EU cần tăng cường vai trò lãnh đạo đa dạng sinh học và khí hậu thông qua FLEGT và Đối tác Lâm nghiệp

Ngày 27/4, 49 tổ chức xã hội dân sự quốc gia và quốc tế cùng ký vào bản Tuyên bố chung nhằm kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cần tăng cường vai trò lãnh đạo đa dạng sinh học và khí hậu thông qua Hiệp định Thực thi Luật lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (FLEGT) và Đối tác Lâm nghiệp.

Nội dung Tuyên bố được đăng tải trên website của Tổ chức Fern, tóm tắt quan điểm của các tổ chức xã hội dân sự (CSO) đến từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, châu Mỹ, châu Âu, Tây và Trung Phi tham gia vào việc giải quyết những thách thức chính đe dọa rừng trên toàn thế giới, bao gồm hoạt động buôn bán gỗ và hàng hóa bất hợp pháp dẫn đến phá rừng, đồng thời đề xuất các giải pháp lâu dài giúp thực hiện các cam kết chính sách của EU và toàn cầu theo hướng có lợi cho con người và hành tinh. Các khuyến nghị chính của Tuyên bố đối với EU về các chính sách tăng cường quản trị rừng, bảo vệ và phục hồi rừng bao gồm:

  • Tiếp tục kiểm tra/đánh giá tính phù hợp của FLEGT (Fitness Check) để củng cố các Quy định FLEGT và Quy chế gỗ của EU (EUTR), đồng thời giải quyết những trở ngại dai dẳng cản trở việc thực hiện hiệu quả các quy định này.
  • Duy trì tính toàn vẹn của Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) và cung cấp hỗ trợ phù hợp cho các quốc gia đối tác, đảm bảo các tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng địa phương và các tộc người bản địa có không gian và năng lực để tham gia.
  • Phát triển các Đối tác Lâm nghiệp đầy tham vọng, toàn diện và dựa trên quyền để đáp ứng nhu cầu các quốc gia đối tác.

Để ngăn chặn tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và xói mòn quyền của người dân địa phương, EU và các nước đối tác cần thay đổi cách họ sản xuất và tiêu dùng. Trong khi đó, để xây dựng quan hệ đối tác toàn diện và sinh thái hơn, EU cần giải quyết các thách thức về quản trị và các lỗ hổng chính sách gây tàn phá rừng và phát thải khí nhà kính. Điều này đòi hỏi sự tham gia và ủng hộ từ các nhóm xã hội dân sự, các tộc người bản địa và cộng đồng địa phương, bao gồm thanh niên và phụ nữ trong và ngoài EU.

Ảnh minh họa

Các quốc gia có rừng nhiệt đới đang bị ảnh hưởng và sẽ ngày càng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, mất rừng và đa dạng sinh học bao gồm suy giảm hệ sinh thái, lũ lụt, giá lương thực và năng lượng tăng cùng các thách thức về giới, sinh kế và quyền đất đai của người bản địa. Các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng phụ thuộc vào rừng đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện hệ thống quản trị rừng, vì vậy có thể tham gia giải quyết nạn phá rừng. Các tổ chức CSO rất hoan nghênh việc tiếp tục đối thoại với các nhà ra quyết định từ các cơ quan của EU bao gồm Ủy ban châu Âu, Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu và Nghị viện châu Âu về quản trị rừng cũng như các biện pháp quản lý và tài trợ mới để bảo vệ, phục hồi các khu rừng quốc tế và đa dạng sinh học trên cạn do các cơ quan này hỗ trợ.

Thúc đẩy Kế hoạch Hành động FLEGT

Theo một số nghiên cứu và báo cáo đánh giá độc lập, việc thực hiện Kế hoạch hành động FLEGT là cần thiết để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Xanh châu Âu và FLEGT vẫn là một phản ứng phù hợp, sáng tạo đối với thách thức khai thác gỗ bất hợp pháp, cải thiện việc quản trị rừng ở các nước đối tác. FLEGT đã đặt vấn đề khai thác gỗ bất hợp pháp lên hàng đầu trong các mối quan tâm về chính sách, góp phần tăng cường khuôn khổ pháp lý và thể chế về lâm nghiệp, đối thoại và sự tham gia của các bên liên quan cũng như tính minh bạch ở các nước đối tác.

FLEGT cũng đồng thời tạo ra một sân chơi bình đẳng và giảm cầu đối với gỗ bất hợp pháp ở EU. Cụ thể: Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) tác động trực tiếp và tích cực đến việc quản lý rừng, đồng thời giúp các quốc gia và công ty sản xuất gỗ cải thiện các thực hành môi trường và danh tiếng của họ. Các quy trình liên quan đến VPA thúc đẩy cải cách luật pháp để cải thiện quản trị rừng và tạo cảm hứng cho quản trị tốt hơn trong các lĩnh vực chính sách ngoài ngành lâm nghiệp, bao gồm cả quy hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, Kế hoạch Hành động FLEGT thừa nhận không có giải pháp nào hiệu quả tức thì trong việc giải quyết vấn đề phức tạp của khai thác gỗ bất hợp pháp, ngược lại, nó đòi hỏi một cách tiếp cận tổng thể bao gồm các biện pháp từ hai phía cung – cầu.

Năm 2020, Ủy ban châu Âu đề ra chương trình kiểm tra/đánh giá tính phù hợp Quy chế gỗ của EU (EUTR) và Quy định FLEGT nhằm xem xét hai quy định này liệu có còn phù hợp với mục đích ban đầu không. Kết quả của việc kiểm tra này sẽ đóng góp vào nghiên cứu song song về các biện pháp từ phía cầu nhằm chống nạn phá rừng liên quan đến các sản phẩm và hàng hóa được đưa vào thị trường EU. Hiện Báo cáo đánh giá cuối cùng của Ủy ban châu Âu vẫn đang trong quá trình thực hiện cùng với các đề xuất thay đổi tiềm năng. Các tổ chức CSO kỳ vọng kết quả kiểm tra sẽ cung cấp một đánh giá cân bằng và toàn diện về cả hai quy định bao gồm quan điểm của các bên liên quan, chẳng hạn như các đối tác xã hội dân sự ở cả EU và các nước đối tác.

Phản ứng của EU sẽ củng cố Quy định FLEGT và EUTR, đồng thời duy trì tính toàn vẹn của VPA nhằm khuyến khích thương mại gỗ hợp pháp và mang lại lợi ích kinh tế – xã hội bao trùm hơn cho các nước sản xuất gỗ. Ngược lại, việc hạ thấp các biện pháp hạn chế khai thác gỗ bất hợp pháp và hoạt động thương mại liên quan hoặc thu hồi các biện pháp hiện có sẽ gửi thông điệp sai đến các quốc gia đối tác. Các quốc gia này đã đầu tư những nỗ lực đáng kể để thanh tẩy ngành rừng và thiết lập những cải cách đầy tham vọng với sự tham vấn của các cơ quan hữu quan, khu vực tư nhân, xã hội dân sự và cộng đồng địa phương. Các quyết định thay đổi đơn phương sẽ làm tổn hại đến vai trò lãnh đạo của EU trong lĩnh vực khí hậu và môi trường và làm dấy lên lo ngại giữa các thị trường lớn khác rằng EU đang làm suy yếu vị thế của mình.

Liên quan đến Kế hoạch hành động FLEGT, Tuyên bố đưa ra một số khuyến nghị:

  • EU nên tiếp tục đầu tư vào VPA trên cơ sở phù hợp với các khuyến nghị của đánh giá FLEGT 2016, đảm bảo rằng các thách thức được giải quyết đầy đủ, các bài học kinh nghiệm và kết quả đạt được có thể cung cấp thông tin cho các biện pháp từ phía nguồn cung và các cách tiếp cận đối tác về mất rừng, suy thoái rừng, tàn phá các hệ sinh thái và đa dạng sinh học khác, lạm dụng quyền con người.
  • Cấp giấy phép FLEGT vẫn là một yếu tố chính của các hiệp định VPA, cung cấp xác nhận cho thị trường EU rằng lĩnh vực này đã được cải cách hoàn toàn và các hệ thống đang hoạt động trên tất cả các khu rừng và người khai thác gỗ. Những trở ngại đối với việc cấp giấy phép FLEGT bao gồm khoảng cách năng lực, thiếu nguồn lực, quản trị yếu kém cùng sự hỗ trợ chính trị thiếu và yếu. Những trở ngại này cần phải được giải quyết một cách tổng thể và hiệu quả.
  • EU cần tăng cường thực thi EUTR để giải quyết rủi ro trong chuỗi cung ứng gỗ của mình và thúc đẩy sự tiến bộ ở các nước sản xuất gỗ. Điều này bao gồm việc cung cấp thêm hướng dẫn cho các nhà khai thác từ EU, nâng cao mức độ hợp tác, trao đổi, phối hợp với các quốc gia thành viên và các cơ quan hữu quan tại các nước VPA.
  • EU tán thành cách tiếp cận mới đối với thách thức tham nhũng và đưa vấn đề tham nhũng vào chương trình nghị sự với chính phủ các quốc gia đối tác. Các chính sách phải khuyến khích trách nhiệm giải trình, minh bạch, sự tham gia và liêm chính. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm đốt cháy giai đoạn để đẩy nhanh quá trình triển khai VPA đều có nguy cơ hạ thấp các tiêu chuẩn.
  • EU phải đẩy mạnh ngoại giao lâm nghiệp và phối hợp giữa các nước VPA với các cơ quan tài trợ và các tổ chức quốc tế khác, qua đó cải thiện sự nhất quán về chính sách giữa FLEGT với các chính sách viện trợ phát triển và khí hậu cũng như luật pháp của EU về trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp, chống rửa tiền và các biện pháp ngăn chặn nạn phá rừng.
  • EU hỗ trợ sự tham gia hiệu quả của các tổ chức xã hội dân sự thuộc các loại hình khác nhau, cộng đồng địa phương và các nhóm bản địa bằng cách đảm bảo không gian dân sự đầy đủ cùng năng lực chuyên biệt để giám sát rừng độc lập.
  • EU đề cao tính hợp pháp như là bước đầu cho sự bền vững vì tính hợp pháp và tính bền vững nên bổ sung cho nhau thay vì cạnh tranh lẫn nhau.

Tăng cường quan hệ đối tác chặt chẽ về rừng

Rừng vẫn tiếp tục bị tàn phá bất chấp những lợi ích mà chúng mang lại. Bên cạnh khai thác gỗ bất hợp pháp, các nguyên nhân chính gây mất rừng là do giải phóng mặt bằng để sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và chăn nuôi gia súc, khai thác mỏ, xây dựng cơ sở hạ tầng và nhu cầu về nhiên liệu, than củi. Người dân bản địa và cộng đồng sống dựa vào rừng đang ở tuyến đầu của cuộc chiến giành lại những khu rừng.

Để giải quyết cuộc khủng hoảng kép về khí hậu và đa dạng sinh học cũng như những bất công cố hữu trong xã hội đòi hỏi sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ và các hành động đầy tham vọng trước thềm Hội nghị các bên (COP15) về Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (CBD), đảm bảo sự phù hợp với Chương trình nghị sự 2030, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cùng các cam kết về rừng trong khu vực và trên toàn cầu. Việc thông qua Công cụ hợp tác quốc tế, phát triển và láng giềng (NDICI) mở đường cho đối thoại chính trị mang tính xây dựng giữa EU và các nước đối tác để đảm bảo rằng các quyết định về chương trình viện trợ phù hợp với các cam kết của EU trong Thỏa thuận xanh châu Âu và các sáng kiến ​​liên quan, bao gồm sáng kiến ​​mới về Đa dạng sinh học của EU đến năm 2030, Chiến lược Lâm nghiệp, các cam kết về khí hậu và đa dạng sinh học quốc gia của các nước và nhu cầu phát triển.

Để EU có thể bảo vệ và phục hồi rừng trên toàn cầu một cách hiệu quả, Tuyên bố đưa ra một số khuyến nghị liên quan đến việc tăng cường quan hệ Đối tác lâm nghiệp:

  • Mỗi một đối tác lâm nghiệp được phát triển thông qua quá trình cân nhắc kỹ lưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu của các quốc gia đối tác liên quan với sự tham vấn của các tổ chức xã hội dân sự, các tộc người bản địa và cộng đồng địa phương. Đối tác lâm nghiệp phải đóng góp vào việc thực hiện các chính sách quốc gia liên quan và các cam kết quốc tế, bao gồm các Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDCs), Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học (NBSAPs).
  • Đối tác lâm nghiệp bổ sung cho các thỏa thuận hiện có, chẳng hạn như VPA nhằm tăng cường sự đóng góp của rừng vào các hệ sinh thái tự nhiên có khả năng phục hồi và sinh kế địa phương. Điều này bao gồm hỗ trợ bảo vệ và phục hồi rừng do cộng đồng lãnh đạo và lâm nghiệp quy mô nhỏ.
  • EU đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu và hoạt động rõ ràng trong tất cả các Đối tác lâm nghiệp nhằm bảo vệ và phục hồi rừng, tôn trọng luật nhân quyền quốc tế, đặc biệt là quyền của người bản địa và cộng đồng địa phương với hệ thống quyền sở hữu theo luật tục.
  • Các phương thức can thiệp của EU cung cấp tài trợ mục tiêu cho các tổ chức xã hội dân sự, người bản địa và cộng đồng địa phương, đồng thời hỗ trợ những nỗ lực không ngừng nhằm cải thiện quản trị rừng. Điều này bao gồm nhưng không giới hạn việc lập bản đồ và giám sát quyền sử dụng đất, thúc đẩy các chương trình quản lý, bảo tồn dựa vào cộng đồng và các chương trình nông lâm kết hợp.
Cùng với 46 tổ chức xã hội dân sự quốc gia và quốc tế, 3 tổ chức/mạng lưới CSO tại Việt Nam gồm Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ Việt Nam về Thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (VNGO-FLEGT), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) cũng tham gia ký bản Tuyên bố chung kêu gọi EU cần tăng cường vai trò lãnh đạo đa dạng sinh học và khí hậu thông qua FLEGT và Đối tác Lâm nghiệp. Các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng phụ thuộc vào rừng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện hệ thống quản trị rừng, vì vậy có thể tham gia giải quyết nạn phá rừng. Đây cũng là chìa khóa để tăng cường quyền con người, dân chủ, pháp quyền, đấu tranh chống tham nhũng và bảo vệ môi trường.


Ngọc Hiền

Nguồn: