Mật phục những kẻ mang cả công nông đi phá rừng ở Tây Nguyên

ThienNhien.Net – Sau nhiều ngày tiếp cận, PV báo Người đưa tin đã được mục sở thị cảnh tượng lâm tặc dùng cưa máy đốn hạ rừng một cách ngang nhiên.

Mặc dù trạm quản lý bảo vệ rừng nằm ngay trên tuyến đường độc đạo ra vào rừng, nhưng xe lâm tặc vẫn ngày đêm ra vào như chốn không người.

Lâm tặc ăn nằm trong rừng để “xẻ thịt” rừng

Với 137.563 héc ta diện tích đất rừng, Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) được xem là huyện có diện tích đất rừng lớn nhất tỉnh và khu vực Tây Nguyên. Thế nhưng, những năm gần đây, đất rừng và chất lượng rừng của huyện Ea Súp đang dần bị suy giảm. Địa bàn này cũng trở thành “điểm nóng” về tình trạng khai phá rừng.

Thời gian gần đây, tình trạng người dân khai thác gỗ làm trụ tiêu đang diễn ra trầm trọng. Vì thế, rừng Ea Súp đã trở thành món mồi béo bổ để các lâm tặc ngày đêm thay phiên nhau “xẻ thịt”. Lâm tặc sẵn sàng nằm rừng vài ba ngày để tìm, cắt hạ, cưa xẻ gỗ thành thành phẩm (trụ tiêu) rồi chờ thời cơ để tuồn ra các huyện lân cận như huyện Ea H’leo, huyện Cư M’Gar… để tiêu thụ.

Theo anh Nguyễn Văn M. (ngụ huyện Ea H’leo), hàng ngày lâm tặc khắp nơi khai thác gỗ ở rừng Ea Súp và tuồn ra ngoài theo tuyến đường liên huyện Ea Súp – Ea H’leo. Mặc dù trên tuyến đường này có một trạm quản lý bảo vệ rừng, nhưng các lâm tặc vẫn ra vào như chốn không người.

Nhằm tận mắt chứng kiến tình trạng khai thác gỗ của lâm tặc, PV đã nhờ sự giúp đỡ của anh M. để có thể tiếp cận được “lãnh địa” của chúng. Như kế hoạch đã lên sẵn, trước chuyến hành trình, PV và anh M. phải cải trang, ăn mặt như một nông dân lao động. Không chỉ vậy, để tránh sự chú ý, anh M. đã mượn một chiếc xe máy “cà tàng”, giống phương tiện của lâm tặc chuyên đi rừng để tránh sự chú ý.

 Lâm tặc ngang nhiên hút máu rừng (Ảnh cắt từ clip)
Lâm tặc ngang nhiên hút máu rừng (Ảnh cắt từ clip)


Ngồi trên con ngựa sắt, chạy theo tuyến đường liên huyện Ea H’leo và Ea Súp, từ trung tâm xã Ea Wy (huyện Ea H’leo), vượt hơn 10 km đường đất bụi ngập đến mắt cá chân, chúng tôi mới “mò” tới địa phận của rừng Ea Súp. Mặc dù đường khó đi là thế nhưng không hiểu sao giao thông trên đường khá tấp nập.

Đồng hành với chúng tôi là những chiếc công nông, xe máy “đặc dụng” của lâm tặc đang đua nhau, hối hả chạy vào rừng. Có thể dễ dàng nhận thấy, những chiếc xe đồng hành trên tuyến đường với chúng tôi đang chuẩn bị cho công việc “hút máu” rừng vì đa số đều mang theo cưa máy, dây dợ chằng chịt.

Tiếp tục đi trên con đường độc đạo, dọc hai bên đường là hàng trăm con đường mòn dẫn sâu vào tâm rừng. Chúng tôi quyết định bám theo một chiếc công nông đi vào một con đường mòn nhằm mục sở thị quy trình phá rừng của lâm tặc. Thật không như chúng tôi tưởng tượng, hành trình để đến “lãnh địa” của lâm tặc không dễ dàng chút nào. Đường gập nghềnh đủ kiểu, chiếc xe máy “cà tàng” của chúng tôi phải “gầm thét” rồi ngã nhiều lần mới có thể đưa 2 con người qua được những con dốc lớn.

Vừa vượt qua một con suối, lởm chởm những tảng đá to, ập vào tai chúng tôi là tiếng cưa máy, tiếng cây đổ ầm ầm. Chúng tôi phải nguỵ trang rất cẩn thận để lâm tặc không phát hiện ra dấu hiệu khả nghi. Thế là, men theo tiếng cưa máy, không khó để chúng tôi có thể tiếp cận được một nhóm lâm tặc đang ngang nhiên cưa hạ gỗ rừng.

Những thân cây lớn, sau khi được cưa hạ, lâm tặc bổ nhỏ thành các trụ tiêu nhỏ rồi chất gọn lên xe. Cứ thế, chiếc xe công nông của lâm tặc cứ nổ máy ầm ầm, di chuyển hết chỗ này đến chỗ khác, thấy cây gỗ nào thích hợp chúng dừng lại sau đó đốn hạ.

Anh M. phân trần: “Sau khi cưa hạ, thu gom tất cả gỗ, xe công nông của lâm tặc sẽ tập kết ở một điểm, đợi đến tối sẽ tuồn ra ngoài. Mỗi trụ tiêu, sau khi đưa ra ngoài được bán lại với giá từ 100 đến 220 ngàn đồng tùy theo chất lượng gỗ. Mỗi chuyến xe công nông của lâm tặc có thể chở được gần 100 trụ tiêu. Trừ hết chi phí mỗi chuyến, lâm tặc phải lời hơn 10 triệu đồng. Một ngày, khó đếm chính xác được lâm tặc đã thực hiện bao nhiêu chuyến chở gỗ từ rừng ra”.

Trời dần về chiều, chúng tôi quyết định rời rừng. Lúc này, tuyến đường độc đạo vẫn nhộn nhịp không kém. Những chiếc xe máy cắp trên mình 4 đến 5 trụ tiêu cũng xuất rừng. Đa số đều không có biển số, được độ chế gia công lại. Tài xế điều khiển xe ngang nhiên lao đi trên đường như giữa chốn không người.

Chủ rừng bất lực?

Sau một thời gian, mục sở thị và thu thập tư liệu về những lâm tặc ngang nhiên “hút máu” rừng xanh, chúng tôi đã có một buổi làm việc với ông Lê Văn Quang – Trưởng phân trường Cư’ AMung (thuộc quản lý của công ty TNHH MTV Rừng Xanh).

Sau khi nghe PV phản ánh về tình trạng xe của lâm tặc ngang nhiên ra vào rừng, qua trạm như chốn không người, vị này trình bày: “Mặc dù biết là xe của lâm tặc đang ngang nhiên ra vào cửa rừng nhưng do địa thế rừng của Ea Súp nằm trên tuyến đường liên huyện (huyện Ea H’Leo và huyện Ea Súp), lâm tặc thường viện nhiều lí do đi trên đường nên chúng tôi rất khó xử lý”.

Cũng theo ông Quang, đa phần những lâm tặc đều là người đồng bào thiểu số sống trên địa bàn các xã giáp rừng. Khi bị các cán bộ quản lý bảo vệ rừng bắt và thu tang vật những người này còn huy động người trong buôn ra để tạo áp lực cướp lại tang vật.

Xe máy của lâm tặc kẹp gỗ tung hoành trên đường liên huyện.
Xe máy của lâm tặc kẹp gỗ tung hoành trên đường liên huyện.

Nhìn những hình ảnh mà PV ghi nhận từ khu vực rừng bị khai phá, ông Quang cho biết, khu vực rừng mà PV ghi nhận nằm ở tiểu khu 193 thuộc quản lý bảo vệ của Phân trường Cư’ AMung. Không chỉ vậy, trước phản ánh của PV, ông Quang còn thừa nhận, hàng đêm có hàng chục xe lâm tặc chở đầy trụ tiêu vượt trạm.

“Vì lực lượng quá mỏng, dụng cụ hỗ trợ thô sơ, khi phát hiện xe lâm tặc vận chuyển gỗ ra khỏi rừng, lực lượng của trạm không đủ sức để ngăn chặn. Trong khi đó, khi báo cáo cáo về công ty yêu cầu hỗ trợ của các phân trạm và chính quyền địa phương để ngăn chặn thì do địa bàn quá rộng các lực lượng này đến không kịp thời, nên xe lâm tặc hầu hết đã tẩu thoát được”, ông Quang nói.

Trước trả lời của vị Trưởng phân trường, PV đã liên hệ làm việc với ông Nguyễn Văn Đính – Giám đốc công ty TNHH MTV Rừng Xanh) để làm rõ về tình trạng rừng bị tàn phá tan nát.

Trao đổi với PV, ông Đính cho biết: “Công ty được tỉnh Đắk Lắk giao trách nhiệm quản lý và bảo vệ 13.870 héc ta rừng Ea Súp. Trong đó có 2 phân trường quản lý chính là phân trường Ea Khanh và phân trường Cư’ AMung. Mỗi phân trường cử 6 cán bộ quản lí và bảo vệ. Do địa bàn quản lí rộng, lực lượng cán bộ ít, dụng cụ hỗ trợ thô sơ nên rất khó khăn trong công tác ngăn chặn lâm tặc”.

Theo ông Đính, ở phân trường Cư’ AMung, hiện rất nóng về tình trạng khai thác gỗ. Tình trạng xe gỗ lâm tặc vượt trạm hàng đêm là có xảy ra và đơn vị cũng nhận được báo cáo của trạm. Ông Đính cho biết cũng đã báo cáo UBND huyện Ea Súp để có hướng hỗ trợ xử lý và khắc phục, ngăn chặn tình trạng trên.