Logistics xanh

Hợp tác là chìa khóa giảm phát thải carbon trong ngành logistics.

Có 131 tỉ kiện hàng được vận chuyển đi khắp thế giới trong năm 2020. Con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 5 năm tới. Châu Á là một thị trường khổng lồ cho thương mại toàn cầu và logistics khi khu vực này dự kiến chiếm tới 57% tốc độ tăng trưởng của thị trường logistics thương mại điện tử thế giới giai đoạn 2020-2025. Nhưng việc đưa hàng trăm tỉ kiện hàng đi vòng quanh thế giới cũng tạo ra lượng khí thải carbon khổng lồ.

Ngành vận tải tạo ra 8,26 gigaton, chiếm khoảng 26% lượng thải khí CO2 toàn cầu vào năm 2018, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Trong đó, vận tải hàng hóa chiếm hơn 7% lượng thải khí nhà kính thế giới, theo Diễn đàn Vận tải Quốc tế.

Giảm mạnh lượng khí thải do vận tải và logistics gây ra sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp các quốc gia và doanh nghiệp đạt được mục tiêu khí hậu của mình. Một loạt cam kết net zero của các doanh nghiệp đang và sẽ góp phần giảm lượng thải khí nhà kính phát sinh trực tiếp (hay còn gọi là phạm vi 1) và gián tiếp (phạm vi 2). Nhiều tổ chức cũng cho biết sẽ giảm lượng khí thải phạm vi 3 được tạo ra ở thượng nguồn và hạ nguồn của chuỗi giá trị và lượng thải khí gián tiếp thải ra trong quá trình vận tải và phân phối.

Có thể thấy, các chuỗi cung ứng đã trở nên phức tạp hơn rất nhiều khi các mạng lưới logistics kết nối nhiều trung tâm kinh tế trên thế giới với nhau và thị hiếu tiêu dùng thay đổi cũng dẫn đến các chuyến giao hàng hóa nhỏ hơn, thường xuyên hơn và chuyển phát nhanh bằng các phương tiện vận tải tiêu tốn nhiều năng lượng như vận tải bằng đường hàng không. Thách thức này càng tạo sức ép lên các quốc gia và doanh nghiệp trong công cuộc xanh hóa ngành logistics.

Một ví dụ điển hình là Deutsche Post DHL Group (Đức), một hãng logistics đang hoạt động tại hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2020, doanh nghiệp này đã thải ra tới 33,3 triệu tấn CO2. Với mục tiêu giảm lượng thải khí CO2 hằng năm xuống dưới mức 29 triệu tấn vào năm 2030 và tiến tới bằng 0 vào năm 2050, gần đây DHL đã công bố đầu tư 7,6 tỉ USD đến năm 2030 vào những dạng nhiên liệu hàng không thay thế, phát triển các loại xe điện và các tòa nhà trung lập khí hậu. “Logistics đóng góp chủ yếu vào tổng lượng thải khí carbon toàn cầu. Trong đó, DHL chiếm tỉ trọng không nhỏ”, ông Amrita Khadilkar, nhà điều hành mảng số hóa và xanh hóa tại DHL, cho biết.

DHL đặt mục tiêu sử dụng 30% nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) trong tất cả chuyến bay vận tải bằng đường hàng không vào năm 2030. Mới đây, doanh nghiệp này tuyên bố một trong những thương vụ SAF lớn nhất với BP và Neste, vốn cam kết cung cấp 800 triệu lít đến năm 2036. DHL dự kiến các thương vụ hợp tác chiến lược sẽ giảm được khoảng 2 triệu tấn CO2 trong suốt vòng đời nhiên liệu hàng không, tương đương lượng thải khí nhà kính hằng năm của khoảng 400.000 xe chở khách. Đồng thời, Công ty đang thử nghiệm giao hàng bằng xe điện ở Malaysia và Singapore và xe máy điện ở Việt Nam. Ở châu Âu, DHL đã hợp tác với hãng xe Thụy Điển Volvo Trucks để ra mắt xe tải giao hàng hạng nặng chạy bằng điện.

Theo Giáo sư danh dự Steven Miller, Đại học Quản lý Singapore, hầu hết các công ty logistics giảm dấu chân carbon bằng cách sử dụng các công nghệ hiện có và những cách làm quen thuộc, nhưng điều đó không giúp họ đi xa hơn. Ông cho rằng các công ty nhất thiết phải áp dụng các công nghệ mới và những phương thức mới để tạo ra các cơ hội lớn hơn trong việc giảm phát thải carbon.

Việc áp dụng các công nghệ năng lượng mới, nhằm giúp đạt đến mục tiêu net zero, đòi hỏi phải hợp tác với chính phủ các nước, đặc biệt trong những chương trình có độ rủi ro cao vì những chương trình như vậy mới có khả năng nghiên cứu được các công nghệ nhiên liệu mới mang tính đột phá.

Những nỗ lực này cũng sẽ giúp giảm chi phí. Mặc dù DHL và các công ty khác trong ngành logistics có thể thử nghiệm các công nghệ xanh mới, nhưng chi phí sẽ phải gánh bởi người tiêu dùng ở một mức độ nào đó. Rõ ràng, dù người tiêu dùng muốn theo đuổi xu hướng bền vững nhưng không phải ai cũng sẵn sàng trả mức giá cao hơn cho điều đó.

Trong khi đó, doanh nghiệp chỉ có thể đạt mục tiêu net zero thông qua thử nghiệm và cả những thất bại trong quá trình thử nghiệm đó. Vì thế, vai trò của chính phủ là không thể thiếu để tài trợ cho các sáng kiến R&D. “Sự hỗ trợ của chính phủ có thể đẩy nhanh tốc độ áp dụng các công nghệ mới hoặc các giải pháp mới. Những sáng kiến chính phủ cũng có thể thúc đẩy nhiều nghiên cứu hơn về công nghệ xanh và đưa chúng ra thị trường nhanh hơn”, Khadilkar nói.

Việc áp dụng các giải pháp thay thế có tính bền vững đã tăng tốc ở các quốc gia mà chính phủ có hỗ trợ tài chính như trợ cấp và giảm thuế. Trợ cấp chính phủ đã góp phần đưa Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất về xe điện. Sự hỗ trợ của chính phủ cũng giúp giảm thải khí nhà kính do giao hàng chặng cuối. Ở Singapore, các nền tảng thương mại điện tử và khách hàng nhận và trả lại món hàng đã mua qua mạng bằng cách sử dụng mạng lưới các tủ khóa thông minh có mặt trên cả nước. Hệ thống tủ khóa này dự kiến giảm được khoảng cách di chuyển cho mục đích giao hàng tới 44% mỗi ngày và giảm lượng khí CO2 của thành phố tới 50 tấn mỗi năm.

Rác thải cũng là một vấn đề cần giải quyết. Trong số 1,56 triệu tấn rác thải hộ gia đình tạo ra ở Singapore vào năm 2018, xấp xỉ 1/3 là bao bì đóng gói hàng hóa, theo một nghiên cứu của World Wide Find for Nature và DHL Consulting. Nhằm giải quyết hàng tấn rác thải bao bì trong bối cảnh mua hàng trực tuyến đang bùng nổ, mới đây, một dự án thử nghiệm kéo dài 6 tháng cũng đã được triển khai tại đảo quốc sư tử nhằm khuyến khích người mua hàng trả lại túi đựng từ các giao dịch mua hàng online và khuyến khích nhà bán lẻ áp dụng mô hình rác thải tuần hoàn.

Chuỗi cung ứng cũng đang bị săm soi gắt gao hơn, khi các doanh nghiệp và các quốc gia tăng tốc nỗ lực khử carbon. Nếu ngành vận tải và logistics không hành động một cách nhanh chóng, thiết thực và hiệu quả, nhiều khả năng sẽ đối mặt với động thái siết chặt hơn từ phía cơ quan quản lý và sự sàng lọc khắt nghiệt hơn từ các thị trường vốn.

“Một mối quan hệ hợp tác công tư chặt chẽ là rất cần thiết để thúc đẩy sự chuyển dịch sang những công nghệ thế hệ mới, quy trình kinh doanh mới, những phương thức làm việc mới để đưa chuỗi cung ứng đạt net zero”, Giáo sư Miller nhận định.
Thời gian đã không còn nhiều để có thể kìm giữ sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5 độ C – một mục tiêu cần phải đạt được để tránh những hậu quả tồi tệ nhất do biến đổi khí hậu. “Những cam kết và kế hoạch về khí hậu cần phải đưa vào hành động ngay từ bây giờ”, Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, nhận xét.