Phát triển xanh lam ở Biển Đông: Thực trạng và thách thức (P.1)

ThienNhien.Net – Phát triển xanh trên đất liền, xanh lam trên biển và đại dương là những mô hình mới, có khả năng giải quyết các thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, an ninh năng lượng và nhiều vấn đề xã hội khác.

Kinh tế biển xanh là xu hướng phát triển của thế giới hiện đại (Ảnh nguồn: Ambiente)
Kinh tế biển xanh là xu hướng phát triển của thế giới hiện đại (Ảnh nguồn: Ambiente)

Việt Nam đang nỗ lực xây dựng chiến lược phát triển phù hợp, hòa nhập với xu thế mới của thời đại.Việt Nam có đủ tiềm năng, cơ sở và quyết tâm chính trị để xây dựng một Quốc gia xanh, phát triển bền vững không chỉ trên lục địa mà còn cả ở vùng lãnh hải Biển Đông.

Căn cứ vào kết quả nghiên cứu thực tế, đồng thời vận dụng nhiều phương pháp phân tích, tổng quan các bài học kinh nghiệm tổ chức phát triển kinh tế biển ở trong và ngoài nước, các đặc điểm sinh thái kinh tế vùng biển Đông, chúng tôi muốn giới thiệu, trao đổi với các đồng nghiệp ở trong và ngoài nước một số ý kiến về “phát triển kinh tế xanh lam” ở Việt Nam.

Phát triển kinh tế biển nói chung, kinh tế xanh lam nói riêng, không thể quá nhấn mạnh đến lợi ích trước mắt, phải tính toán dài hơi, phải có sự chuẩn bị kỹ về phương pháp luận, về phương pháp tổ chức triển khai và tiềm lực.

Phát triển xanh, kinh tế xanh và kinh tế xanh lam là xu thế của thời đại

Phát triển xanh là sự phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường. Định hướng phát triển xanh đang là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia, hướng đến cải thiện đời sống con người và tính công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu những hiểm họa môi trường và tình trạng khan hiếm tài nguyên là những tiền đề gây sự “bất ổn” chính trị, xã hội.

Kinh tế xanh là một trong những tiếp cận ưu tiên mang tính thời đại trong quá trình phát triển theo mô hình “kinh tế sinh thái hiện đại”. Đây là là nền kinh tế có hướng chủ đạo đầu tư vào con người, tự nhiên và xã hội. Nó “hài hòa với môi trường”, có khả năng tạo ra những “cỗ máy xanh” cho nền kinh tế, tìm kiếm lợi nhuận một cách thân thiện với môi trường”. Kinh tế xanh tập trung nghiên cứu sử dụng các công cụ kinh tế để giải quyết hợp lý những vấn đề của xã hội, đến sự thịnh vượng và làm thay đổi hành vi của con người, hướng tới những lối sống bền vững hơn.

Đây vốn là một trong những mục tiêu chính trị và pháp lý, vì thế, nó là một lĩnh vực nghiên cứu triển khai toàn diện, bao gồm các mặt về tài chính công cộng, kinh tế chính trị và ứng dụng thực tiễn. Những lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế xanh là nhắm đến là nguồn năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin thế hệ mới, sản xuất thiết bị công nghệ cao, vật liệu tiên tiến, các thiết bị, công cụ sử dụng nhiên liệu thay thế, các công nghệ thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng…

Kinh tế xanh lam là nền kinh tế xanh liên quan đến các vùng ven biển, biển, đại dương và hải đảo.

Mặc dầu, cho đến nay, vẫn chưa có một định nghĩa đầy đủ về kinh tế xanh lam, nhưng trong định hướng phát triển xanh lam ở ven bờ, biển và đại dương, có một số hướng mang tính chủ đạo đang được quốc tế khuyến cáo[1], như bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái, đa dang sinh học biển, phát triển thị trường carbon, tăng cường quản lý đáy biển (khai khoáng, dầu, khí, cáp dẫn…), thay đổi phương thức quản lý nghề cá và nuôi trồng hải sản ở các cấp trong khu vực và quốc gia, bình đẳng, không bao cấp và khai thác bền vững, thích ứng với quá trình dâng cao mực nước biển và biến đổi khí hậu, quản lý tổng hợp vùng bờ, tăng cường sử dụng bền vững nguồn lợi sinh vật, kể cả ứng dụng các công nghệ sinh học, xác nhận và chấp nhận khả năng hấp thụ, lưu giữ carbonnic của đại dương và vùng ven bờ, tổ chức thị trường carbon xanh, tăng cường xử lý ô nhiễm, chủ yếu là các chất dinh dưỡng trong biển và đại dương theo cơ chế thị trường, phát triển đột phá nguồn năng lượng tái tạo từ biển và đại dương…

Về thực chất, kinh tế xanh lam nhằm xác định lại quá trình phát triển của hệ thống kinh tế biển trong mối quan hệ tổng thể, biện chứng với vùng lãnh thổ, lãnh hải, chứ không chỉ quan quan tâm đến việc giải quyết những vấn đề về môi trường đơn thuần. Kinh tế xanh tập trung chú ý đến nhiều lĩnh vực hoạt động kinh tế khác nhau, ngay từ khâu cung cấp nguyên vật liệu, năng lượng, cho đến quy trình tái chế, xử lý chất thải và sản phẩm sạch, từ sản xuất nông nghiệp cho đến công nghiệp, xây dựng, giao thông, các công trình phúc lợi, dịch vụ…

Như vậy, kinh tế xanh, với thuộc tính tự nhiên về sự đổi mới, sáng tạo, sẽ thúc đẩy cùng lúc các lĩnh vực phát triển theo hướng “xanh hóa”. Không chỉ dừng lại như một hoạt động kinh tế thông thường, kinh tế xanh còn có khả năng giải quyết triệt để các mối quan hệ giữa các lĩnh vực, từ sản xuất, nghiên cứu, giáo dục và cả các yếu tố xã hội, văn hoá trong một mối liên hệ biện chứng.

Thúc đẩy sự phát triển quy hoạch của vùng lãnh thổ, lãnh hải theo định hướng kinh tế xanh, xanh lam, có nghĩa là thúc đẩy và khuyến khích hơn nữa, sự hiệp đồng hiệu quả giữa các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp với các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu và quản trị phát triển xã hội.

Các hoạt động nghiên cứu, sản xuất xanh ngày càng được chú ý đặc biệt trên khắp thế giới. Đây đang được coi là “xu thế tất yếu của lịch sử phát triển”, là “tiếp cận tổ chức phát triển sản xuất để tạo ra các “sản phẩm” và “dịch vụ” “xanh, sạch”, có khả năng ngăn ngừa, giảm thiểu và hạn chế những thiệt hại gây ra cho môi trường, như ô nhiễm nước, không khí, đất, biển và đại dương, cho đến tất cả những vấn đề liên quan đến chất thải, tiếng ồn và những tác động không mong muốn đến các hệ sinh thái, đến sức khỏe của con người và tiếc kiệm được năng lượng cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên và phát huy tối đa các giá trị văn hóa, xã hội…”

Kinh tế xanh có 3 đặc trưng cơ bản trong nguyên lý tồn tại và phát triển[2]. Thứ nhất là nền kinh tế ‘sạch’, mang hàm lượng trí tuệ cao. Thứ hai là nền kinh tế ‘hài hòa’ – xanh hóa cho phát triển, phát triển để xanh hóa. Thứ ba là bản thân quá trình phát triển xanh cũng đã mang lại nhiều giá trị môi trường, xã hội và kinh tế, càng xanh hóa, lợi ích kinh tế càng cao.

Để đánh giá kinh tế xanh, người ta dùng tiêu chí GDP xanh. Đó là GDP trừ đi chi phí tiêu dùng tài nguyên và mất mát về môi trường do các hoạt động kinh tế. Mặc dù việc thực hiện GDP xanh hiện tại còn một số khó khăn về kỹ thuật như việc xác định giá trị của các yếu tố môi trường, các vấn đề xã hội….

Tuy nhiên các chuyên gia cũng đã đưa ra một số giải pháp về học thuật cho các vấn đề này. Tiêu chuẩn đánh giá sự phát triển của một vùng, một quốc gia sẽ thay đổi khi thực hiện tính GDP xanh.

Trước đây sự tăng trưởng thuần túy về kinh tế là tiêu chuẩn duy nhất đánh giá thành tựu kinh tế. Còn GDP xanh sẽ đánh giá toàn diện các mặt tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.

Số liệu thống kê theo tiêu chí GDP xanh, vì vậy chắc chắn không chỉ phản ánh thực chất sự tăng trưởng của kinh tế mà còn chỉ ra các tổn thất môi trường, xã hội mà sự tăng trưởng kinh tế có thể gây ra. Việt Nam cũng đã đề xuất một số các chỉ tiêu giám sát và đánh giá sự phát triển kinh tế bền vững gồm: chỉ số phát triển con người (HDI), chỉ số bền vững môi trường (ESI), hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) và mức độ góp phần giảm mạnh tỷ lệ đói nghèo[3]…

Hiện nay, hoạt động kinh tế ở đại dương và các vùng biển (dầu khí, vận tải, cảng biển, nghề cá, du lịch, nghỉ dưỡng, năng lượng tái tạo, làm ngọt nước nước biển, các dịch vụ…) có doanh số hàng năm, khoảng 3-6 nghìn tỷ USD[4].

Tổng giá trị chức năng, dịch vụ sinh thái (khí hậu, nước, đất, dinh dưỡng…) từ các hệ sinh thái biển lớn hơn doanh thu hàng năm khoảng 3-7 lần, ước tính khoảng 21 nghìn tỷ USD/năm[5].

Sự phát triển xanh lam, bền vững của đại dương đang phải đối mặt với 4 vấn đề cốt lõi: nghề cá thiếu bền vững; khí hậu toàn cầu thay đổi và axit hoá đại dương; ô nhiễm và chất thải; mất nơi cư trú, suy giảm đa dang sinh học và các loài sinh vật ngoại lai1.

Nhận thức về những ngành kinh tế biển quan trọng ở Việt Nam

Theo các chuyên gia APEC (2004), kinh tế biển và đại dương bao gồm 9 lĩnh vực trọng yếu: 1) Dầu khí (khoáng sản); 2) Nghề cá/nuôi trồng hải sản (nguồn lợi sinh vật, kể cả thực vật biển); 3) Vận tải biển (hàng hải, cảng, đóng tàu); 4) Phòng thủ (an ninh quốc phòng – dịch vụ quốc gia); 5) Công trình biển (công trình bảo vệ bờ, phục hồi, lấn biển); 6) Du lịch, nghỉ dưỡng (dịch vụ thư giãn, giải trí); 7) Chế tạo (thiết bị, máy, y khoa…); 8) Dịch vụ biển (vẽ bản đồ, đo đạc, tư vấn); 9) Nghiên cứu biển và giáo dục. Giá trị kinh tế của nhóm 1- 4 có thể xác định bằng hệ thống thống kê chuẩn của quốc gia. Còn lại, nhóm 5-9 thì khó định rõ, thông tin của các dữ liệu hết sức khác nhau giữa các nền kinh tế.

Phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ chủ quyền lãnh hải là công việc dài hơi. Điều quan trọng hàng đầu là trước khi hoạch định các kế hoạch phát triển và bảo vệ biển, phải có sự chuẩn bị đầy đủ 3 việc:1) Điều tra, đánh giá các quá trình sinh thái – hải dương học, các tai biến, các giá trị chức năng, dịch vụ, các dạng tài nguyên, nguồn lợi và môi trường; 2) Phát triển các dạng dịch vụ công ích và tư vấn; 3) Xây dựng công trình biển, cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Đánh giá các giá trị kinh tế thường căn cứ vào 3 chức năng của biển và đại dương đối với sự phát triển của loài người[6]: 1) Cung cấp vật chất, năng lượng; 2) Chức năng sinh thái và dịch vụ: tiếp nhận và xử lý các nguồn thải từ lục địa, từ các hoạt động kinh tế, xã hội quốc phòng ngay trên biển và đại duong, các dịch vụ văn hóa (đời sống tinh thần, tâm linh….cơ sở để phát triển các ngành kinh tế như giải trí, giáo dục, du lịch, nghỉ ngơi), dịch vụ điều tiết (điều hòa khí hậu, lưu trữ khí carbonic, kiểm soát lượng mưa, lọc nước, lọc không khí, bảo vệ con người trước thiên tai, xói lở, lũ lụt), dịch vụ hỗ trợ (sự hình thành đất, nước, bảo đảm cho các quá trình sinh trưởng sinh vật, các chu trình sinh hóa địa…) và 3) Vai trò mặt bằng, giá đỡ cho mọi hoạt động kinh tế, xã hội và quốc phòng.

Ở Việt Nam, kinh tế biển chủ yếu là công nghiệp khai thác dầu khí, vận tải biển, nghề cá, nuôi trồng hải sản, du lịch, nghĩ dưỡng và quốc phòng. Quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển Việt Nam hiện nay ước tính chiếm khoảng 47- 48% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế “thuần biển”, chiếm khoảng 20-22% tổng GDP cả nước.

Trong các ngành kinh tế biển, đóng góp của các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm tới 98%, chủ yếu là khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải (vận tải biển và dịch vụ cảng biển), du lịch biển.

Các ngành kinh tế có liên quan trực tiếp tới khai thác biển như đóng và sửa chữa tàu biển, chế biến dầu khí, chế biến thủy, hải sản, thông tin liên lạc… bước đầu phát triển, nhưng quy mô còn rất nhỏ bé (chỉ chiếm khoảng 2% kinh tế biển và 0,4% tổng GDP cả nước)[7].

Đặc biệt, ngành vận tải biển, bao gồm hệ thống cảng biển là yếu tố, động lực phát triển bền vững kinh tế trong khu vực. Cụm cảng Việt Nam có lợi thế là nằm trên một trong những tuyến đường thương mại biển lớn nhất thế giới, trong vùng nguyên liệu địa phương, lao động dồi dào. Việc mở rộng cảng ở vùng này còn tạo điều kiện cho sự phát triển du lịch, dịch vụ.

Tuy nhiên, trong thực tế, kinh tế cảng biển Việt Nam đang hoạt động không hiệu quả[8], đang phải đối mặt với những khó khăn như các cơ sở hạ tầng, các mối liên kết- logistic và cách thức tổ chức, khai thác thiếu tính cạnh tranh.

Các chỉ tiêu hàng hóa thông qua cảng trên đầu người rất thấp so với các nước trong khu vực (chỉ bằng 1/140 của Singapore, 1/7 của Malaysia và 1/5 của Thái Lan)7. Ước tính hàng năm có doanh thu từ 6-8 tỉ USD, tuột khỏi tay các đơn vị kinh doanh dịch vụ hàng hải bản địa, đang bị nước ngoài chi phối[9].

Các chuyên gia nhận định một cách khái quát rằng, sự phát triển của kinh tế biển Việt Nam còn quá nhỏ bé và nhiều yếu kém so với tiềm năng và so với các nước trong khu vực, như Nhật Bản là 468 tỷ USD, Hàn Quốc là 33 tỷ USD…

Thêm vào đó, tác động đến môi trường sinh thái, xã hội do phát triển kinh tế biển cũng đang là vấn đề nổi cộm. Kết quả sử dụng phương pháp điều tra, phỏng vấn và sử dụng mô hình Gutman (1999) để xử lý kết quả thăm dò ngẫu nhiên các ý kiến của chuyên gia cho thấy những nhận thức ban đầu của các chuyên gia về tầm quan trọng và vai trò cũng như tác động của một số ngành kinh tế biển trong quá trình phát triển (bảng 1)[10].

Bảng 1. Ma trận thông tin về vai trò kinh tế, tính hiệu quả xã hội và sự tác động xấu đến môi trường của một số ngành kinh tế biển theo phiếu thăm dò chuyên gia

(thang điểm 100, xử lý theo mô hình Gutman, 1999)

Ngành kinh tế biển

Vai trò

Kinh tế

(A)

Hiệu quả xã hội

(B )

Tác động xấu đến môi trường (C)

Tổng số

điểm

G=A+B-C

Xếp thứ tự mức độ ưu tiên chọn lựa
Cảng biển 89 85 20 154 2
Giao thông vận tải biển (11% GDP biển) 82 67 36 113 5
Đóng tàu 12 15 40 -13 11
Dầu khí(64% GDP biển) 90 95 30 155 1
Du lịch, nghỉ dưỡng (9% GDP biển) 65 70 17 118 4
Khai thác cá biển và hải sản (14% GDP biển) 85 75 10 150 3
Nuôi trồng hải sản 70 75 40 115 6
Chế biến hải sản 70 45 45  70 7
Xử lý chất thải  17  8  5  20 9
Lấn biển  15 20 8 27 8
Khai khoáng và vật liệu xây dựng 10 15 35 -10 10
Những ngành nghề khác ? ? ? ? ?

Qua bảng 1, ta thấy phần lớn các ý kiến của chuyên gia đều không đánh giá cao nghành kinh tế khai khoáng, vật liệu xây dựng và đóng tàu.

(còn nữa)

PGS. Nguyễn Tác An/Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Biển Việt Nam


[1] IOC, 2011. A Blue Print for Ocean and Coastal Sustainability

[2] Nguyễn Tác An. Development of “Blue-Green economy” in VietNam: Issues and Prospects. Viet Nam- Han Quốc forum, tp Hồ Chí Minh, 22/2/2012

[3] Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020.

[4] World Ocean Council. (2011). Retrieved from: http://www.oceancouncil.org/site/faq.php

[5] Costanza, R. et al (1987). The Value of the World’s Ecosystem Services and Natural Capital. Nature. 387, 253-260.

[6] . UNEP, 2007. Total economic values of coastal habitats

[7] Ngọc Hiến, 2008. Kinh tế biển Việt Nam, tiềm năng và thực trạng

[8].Káp Long –Nguyễn Đức, 2012.Cảng ngàn tỉ đói tàu.

[9] Ngô Lực Tải, 2012. Kinh tế biển

[10] Nguyễn Tác An, 1999. Quản trị các ngành kinh tế biển quan trọng