Rác độc

ThienNhien.Net – Pin, ắc-quy, bóng đèn hư, chai lọ đựng hóa chất… là chất thải nguy hại nhưng người dân vẫn bỏ chúng vào chung với rác thải sinh hoạt. Mỗi ngày, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) tiếp nhận từ 6.500 tấn đến 7.000 tấn chất thải rắn. Trong đó có một lượng không nhỏ là chất thải nguy hại. Không chỉ xuất phát từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, một lượng chất thải nguy hại còn có nguồn gốc từ các hộ gia đình.

Nguy hiểm đến sức khỏe

Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ Tái chế chất thải TP.HCM, cho biết: “Pin, ắc-quy, bóng đèn hư, chai lọ đựng hóa chất… được xem là chất thải nguy hại vì chứa những hóa chất nguy hiểm. Tuy nhiên, tình trạng chung hiện nay là người dân vẫn bỏ các loại chất thải nguy hại này chung với rác thải sinh hoạt thông thường”. Việc bỏ chất thải nguy hại tùy tiện không chỉ gây khó khăn cho công tác xử lý, tái chế chất thải mà còn đem đến nhiều nguy cơ cho sức khỏe của các thành viên trong gia đình.

Theo thạc sĩ Đỗ Hoàng Oanh, Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM, các loại hóa chất còn dư trong các chai lọ đựng thuốc xịt muỗi, thuốc diệt côn trùng, vòng cổ trừ bọ chét cho chó, mèo, thuốc diệt cỏ… làm tăng rủi ro ung thư não ở trẻ em.

Chất thải điện tử cũng đem lại nguy hiểm không kém. Theo thông tin của Bộ Tài nguyên – Môi trường, các vật liệu độc hại có trong rác thải của ngành điện tử chủ yếu là các kim loại nặng như chì, thủy ngân, crôm trong các bản mạch, pin và các bóng đèn điện tử. Trong các tivi và bóng đèn điện tử có chứa trung bình 1,8 gam chì. Thủy ngân từ chất thải điện tử là nguồn ô nhiễm thủy ngân chính trong rác thải đô thị.

Một số kim loại sử dụng trong ngành điện tử là những chất nguy hại với nồng độ trong không khí khoảng 0,0001-1,0 mg/m3 và trong nước khoảng 0,0001-2,0 mg/m3. Đa số kim loại và các hợp chất kim loại trong chất thải rắn điện tử bán dẫn đều có khả năng gây ra các đột biến làm rối loạn quá trình trao đổi vật chất và năng lượng gây ra những khuyết tật trong các tế bào và cơ thể sống, dẫn đến một số bệnh viêm nhiễm, ung thư, rối loạn nội tiết. Nếu bị nhiễm độc thủy ngân, có thể mắc các chứng bệnh đau bụng, nôn mửa, thiếu máu; khi bị nhiễm độc asen liều cao có thể bị tử vong; liều thấp, tích tụ lâu có thể mắc các chứng bệnh nan y như ung thư. Ngoại trừ một số hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, tạo mùi, dễ phát hiện bằng cảm quan để phòng tránh, đa số các độc tố trong chất thải rắn điện tử không mùi vị nên khó đề phòng, kiểm soát.

Phân loại chất thải nguy hại tại nhà

Theo Bộ Tài nguyên – Môi trường, thực tế này đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý chất thải nguy hại. Tuy nhiên, từng hộ gia đình cũng cần biết cách phân loại chất thải nguy hại ngay tại nhà để phòng tránh những nguy hiểm cho gia đình. Ông Lê Văn Khoa cho rằng, không nên để chất thải nguy hại lẫn với rác thải hằng ngày mà cần phải để riêng biệt nhằm tạo điều kiện cho cách xử lý tốt nhất là tái chế.

Người dân nên phân chất thải rắn thành 2 loại, gồm chất thải rắn thực phẩm và các chất thải rắn còn lại, đựng vào hai thùng rác khác nhau. Chất thải rắn thực phẩm gồm có rau củ, quả dư thừa hoặc hư hỏng; thức ăn dư thừa cần bỏ đi; xác và phân động vật, côn trùng. Tất cả rác thực phẩm kể trên nên được cho vào một túi hoặc thùng rác riêng, khi đầy thùng thì cột túi và giao rác cho lực lượng thu gom như bình thường trước đây gia đình vẫn giao. Chất thải rắn thực phẩm (chiếm 75% lượng chất thải rắn từ các hộ gia đình) sẽ được đưa đến nhà máy chế biến và sản xuất phân compost.

Loại thứ hai là các chất thải rắn còn lại, bao gồm chai, lọ, ly, chén; vải vụn, giẻ lau, giày dép, quần áo cũ; văn phòng phẩm các loại; đồ điện tử, điện gia dụng, ống nước hư hỏng; lon bia, lon sữa, lon nước giải khát, vỏ hộp đựng thức ăn các loại; sách báo, tập vở, vỏ hộp sữa, túi ni-lông, bao bì giấy nhựa các loại; pin, ắc-quy, dầu mỡ bôi trơn… Tất cả chất thải rắn này (quen được gọi là rác ve chai) cho vào túi riêng. Khi đầy túi thì giao rác cho lực lượng thu gom như trước đây gia đình vẫn giao hoặc có thể đem bán. Phần chất thải còn lại này vẫn thường được các đơn vị thu mua ve chai tận dụng để bán cho các đơn vị tái sinh, tái chế như giấy tái chế, nhựa tái chế… Riêng các sản phẩm tiêu dùng chứa các hóa chất độc hại (pin, ắc-quy, dầu mỡ bôi trơn…) và các loại chất thải rắn khác không thể tái sử dụng sẽ được xử lý bằng các biện pháp đặc biệt để tránh gây hại cho môi trường.

Hãy là người tiêu dùng bảo vệ môi trường

Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ Tái chế chất thải TPHCM, đưa ra lời khuyên để mọi người cùng bảo vệ môi trường: “Chỉ mua những thứ bạn cần và dùng hết những gì bạn mua. Chọn những sản phẩm mà bao bì có thể tái chế. Nên mua hàng thể tích lớn, số lượng nhiều thay vì mua từng gói nhỏ. Nói không với túi ni-lông khi mua hàng hoặc sử dụng càng ít càng tốt. Bảo trì, sửa chữa vật dụng gia đình để có thể sử dụng lâu hơn.

Ông Khoa cũng cho biết thêm: Nằm trong chương trình Ngày hội Tái chế của Quỹ Tái chế chất thải TP.HCM, từ ngày 13 đến 17/05, người dân có thể đem chất thải nguy hại như pin, ắc-quy, bóng đèn hư, chai lọ đựng hóa chất… đến 104 điểm thu gom tại các Quận đoàn 1, 3, 6, 7, 8, 9, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP.HCM để chúng được tái chế hay thải bỏ an toàn.

Ngoài ra, tại Ngày hội Tái chế (diễn ra vào ngày 17/05 tại Công viên Lê Văn Tám), Quỹ Tái chế chất thải TP.HCM đã có chương trình đổi chất thải nguy hại lấy quà tặng như viết, tập vở, móc khóa, túi vải sử dụng nhiều lần, hộp xà phòng, rổ làm bằng sản phẩm tái chế…