Gỡ vướng dự án mỏ sắt Thạch Khê

ThienNhien.Net – Lối đi cho dự án mỏ sắt Thạch Khê dường như đã được mở ra sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu Công ty cổ phần sắt Thạch Khê (TIC), đơn vị chủ đầu tư dự án theo hướng thoái vốn một số cổ đông không đủ năng lực, đưa Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) trở thành cổ đông chi phối. Và cùng với động thái này, Vinacomin đã khẩn trương thực hiện các công việc cần thiết nhằm ổn định TIC, đồng thời cam kết khẩn trương thu xếp vốn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo ổn định cuộc sống, sản xuất cho người dân trong vùng dự án.

Được đưa vào triển khai từ năm 2007 sau nhiều năm nghiên cứu, phát hiện nhưng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê vẫn gặp nhiều lúng túng trong công tác quản lý, điều hành. Đặc biệt, theo biện giải của TIC, nguyên nhân lớn nhất khiến dự án bị đình trệ là do thiếu vốn.

Tính đến thời điểm tháng 11/2011, tổng vốn huy động được từ các cổ đông mới chỉ đạt hơn 1.000 tỷ đồng so với nguồn vốn điều lệ được đặt ra ban đầu là 2.400 tỷ đồng. Và hiện vẫn còn tới 4 cổ đông chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng góp từ năm 2008 – 2010 với tổng số tiền lên tới hơn 146 tỉ đồng khiến TIC không có khả năng thanh toán cho nhà thầu, làm công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư bị chậm tiến độ, và bản thân đơn vị này cũng chịu tổng dư nợ tăng lên ở mức trên 200 tỉ đồng.

Nay, với vai trò chủ trì, Vinacomin đã tiến hành đàm phán về phương thức, giá chuyển nhượng và thống nhất ký văn bản với ba cổ đông, gồm Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Tập đoàn Sông Đà nhằm sớm ổn định cơ cấu cổ đông.Nay, với vai trò chủ trì, Vinacomin đã tiến hành đàm phán về phương thức, giá chuyển nhượng và thống nhất ký văn bản với ba cổ đông, gồm VNPT, Vinashin, Tập đoàn Sông Đà nhằm sớm ổn định cơ cấu cổ đông.

Cát và bùn từ bãi thải của mỏ sắt Thạch Khê đổ xuống nghĩa trang và ruộng vườn của người dân mỗi khi mưa xuống (Ảnh: Lao Động)

Hiện Vinacomin đã đàm phán xong với Tổng Công ty Khoáng sản – Thương Mại Hà Tĩnh (Mitraco) và đã góp được 66,8 tỷ, đồng thời tiếp tục đàm phán với Vinashin, Tập đoàn Sông Đà để góp thay số vốn 69,4 tỷ đồng còn thiếu của hai cổ đông này.

Cùng với việc đàm phán để tái cơ cấu TIC, Vinacomin cũng đang chỉ đạo TIC khẩn trương hoàn thành việc thẩm định Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ sắt Thạch Khê và thiết kế kĩ thuật – dự toán của dự án để kịp phê duyệt trong quý I/2012.

Dự kiến, ngay trong tháng này, TIC sẽ giải ngân 21.000 tỷ đồng cho các hộ dân và các công trình cần thiết nhằm sớm ổn định cuộc sống cho bà con vùng mỏ.

Trả lời báo chí, ông Lê Minh Chuẩn, Giám đốc Vinacomin cho biết, thời gian tới, Vinacomin sẽ tập trung giải quyết hai vấn đề lớn. Một là những khó khăn, bức xúc của bà con trong vùng dự án, nhất là bà con ở các xã trọng điểm nằm trong “rốn” dự án. Và hai là sớm thiết kế kỹ thuật – dự toán để phê duyệt và công bố cho bà con biết để mọi người cùng tham gia thực hiện.

Đây cũng là điều được ông tái khẳng định tại buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh và người dân vùng dự án vào sáng 12/1. Phía địa phương cũng bày tỏ mong muốn Vinacomin sẽ sớm tập trung nguồn lực tài chính để chi trả tiền đền bù cho nhân dân và đặc biệt là hoàn thiện việc xây dựng các khu tái định cư để nhân dân biết và an tâm tư tưởng.

Ngay trong ngày 13/1, Vinacomin đã có báo cáo với UBDN tỉnh Hà Tĩnh về thiết kế kĩ thuật dự án, đồng thời cam kết huy động nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ, cả kể dự án sản xuất phôi thép 2 triệu tấn/năm tại Khu kinh tế Vũng Áng. Trước mắt, đơn vị sẽ phối hợp với địa phương nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, đảm bảo đời sống và sinh hoạt cho người dân vùng mỏ.

Có thể nói, sau một thời gian dài triển khai, đến nay, dự án mỏ sắt Thạch Khê đã hoàn thành công tác thăm dò, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật mỏ, đường giao thông, cấp thoát nước, hệ thống điện. Tổng giá trị tài sản đã đầu tư cho dự án tính đến hết năm 2011 đạt gần 1.225 tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư thì vẫn bị đình trệ từ lâu vì thiếu vốn.

Sự trì trệ trong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư đồng nghĩa với việc người dân vùng dự án chưa có nơi ở mới, họ vẫn thấp thỏm và mong chờ từng ngày được “an cư lạc nghiệp”.

Theo thống kê, có tới 16.861 nhân khẩu, 10.500 ngôi mộ thuộc 6 xã thuộc huyện Thạch Hà phải di dời để nhường lại trên 3.898 ha đất cho dự án, nhưng sau hơn 4 năm ròng, người dân nơi đây ngoài việc nhận được một phần tiền đền bù vẫn chưa được cấp nhà bởi hiện chỉ có 4 trong tổng số gần 20 chục khu tái định cư được xây dựng nhưng vẫn còn dang dở.

Thiếu đất sản xuất, mất việc làm, môi trường bị ô nhiễm nặng, thiếu nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất…, người dân chỉ còn biết trông chờ vào khoản tiền lãi ngân hàng từ số tiền đền bù đất và cầu mong cho dự án sớm được triển khai.

Hy vọng, với sự tháo nút của Chính phủ và sự quyết tâm của Vinacomin, dự án mỏ sắt Thạch Khê sẽ không còn là nỗi ám ảnh đối với người dân Thạch Hà mà dần trở thành động lực giúp địa phương này từng bước phát triển.

Mỏ sắt Thạch Khê được quy hoạch trên diện tích gần 3.900 ha, nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 6.000 hộ dân với trên 25.000 nhân khẩu. Đây cũng là mỏ sắt có trữ lượng quặng lớn nhất Đông Nam Á, ước tính trên 540 triệu tấn, chiếm hơn 1/2 trữ lượng quặng sắt toàn quốc.

Cuối năm 2007, dự án bắt đầu được triển khai, và TIC cũng được ra đời cùng trong thời gian này với sự góp mặt của 9 cổ đông chính, gồm: Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (chiếm 30%); Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (24%), Tổng Công ty Thép Việt Nam (20%); Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (4%), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (5%), Tổng công ty Sông Đà (5%), Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (5%), Công ty TNHH Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Minh (4%) và Công ty Cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Thăng Long (3%).

Tuy nhiên, do công tác huy động vốn gặp nhiều khó khăn nên dự án không thể tiếp tục triển khai. Nhằm gỡ vướng cho thực trạng này, ngày 11/7/2011, Văn phòng  Chính phủ đã ra Thông báo 164/TB-VPCP, yêu cầu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam thoái vốn tại TIC, đồng thời đề nghị TIC dừng việc bóc đất tầng phủ.