Hệ lụy sau chuyển đổi rừng nghèo và đất lâm nghiệp sang trồng cao su

ThienNhien.Net – Sự giảm sâu của giá mủ cao su đang là thách thức quá lớn với chương trình chuyển đổi rừng nghèo và đất lâm nghiệp sang trồng cao su ở tỉnh Kon Tum.

Từ năm 2007, thời điểm cây cao su còn hoàng kim, tỉnh Kon Tum ồ ạt thực hiện việc chuyển đổi hơn 39.000ha rừng nghèo và đất lâm nghiệp sang trồng cao su. Thế nhưng, sự rớt giá ngay sau đó của mủ cao su đã khiến các doanh nghiệp tham gia vào chương trình chuyển đổi này lâm vào cảnh nợ nần, túng quẫn.

Những lô cao su của Công ty Nghĩa Phát có thể bốc cháy bất cứ lúc nào.
Những lô cao su của Công ty Nghĩa Phát có thể bốc cháy bất cứ lúc nào.

Một số doanh nghiệp không còn khả năng chăm sóc, bỏ mặc hàng nghìn ha cao su. Hậu quả là cùng với chất lượng vườn cây bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mỗi mùa khô, những lô cao su trở thành mồi ngon cho lửa và thành gánh nặng của chính quyền địa phương.

Cách đây hơn 4 năm, UBND tỉnh Kon Tum đồng ý cho Công ty TNHH Một thành viên sản xuất chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát được chuyển đổi hơn 400ha đất lâm nghiệp ở xã Đắc Pxi, huyện Đắc Hà sang trồng cao su. Có quyết định trong tay, Công ty này nhanh chóng hoàn thành việc tận thu gỗ rồi trồng được 300ha cao su cùng 80ha bời lời.

Nhưng hiện tại, sau mấy năm Nghĩa Phát không còn sức để chăm sóc, toàn bộ cao su bị các loại cây hoang dại phủ kín. Do lượng thực bì trong lô cao su quá nhiều đã dẫn đến một vụ cháy lớn kéo dài trong 4 ngày, suốt từ 29/3 đến ngày 1/4 vừa qua, thiêu chết gần 50ha cao su.

Ông Trần Việt Hòa, nhân viên bảo vệ và cũng là người duy nhất của Công ty có mặt khi vụ cháy xảy ra cho biết: “Tôi có báo về cho giám đốc. Tình hình là ngọn lửa phát ra từ trên đồi cao, cao nhất của công ty. Công ty nói là giờ các anh sẽ dập nhưng chúng tôi cùng với phòng hộ là không dập được vì lực lượng quá mỏng chỉ biết báo về. Đến ngày thứ hai, thứ ba chúng tôi đi thăm tuyến càng cháy dữ dội, báo về cho giám đốc, giám đốc đưa lực lượng người và phương tiện lên. Huy động cả bên phòng hộ họ sang họ làm những mà chỉ đứng thôi không làm gì được. Cháy đến ngày thứ tư thì rất may trời mưa. Nếu không sẽ chẳng còn gì”.

Người nông dân đã nghèo lại càng nghèo hơn nếu trồng cao su như thế này.
Người nông dân đã nghèo lại càng nghèo hơn nếu trồng cao su như thế này.

Mặc dù diện tích cao su mới hình thành sau chuyển đổi rừng nghèo và đất lâm nghiệp ở Kon Tum đều là tài sản của các doanh nghiệp, trách nhiệm quản lý, bảo vệ là của doanh nghiệp song giờ đây lại đang trở thành gánh nặng đối với chính quyền địa phương mà rõ nhất là trong công tác phòng cháy chữa cháy.

Ngay từ đầu mùa khô năm nay, UBND tỉnh Kon Tum đã phải đưa ra cảnh báo và xác định hơn 20.000ha cao su, chủ yếu tập trung ở huyện mới Ia H’Drai là trọng điểm cháy để chính quyền huyện và ngành chức năng nâng cao cảnh giác. Thế nhưng chỉ trong hơn một tháng vừa qua đã xảy ra 3 vụ cháy tại các huyện: Kon Rẫy, Ia H’Drai và Đắc Hà với tổng diện tích thiệt hại gần 100ha.

Ông Đinh Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Đắc Pxi, huyện Đắc Hà cho biết, dù cao su là tài sản của doanh nghiệp song địa phương không thể không lo bởi khi cháy cao su lửa rất dễ cháy lan, đe doạ rừng và người dân trong khu vực.

“Mấy năm nay họ không làm cỏ và cũng không thiết tha với tài sản. Nếu không cảnh giác thì khả năng cháy rất cao vì vùng của họ có một cái đường thông qua thủy điện 3, thủy điện 4 về xã Đắc Hà của huyện Tu Mơ Rông. Người đi qua lại chỉ cần sơ xẩy là gây cháy”.

Thực tế cho thấy, tham gia vào dự án chuyển đổi rừng nghèo và đất lâm nghiệp sang trồng cao su ở Kon Tum, hầu như chỉ các đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước có sự đầu bài bản, trách nhiệm xã hội cao. Đa số doanh nghiệp còn lại đã không chứng tỏ được năng lực và sự chuyên nghiệp cần có. Hậu quả tất yếu xảy ra, doanh nghiệp trồng cao su thì kiệt quệ, người lao động làm cao su thì mỏi mòn chờ lương; cao su thì bị hoang phế. Liên tục bị Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh nợ tiền công nhận chăm sóc cao su từ năm này qua năm khác.

Không được chăm sóc, hàng trăm ha cao su trồng từ việc chuyển đổi rừng nghèo và đất lâm nghiệp đã bị cháy.
Không được chăm sóc, hàng trăm ha cao su trồng từ việc chuyển đổi rừng nghèo và đất lâm nghiệp đã bị cháy.

Một thành viên Làng thanh niên lập nghiệp thuộc Tổng đội thanh niên xung phong tỉnh Kon Tum ở xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai cám cảnh: “Cứ hứa là cuối năm thanh toán, tôi chẳng biết có hay không cũng chẳng biết được. Do bên công ty thôi. Bên Tổng đội cũng bảo là bên công ty. Tổng đội cũng làm qua công ty mà bây giờ công ty cũng phải chờ. Kêu ai cũng chả được mà nói cũng chả được”.

Khó khăn khách quan là sự giảm sâu của giá mủ cao su thế giới đang là thách thức quá lớn đối với chương trình chuyển đổi hơn 39.000ha rừng nghèo và đất lâm nghiệp sang trồng cao su ở tỉnh Kon Tum. Trong một nỗ lực gỡ khó cho doanh nghiệp, mới đây tỉnh Kon Tum đã phải làm một việc chưa từng có tiền lệ, đó là nhận gần 1.000ha cao su gán nợ từ Công ty Cổ phần đầu tư Phát triển Duy Tân, vì công ty này không còn khả năng thanh toán hơn 100 tỷ đồng tiền sử dụng rừng, đối với diện tích mà doanh nghiệp đã chuyển đổi.

Tuy nhiên thực tế cho thấy để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các doanh nghiệp đang cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ về chính sách từ phía chính quyền địa phương và các tổ chức tín dụng. Trong hoàn cảnh hiện nay tập trung gỡ khó, chia sẻ với doanh nghiệp cũng là cách duy nhất để tỉnh Kon Tum có thể giảm bớt những hệ lụy sau chuyển đổi rừng nghèo và đất lâm nghiệp sang trồng cao su đợi đến khi giá sản phẩm loại cây trồng này tăng trở lại.