Việt Nam – EU: Tiếp tục tiến trình đàm phán VPA/FLEGT

ThienNhien.Net – Phiên họp nhóm chuyên gia kỹ thuật lần thứ 8 và phiên đàm phán cao cấp lần thứ 4 về ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện cho Thực thi lâm luật, Quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Chính phủ Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã diễn ra tại Hà Nội trong 5 ngày từ 20 – 24/10/2014.

Sau ba ngày thảo luận kỹ thuật và hai ngày đàm phán, chính phủ Việt Nam và EU đã đạt được một số tiến triển quan trọng, bao gồm: một danh mục hàng hóa bắt buộc phải có chứng chỉ FLEGT khi xuất khẩu vào thị trường Châu Âu, phạm vi của định nghĩa gỗ hợp pháp (LD) và cấu trúc của hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ ở Việt Nam (TLAS).

Kết quả đàm phán lần này đã được Trưởng đoàn đàm phán hai bên thông tin đến các tổ chức xã hội dân sự và báo chí ngay trong buổi chiều 24/10/2014.

Với mục đích đảm bảo các sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang các nước Châu Âu đều có nguồn gốc và được chế biến hợp pháp, chính phủ Việt Nam tiến hành đàm phán với Liên minh Châu Âu (EC) về Hiệp định đối tác tự nguyện cho Thực thi lâm luật, Quản trị và Thương mại Lâm sản (VPA/FLEGT), bắt đầu từ tháng 10/2010. Sau 4 năm, rất nhiều công việc kỹ thuật đã được triển khai nhằm chuẩn bị kí kết Hiệp định, bao gồm 7 phiên họp nhóm chuyên gia và ba phiên đàm phán cấp cao giữa Việt Nam và EC.

Tại cuộc họp, các đại biểu đại diện cho khối doanh nghiệp và xã hội dân sự đã đặt nhiều câu hỏi, phản ánh mối quan tâm về đàm phán và thực hiện VPA/FLEGT đến với các Trưởng đoàn đàm phán. Nội dung trao đổi đã thể hiện rõ các vấn đề như sau:

Thứ nhất, hai nội dung quan trọng nhất của Hiệp định là Định nghĩa gỗ hợp pháp (LD) và Hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ (TLAS) hiện vẫn chưa hoàn thiện và tiếp tục thảo luận để hoàn chỉnh. Nguyên nhân là do có những khó khăn trong việc đảm bảo hài hòa giữa hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam và các quy định liên quan của Liên minh Châu Âu.

Thứ hai, bên cạnh những khó khăn trong quá trình đàm phán để tiến đến ký kết Hiệp định, việc triển khai thực hiện các điều khoản trong Hiệp định có thể không phải dễ dàng, các bên cần phải được chuẩn bị để sẵn sàng đáp ứng. Kinh nghiệm từ một số quốc gia đã ký kết VPA/FLEGT với EU cho thấy tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một lô hàng nào được cấp chứng chỉ FLEGT. Đây cũng là một điểm mà phía Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam rất quan tâm để có thể đàm phán cơ chế thực hiện hiệu quả.

Ảnh minh họa: ThienNhien.Net
Ảnh minh họa: ThienNhien.Net

Thứ ba, mối quan hệ bổ trợ giữa FLEGT với các hệ thống chứng chỉ về gỗ hợp pháp, như: FSC, PEFC, hay mới đây nhất là quy định về trách nhiệm giải trình theo Luật định EUTR 2013, cũng cần được làm rõ. Điều này cần được quy định rõ ràng, tránh gây ra những khó khăn, lung túng cho doanh nghiệp khi chuẩn bị hồ sơ sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường Châu Âu.

Thứ tư, các nội dung liên quan đến giám sát độc lập tiến trình thực hiện VPA/FLEGT vẫn còn đang trong quá trình thảo luận. Trong đó, vai trò của các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam, dù được phía EC nhấn mạnh là một trong những điều kiện bắt buộc trong tiến trình VPA/FLEGT, hiện vẫn chưa được bàn luận và thống nhất cụ thể.

Sau khi kết thúc phiên đàm phán lần thứ 4 này, Hai đoàn đàm phán sẽ tiếp tục thống nhất một lộ trình làm việc để có thể hoàn chỉnh Hiệp định, với mong muốn kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định vào nửa cuối năm 2015.

Dự án: Hỗ trợ đàm phán và thực hiện Hiệp định đối tác tự nguyện VPA/FLEGT tại Việt Nam 

Đoàn công tác PanNature làm việc ở xã Triệu Thái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (Ảnh: Nguyễn Xuân Lãm/PanNature)
Đoàn công tác PanNature làm việc ở xã Triệu Thái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (Ảnh: Nguyễn Xuân Lãm/PanNature)

Dự án “Hỗ trợ đàm phán và thực hiện Hiệp định đối tác tự nguyện VPA/FLEGT tại Việt Nam” được xây dựng với mục đích hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công Hiệp định VPA/FLEGT góp phần đưa ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu Việt Nam phát triển bền vững, phù hợp với quy định của quốc tế về tính hợp pháp của gỗ, có trách nhiệm với xã hội và bền vững môi trường.

Dự án sẽ được triển khại tại 10 tỉnh và thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thien Huế, Quảng Nam, Bình  Định, Kon Tum, Gia Lai, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trong 4 năm, 2014 – 2018.

Dự án do Ủy ban Châu Âu (EC) tài trợ thông qua Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên Việt Nam (WWF), do Tổng cục Lâm nghiệp (Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế) chủ trì thực hiện.

Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tham gia dự án với vai trò đối tác địa phương, sẽ triển khai dự án tại địa bàn 7 tỉnh: Kon Tum, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Gia Lai.