Châu Á – Thái Bình Dương cần tăng tốc cho Mục tiêu Thiên niên kỷ 2015

ThienNhien.Net – Bản báo cáo “Tăng tốc hoàn thành Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ: Xóa bỏ khoảng cách về sức khỏe và dinh dưỡng ở Châu Á – Thái Bình Dương”  do Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Phát Triển Châu Á (ADB) vừa công bố tuần qua ghi nhận khu vực đã có những tiến bộ vượt bậc trong công cuộc giảm nghèo, song cần nỗ lực nhiều hơn để hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên nhiên kỷ còn lại, đặc biệt mục tiêu giảm tỉ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em.

Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã đạt được kết quả tốt trong lĩnh vực giảm đói nghèo, tỉ lệ người có thu nhập dưới 1,25 USD/ngày đã giảm từ 50% xuống còn 20% trong giai đoạn 1990 – 2009. Bên cạnh đó, một số Mục tiêu Phát triển Thiên nhiên kỷ (MDGs) khác cũng đã được hoàn thành trước mốc 2015, như đẩy mạnh cân bằng giới trong giáo dục, giảm lây lan HIV, chấm dứt lây lan bệnh viêm phổi, tăng diện tích che phủ của rừng, giảm sử dụng những chất làm suy thoái tầng ôzôn và giảm một nửa tỉ lệ người không được sử dụng nước sạch.

Tuy nhiên, bất chấp sự tăng trưởng về kinh tế, tỉ lệ tỷ vong của trẻ dưới 5 tuổi và bà mẹ trong khi sinh vẫn ở mức cao. Báo cáo cảnh báo rằng với tiến độ hiện tại thì khu vực Châu Á – Thái Bình Dương khó có thể đạt được MDGs liên quan tới việc loại bỏ nạn đói, giảm tử vong ở trẻ em và nâng cao sức khỏe bà mẹ.

“Xét trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng những năm gần đây, hoàn toàn không thể chấp nhận được sự chênh lệch lớn trong và giữa các quốc gia đang gia tăng và tình trạng có quá nhiều bà mẹ và trẻ em tử vong. Chúng ta phải nỗ lực gấp đôi để thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và cố gắng hơn nữa để đạt được MDGs vào năm 2015”, ông Bindu Lohani, Phó Chủ tịch về Quản lý Tri thức và Phát triển bền vững của ADB cho hay.

Cũng theo bản báo cáo, nếu như chính phủ các nước có ý định nâng cao các tiêu chuẩn về sức khỏe thì họ sẽ phải chú trọng hơn nữa tới nhu cầu của người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương.

Ông Noeleen Heyer, Bí thư chấp hành Ủy ban Kinh tế xã hội khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của LHQ (ESCAP) kiêm Phó Tổng Thư ký LHQ phát biểu sau khi công bố bản báo cáo: “Chúng ta đang phải chạy đua với thời gian, chỉ 3 năm nữa thôi là tới hạn hoàn thành MDGs. Mặc dù vậy, theo những phân tích của chúng tôi, nếu trong thời gian còn lại các quốc gia nỗ  lực gấp đôi thì chúng ta vẫn có khả năng hoàn thành những mục tiêu này. Chúng ta đã sắp tới đích. Đây là lúc chúng ta phải nỗ lực hết mình”.

Còn theo ông Ajay Chhibber, trợ lý Tổng Thư ký LHQ kiêm Phó Giám đốc Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) thì: “Rõ ràng là để đạt được những tiến bộ về y tế cần phải có những can thiệp của ngành y tế, tuy nhiên tiến bộ của các lĩnh vực khác ngoài y tế như nước sạch, dinh dưỡng, giáo dục và quyền bình đẳng giới còn tác động nhiều hơn tới ngành này”.

Bức tranh toàn cảnh về tiến độ

Báo cáo cũng chỉ rõ những chênh lệch đáng chú ý về tiến độ thực hiện MDGs giữa và trong các tiểu vùng, các quốc gia và thậm chí cả các nhóm xã hội. Trong khi toàn khu vực Nam Á mới chỉ hoàn thành được 9 chỉ tiêu MDGs thì Sri Lanka đã đạt được thành tích vượt trội trong khu vực với việc hoàn thành 15 chỉ tiêu.

Mặc dù số người không được sử dụng nước sạch trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã giảm từ 856 triệu xuống còn 466 triệu trong thời gian từ 1990 đến 2008 nhưng hơn một nửa dân số thế giới đang chịu cảnh thiếu nước sạch vẫn tập trung tại khu vực này. Theo số liệu năm 2008, 70% tổng số dân của các nước đang phát triển trong khu vực vẫn không được tiếp cận các điều kiện vệ sinh dịch tễ.

Vì sao một số quốc gia lại thành công hơn?

Cũng theo báo cáo, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng sức khỏe yếu kém của người dân là do không có đủ ngân sách cho y tế. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như thiếu đội ngũ cán bộ y tế, chi tiêu cho sức khỏe cộng đồng không hiệu quả.

Các nhân tố ngoài ngành y tế khác cũng có ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe người dân. Tiếp cận với nước sạch, nâng cao cơ sở hạ tầng và điều kiện vệ sinh dịch tễ có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Thêm vào đó, chính sách quản lý tốt cũng là một yếu tố rất quan trọng, ví dụ như tại các quốc gia có khả năng kiểm soát nạn tham nhũng tốt, sức khỏe của người dân cũng tốt hơn.

Nên thúc đẩy như thế nào?

Báo cáo cho biết một số quốc gia chỉ cần nỗ lực thêm một chút, còn 14 quốc gia khác đang bị tụt hậu cần tăng tốc hơn để đạt mục tiêu giảm một nửa tỉ lệ trẻ thiếu cân vào năm 2015.

Bản báo cáo cũng vạch ra một chương trình nghị sự gồm 8 vấn đề để có thể hoàn thành MDGs về y tế. Điều này đòi hỏi phải giải quyết những yếu tố quyết định về mất cân bằng y tế, thiết lập một hệ thống chăm sóc sức khỏe công bằng, dễ tiếp cận, thuận lợi cũng như cải thiện các dịch vụ về phòng bệnh, chăm sóc và chữa bệnh cho bà mẹ và trẻ em.