Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa “phá môi trường lấy kinh tế”

Ẩn sau tấm “thảm đỏ” thu hút đầu tư với kỳ vọng “con gà đẻ trứng vàng,” hàng nghìn dự án mới ra đời vẫn giữ thói quen “phát triển trước, làm sạch sau,” đã khiến vô số khu vực dân cư bị ô nhiễm,…

Hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản khiến núi đồi tan hoang, gây hại môi trường, ô nhiễm nguồn nước ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Lời tòa soạn!

“Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá” là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước suốt nhiều năm qua. Điều này cho thấy Việt Nam luôn coi bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của nhân dân là mục tiêu hàng đầu.

Với tinh thần đó, thời gian qua, Chính phủ thường xuyên kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp chuyển đổi mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh,” cũng như hướng tới một xu thế phát triển không thể đảo ngược của nhân loại, đó là “tăng trưởng xanh.”

Nhưng tiếc thay! Ẩn sau tấm “thảm đỏ” thu hút đầu tư với kỳ vọng “con gà đẻ trứng vàng,” hàng nghìn dự án mới ra đời vẫn giữ thói quen “phát triển trước, làm sạch sau,” đã khiến vô số khu vực dân cư bị ô nhiễm, cuộc sống đảo lộn.

Xét về góc độ chính sách pháp luật, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005 quy định: Báo cáo đánh giá tác động môi trường (gọi tắt là ĐTM) phải đánh giá chi tiết các tác động môi trường có khả năng xảy ra khi dự án được thực hiện; dự báo rủi ro về sự cố môi trường; có biện pháp cụ thể giảm thiểu các tác động xấu đối với môi trường.

Với yêu cầu “trên giấy” đó, đa phần các doanh nghiệp khi triển khai các dự án đều thuê tư vấn lập cho mình một bộ ĐTM với đầy đủ các quy định và cam kết thực hiện nghiêm chỉnh các quy định, dự báo trong ĐTM. Thế nhưng, trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp chỉ “hứa suông,” không tuân thủ thực hiện các quy định như cam kết.

Hệ quả là hơn 10 năm qua, hàng ngàn ngọn núi, quả đồi trên dọc dài đất nước đã bị cạo trọc, khoét sâu, trở thành “điểm đen” về ô nhiễm môi trường. Rất nhiều dự án trong quá trình hoạt động sản xuất như ximăng, bột giấy, dệt nhuộm, hóa chất, khai thác khoáng sản, chăn nuôi, xử lý rác thải,… đã “phá hủy” môi trường sống; thậm chí không ít dự án còn để xảy ra những sự cố môi trường đặc biệt nghiêm trọng.

Trong khi đó, về phía cơ quan quản lý, công tác kiểm tra việc chấp hành, thực hiện các cam kết theo ĐTM của doanh nghiệp thường được thực hiện bằng “niềm tin,” mang tính hình thức, thông qua những chuyến “thanh tra đột xuất nhưng thông báo trước” cũng như “thẩm tra kết quả thực hiện trên giấy.” Đây là “lỗ hổng” rất lớn trong khâu quản lý, khiến nhiều nơi đơn thư “vượt cấp” cứ thế… kéo dài.

Để làm rõ hơn những góc tối trên, mời bạn đọc cùng phóng viên VietnamPlus đi vào thực tế tìm hiểu, từ đó rộng đường dư luận vì sao đằng sau những bức tranh huy hoàng, lại chính là những gam màu tăm tối hằn sâu bởi ô nhiễm, hủy hoại môi trường sống. Đó cũng là nơi in dấu biết bao lá đơn, bức tâm thư cầu cứu, đã được gửi tới các nhà quản lý – họ đã cầm trên tay, có thể đã đọc, nhưng rồi vì lý do nào đó lại… “lãng quên”?!

Hoạt động khai thác đá tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Hoàng Đạt/Vietnam+)

Bài 1: “Góc tối tàn khốc” ẩn sau hàng loạt đại công xưởng dọc dài đất nước

Cách đây hơn 5 năm, phát biểu tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định: “Sau một loạt sự cố môi trường, chúng ta nhận thấy môi trường đã đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa.”

Theo ông Hà, đó là hệ quả của “phát triển trước, làm sạch sau.” Vì thế không thể tiếp tục giải quyết vấn đề bằng cách ứng phó các sự cố lẻ tẻ, chắp vá, mà phải có những ứng xử cần thiết về mặt quản trị nhà nước và sự tham gia của cộng đồng.

Không thể phủ nhận, trong 5 năm qua, công tác quản lý Nhà nước về môi trường đã dần chặt chẽ hơn. Song, thực tế “bức tranh môi trường” mà chúng tôi ghi nhận từ hàng chục chuyến đi thực tế tại nhiều tỉnh suốt từ năm 2016 đến nay vẫn đầy rẫy những gam màu ô nhiễm. Đó là hệ lụy từ hàng loạt dự án với những “đại công xưởng” không tuân thủ cam kết về bảo vệ môi trường, “rút ruột” tài nguyên, khiến hàng ngàn ngọn núi trên khắp dải đất hình chữ S bị cạo trọc, khoét sâu đến… đau lòng!

Mỏ khai thác lộ thiên: Ngang nhiên gây ô nhiễm

Ngay sau một loạt sự cố môi trường xảy ra trong năm 2016 (như thảm họa môi trường biển ở ven biển miền Trung; sự cố vỡ bờ bao chất thải titan tại Bình Thuận), phóng viên VietnamPlus đã lên kế hoạch đi thực tế tại các khu vực “điểm nóng” về môi trường trên cả nước để ghi nhận thực trạng; qua đó đưa ra hồi chuông cảnh báo để góp phần hạn chế các sự cố mô trường tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

Theo kế hoạch đó, chúng tôi đã chọn Hòa Bình là điểm đến đầu tiên cho hành trình tiệm cận các điểm mỏ “đánh đổi môi trường lấy kinh tế.” Trong số đó, tại rốn đá lớn nhất của tỉnh này là huyện Lương Sơn, hàng chục quả núi đã và đang được các doanh nghiệp đào khoét, nổ mìn để khai thác đá, không chỉ ô nhiễm môi trường mà còn gây nên cảnh tượng hoang tàn với hàng chục vụ tai nạn lao động thương tâm.

Tại thời điểm những năm 2016-2017, hoạt động “phá” núi, khai thác đá theo kiểu “ăn xổi” trên địa bàn huyện Lương Sơn diễn ra ồ ạt, tiếng mìn nổ rung chuyển khắp nơi. Tình trạng này phổ biến “như cơm bữa,” khiến nhiều vùng dân cư như chìm trong bầu không khí ô nhiễm bởi bụi đá, buộc người dân phải kêu cứu.

Sau đó, qua nhiều đợt thanh-kiểm tra liên ngành do Sở Xây Dựng tỉnh Hòa Bình làm tổ trưởng, đến ngày 26/1/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành văn bản số 584/TB-VPUBND, có đính kèm danh sách 45 mỏ đá bị tạm dừng việc khai thác đá theo giấy phép đã được cấp để thực hiện khắc phục những lỗi vi phạm.

Hoạt động khai thác đá tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tuy vậy, sau một thời gian dài bị “tuýt còi” để khắc phục các lỗi vi phạm do khai thác sai thiết kế, gây chết người, nhiều mỏ vi phạm vẫn ngang nhiên nổ mìn phá núi trái phép, khiến danh sách lao động bị tử nạn cứ từng ngày lại dài thêm.

Từ năm 2019 đến nay, dù các mỏ đá trên địa bàn huyện này cơ bản đã đảm bảo về mặt pháp lý, chú trọng an toàn lao động hơn, song hoạt động phá núi khai thác đá cộng với quá trình xay nghiền đá tại hàng loạt “đại công xưởng” gây ô nhiễm môi trường không khí và nguồn nước vẫn tiếp diễn, khiến người dân bức xúc, lo lắng.

Đơn cử như tại khu vực Om Ngái thuộc thôn Đồng Om (xã Cao Dương, huyện Lương Sơn), vùng dân cư bị bủa vây bởi một loạt các mỏ đá, trước đây người dân sử dụng nước giếng đào để ăn, uống, sinh hoạt bình thường. Thế nhưng, trong 10 năm trở lại đây, nước giếng đào có nhiều đá vôi nên họ đã không thể sử dụng.

Bế tắc, người dân phải sử dụng bể chứa nước là loại bể xây bằng gạch trát bê tông xi măng. Tuy nhiên, do bụi đá thường xuyên bay vào, cùng với đó là việc sinh sống và sản xuất gần các mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng, nên nguồn nước trong các bể chứa của nhiều hộ gia đình ở Om Ngái thường xuyên có váng, bị ô nhiễm.

Trong văn bản gửi Báo Điện tử VietnamPlus ngày 19/10/2022, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lương Sơn cũng đã thừa nhận: “Hiện vẫn còn một số doanh nghiệp khai thác đá không tuân thủ quy định về đảm bảo môi trường, gây bức xúc trong nhân dân.”

Ngược vào miền Trung, chúng tôi tìm đến làng nghề đá Yên Lâm (với trên 30 doanh nghiệp, công ty hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến đá) thuộc địa bàn thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Đây cũng là “điểm đen” về ô nhiễm môi trường có tiếng trên cả nước, cùng mối nguy mất an toàn lao động.

Tại thời điểm giữa tháng 12/2021, hình ảnh mà chúng tôi ghi nhận được là hàng chục ngọn núi đã bị đào bới tan hoang. Ngay dưới chân các mỏm núi, hàng loạt cỗ máy trong các khu xưởng đang ra sức cắt xẻ, nghiền đá, trông chẳng khác gì những đại công xưởng bụi khói bay mù mịt.

Không những vậy, các cơ sở sản xuất và chế biến đá tại đây cũng chưa có hệ thống xử lý nước thải, mà hầu hết chỉ đào các hố cho nước bột đá chảy vào rồi tràn ra đường, gây ô nhiễm môi trường xung quanh, nhất là nguồn nước ngầm.

Nước bùn thải từ hoạt động cắt xẻ, nghiền đá tại khu vực làng nghề đá Yên Lâm, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Tới thời điểm đầu tháng 12/2022, trước khi chúng tôi chắp bút triển khai loạt bài, tình trạng ô nhiễm do hoạt động khai khoáng tại làng nghề đá này vẫn tiếp diễn. Trong quá trình khai thác, công nhân tại nhiều mỏ điều khiển máy xúc đẩy từng khối đá lớn từ trên đỉnh núi xuống phía dưới, khiến khói bụi vẫn ngày đêm “hồn nhiên” xả ra nơi này.

“Tưởng lên thị trấn, môi trường ở xung quanh các mỏ khai thác đá sẽ được cải thiện, nào ngờ, quanh năm suốt tháng, chúng tôi vẫn phải sống mòn với ô nhiễm. Khổ quá nhà báo ơi!” người dân thôn Phúc Trí, thị trấn Yên Lâm, thở dài nói.

Hiểm họa từ “thế giới ngầm” dưới lòng đất

Xa hơn, tại “rốn khoáng” lớn nhất nhì của cả nước là huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, núi rừng cũng ngày một hoang tàn, bởi hoạt động bạt núi khai thác đá của hàng trăm mỏ khoáng sản các loại, trong đó chủ yếu là các mỏ đá trắng và quặng thiếc.

Tại thời điểm giữa tháng 12/2021 và đầu tháng 12/2022, trong quá trình thâm nhập vào các khu mỏ đá bằng mắt thường và thiết bị bay flycam, cảnh tượng mà chúng tôi ghi nhận được là những ngọn núi bị băm nát; tiếng máy xúc cậy đá lăn từ trên đỉnh núi xuống ầm vang như tiếng sấm kéo theo “bão bụi” bao trùm khắp vùng.

Dọc hai bên đường, hàng chục ngọn núi, quả đồi một thời xanh mướt cây xanh, nay đã thành những “đại công xưởng” khai thác, cắt nghiền đá; tuyển quặng thiếc. Hoạt động này không chỉ khiến nước sông Dinh và các con suối (Nậm Tôn, Nậm Huống) quanh năm đỏ quánh, đục ngầu, mà khi trời mưa còn bị cuốn trôi đất đá xuống các khe suối, cánh đồng, vùi lấp nhiều diện tích đất canh tác của người dân.

Bày tỏ sự bất lực với phóng viên VietnamPlus, ông Trương Văn Hóa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Châu Hồng cho biết toàn xã có 13 doanh nghiệp vừa khai thác vừa chế biến khoáng sản, trong quá trình hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường, song các khoản bù đắp, đóng góp cho địa phương không đáng kể.

Ví dụ tuyến đường tỉnh lộ đi qua xã này, sau hơn 20 năm sử dụng đã hư hỏng nghiêm trọng do hàng ngày phải “gánh” hàng trăm lượt xe tải trọng qua lại. Thi thoảng, các doanh nghiệp cũng chỉ đổ một ít đá nghiền để lấp “ổ gà” nên tuyến đường đi lại rất khó khăn. Nắng thì bụi bẩn, mưa thì xảy ra tai nạn giao thông.

Sông Dinh và các con suối Nậm Tôn, Nậm Huống tại huyện Quỳ Hợp, nhiều năm nay đang bị nhuỗm màu ô nhiễm do hoạt động khai thác khoáng sản. (Ảnh: Hoàng Đạt/Vietnam+)

Ngay cả ông Hóa, mỗi khi di chuyển bằng xe máy ra thị trấn Quỳ Hợp cũng vô cùng khốn khổ vì bụi bẩn, đường trơn trượt. “Thực tế, như anh em cán bộ xã chúng tôi đi ra huyện họp thì phải mặc 2 bộ đồ, ra đến nơi là phải thay,” ông Hóa thở dài nói.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Quỳ Hợp, trong cuộc trao đổi kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ với chúng tôi, cũng thừa nhận hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn là vấn đề mà lãnh đạo huyện rất trăn trở.

“Các xưởng chế biến ở trên địa bàn đa phần là các xưởng đã hình thành theo cụm công nghiệp nhỏ từ năm 2000-2010. Các xưởng không bài bản, không được đầu tư hạ tầng nên rất khó quản lý. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đã có giấy phép nên cũng không thể buộc dừng hoạt động được. Chính vì vậy, huyện Quỳ Hợp rất cần 1 khu công nghiệp, cần có bộ máy quản lý để xử lý,” ông Tùng nói.

Hệ lụy từ hoạt động khai thác đá đã quá rõ. Nhưng đó cũng mới chỉ là “phần nổi” của hoạt động khai thác tài nguyên ở “rốn khoáng” lớn nhất nhỉ cả nước bấy lâu nay. Bởi lẽ, trong quá trình tìm hiểu tại huyện Quỳ Hợp, phóng viên VietnamPlus còn phát hiện rất nhiều mỏ khoáng sản đang ngày một “âm” dần.

Thậm chí, có mỏ đã đào cả đường hầm chằng chịt ở ngay dưới lòng đất để “rút ruột” tài nguyên. Điển hình như mỏ khai thác quặng thiếc Thung Lùn. Bên trong đường hầm ở độ sâu hàng trăm mét, ôtô đi lọt, máy móc ngổn ngang phục vụ cho hoạt động khai khoáng. Cách mỏ khoảng 500m là khu vực dân cư.

Đáng nói là, đi kèm với hoạt động trên, thời gian qua, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp đã xảy ra rất nhiều hố sụt lún “tử thần.” Có những hố sâu hàng chục mét, không nhìn thấy đáy, khiến người dân phải sống trong tình cảnh nơm nớp lo sợ, bất an.

Chỉ tay vào hàng chục vết nứt từ sân tới tường nhà được xây kiên cố, bà Lương Thị Huệ (ở bản Na Hiêng, xã Châu Hồng) thấp thỏm cho biết căn nhà này vợ chồng bà xây dựng từ 10 năm trước, chân móng được đầm rất kỹ. Thế nhưng, sau tiếng nổ lớn ở dưới lòng đất làm căn nhà rung chuyển vào hồi đầu năm 2022, tường nhà đã bị nứt, gạch lót nền nhà nổ vỡ, cột nhà sàn cùng các cấu kiện gỗ bị xô lệch.

“Sau tiếng nổ đó, theo thời gian, các vết nứt cứ thế dài thêm. Chúng tôi sinh sống ở đây rất lâu rồi, nhưng từ năm 2020 đến nay mới có hiện tượng này. Chúng tôi rất lo lắng vì nếu đất sụt dưới chân móng nhà sẽ rất nguy hiểm,” bà Huệ thở dài nói.

Bà Lương Thị Huệ (ở xã Châu Hồng) khẳng định đây là hố sụt lún đã biến thành ao nước. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Theo tìm hiểu của phóng viên VietnamPlus, tình trạng sụt lún gây nứt nẻ nhà cửa của người dân ở xã Châu Hồng bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2020 đến năm 2021. Đến năm 2022, hiện tượng này lan rộng ra một số cơ quan, trường học, kéo theo rất nhiều nguy cơ không an toàn cho cuộc sống, sản xuất của người dân.

Thống kê đến thời điểm tháng 10/2022 của chính quyền địa phương cho thấy đã có trên 230 hộ dân báo xuất hiện tình trạng sụt lún, nứt nẻ đất, nhà ở; 299 giếng nước bị khô cạn. Đối với đất nông nghiệp, các điểm sụt lún có diện tích khoảng 25-30m2, chiều sâu 1,5-2,5m. Ngoài ra, các vết nứt còn xuất hiện tại trạm y tế, điểm bưu điện văn hóa, trụ sở Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân xã Châu Hồng,…

“Lỗ hổng” lớn trong quản lý tài nguyên khoáng sản

Một “góc tối” khác cũng liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản trong nhiều năm qua, đó là tình trạng khai thác “vượt đèn đỏ,” khai thác trái phép hay gian lận trong quá trình khai thác. Thực trạng này xảy ra tại rất nhiều mỏ ở các địa phương trên cả nước như Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hà Giang, Nghệ An, Phú Thọ,…

Điển hình của thực trạng trên là vụ khai thác đá trái phép có quy mô lớn lên tới hàng trăm m3 đá trắng bị lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an Nghệ An bắt giữ tại khu vực núi Phá Chủng (xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp) vào hồi tháng 7/2021.

Trong vụ việc đó, lực lượng chức năng đã tạm giữ hàng loạt tang vật gồm 5 máy xúc đào, 1 ôtô tải, 4 máy cắt đá, 2 máy làm hơi, 2 máy khoan đứng phục vụ cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép nói trên. Số lượng khoáng sản bị khai thác trái phép thu giữ khoảng 1.200m3 đá trắng các loại, trị giá nhiều tỷ đồng.

Điều đáng nói là, hoạt động phá núi, “rút ruột” tài nguyên khoáng sản tại đây diễn ra rầm rộ trong suốt thời gian dài, nhưng lại “che mắt” được các cấp chính quyền từ xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An và các cơ quan chức năng. Chỉ đến khi, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an Nghệ An vào cuộc (với sự chỉ đạo quyết liệt của Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An), vụ việc trên mới bị phát hiện, bắt giữ và đưa ra xử lý theo quy định.

Tiếc rằng khi vụ việc được ngăn chặn thì núi đá vốn là tài nguyên khoáng sản của quốc gia đã bị “phá” tan hoang. Đến đây, không quá để nói rằng đó là “lỗ hổng” rất lớn trong cách quản lý khoáng sản ở huyện Quỳ Hợp suốt nhiều năm qua.

Hoạt động khai thác đá tại làng nghề đá Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Hoàng Đạt/Vietnam+)

Hay như tại làng nghề đá Yên Lâm mà chúng tôi đề cập ở trên, hoạt động khai thác đá cũng đã và đang diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ thất thu thuế với hàng loạt dấu chấm hỏi về việc “bỏ quên” môi trường; hay khai thác không đúng nội dung giấy phép; khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp tại làng nghề đá Yên Lâm, theo Giấy phép khai thác khoáng sản thì mục đích sử dụng khoáng sản, chủ yếu là để làm vật liệu xây dựng thông thường. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít doanh nghiệp lại tập trung khai thác, chế biến đá khối, đá xẻ để phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu.

Trong khi đó, căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17/11/2020 và Nghị định số 202/2013/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1455/2016-QĐ-UBND về “Quy định danh mục và giá tối thiểu tính thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.” Cụ thể, giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại thời điểm lần đầu đối với đá làm vật liệu xây dựng là 65.000 đồng/m3; trong khi giá đối với đá khối để xẻ lên tới 2.100.000 đồng/m3.

Với sự chênh lệch về số tiền phải đóng cho Nhà nước giữa hai loại đá trên, nếu thực tế diễn ra như ghi nhận của phóng viên, hiển nhiên là tài nguyên khoáng sản đang bị thất thóat và ngân sách Nhà nước đang thất thu một khoản tiền lớn?

Để làm rõ những bất cập liên quan tới hoạt động khai thác đá tại Làng nghề đá Yên Lâm, từ tháng giữa tháng 12/2021 đến nay, phóng viên VietnamPlus đã trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa đặt lịch, gửi nội dung làm việc tới tận tay Chánh Văn phòng sở cũng như liện hệ qua điện thoại với Giám đốc và Phó Giám đốc sở này, nhưng từ đó đến nay vẫn không nhận được hồi âm nào.

Mời độc giả đón đọc Bài 2: Quản lý dự án bằng “niềm tin”: Doanh nghiệp “bỏ quên” môi trường, dân khốn đốn