Phát triển xanh lam ở Biển Đông: Thực trạng và thách thức (P.2)

ThienNhien.Net – Sự phát triển xanh lam trong biển và đại dương đang phải đối mặt với 4 vấn đề cốt lõi: nghề cá thiếu bền vững; khí hậu toàn cầu thay đổi và axit hoá đại dương; ô nhiễm và chất thải; mất nơi cư trú, suy giảm đa dạng sinh học và các loài sinh vật ngoại lai.

 

Hiện trạng phát triển kinh tế xanh lam ở Biển Đông và triển vọng

Triển khai cơ chế phát triển sạch (CDM) trong công nghiệp

CDM là cơ chế phát triển sạch, sử dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, tuân thủ quy trình và điều kiện nghiêm ngặt để giảm khí phát thải, bảo vệ môi trường. Việt Nam là một trong 10 nước có tiềm năng phát triển cơ chế phát triển sạch (CDM).

Phục các hệ sinh thái biển quan trọng là một trong những nhiệm vụ của kinh tế biển xanh lam (Ảnh tư liệu FIR)
Phục các hệ sinh thái biển quan trọng là một trong những nhiệm vụ của kinh tế biển xanh lam (Ảnh tư liệu FIR)

Trong 8 năm qua Việt Nam đã có 135 tài liệu thiết kế dự án CDM được phê duyệt; 34 dự án được đăng ký tại Ban Chấp hành Quốc tế về Cơ chế Phát triển Sạch; hai dự án được cấp chứng chỉ phát thải[1].

Trong thời gian qua, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) là đơn vị đi đầu triển khai cơ chế phát triển sạch trong sản xuất. PVN hàng năm khai thác trên 24 triệu tấn dầu qui đổi từ hàng chục mỏ dầu/khí khác nhau

Hiện PVN đã có nhà máy lọc dầu Dung Quất và đang xây dựng hai tổ hợp lọc hóa dầu khác, có các nhà máy nhiệt điện, thủy điện dự kiến có thể sản xuất tới 30% sản lượng điện quốc gia vào năm 2015.

PVN cũng đã và sẽ có hai nhà máy sản xuất phân đạm và đang xây dựng ba nhà máy sản xuất cồn sinh học công suất 100.000tấn/nhà máy.

Như vậy PVN có tiềm năng dồi dào và phong phú để triển khai các dự án cơ chế phát triển sạch (CDM) trong các hoạt động của mình, góp phần tích cực vào việc giảm thiểu phát thải GHG ở Việt Nam11.

Phục hồi các hệ sinh thái biển, phát triển nghề cá và nuôi trồng hải sản bền vững

Việt Nam đã tăng cường hỗ trợ chương trình phục hồi các hệ sinh thái biển quan trọng (rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn)[2], công tác khuyến ngư và ứng dụng tiến bộ trong khai thác, nuôi trồng và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; xây dựng các mô hình khai thác nghề mới có hiệu quả.

Tập huấn kỹ thuật khai thác, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong điều hành sản xuất. Xây dựng mô hình làng nghề nuôi cá theo tiêu chuẩn sạch, tạo ra sản phẩm phục vụ cho thị trường nội địa, nhất là cho các du khách tham quan du lịch vùng quê và xuất khẩu.

Triển khai các mô hình nuôi sinh thái như nuôi tôm hùm kết hợp với vẹm Xanh (vùng vịnh Vân Phong). Hiệu quả: chi phí thức ăn giảm được 30% so với các phương pháp nuôi truyền thống, tăng tỷ lệ sống vật nuôi hơn 90%, chất lượng môi trường được cải thiện rõ rệt: làm giảm hàm lượng hữu cơ trong tầng đáy cột nước và trong trầm tích; xử lý ô nhiễm vi sinh trong trầm tích12.

Nuôi tôm kết hợp trồng lúa ở vùng đất nhiễm măn ven biển (Bình Đại, Bến Tre) nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu[3].

Hiệu quả kinh tế của mô hình luân canh tôm lúa được phân tích, đánh giá từ khía cạnh các giá trị tài nguyên tự nhiên đáp ứng nhu cầu cho canh tác tôm lúa, khả năng bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa từ các chất thải của nuôi tôm (là tài nguyên được khai thác, sử dụng) và khả năng xử lý, tự làm sạch của môi trường đối với chất thải trong nuôi tôm và trồng lúa (là tài nguyên đồng hóa chất thải).

Kết quả đánh giá cho thấy, giá thành tài nguyên môi trường vào khoảng 50-170 triệu đồng cho 1 tấn tôm sản phẩm, tùy theo phương thức canh tác. Giá thành lợi nhuận tài nguyên môi trường khoảng 25-100 triệu đồng cho 1 tấn sản phẩm. Đó là những giá trị kinh tế từ trung bình đến cao đối với môi trường ven biển nhiệt đới.

Trước mắt, để chủ động phát triển mô hinh kết hợp tôm lúa ứng phó với BĐKH, nên tiếp tục thử nghiệm, triển khai áp dụng một số phương án quản lý nuôi hải sản, đang được nhiều nước áp dụng, có tính khả thi cao ở các vùng đất nhiễm mặn ven biển.

Một là quản lý môi trường trong luân canh tôm – lúa dựa vào cơ sở sinh thái học. Hai là tổ chức quản lý tổng hợp vùng nhiễm mặn luân canh tôm, lúa. Ba là tổ chức quản lý chất lượng sản phẩm lúa – tôm trong mô hình luân canh theo tiêu chuẩn quốc tế, như tiêu chuẩn của “Thực hành nông nghiệp tốt”, hoặc theo hệ thống quản lý chất lượng cao toàn cầu như Global GAP (Good Agricultural Practices)13.

Phát triển du lịch sinh thái biển

Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, quản lý phát triển bền vững hoạt động du lịch biển là nhằm xây dựng cơ chế, chính sách và công cụ phù hợp, dựa trên cơ sở khoa học, kinh tế, xã hội đặc thù của quốc gia.

Mục tiêu là xây dựng phát triển ngành kinh tế dịch vụ, du lịch biển đảo có vị thế, có khả năng cạnh tranh cao trong hệ thống kinh tế của Việt Nam, của khu vực và quốc tế.

Trước mắt, phải tổ chức, triển khai các giải pháp quản lý phát triển du lịch phù hợp như Quản lý hoạt động du lịch dựa vào đặc điểm cảnh quan địa lý và sinh thái học; Phát triển du lịch trong chương trình quản lý tổng hợp vùng ven biển; Xây dựng các chỉ thị quản lý phát triển hoạt động du lịch[4].

Triển vọng phát triển kinh tế xanh

Tại Diễn đàn “Kinh tế xanh trong bối cảnh phát triển bền vững ở Việt Nam”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra Khung chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và Tầm nhìn đến 2050.

Trong Khung chiến lược, ba mục tiêu chính được nhấn mạnh như giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa sản xuất và xanh hóa lối sống và tiêu dùng được đặc biệt quan tâm.

Trong đó, một số chỉ tiêu cụ thể như giảm chất lượng phát khí thải nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 10% đến 20% cho giai đoạn 2011 – 2020 và từ 35% – 45% cho giai đoạn 2020 – 2030; giá trị sản phẩm các ngành công nghệ cao trong GDP đạt khoảng 42% – 45% trong giai đoạn 2010 – 2020 và 80% trong giai đoạn 2020 – 2030.

Ngoài ra, 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh mới thành lập phải áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải.

Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn tăng trưởng với công bằng xã hội, giảm đói nghèo và bảo vệ môi trường.

Việt Nam đang quyết tâm chuyển đổi và phát triển nền kinh tế xanh lam ở Biển Đông, dựa vào các lợi thế: vị trí địa chiến lược – kinh tế, vào quá trình hội nhập và sự cải thiện các chính sách, thể chế, pháp luật trong quản lý, nhằm tạo ra những tiền đề cơ bản để đạt được sự phát triển hài hòa, theo nguyên tắc phát triển dài hơi, xem xét các bài học và kinh nghiệm của thế giới và dựa vào các nguồn lực, trí tuệ và bản sắc dân tộc Việt Nam.

Tổ chức phát triển xanh lam, Việt Nam sẽ được cái gì?

Theo các chuyên gia [5]: 1) phát triển xanh lam không chỉ mang lại sự giàu có, phồn vinh mà còn thúc đẩy tăng trưởng cao theo nguyên tắc “lấy Biển nuôi Đất liền”[6];

2) Tạo ra mối liên kết hài hòa trong việc xóa đói, giảm nghèo tận gốc rễ với bảo vệ, phục hồi tốt hơn các nơi cư trú, tăng cường nguồn lợi biển và đa dạng sinh học;

3) Chuyển đổi sang mô hình phát triển xanh lam, công ăn, việc làm tăng mạnh, xóa bỏ được nạn thất nghiệp vốn là “căn bệnh kinh niên” trong nền kinh tế “nâu” (mô hình kinh tế công nghiệp hóa, nguồn năng lượng nhân tạo, phân tán, dựa vào các hệ sinh thái nhân tạo..).

Chúng ta hy vọng, kinh tế xanh sẽ tạo ra cơ hội cho Việt Nam tăng trưởng bền vững, có tính cạnh tranh cao trong hệ thống kinh tế, tạo công ăn, việc làm theo mục tiêu của thế giới “10 năm, 100 sáng kiến và 100 triệu việc làm”, tăng thu nhập thực sự cho mọi người, cải thiện đời sống cho người dân một cách thiết thực, bảo đảm an toàn môi trường (hiện nay thu nhập bình quân năm của người Việt Nam chỉ trên dưới 1,100 USD, thua xa thu nhập bình quân trên thế giới 10.000 USD/đầu người).

Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, phát triển xanh sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng cả “xương” lẫn “ thịt”, chứ không chỉ tăng trưởng “xương” như hiện nay ( người dân chẳng được lợi lộc mấy do tăng trưởng ). Sự tăng trưởng kinh tế biển xanh sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho quốc gia và cho cả “túi tiền” thực tế của người dân.

Thực tiễn tại các nước cho thấy, việc thúc đẩy tăng trưởng xanh hay quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh tạo ra tiềm năng to lớn cho phát triển bền vững, giảm đói nghèo và tăng cường sức mạnh bảo vệ an ninh chủ quyền lãnh hải.

Riêng đối với các quốc gia đang phát triển, tăng trưởng xanh còn tạo đà cho một bước “nhảy vọt” để phát triển kinh tế mà không cần theo con đường phát triển kinh tế “ lỗi thời” “ô nhiễm trước, xử lý sau”.

Phát triển kinh tế xanh nói chung, kinh tế xanh lam, nói riêng, cần có cơ hội và nhiều điều kiện tự nhiên, môi trường, sinh thái cũng như chính trị, xã hội .

Việt Nam còn phải làm rất nhiều việc trong quá trình xanh hóa nền kinh tế của mình ở Biển Đông, nơi có nhiều tiềm năng và là “trụ cột chính” cho sự phát triển bền vững và hưng thịnh.

PGS. Nguyễn Tác An/Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Biển Việt Nam

________________________________________

[1] Nguyễn Đức Huỳnh và cộng sư, 2011. Cơ chế phát triển sạch (CDM) trong ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam-cơ hội và thách thức.

[2] Nguyễn Tác An, 2005. Dự án KC.09/07

[3] Nguyễn Tác An và cộng sự, 2011. Báo cáo kết quả thử nghiệm phát triển mô hình “tôm-lúa”

[4].Nguyễn Tác An,2011. Những tiếp cận khoa học trong quản lý phát triển bền vững du lịch Biển , Đảo

[5] Woerdman, E., 2004. The Institutional Economics Of Market – Based Climate Policy

[6]. A.T. Mahan: “Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử, 1660-1783” dịch giả Phạm Nguyên Trường, 2012