43 chú voi nhà ngồi chờ ngày… tuyệt diệt

ThienNhien,Net – Cũng như Tây Bắc, đất Tây Nguyên “dính” bước chân và bám níu tâm hồn người ta như có một thứ ma lực nào đó. Chưa bao giờ, quê hương của nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, với những ông tượng hiền lành, thông minh và nghĩa tình kia bị bớt đi những vẻ đẹp núi rừng vốn có. Sau mỗi chuyến dọc ngang Tây Nguyên, nỗi đắng lòng cứ lớn dần mãi trong tôi, khi ngẫm về đàn voi nhà nơi đây. Cả thủ phủ voi Đắk Lắk bây giờ còn có 43 con voi nhà. 43 thớt voi đang gậm buồn ngồi trong khuôn viên mỗi ngôi nhà để cùng chờ ngày tuyệt diệt.

Khun ju nốp và các gru bước ra từ dòng máu dũng mãnh của đại ngàn

Quả thật, không ai có thể tưởng tượng được khi mà cái ngày đáng sợ kia xảy đến: Ngày Tây Nguyên không còn trông thấy bóng voi. Chị Hường – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Đắk Lắk – đã về hưu từ lâu. Nhưng, kỷ niệm với voi nhà Việt Nam của tôi, mỗi lúc nhớ đến, vẫn có cảm giác như chị Hường đang dõng dạc đọc “diễn văn” ca tụng công đức của đàn voi nhà Tây Nguyên ở sân đua voi khổng lồ giữa huyện Buôn Đôn.

Đang đi qua lễ đài là voi Y Trứt, voi hơn 60 tuổi, từng tham gia tải đạn phục vụ cuộc chiến đấu chống giặc Mỹ, từng kéo đất đắp hồ đập xây dựng mở mang kinh tế. Voi Y Trứt gắn bó như một thành viên thâm trầm, trung hậu nhất của buôn làng, của các thế hệ gia đình ông Y Bê.

Thế rồi sân vận động bụi mù trời, voi co vòi ném các khúc gỗ lớn như trẻ em đang chơi thể thao, voi đá bóng phùn phụt, voi lội nước băng băng trong cuộc đua ai về đích nhanh nhất dọc con sông ngầu sóng Sêrêpôk. Voi từ khắp miền Tây Nguyên hội tụ về bản Đôn (tức là làng đảo, theo tiếng Lào). Voi đi trên xe đại xa nhiều “chân” (các cặp bánh) dài thượt, vượt đèn đỏ ào ào. Bản Đôn bấy giờ đẹp vô cùng. Làng đảo mướt xanh, vì nó là một bán đảo theo đúng nghĩa đen, nó thò ra lòng sông Sêrêpôk. Sông lớn vùng Buôn Đôn này chảy thẳng sang Lào.

Anh Đàng Năng Long (giữa), người có nhiều voi nhất Tây Nguyên và cả nước, trò chuyện với PV Báo Lao Động vào tháng 10.2015 tại huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk
Anh Đàng Năng Long (giữa), người có nhiều voi nhất Tây Nguyên và cả nước, trò chuyện với PV Báo Lao Động vào tháng 10.2015 tại huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk

Đường đi đầy ghềnh thác, đẻ ra cả thác 7 nhánh, sông xẻ tan đá hộc mà truồi lên. Sông dữ, nước hay lên cao, nên cây cối ở bản Đôn (nơi có mộ vua săn voi Y Thu – Khun Ju Nốp và các dũng sĩ săn voi lừng danh khác, nơi được coi là trái tim của nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng) xanh vô cùng. Xanh rất lạ, vì nó toàn cây chịu nước, kiểu cây me ngoài Bắc và những cây gì gì nữa ven sông.

Nước ngập, voi lội nước thành thần, người bản Đôn toàn gru (dũng sĩ) săn voi, đạp lên lưng cá kình, cưỡi lưng hổ, lưng voi mà sống sót trở thành người hùng, nên nước dâng ngập buôn làng cũng chả sao. Chỉ lo cho các cây cổ thụ, để sống được qua hàng trăm trận nước dâng cao, thì các “mộc tinh” này phải là cây chịu nước. Cuộc sinh tồn này đã khiến cho vùng sinh thái bản Đôn rất kỳ ảo. Cây hầu hết có màu xanh của thứ diệp lục biết chịu nước, dáng cây nào cũng la đà bên bến sông hoặc ở nơi sẽ là bến sông khi Sêrêpôk nổi giận dâng cao.

Giữa bối cảnh ấy, mộ vua voi Y Thu rồi dũng sĩ R’Leo vòi vọi, bề thế, cổ kính hiện ra giữa các tán rừng già. Tôi đã rùng mình, kính trọng mỗi lần lạc bước đến nơi được treo biển “nhà mồ văn hóa bản Đôn” này. Ít ai không sửng sốt khi đọc lý lịch bắt vài trăm con voi về thuần dưỡng của các gru nơi này. Chỉ dây bện da trâu đực, dây rừng, rồi cưỡi voi hô vang xung trận mà bắt từng đàn voi về, về lại huấn luyện nó phục vụ con người.

Về, trân trọng voi như trân trọng người, voi về có lễ cúng, voi lớn có lễ cúng, voi hợp cẩn có lễ, voi đẻ có lễ, voi chết thì chôn với đại lễ. Với tôi, các khun ju nốp và gru kể trên, họ như biểu tượng về sự dũng mãnh, can trường, tình cảm và trí tuệ của con người! Dường như họ bước ra từ huyền tích, từ trường ca Đam San, chứ không phải là người trần mắt thịt.

Tây Nguyên sẽ ra sao, khi không còn một bóng voi nhà?

Thế rồi rừng Yok Đôn, lá phổi xanh của toàn cõi Tây Nguyên bị xâm hại nghiêm trọng. Kiểm lâm nhắn tin cho lâm tặc trước khi đi đánh án rồi “cảnh sát giữ rừng” cũng bị tóm. Voi và công nông, xe tải cùng vào rừng đốn gỗ, lãnh đạo vườn chỉ mải lợi dụng tình trạng rừng bị thảm sát để “oánh” nhau, thay vì giữ rừng. Voi rừng bị tàn sát, mất sinh cảnh.

Bây giờ, người ta giết voi để lấy ngà. Chủ voi cũng tự cưa cụt ngà voi đem bán với giá chợ đen 30 triệu đồng/kg để lấy tiền duy trì đời sống cho mình, duy trì lượng thức ăn hàng tạ mỗi ngày cho chính voi ta. Voi nhà bị đối xử đáng buồn và thất vọng một cách không có gì đáng ngạc nhiên.

Voi Pắk Kú ở khu du lịch Thanh Hà, một huyền thoại sức mạnh từng cõng hàng vạn du khách khám phá Tây Nguyên, đã bị chém 218 nhát, bị tẩm xăng đốt, bị tra tấn cho đến chết nhằm cướp đoạt cặp ngà. Voi chết, chủ voi đào hố chôn rồi, lũ lòng lang dạ sói còn đánh công nông và mang cuốc xẻng đến đào xương voi lên nấu cao. Khi chôn lại, khổ chủ phải nhờ lực lượng công an và quân đội bồng súng đứng canh bên mộ voi.

Tàn sát voi nhà để lấy ngà và lấy đuôi, lông đuôi đem bán
Tàn sát voi nhà để lấy ngà và lấy đuôi, lông đuôi đem bán

Chưa hết, đội “tượng binh” của người có nhiều voi nhất nước Việt Nam hiện nay – anh Đàng Năng Long – cũng bị tấn công, bị chặt mất đuôi voi cái, voi Bách Khăm thì bị ngã núi chết, voi nữa thì ăn dính lúa vừa phun thuốc trừ sâu bị ngộ độc “về chầu tiên tổ”. Liên tục voi nhà ở Đà Lạt và Đắk Lắk bị giết, mỗi năm, báo chí loan tin đều đặn, là vài con voi rừng về phá rẫy, phá nhà, tấn công người và bị giết chết thê thảm.

Trước nạn săn trộm đuôi và lông đuôi voi, anh Đàng Năng Long phải thuê gái điếm “thâm nhập” bọn thủ ác ăn chơi để điều tra, rồi gửi tài liệu lên công an “nhờ” bắt, rồi đưa chúng ra tòa. Xử tù 4 đối tượng. Voi chết, anh Long làm lễ cúng và chôn, có bộ xương voi bị săn tìm đến mức anh phải chôn nó xuống một hồ nước bí mật, buộc đá lơ lửng trong “thủy giới” để tránh bị tìm kiếm và nấu cao. Đáng sợ hơn là cái “tâm thức” ăn thịt voi, giết voi phục vụ vui thú ngớ ngẩn của không ít người.

Cả nước chỉ còn chưa đầy 50 con voi nhà đang gắn bó như ruột rà, như thân thích với bà con. Với sự tàn ác của con người hiện nay, còn bao lâu nữa thì “văn hóa voi nhà” của Tây Nguyên chỉ còn trong sử sách, khi mà các thớt voi “từ rừng già chú đến với người” bị tuyệt diệt?

Xin được đi bắt một con voi rừng về để “thắp lửa”!

Câu trả lời là chỉ hơn chục năm nữa hoặc chưa đầy thập niên nữa chúng ta sẽ phải chia tay con voi nhà cuối cùng, nếu cứ với tình trạng tồi tệ như hiện nay. Một bài toán mà trẻ lên ba cũng biết: Voi cũng như người, với vòng quay khắc nghiệt sinh lão bệnh tử, lại thêm cướp bóc giết chóc, người ta thì sinh ra ào ào, còn voi nhà Tây Nguyên thì không thể đẻ trong suốt 30 năm qua, cũng không được phép vào rừng bắt và thuần dưỡng thêm con nào để bổ sung.

Đầu ra (biến mất) thì có, đầu vào (bổ sung) thì không. Dĩ nhiên là phải tuyệt diệt. Và nó sẽ vào lộ trình tuyệt diệt nhanh hơn bao giờ hết, khi mà người ta đào mồ voi lên lấy xương nấu cao, người ta chặt đuôi voi lấy lông, đập vỡ sọ voi để nhổ cặp ngà. Đáng sợ không kém là tình trạng tàn phá sinh cảnh của voi, voi rừng hết chỗ sống, bỏ chạy sang Lào, voi nhà không có chỗ chăn thả. Voi nào cũng bị bóc lột sức lao động phục vụ du lịch đến kiệt sức.

Tàn sát voi nhà để lấy ngà và lấy đuôi, lông đuôi đem bán
Tàn sát voi nhà để lấy ngà và lấy đuôi, lông đuôi đem bán

Thả vào rừng thì phải xích và phải thuê quản tượng vài triệu đồng/tháng để trông coi. Lơ là một tí là voi mất mạng. Cỏ cây hết, hoa màu và nguồn nước nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật. Tình trạng nuôi nhốt tùy tiện và nhẫn tâm, voi không thể sinh sản nổi. Voi trong chuồng thú cũng như trong các đoàn xiếc cũng bị đối xử tàn tệ, chúng quay ra tấn công, giết người như ở Đại Nam, Cà Mau và vài nơi khác.

Chúng tôi cùng nhiều nhà nghiên cứu, từ nhiều năm qua, vẫn ước ao có một ngày nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng đầy hào sảng, như khúc tráng ca của trí sức con người kia sẽ được “thắp lửa” bằng các cuộc săn mới. Báo giới, các nhà nghiên cứu và hàng triệu du khách trong và ngoài nước sẽ hào hứng xiết bao, nếu có một ngày, chúng ta làm “ngoại lệ” để các dũng sĩ vạm vỡ nhất của Tây Nguyên được tổ chức săn rồi thuần dưỡng voi rừng lần nữa. Rồi lần nữa, lần nữa. Tất nhiên là các hành động đó cần được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của lực lượng chức năng, tránh làm ẩu hay làm càn. Tại sao không?

Chúng tôi đã phỏng vấn chính thức ông Vũ Văn Đông – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đắk Lắk; NSƯT – nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên Vũ Lân; cả đồng chí Y Ka Buôn Giá – nguyên Bí thư Đảng ủy xã Krong Na – cái làng đảo, trái tim nghề săn bắt và thuần dưỡng voi của khu vực Đông Nam Á… – tất cả các đồng chí vừa cán bộ lãnh đạo, vừa được coi là tâm huyết và trăn trở nhất trong bảo tồn voi nhà, đều hào hứng với ý tưởng “thắp lửa” nghề săn voi như trên. Tức là đi săn có kiểm soát. Săn để tôn vinh các dũng sĩ huyền thoại, miền đất huyền thoại.

Ông Huỳnh Nghĩa Hiệp – Phó GĐ Vườn quốc gia Yok Đôn – còn đề nghị sang Thái Lan mua hoặc xin cũng được, lấy mấy voi con (đực) về cho chúng sinh sản với hai con voi cái đang độ tuổi sinh sản của vườn. Cái cấn cá duy nhất là: Làm như thế có phản bảo tồn không? Xin thưa, quy định là do con người nghĩ ra, nếu có ngoại lệ thì ta nghĩ ra và dũng cảm bàn tới cái ngoại lệ để mọi việc trở nên tốt hơn. Cứ gì phải cứng nhắc! Chúng ta cho săn voi cấp tỉnh, cấp nhà nước, có quyết định và sự quản lý, chứ có phải lâm tặc đi cưa ngà chặt đuôi voi đâu mà sợ.

Tôi xin phân tích như sau. Chúng ta không dám thắp lửa nghề săn và thuần dưỡng voi để bảo vệ đàn voi rừng vì sợ như thế là xâm hại đàn voi ngoài tự nhiên ư? Thế bao năm qua, đều đặn voi ở khắp nơi bị giết, chặt ngà, xác thối trong rừng, kiểm lâm đi khám nghiệm rồi chôn lấp đó thôi. Có năm chúng ta mất năm bảy con voi rừng. Có ai tiếc và có biện pháp ngăn chặn hiệu quả chưa? Vậy tại sao làm một việc có ý nghĩa thế kia, dưới sự kiểm soát của Cục Kiểm lâm, rồi Bộ NNPTNT mà chúng ta lại nghĩ là “tiếc một con voi rừng”, vi phạm luật và công ước?

Tôi nghĩ, họ không dám xé rào và không dám nghĩ dám làm, vì họ không thật sự thấy lo cho đàn voi nhà của chúng ta thôi. Cái thứ hai, vừa rồi, voi nhà của chính Vườn quốc gia Yok Đôn với cả trăm kiểm lâm trang bị vũ khí, mà nó vẫn bị tấn công, bị đoạt ngà, đến mức cơ quan này đang đề nghị bộ và các đơn vị sức mạnh vào cuộc điều tra. Vừa rồi, ngay ở khu vực Buôn Đôn, một chú voi rừng con (ngà bé tẹo và nhọn hoắt, xem ảnh) đã theo voi nhà về tận buôn làng. Voi con xinh xắn bị dính bẫy cụt cả chân trước, voi thương cái chân đau bèn dùng vòi lên gồng phá bẫy, thủng đứt cả vòi. Voi ấy đang được thuần dưỡng, đã quen với quản tượng ở chính khu vực Trung tâm Bảo tồn voi đặt lỵ sở tạm ở Yok Đôn.

241015_voi4

Chúng tôi vào thăm, rớt nước mắt thương voi, nhưng đáng thương hơn là số phận chết chóc đàn voi nhà và voi rừng ở nơi tưởng như được bảo tồn nghiêm ngặt nhất. Chúng vẫn bị tấn công đều đặn. Và con voi gần đây nhất, đang trong quá trình thuần dưỡng theo đúng nghĩa đã hiện diện trước mắt chúng ta.

Tiếc thay, “từ rừng già chú đến với người” thông qua một cái bẫy khổng lồ, làm cụt chân đứt vòi, bây giờ chú vẫn được tẩm mật ong và ngâm chân trong kháng sinh để tránh nhiễm trùng. Thử hỏi, nếu con voi này được các gru đạp qua các tàng cổ thụ, lướt đi với “gió nghiêng rừng, nắng nổ nứa” rồi săn về và thuần dưỡng, có phải “đẹp” và hoàn hảo biết bao. Đằng nào cũng mất một cá thể voi rừng, mất bằng cách “thắp lửa nghề” tuyệt hơn nhiều các cách mất còn lại kể trên.

Một lời “mời”, 300 thớt voi cùng đủng đỉnh kéo về Đắk Lắk dự hội

Tháng 10.2015, đi khắp Tây Nguyên để tìm và phỏng vấn các dũng sĩ (gru) hoặc các thợ còn biết “nghề” săn voi, chúng tôi đã hầu như gặp được chỉ vài người già yếu. Họ, thậm chí con cháu dìu cõng lên bành voi, cũng chả ngồi vững được, chứ nói gì đến theo bước Y Thu, R’Leo rồi Ama Kông năm xưa. Hết dũng sĩ, thì muốn “thắp lửa” cũng chịu.

Lại nhớ vụ săn voi về thuần dưỡng cuối cùng ở Tây Nguyên tính đến thời điểm này. Cách đây độ chục năm hoặc hơn một chút, bấy giờ nhóm dũng sĩ khắp Đắk Lắk bàn nhau đi săn cho đỡ nhớ nghề. Họ tóm được con voi sau này rất nổi tiếng. “Cậu bé” được thuần dưỡng xong đặt tên là Khăm Bun. Ai ngờ suýt nữa các gru bị đi tù cả nhóm, vì phạm luật, xâm phạm động vật hoang dã quý hiếm. Voi đó bị “tịch thu” có hỗ trợ ít tiền rồi mang ra Hà Nội giao cho rạp xiếc.

Voi Khăm Bun sau này bị đối xử chả ra gì, bệnh tật đầy mình, họ phải mời một “dũng sĩ” khác là Khăm Phết Lào, con trai Ama Kông, bay từ Đắk Lắk ra, với mấy chục ký lô lá lẩu truyền thống nhằm chữa trị. Nhưng cổ truyền rồi hiện đại (cả chuyên gia người Mỹ sang chữa), lá lẩu rồi kháng sinh, vẫn làm voi Khăm Bun chết thảm. Cái chết đó, sự đối xử đúng luật mà thiếu tình đó, đã dường như giết chết khát vọng “thắp lửa nghề” trong thế hệ dũng sĩ cuối cùng của nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng ở nước ta.

Từ năm 1985 đến nay, lượng voi nhà của Tây Nguyên giảm đến 9/10. Tôi ám ảnh với ký ức của ông Vũ Lân rằng, năm 1985, kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chỉ một câu huy động, Đắk Lắk có tới 300 thớt voi đủng đỉnh về chung vui với đại lễ. Nay, cả thủ phủ voi hiện có 43, cả nước chưa đầy 50 voi. Ít năm nữa, voi nhà chỉ còn là ký ức, thì điều gì sẽ xảy ra?