Trung Quốc hy sinh đập thủy điện nhỏ để bảo vệ môi trường

Reuters ngày 31.8 ghi nhận Trung Quốc đang có chương trình cấp toàn quốc đóng cửa hàng trăm đập thủy điện nhỏ và xiêu vẹo nhằm chỉnh đốn mảng đập thủy điện vốn được xây ồ ạt mà không bị kiềm chế.

Ở một chi lưu của sông dữ Dadu hay gây lụt trước khi đổ ra sông Dương Tử (sông lớn nhất, dài nhất châu Á) là sông Zhougong dài 48km, chính quyền đã phá bỏ nhiều dự án nhỏ xây trên các nguồn nước tự nhiên, hoặc lập “lằn ranh đỏ sinh thái” nhằm bảo vệ một phần lãnh thổ Trung Quốc khỏi sự phát triển đập thủy điện.

Một đập thủy điện ở Tứ Xuyên – Ảnh: Reuters

Nước xả từ đập làm cá hôi, phải cho chó ăn

Nhưng sông này có đến 10 trạm thủy điện lớn hơn, được xây bởi những công ty lớn nhất nước, gồm Tổng Công ty điện lực quốc gia, và hồi đầu năm 2018, Bộ Môi trường Trung Quốc đã phải phê phán “phát triển quá đáng” trên con sông này.

Ở sông Zhougong, cụ Zhang (70 tuổi, từ chối cho biết tên đầy đủ) thừa nhận các đập lớn đã tàn phá môi trường. Cụ tự nhận là “di dân theo đập thủy điện”, sau khi nhà nước tiến hành xây quá nhiều đập trong 10 năm qua, nhấn chìm đất ruộng của cụ trong nước.

Cụ Zhang nói sự thay đổi dòng chảy của sông Zhougong và thời tiết đã sát hại nguồn cá địa phương, gồm một loài cá ưa thích của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình (người gốc Tứ Xuyên) nay đã bị diệt chủng.

Cụ Zhang nói: “Cá ở đây nay có mùi hôi khủng khiếp, chỉ để cho chó ăn”, và chỉ 3 con cá cụ vừa tóm chúng từ dòng nước do một hồ chứa nước ở phía thượng nguồn mở van xả.

Cụ còn nói các đập thủy điện lớn đã tàn phá cuộc sống của người dân từ hàng chục năm qua sống dọc sông Zhougong: “Hàng chục ngàn người đã kiếm sống ở đây, nhưng cuộc sống đó sẽ sớm không còn có thể thực hiện nữa”.

Xây đập thủy điện ồ ạt giống thời “Đại Nhảy Vọt”

Cách đây 20 năm, Trung Quốc kích hoạt chương trình xây ồ ạt các đập thủy điện, nhằm phát triển công nghiệp và đưa điện về các vùng nông thôn nghèo không được kết nối với lưới điện quốc gia.

Các nhà đầu tư ồ ạt nhảy vào xây các đập thủy điện, mà các nhà bảo vệ môi trường so sánh giống như cuộc chạy đua xây dựng các lò nấu chảy thép trong giai đoạn “Đại Nhảy Vọt” năm 1958.

“Đại Nhảy Vọt” là một chương trình chết yểu, chủ trương công nghiệp hóa xã hội nông nghiệp của Trung Quốc, nhưng đã gây ra đói nghèo khi nông dân chỉ lo sản xuất thép thay vì làm ruộng.

Ngày nay, Bắc Kinh muốn chỉnh sửa, và giới lãnh đạo ý thức môi trường phải quyết định cần phải đóng bao nhiêu đập thủy điện nhỏ chỉ có thể đạt sản lượng 100 gigawatt (GW), đồng thời phải duy trì nguồn đầu tư cấp nhà nước rất lớn.

Hồi tháng 6, chính quyền Trung Quốc xác định 24.100 dự án đập thủy điện nhỏ ở 11 vùng dọc sông Dương Tử, nơi mà chính phủ nói những “sự phát triển bất bình thường” hàng ngàn dự án đập thủy điện nhỏ đã tàn phá môi trường nghiêm trọng.

Bắc Kinh cũng cho biết chi phí bảo vệ môi trường cho các dự án này quá cao, dù chúng “đóng góp ở tầm lịch sử” vào sự phát triển.

Qua tháng 7, Bắc Kinh chỉ đạo các vùng này phải cấm xây các đập thủy điện mới, “chỉnh sửa” các dự án trái phép, dù vẫn chưa thể quyết định phải hủy bao nhiêu dự án.

Kế hoạch xoá đập thuỷ điện nhỏ chưa được chuẩn bị kỹ

Trong chương trình xóa bỏ các dự án đập thủy điện nhỏ, chính quyền một thôn miền núi ở tỉnh Tứ Xuyên (tây nam Trung Quốc) đã phá hủy 7 dự án đập thủy điện nhỏ dọc một chi lưu khác của sông Dadu.

Chính phủ nói các đập thủy điện nhỏ gây rối loạn hệ sinh thái và sự sống của nhiều loài cá hiếm, nhưng các nhà bảo vệ môi trường “cãi” rằng các đập thủy điện lớn gây tổn hại môi trường lớn hơn, với toàn bộ khu dân cư và hệ sinh thái bị nhấn chìm trong nước, điều khiến họ nói làm tăng nguy cơ động đất, lở đất và thậm chí làm thay đổi thời tiết.

Nhưng các tổ chức bảo vệ môi trường nói chương trình quốc gia sẽ không cứu được môi trường, vì chương trình sẽ không “động đến” các trạm thủy điện lớn thuộc nhà nước. Họ nói chính các trạm này mới tàn phá môi trường nặng nề nhất.

Chen Guojie, một chuyên gia về đập thủy điện ở Học viện khoa học Trung Quốc (ở Thành Đô), nói : ”Đã có lúc thủy điện là ý tưởng tốt, nhưng ở Trung Quốc, các đập thủy điện xây tràn lan, và nói chung là chúng tôi đã mất sự kiểm soát”.

Tỉnh Tứ Xuyên là một ví dụ của sự mất kiểm soát. Năm 2017, tổng sản lượng thủy điện ở tỉnh này đạt hơn 75GW, nhiều hơn tổng sản lượng điện của nhiều quốc gia châu Á. Sản lượng này cũng gấp đôi sản lượng của lưới điện thuộc tỉnh, điều đó có nghĩa lãng phí một nguồn điện lớn.

Tính đến cuối tháng 6.2018, sản lượng thủy điện chính thức của Trung Quốc khoảng 340GW, và 1/3 sản lượng này từ các dự án điện nhỏ, chưa tới 50GW.

Tổng sản lượng điện chung của Trung Quốc, gồm các nhà máy điện chạy than và điện hạt nhân, là 1.740GW.

Yang Yong, chủ nhiệm Hội nghiên cứu Núi Hengduan (một tổ chức bảo vệ môi trường ở Tứ Xuyên) nói: “Không hề có quy chuẩn thống nhất, và chúng tôi vẫn chưa thể biết dự án nào phải đóng, dự án nào được giữ lại”.

Yang nói chính quyền đã yêu cầu dẹp các dự án đập thủy điện không được lập kế hoạch kỹ lưỡng, bào mòn chính lợi ích của nhà đầu tư.

Nhưng Yang nghi các dự án nhỏ bị đóng cửa, nhằm giúp các đập thủy điện lớn hơn “vô tư” tiếp cận lưới điện quốc gia: “Các dự án đập thủy điện nhỏ ban đầu có thỏa thuận nếu hợp pháp thì có thể kết nối vào lưới điện quốc gia. Nếu họ không thể tiếp cận vì có quá nhiều đập lớn, thì không đúng đắn chút nào”.