Giá điện tăng 7,5%, những ai hưởng lợi?

ThienNhien.Net – Giá điện vừa tăng khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn vì chi phí đầu vào bị đội lên nhưng vẫn có một số ít đại gia hưởng lợi.

Trong tuần này, tất cả các thị trường đều đón nhận một thông tin rất quan trọng. Đó là giá điện bình quân năm 2015 sẽ tăng 7,5% lên mức 1.622,05 đồng/kWh. Bảng giá mới sẽ bắt đầu được áp dụng từ ngày 16/3 tới.

Đánh giá của chuyên gia, các con số lỗ từ Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN là không rõ ràng, vì vậy việc tăng giá điện 7,5% lần này là quá vô lý.

Tuy nhiên, theo các thành viên Chính phủ, với mức tăng này Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ sớm bù được khoản lỗ do chênh lệch về tỷ giá của các năm trước (khoảng 8.000 tỷ đồng) và đảm bảo không bị lỗ thêm trong năm nay.

Giá điện tăng khiến nhiều người lo ngại doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn nhiều hơn khi chi phí đầu vào bị đội lên. Thông tin này ít nhiều tác động lên thị trường chứng khoán, góp phần khiến VN-Index nhiều thời điểm chìm trong sắc đỏ.

PPC, cổ phiếu của Công ty Nhiệt điện Phả Lại tăng đáng kể trong tuần
PPC, cổ phiếu của Công ty Nhiệt điện Phả Lại tăng đáng kể trong tuần

Chứng khoán gặp khó vì nhà đầu tư tin rằng đa số các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất sẽ bị thiệt thòi. Nhưng “nhà đèn” thì khác. Giá điện tăng đồng nghĩa với việc các công ty cung ứng điện có thêm doanh thu.

Ngay từ khi có tin đông tăng giá điện, cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành điện đã rục rịch tăng giá sau khoảng thời gian dài biến động chậm chạp. Dù không tăng rầm rộ nhưng cổ phiếu ngành điện là ngành đi lên khá vững chắc trong tuần VN-Index điều chỉnh mạnh.

Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC) là gương mặt được chú ý nhất trong ngành này. PPC tăng 700 đồng/CP lên 25.800 đồng/CP. Cổ phiếu PPC khiến vốn hóa thị trường Nhiệt điện Phả Lại tăng 228,36 tỷ đồng.

Đây là sự bứt phá đáng kể vì từ cuối năm 2014 tới cuối tuần trước (27/2), cổ phiếu PPC giao dịch kém lạc quan khi giảm 1.300 đồng/CP. Điều đó đồng nghĩa với việc vốn hóa thị trường của Nhiệt điện Phả Lại giảm tới 424 tỷ đồng.

Có thể thấy, kể từ khi có tin đồn tăng giá điện, PPC đã “lội ngược dòng” và mang về cho công ty Nhiệt điện Phả Lại số tiền không hề nhỏ.

NT2 thậm chí còn làm được nhiều điều hơn PPC. Sau 1 tuần giao dịch, NT2 tăng 2.200 đồng/CP. Tuần này, NT2 chỉ có một phiên giảm điểm, cả 4 phiên còn lại NT2 đều có tốc độ đi lên rất mạnh. Sự bứt phá này của NT2 giúp vốn hóa thị trường Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 tăng 563,2 tỷ đồng.

CHP là cổ phiếu thường xuyên  giao dịch ảm đạm trên sàn Hà Nội. Vì vậy, dù chỉ đạt tốc độ tăng khiêm tốn trong tuần nhưng những gì CHP đạt được cũng đáng khích lệ. Sau 5 phiên, CHP tăng 500 đồng/CP và chốt tuần ở mức 15.900 đồng/CP.

Đà tăng khiêm tốn này của CHP cũng đủ giúp Công ty Cổ phần Thủy điện miền Trung có thêm 60 tỷ đồng vào vốn hóa thị trường.

Giống như nhiều cổ phiếu ngành điện khác, HJS là mã có thanh khoản rất thấp, thậm chí trong một vài phiên, không có bất cứ cổ phiếu HJS nào được chuyển nhượng. Suốt thời gian qua, HJS thường xuyên rơi vào tình trạng đóng cửa ở mức giá tham chiếu.

Tuần này, tình hình của SJC được cải thiện hơn chút ít. Chốt tuần, HJS tăng 400 đồng/CP lên 12.200 đồng/CP. Như vậy, vốn hóa thị trường của Công ty Cổ phần Thủy điện Nậm Mu có thêm 6 tỷ đồng. Con số này không lớn nhưng vẫn khả quan hơn so với khoảng thời gian trước khi thông tin điện tăng giá “rò rỉ”.

Cụ thể, tính từ cuối năm 2014 đến 27/2, vốn hóa thị trường của Công ty Cổ phần Thủy điện Nậm Mu giảm 3 tỷ đồng vì HJS giảm nhẹ.

TBC cũng nằm trong danh sách dài các cổ phiếu thủy điện chốt tuần trong sắc xanh. TBC tăng 500 đồng/CP lên 26.000 đồng/CP. Như vậy, vốn hóa thị trường của Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà tăng gần 32 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vẫn có một vài cổ phiếu điện đứng ngoài sự tác động của giá điện tăng. NLC của Công ty Cổ phần Thủy điện Nà Lơi giảm nhẹ. DRL của đứng giá ở mức 38.000 đồng/CP.