Khai thác khoáng sản – Dân kêu trời: Sống trong lo sợ

ThienNhien.Net – Cứ mỗi lần mỏ than Núi Hồng (xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) nổ mìn khai thác là các hộ dân liền kề lại lo lắng, sợ hãi.

Động đất nhân tạo?

Đưa chúng tôi vào nhà, chị Nguyễn Thị Hiền (xóm Ỏm, xã Yên Lãng) kể, mỗi khi mỏ than Núi Hồng nổ mìn khai thác than thì toàn bộ ngôi nhà rung lên bần bật. Sau đó, các vết nứt xuất hiện nhằng nhịt dưới nền, trên tường.

Vết nứt chạy đến đâu xé vỡ kết cấu nhà đến đó. Nhà lại có 2 cháu nhỏ nên vào những đêm mưa gió cả gia đình rất lo lắng, không dám ngủ vì sợ nhà sẽ bị sập bất cứ lúc nào.

Người dân đã mất đất, mất nhà và nếu vẫn phải sống trong căn nhà này thì có thể họ mất cả tính mạng (Ảnh: nongnghiep.vn)
Người dân đã mất đất, mất nhà và nếu vẫn phải sống trong căn nhà này thì có thể họ mất cả tính mạng (Ảnh: nongnghiep.vn)

Mới đây, trước cửa nhà của một số hộ dân xóm Ỏm, bên rìa moong khai thác than của mỏ Núi Hồng đã xảy ra tình trạng sụt 2 hố sâu với diện tích ước chừng 80 m2. Hố sụt kéo toàn bộ ruộng mạ của chủ hộ xuống âm ty, mất hút. Mỏ Núi Hồng đã cho máy ủi ra lấp lại 2 hố tử thần trên.

Những hố sụt không chỉ phá hoại mùa màng mà còn tấn công nhà cửa, làm khuynh đảo đời sống của 28 hộ dân. Gia đình ông Hoàng Minh Tàn đang sống yên ổn thì bỗng đâu những vết nứt trên tường nhà ngày một rộng. Ông Tàn cho biết: “Mỗi khi mỏ nổ mìn khai thác than ở moong thì nhà tôi bị rung lắc mạnh và ngói xô rào rào. Tôi vừa đi mua ngói về lợp lại nhưng không ăn thua”.

Chỉ tay lên những vết nứt lồ lộ trên tường nhà, cụ bà Đồng Thị Phương than thở, đêm nào nhà cũng chuyển động như ma làm vậy, nửa đêm nó cựa, nghe động là cả nhà gọi nhau dậy chạy ra ngoài vườn.

“Tôi già rồi, hết sức lao động rồi, nhà nứt như thế này rất sợ. Mong muốn chính quyền vào xem xét có cách gì khắc phục cho tôi đỡ lo lắng, ngộ nhỡ mưa gió nhà sập thì chết mất” – cụ Phương nói.

Cùng với việc sụt lún, nứt nhà, các hộ dân xóm Ỏm còn phải chịu cảnh mất nước sinh hoạt. Ông Đoàn Văn Chi (một người dân) cho biết, trước đây, khi mỏ Núi Hồng chưa khai thác tại moong gần kề thì nước giếng của gia đình lúc nào cũng đầy. Nay nước giếng cứ cạn dần, mặc dù đã nhiều lần đào sâu, thau kỹ nhưng nguồn nước vẫn mất tăm.

Cũng như cả xóm, gia đình ông Chi bây giờ phải bắt nước từ đầu nguồn về dùng làm nước ăn. Còn nước giặt giũ, tắm rửa cả xóm lại kéo nhau ra suối như cách đây hàng chục năm.

Cần một kết luận thuyết phục

Nhắm vào nhận định của Sở Xây dựng, lãnh đạo Cty than Núi Hồng cho rằng việc quan trắc không thuyết phục nên không nhất trí với báo cáo. Doanh nghiệp kết luận về tính thiếu thuyết phục trong báo cáo của cơ quan chuyên môn. Chỉ người nông dân đã và đang chịu khổ. Mất đất, mất nhà, có thể là mất cả tính mạng. Họ còn chịu khổ đến bao giờ?

Xác nhận thực tế trên, ông Lục Văn Thực, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lãng, cho biết, sự việc xảy ra sụt đất, nứt nhà dân, mất nước giếng, nước canh tác của 28 hộ dân xóm Ỏm và một số hộ dân khác trên địa bàn xã là có thật. Mỗi khi sụt đất xảy ra thì xã đều vào lập biên bản hiện trường và cắm biển cảnh báo nguy hiểm.

Sự việc sụt đất, nứt nhà chưa rõ nguyên nhân, vượt ngoài thẩm quyền nên địa phương cũng chỉ biết đề nghị cấp trên vào cuộc xem xét giải quyết cho nhân dân yên tâm sinh sống và canh tác.

Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên sau khi kiểm tra thực địa đã ra báo cáo về tình trạng trên. Theo đó, nguyên nhân gây mất nước được đưa ra là trong quá trình bơm hút nước của Cty than Núi Hồng đã tạo ra phễu hạ thấp mức nước ngầm, ảnh hưởng đến mực nước tại các giếng của khu dân cư.

Nguyên nhân gây ra sụt lún là do bơm hút nước tại đáy moong đã tạo ra các dòng chảy ngầm, kết hợp với quá trình nổ mìn tại mỏ tạo ra rung chấn…

Sau khi đưa ra những nguyên nhân, báo cáo của Sở Xây dựng có thêm phần: “Tuy nhiên, để đánh giá một cách định lượng và cụ thể hiện tượng mất nước và sụt lún đất, cần có quá trình quan trắc lâu dài và chính xác từng vị trí sụt lún; cần có các hố khoan khảo sát chi tiết. Đánh giá về nguyên nhân do nổ mìn cần giám sát chấn động, giám sát ảnh hưởng sóng không khí”.