Khắc khoải rừng Cát Tiên

ThienNhien.Net – Muốn xây dựng thủy điện, người ta một mực chê rừng Cát Tiên “nghèo”. Thực tế, dù đã mất nốt con tê giác cuối cùng nhưng ở đây còn có bò tót, gấu chó, gấu ngựa, trâu rừng, hổ, báo hoa mai, báo gấm; còn hơn 1.360 loài thực vật bậc cao, hơn 440 loài cây gỗ quý…

Câu chuyện của tôi với ông Huỳnh Văn Đẩu – Bí thư Huyện ủy Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng – bên ly cà phê sáng không bó hẹp trong phạm vi Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên mà còn miên man sang Đồng Nai, Bình Phước… Từ chuyện một người dân tộc thiểu số vào VQG Cát Tiên chặt vài cây rừng mang về làm nhà đã bị lực lượng kiểm lâm truy đuổi đến tận ngõ và phạt rất nặng đến việc doanh nghiệp nọ bỗng đùng đùng cho người vác rìu đến đốn hàng trăm hecta rừng để làm thủy điện mà không hề hấn gì…

Thừa sức quyến rũ

Xoay xoay ly cà phê, ông Đẩu băn khoăn: “Những giá trị văn hóa rất lớn của VQG Cát Tiên và những giá trị của rừng nơi này đã được chứng minh rõ mồn một. Lãnh đạo Cát Tiên chúng tôi đang làm việc với hai địa phương Đồng Nai và Bình Phước rồi sẽ báo cáo với tỉnh Lâm Đồng làm thế nào để trả lại sự trong lành bằng được cho sông Đồng Nai”.

Theo ông Đẩu, trước hết, cần phải loại trừ nạn khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai. Tiếp đến, không nên cấp phép khai thác mới cho bất kỳ doanh nghiệp và cá nhân nào, đồng thời xem xét lại những giấp phép đã cấp. Với rừng, cần bảo vệ nghiêm ngặt. “Cát Tiên muốn làm du lịch xanh, trong đó đặc biệt chú trọng đến sông Đồng Nai và hang Thoát Y Vũ – một thế mạnh của địa phương mà không nơi nào có được” – ông cho biết.

VQG Cát Tiên không xa lạ gì với tôi. Lớn lên, học đại học, ra trường rồi công tác xa nhà nhưng mỗi khi về thăm cha mẹ ở “vùng ba” bên sông Đồng Nai cũng đồng nghĩa với việc tôi về với VQG Cát Tiên. Từ khi rừng Cát Tiên còn là lâm trường đến lúc “lên” khu bảo tồn và sau đó trở thành VQG, những mốc thời gian ấy tôi đều có mặt.

Du khách tham quan Vườn Quốc gia Cát Tiên
Du khách tham quan Vườn Quốc gia Cát Tiên

Giờ thì muốn vào VQG Cát Tiên có nhiều đường lắm. Tôi đã đến đây không sót lối nào, bằng rất nhiều phương tiện, kể cả… cuốc bộ với người dân tộc ở địa phương. Dễ nhất là “ngang ngay sổ thẳng” từ TP Đà Lạt hoặc TP HCM đến ngã rẽ Tân Phú đi vào. Lối nữa là đến hết thị trấn Mađagui, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng rồi đi thẳng vào bằng con đường nhựa phẳng phiu. Những đường khác là từ khu Đạ Kộ, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng băng tắt qua VQG chỉ khoảng 7 km hoặc đi dọc sông Đồng Nai hay lội bộ từ xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên qua… Có điều, tôi chưa lần nào đến VQG với tư cách là du khách.

Ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc VQG Cát Tiên, có lần bảo: “Sao anh không thử một lần làm khách du lịch lang thang trong rừng cho biết? Có nhiều điều thú vị lắm đấy”. Bởi vậy, mới đây, khi đưa sinh viên vào VQG, dù mục đích chính đặt ra là nghiên cứu về văn hóa Cát Tiên nhưng tôi vẫn muốn cho các em tiếp cận đôi chút về tiềm năng du lịch ở đây. Tiếp xúc nhóm sinh viên, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên, “tranh thủ” giới thiệu: “Du lịch là một trong những mục tiêu mà Cát Tiên đặt ra hiện nay. Trong đó, tuyến du lịch trên sông hứa hẹn nhiều điều kỳ thú”.

Thực tế, theo giám đốc VQG Cát Tiên, những năm gần đây, các loại hình du lịch khám phá, nghỉ dưỡng, nghiên cứu – học tập… đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của nhiều du khách. Không chỉ là vùng đất đa dạng sinh học cao, VQG Cát Tiên còn là nơi có sức quyến rũ du khách rất lớn bởi bao điều kỳ thú mà thiên nhiên ban tặng. Là một trong những khu vực đất ngập nước Ramsar và là một trong 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam, VQG Cát Tiên từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách, nhất là người nước ngoài.

“Nghèo” trong mắt ai?

Từng vào ra VQG Cát Tiên, tôi biết rõ nỗi niềm của những “người của rừng”. Về cuối đời, ông bạn vong niên K’Bá ở buôn Go, thị trấn Buôn Go, huyện Cát Tiên tỏ ra rất hối hận vì đã sát hại 2 con tê giác ở rừng Cát Tiên (bộ xương của một con đang được trưng bày tại Hà Nội). Già làng K’Bá từng tâm sự với tôi rằng khi hạ tê giác, ông chỉ nghĩ đơn giản rừng Cát Tiên là nơi cực kỳ trù phú, một vài con chẳng nhằm nhò gì.

Thế hệ đàn em của già làng K’Bá như ông K’Zít – ở buôn Đạ Nha, huyện Đạ Tẻh – cũng chỉ biết rằng rừng Cát Tiên lắm cây nhiều thú, chẳng mấy ai nghe đến những khái niệm như “đa dạng sinh học” hay “khu dự trữ sinh quyển thế giới”… Dù vậy, họ vẫn có cách giữ rừng theo kiểu riêng của mình.

Gần đây, dư luận lại rộn lên bởi thông tin về 2 thủy điện Đồng Nai 6 và 6A rất có thể sẽ được xây dựng trên dòng sông Đồng Nai trong rừng Cát Tiên. Đã có quá nhiều cuộc tranh luận xung quanh việc xây dựng 2 thủy điện này và mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ.

Có người cho rằng rừng Cát Tiên “không giàu”. Chẳng rõ cách hiểu này bắt nguồn từ đâu nhưng theo tôi, chắc chắn UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc) đã cân nhắc rất kỹ trước khi đặt bút phê chuẩn công nhận VQG Cát Tiên là khu dự trữ sinh quyển thế giới hồi năm 2001. Rồi nữa, năm 2005, Ban Thư ký Công ước Ramsar đã công nhận hệ đất ngập nước Bàu Sấu của VQG là khu Ramsar thứ 1.499 của thế giới và thứ 2 của Việt Nam.

Gần đây, đại diện UNESCO tại Hà Nội đã nhiều lần đề nghị Việt Nam sớm hoàn thiện hồ sơ để công nhận VQG Cát Tiên là di sản thiên nhiên thế giới. Chưa hết, xét thấy Cát Tiên không chỉ nổi bật về “thiên nhiên” mà còn có những giá trị rất lớn về “văn hóa” (nhất là khu di chỉ khảo cổ học ở đây) nên các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tính đến chuyện lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên – văn hóa thế giới. Vậy thì rừng Cát Tiên “nghèo” chỗ nào?

Sông Đồng Nai đoạn chảy qua Vườn Quốc gia Cát Tiên
Sông Đồng Nai đoạn chảy qua Vườn Quốc gia Cát Tiên

Trước đây, khi hay tin con tê giác cuối cùng bị sát hại ở Cát Tiên và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế sắp sửa tuyên bố Việt Nam hoàn toàn không còn loài thú quý hiếm này, tôi liền điện thoại cho giám đốc VQG để xác minh. Ông Diện ưu tư: “VQG Cát Tiên không chỉ có mỗi tê giác mà còn rất nhiều loài động, thực vật khác có tên trong Sách đỏ”. Tôi hiểu thông điệp của ông Diện, rằng dù mất đi con tê giác cuối cùng nhưng không có nghĩa là nhiệm vụ bảo vệ rừng Cát Tiên nhẹ đi. Ở đây còn có bò tót, gấu chó, gấu ngựa, trâu rừng, hổ, báo hoa mai, báo gấm… Ở đây còn có hơn 1.360 loài thực vật bậc cao, hơn 440 loài cây gỗ quý, hơn 60 loài hoa lan…

Có người quả quyết khu vực dự kiến xây dựng Đồng Nai 6 và 6A rộng vài trăm hecta ấy là “rừng nghèo” nên không mấy ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học nên hãy yên tâm nếu 2 công trình thủy điện này mọc lên. Thế nhưng, báo cáo của đoàn khảo sát khoa học thuộc Trung tâm Đa dạng sinh học và Phát triển – Viện Sinh học nhiệt đới do TS Vũ Ngọc Long – phó viện trưởng, giám đốc trung tâm – làm trưởng đoàn sau khi khảo sát thực tế tại khu rừng Cát Lộc, nơi dự kiến xây dựng 2 thủy điện này, đã nêu rõ: Đoàn ghi nhận được tổng cộng 14 loài thú thuộc 9 họ, 4 bộ…

Nhiều đêm nằm ngủ ở nhà khách Huyện ủy Cát Tiên ngay sát dòng Đồng Nai, tôi lại nghe tiếng réo sục sôi của con sông, nghe tiếng vọng trong gió của cây rừng và muông thú. Tôi nhận ra những tiếng thở dài khắc khoải của rừng Cát Tiên, của dòng Đồng Nai…

Xây thủy điện chỉ có hạiHôm ngồi ở Văn phòng VQG Cát Tiên, tôi được một cán bộ của vườn cung cấp “Thông báo ý kiến của VQG về việc xây dựng 2 đập thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trên sông Đồng Nai”. Trong đó, tôi đọc được: “Là đơn vị được giao trách nhiệm quản lý bảo vệ VQG Cát Tiên, chúng tôi xin nêu quan điểm về vấn đề này như sau. Có hay không việc ảnh hưởng có hại đối với tài nguyên rừng trên địa bàn VQG khi xây dựng thủy điện?Việc xây dựng thủy điện sẽ làm thay đổi dòng chảy và chế độ ngập nước của hệ thống sông Đồng Nai cùng các bàu, đầm, đặc biệt là khu Bàu Sấu (đã được công nhận là khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế). Qua đó, sẽ ảnh hưởng đến sinh cảnh và môi trường sống của các loài động, thực vật. Việc xây dựng thủy điện sẽ làm mất diện tích rừng và đất rừng. Do vậy, chúng tôi khẳng định là việc xây dựng thủy điện sẽ ảnh hưởng có hại đến tài nguyên và môi trường rừng…”.