải pháp nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia.

Thứ hai, tập trung nghiên cứu và đầu tư phát triển các tua tuyến du lịch liên kết nội vùng và liên kết đa ngành bao gồm di sản địa chất; di sản văn hóa lịch sử giao thoa giữa nền văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa cả nền văn hóa Việt và Đa dạng sinh học. Chỉ có như vậy, mới tạo nên sự phát triển bền vững, mang lại công ăn việc làm và thu nhập, góp phần nhanh chóng cải thiện đời sống người dân địa phương.

Với tư cách là đơn vị tư vấn chính sách công trực thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt nam, Viện Nghiên cứu Châu Âu hoàn toàn nhất trí với chủ trương của tỉnh trong việc xây dựng Đề án Công viên địa chất tỉnh Phú Yên hướng tới danh hiệu công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi tạo ra sự đột phá trong việc tạo dựng thương hiệu tầm quốc gia và quốc tế, thúc đẩy du lịch và tăng cường hội nhập của tỉnh.

Theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu, mặc dù là tỉnh đi sau trong việc xây dựng CVĐC nhưng Phú Yên có lợi thế là học hỏi được những bài học từ các địa phương đã đi trước, trong đó nổi lên là vấn đề du lịch bền vững, để có thể thiết kế một chiến lược phát triển khoa học, có tầm nhìn, nhìn thấy trước và giảm thiểu được những tác động tiêu cực gặp phải trong quá trình phát triển. Đó là vấn đề quy hoạch tích hợp khoa học giữa các lĩnh vực, đảm bảo khả năng chịu tải của hạ tầng du lịch khi lượng khách du lịch tăng nhanh chóng. Đó là vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn giá trị địa chất, bảo tồn cảnh quan trước du khách. Đó còn là những vấn đề xã hội liên quan đến chuyển đổi sinh kế, biến đổi văn hóa gốc bản địa theo hướng thương mại hóa…

“Thiên nhiên và lịch sử hình thành đã ban tặng cho tỉnh Phú Yên những tài nguyên địa chất độc đáo, những di sản văn hóa lịch sử đậm đà bản sắc và hệ sinh thái có ý nghĩa nhân loại. Những gì mà tỉnh Phú Yên cần làm sẽ là phát huy đúng hướng các giá trị này một cách toàn diện, có hiệu quả kinh tế cao với tầm nhìn dài hạn và bền vững, thông qua việc lựa chọn các mô hình và chiến lược phát triển phù hợp. Hiện nay, Phú Yên đang thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050, đây là điều kiện thuận lợi để Phú Yên quy hoạch chi tiết, xây dựng Đề án Công viên địa chất Phú Yên”. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế cho biết.