Nâng cao năng lực cho các tổ chức dân sự về VPA/FLEGT

ThienNhien.Net – Trong hai ngày 16 – 17/07/2012, tại Hà Nội, Mạng lưới Các tổ chức phi chính phủ Việt Nam về Thực thi lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VNGO-FLEGT) đã tổ chức Hội thảo tập huấn “Tăng cường năng lực cho các tổ chức dân sự về Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) thực thi FLEGT” với sự hỗ trợ của Chương trình hỗ trợ hợp tác FERN và Viện quản lý rừng châu Âu (EFI) tại Việt Nam.

Hội thảo này nhằm nâng cao hiểu biết cho các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ của Việt Nam về VPA/FLEGT và  khuyến khích họ tham gia hiệu quả vào tiến trình đàm phán VPA/ FLEGT, qua đó góp phần bảo vệ lợi ích và quyền tham gia của các cộng đồng địa phương sống dựa vào rừng mà có thể bị tác động bởi VPA/FLEGT. Lý do chính để ban tổ chức lựa chọn nhóm đối tượng các tổ chức dân sự vì đây là những đơn vị trực tiếp làm việc với cộng đồng địa phương và các hộ gia đình tham gia trồng rừng và bảo vệ rừng, do đó việc đưa ý kiến của nhóm đối tượng này tới các cơ quan liên quan sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình đàm phán VPA/FLEGT đạt hiệu quả cao hơn.

Được biết, năm 2003, Liên minh Châu Âu (EU) – thị trường nhập khẩu gỗ lớn của thế giới đã chính thức công bố Chương trình hành động “Thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (FLEGT)”, với cam kết mạnh mẽ cho cuộc chiến chống khai thác và buôn bán gỗ bất hợp pháp. Năm 2010, Chính phủ Việt Nam đã chính thức tham gia đàm phán với EU về Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) thực thi chương trình FLEGT.

Một trong những yêu cầu của tiến trình đàm phán là cần có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan vào quá trình thảo luận các vấn đề sẽ được đề cập trong nội dung của hiệp định để giảm thiểu tác động tiêu cực của VPA/FLEGT đối với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như các hộ gia đình trồng rừng, các cộng đồng địa phương tham gia bảo vệ rừng và các doanh nghiệp chế biến quy mô nhỏ hoặc các nhóm dịch vụ có liên quan khác.

Từ khi chính thức bắt đầu đàm phán đến nay, Chính phủ Việt Nam (đại diện là Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã tổ chức tham vấn và lấy ý kiến các bên liên quan bằng văn bản, qua email và qua website, tuy nhiên còn hạn chế trong việc thu thập các ý kiến từ phía cộng đồng địa phương và các hộ gia đình tham gia trồng rừng và bảo vệ rừng.

Mạng lưới VNGO-FLEGT được thành lập từ tháng 1/2012 với 4 tổ chức nòng cốt: Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển vùng cao (CERDA), Trung tâm Vì sự Phát triển Bền vững Miền núi (CSDM) và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) với mục tiêu thúc đẩy sự tham gia hiệu quả của các tổ chức dân sự xã hội vào quá trình đàm phán và thực hiện VPA từ đó thúc đẩy sự tham gia hiệu quả của cộng đồng vào FLEGT nhằm đóng góp nhiều hơn và hiệu quả hơn vào quá trình xây dựng và thực thi chính sách liên quan tới cộng đồng sống dựa vào rừng và thực hiện kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 với nguyên tắc hoạt động tự nguyện tham gia, đoàn kết và vì mục tiêu chung. Hiện mạng lưới đã có hơn 20 thành viên.